Pages

9 thg 3, 2013

Tụng vợ nhân ngày 8/3


CÁC ĐỊNH NGHĨA VỀ VỢ


VỢ LÀ.... (Bài 1)
Vợ là mẹ các con ta
Thường kêu bà xã, hiệu là phu nhân
Vợ là tổng hợp : bạn thân,
Thủ trưởng, bảo mẫu, tình nhân, mẹ hiền...
Vợ là ngân khố, kho tiền
Gởi vô nhanh gọn, hơi phiền rút ra
Vợ là biển cả bao la
Đôi khi nổi sóng khiến ta đắm phà
Vợ là âm nhạc, thi ca
Vừa lá cô giáo, vừa là luật sư
Cả gan đấu khẩu vợ ư ?
Cá ươn không muối, chồng hư cãi "bà" (vợ)
Chồng ơi ! đừng có dại khờ
Không vợ, đố biết cậy nhờ tay ai
Vợ là phước, lộc, thọ, tài ...
Thuộc trăm định nghĩa, trả bài vợ khen.


VỢ LÀ… (Bài 2)
Vợ là quả ớt chín cây
Đỏ tươi ngoài vỏ rất cay trong lòng.
Vợ là một đoá hoa hồng
Vợ là "sư tử Hà Đông" trong nhà.
Vợ là nắng gắt mưa sa
Vợ là giông tố phong ba bão bùng.

Nhiều người nhờ Vợ lên Ông
Nhiều người vì Vợ mất không cơ đồ
Vợ là cả những vần thơ
Vợ là cả những giấc mơ vơi đầy
Vợ là một chất men say
Là nước hoa ngoại làm ngây ngất lòng
Vợ là một áng mây hồng
Vợ là hoa hậu để chồng mê say.

Vợ là khối óc bàn tay
Vợ là bác sĩ tháng ngày chăm ta
Vợ là nụ Vợ là hoa
Vợ là chồi biếc Vợ là mùa xuân.

Vợ là tín dụng nhân dân
Vợ là kế toán giải ngân trong nhà
Vợ là biển rộng bao la
Vợ là hương lúa đậm đà tình quê
Vợ là gió mát trưa hè
Vợ là hơi ấm thổi về đêm đông.

Vợ là chỗ dựa cho chồng
Nhiều ông dám bảo vợ không là gì!?
Khoan khoan hãy nghĩ lại đi
Vợ quan trọng lắm không gì hơn đâu.
Việc nhà vợ có công đầu
Nấu cơm, nấu nước, rửa rau, pha trà.
Vợ là máy giặt trong nhà
Vợ là Cát-sét Vợ là Tivi.

Nhiều đêm Vợ hát Chồng nghe
Lời ru xưa lại vọng về trong ta.
Vợ là làn điệu dân ca.
Vợ là bà chủ, vợ là nhân viên
Vợ là cái máy đếm tiền
Vợ là "Nội lực" làm nên cơ đồ
Vợ là thủ quỹ thủ kho
Vợ là hạnh phúc ấm no trong nhà.

Vợ là vũ trụ bao la
Nhiều điều bí ẩn mà ta chưa tường.
Khi nào giận, lúc nào thương.
Sớm mưa, chiều nắng ai lường được đâu.
Vợ là một khúc sông sâu
Vợ như là cả một bầu trời xanh
Vợ là khúc nhạc tâm tình
Vợ là cây trúc bên đình làm duyên
Vợ là cô Tấm thảo hiền.
Vợ là cô Cám hám tiền ham chơi.
Vợ là con Phật, cháu Trời,
Rẽ mây rơi xuống làm người trần gian.
Vợ là...

VỢ LÀ TRỜI (Bài 3)
Khi còn là người yêu, vợ là Thiên Thần
Còn em gái của vợ là... Thiên Nga
Những lá thư của vợ là Thiên Thư
Con đường xưa vợ đi là Thiên Đường
Dáng vợ lướt như là... Thiên Long Bát Bộ
Mùi thơm của vợ là Thiên Hương
Tướng đi của vợ là Thiên Tướng
Vợ có tài tề gia nội trợ là Tề Thiên Đại Thánh
Vợ trang điểm là Thiên Hình Vạn Trạng
Phòng ngủ của vợ là Thiên Cung
Nhà của vợ là Thiên Đình
Thành phố vợ ở là Thiên Đô
Chữ nghĩa của vợ là Thiên Văn
Suy nghĩ của vợ là Thiên Kiến
Lý lẽ của vợ là Thiên Lý
Ý vợ muốn là... Thiên Thạch
Vợ quyết mọi việc, gọi là Thiên Định
Lời vợ dặn là Thiên Lệnh
Vợ gọi thì chồng phải... Thiên Bẩm
Con của vợ là Thiên Tử
Ba mẹ anh chị em họ hàng bên vợ là Thiên Triều
Vợ quen chân đi chơi rông dài là Thiên Di
Vợ ngồi lê đôi mách, nói chuyện tào lao là Thiên Tào
Vợ nổi cơn thịnh nộ là Thiên Lôi
Tài mua sắm của vợ là Thiên Phú
Vợ chỉ biết mình là Thiên Vị
Có bồ nhí mà vợ biết được là Thiên Tai
Bị vợ đo hạ ván là Thiên Hạ
Có hai vợ là... Nhị Thiên Đường
Tiền lương, tiền túi, tiền cà phê cà pháo đều bị vợ tóm gọn là Thiên Thu
Hình bóng vợ nay đã đi vào dĩ vãng là Thiên Cổ


VỢ LÀ...
(Thơ Nguyễn Bảo Sinh)

Vợ là thánh chỉ vua ban
Có sao dùng vậy không bàn đúng sai
Quỷ thần chứng cả hai vai
Vợ là chân lý không sai bao giờ ?


VỢ VÀ TA
Vợ, từ thiếu nữ hiền lành
Đến khi xuất giá trở thành... "quan gia"
Vợ là con của người ta
Và ta quen Vợ chẳng qua vì tình
Có quan thì phải có binh
Nên ta làm... lính hầu tình "quan gia"
Con ta do Vợ sanh ra
Nên ta với Vợ... chẳng bà con chi
Tại vì hôm Vợ vu quy
Ta lỡ làm... lính hầu đi bên nàng
Làm lính chứ không... làm tàng
Tính chất Vợ ta phải càng hiểu hơn
Mỗi khi mà Vợ giận hờn
Áp dụng "công thức giản đơn"... làm huề
Khi Vợ đă ngỏ lời... chê
Thì nên sửa đổi... "đa bê" tức thì (database)
Mỗi khi Vợ nhờ chuyện gì
"Program" Vợ viết nhớ ghi trong lòng
Khi Vợ đă nói là... "không!"
"Nguyên hàm bất định", đừng mong tìm dò
Vợ mà nổi nóng dằn co
"Bảo toàn định luật" phải lo sẵn sàng
Khi nào cùng Vợ ra đàng
"Bảy hằng đẳng thức" sẵn sàng lắng nghe
Mỗi khi mà đă ngừng xe
Phải lo... "chuyển vế " mở xe cho nàng
Cùng Vợ đi vào nhà hàng
Không nên tự ư "khai hàm tích phân"
Hễ thấy Vợ cứ nhăn nhăn
"Khảo sát hàm số" nhưng cần làm thinh
Vợ... "input" chữ "Shopping"
Th́... "output" phải áo xinh, váy đầm...
Muốn Vợ đừng có... chầm bầm
Credit cards cứ âm thầm... "khai căn"
Nếu... lỡ mà có lăng nhăng
"Giá trị tuyệt đối" một lần rồi thôi
Tính Vợ mà có muôn đời
Phải nhường Vợ chức... "đương thời quan gia"
Muốn Vợ trẻ măi không già
Lưng ta chắc phải như là... "parabol"
Tính chất Vợ thì phải tuân
Kẻ làm... lính phải luôn luôn thật thà
Nấu cơm, đi chợ, quét nhà...
Quan gọi thì... dạ , bẩm bà có ngay
Quan thương sẽ cười suốt ngày
Quan ghét... lính sẽ bị đày khổ sai
Hễ ai có cười chê bai
Đổ thừa... thương Vợ chứ ai mà...đần
Tính chất phải... học nhiều lần
Nếu không áp dụng trăm phần trăm... thua!!!

SỢ VỢ
Ngồi buồn kiếm chuyện nói chơi,
Nhất vợ nhì trời... là chuyện tự nhiên.
Ðàn ông sợ vợ thì sang,
Ðàn ông đánh vợ tan hoang cửa nhà.

Ðàn ông không biết thờ "bà"
Cuộc đời lận đận kể là vứt đi.
Ðàn ông sợ vợ ai khi,
Vợ mình, mình sợ sá gì thế gian!!!

Ðàn ông khí phách ngang tàng,
Nghe lời vợ dạy là hàng "trượng phu."
Ðàn ông đánh vợ là ngu,
Tốn tiền cơm nước, ở tù như chơi.

Lấy nàng từ thuở mười ba,
Ðến khi mười chín tôi đà năm con.
Nàng thì trông hãy còn son,
Tôi thì đinh ốc, bù lon rã rời.

Nắng mưa là chuyện của trời,
Tề gia nội trợ có tôi bao thầu.
Suốt ngày cày cấy như trâu,
Chiều về rửa chén cũng "ngầu" như ai.

Nấu cơm, đi chợ hàng ngày,
Bồng con, thay tã tôi đây vẹn toàn.
Lau nhà, lau cửa chẳng màng,
Ôi thời oanh liệt ngang tàng còn đâu.

Nhiều khi muốn hộc xì dầu,
Xin nàng nghỉ phép, nàng chau đôi mày.
Nàng đòi thi đấu võ đài,
Tung ra một chưởng, chén bay ào ào.

Nhớ xưa mình mới quen nhau,
Em ăn, em nói ngọt ngào dễ thương.
Cho nên tôi mới bị lường,
Mang thân ngà ngọc cậy nương nơi nàng.

Than ôi thực tế phũ phàng,
Mày râu một kiếp thôi đành đi đoong.
Một lòng thờ dzợ sắt son,
Còn non còn nước thì tôi còn... thờ.


"Sợ vợ"



"Dù không sinh đẻ ra ta
Nhưng công nuôi dưỡng thật là lớn lao
Khi ta đau ốm xanh xao
Vợ lo chăm sóc hồng hào khỏe ngay
Sợ ta đi trật đường ray
Vợ liền theo dõi kéo ngay về nhà
Khi ta tán tỉnh ba hoa
Vợ liền "quát nạt" để mà răn đe
Lời vợ dạy phải lắng nghe
Mai sau "khôn lớn" mà khoe mọi người
Nói ra xin hãy chớ cười
Vợ ta ta sợ, vợ người… còn lâu!".

Việc làm và thu nhập: Câu chuyện thứ hai


Sang Mỹ tìm việc với 1.000 USD và tiếng Anh 'bồi'


(Vnexpress) - Sau 3 tuần liên tục nộp hồ sơ thì có 4 công ty gửi mail từ chối. Một công ty gọi điện nhưng tôi không nghe rõ tiếng Anh nên họ cũng lắc đầu luôn...
Nửa năm trước, tôi đã chia sẻ tâm sự về việc "lương tháng 6.5 triệu đồng và tôi luôn thấy mệt mỏi". Bây giờ, tôi quay lại, kể tiếp câu chuyện của mình sau khi sang Mỹ được 4 tháng.
Tôi biết giấc mơ trời Tây không hề dễ dàng như anh giám đốc uống một thùng bia mỗi ngày, mà nó sẽ khó khăn như thằng ăn xin muốn ăn con gà quay trong quán vậy.
Với cái bằng cao đẳng, khả năng Anh văn 'bồi', tôi không là gì cả, nhưng tôi chỉ có một thứ duy nhất là sự quyết tâm để đi con đường mà tôi đã chọn.
Cuộc sống khó khăn lúc nhỏ đã luôn thôi thúc tôi lúc nào cũng tìm cách để tiến lên phía trước. Tôi đã tìm hiểu rất nhiều con đường một cách chi li, cặn kẽ, và bây giờ tôi đã xuất ngoại được 4 tháng.
Khi mới đến đây, tôi bơ vơ, không bà con, không người thân. Chỉ có 1.000 USD bỏ túi với chút vốn anh ngữ lận lưng. Tôi chọn ở nhà một người Việt Nam. Thời gian này tôi đi làm ở nông trại, đồng thời gửi hồ sơ xin việc trên mạng.
Lúc tôi sang, là gần Noel. Trời hay mưa nên công việc ở nông trại không được nhiều tiền, chỉ đủ trả tiền trọ 100USD/tuần. Tôi nhận nấu ăn cho mấy người trong nhà nên tiền ăn tôi được miễn.
Sau 3 tuần liên tục nộp hồ sơ thì có 4 công ty gửi mail từ chối. Đến tuần thứ 4, may mắn có công ty gọi.
Nhưng lúc đó tôi nghe tiếng Anh qua điện thoại chưa quen, nên chỉ nghe được rất ít vậy là người ta lắc đầu luôn, kêu tôi gắng luyện thêm Anh văn.
Thất vọng, nhưng tôi vẫn tiếp tục nộp hồ sơ. Trong thời gian này tôi cũng mò mẫm tìm hiểu. Đi mở tài khoản ngân hàng, làm mã số thuế... Vì vậy mà mỗi ngày ra ngoài nói chuyện, tôi thấy tự tin hơn.
3 tuần sau, chính công ty đó lại gọi lại (vì tôi tiếp tục ứng tuyển sau cuộc điện thoại đó). Lần này tôi cố gắng kêu ông ta nói chậm và thật cố gắng lắng nghe để dành được một lời mời phỏng vấn.
Vậy là thành công phân nửa. Tôi vui mừng, tìm đường đến công ty (cách nơi tôi ở 200km). Không nhờ được ai chở, không có tuyến xe lửa, tôi phải đi xe buýt đường dài. Tốn 120USD cho 2 ngày đi về và ngủ lại ở nhà trọ buổi tối.
Khi phỏng vấn trực tiếp, tôi nghe rõ ràng hơn, và người phụ trách tuyển dụng biết và có cảm tình với đất nước Việt Nam, nên cuộc phỏng vấn chỉ là cuộc trò chuyện vui vẻ. Tôi được nhận vào làm.
Tôi chuyển đến ở gần nơi làm việc. Mùa nghỉ lễ nên không thuê được nhà trọ nào quanh chợ, tôi phải ở tạm trên núi. Tôi mua xe đạp đi làm.
Đến hết kỳ nghỉ, được đồng nghiệp giới thiệu, tôi chuyển đến một khu trọ giá rẻ hơn, ở gần chợ và ổn định tại đó.
Trải qua nhiều khó khăn, bây giờ cuộc sống tôi đã tạm ổn. Thu nhập 40.000$/năm không phải là điều mơ mộng mà đã có thể thành sự thật. Ngoài ra còn thu được rất nhiều cảm xúc và kinh nghiệm quý giá.
Tôi hiểu ra, nhiều ước mơ không dễ thành hiện thực. Nhưng đã mơ, hãy mơ bằng tất cả niềm tin và nỗ lực của mình.
Phương Tây không phải là thiên đường để cứ đến sẽ có các thiên thần che chở. Hãy nuôi dưỡng giấc mới bằng kiến thức, sự tìm hiểu cặn kẽ và lòng quyết tâm.
Tôi, đã ở đây, đã sống tốt và đang tìm cách để ở lại lâu dài. Xa hơn là tìm cách đưa người thân ở quê sang đây tìm đường đi mới.
Cuộc sống nơi đây tẻ nhạt. Sáng đi làm, chiều về nấu cơm, ăn cơm, nghỉ ngơi và ngủ, chỉ vậy thôi. Nhưng khi đã thích nghi, tôi có được cảm giác thoải mái và ổn định.
Lời kết, tôi muốn gửi đến tất cả các bạn trẻ như tôi rằng mọi con đường đều khó khăn cả. Nhưng mọi khó khăn thế nào rồi cũng sẽ qua nếu như bạn cố gắng bò, lê hay lết như thế nào đó. Miễn sao cứ hết sức và đừng bỏ cuộc.
Vincent

Việc làm và thu nhập: Câu chuyện thứ nhất


Lương tháng 6,5 triệu đồng và tôi luôn thấy mệt mỏi


(Vnexpress) - 23 tuổi, tôi đang có một công việc ổn định ở Sài Gòn lương 6,5 triệu đồng. Nếu xuất ngoại theo anh chị thì có thể kiếm 40.000 đôla/năm nhưng tôi không muốn. Tôi không thể nào chấp nhận cuộc sống cứ mãi chầm chậm thế này.
Tôi, một chàng trai miền Tây 23 tuổi, sống ở đất Sài Gòn 5 năm trời với bao ước mơ cuộc đời từ thuở bé và hy vọng thực hiện được.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân, bao khó khăn và bất ổn đã luôn thôi thúc tôi muốn tạo nên cuộc sống sung túc và hạnh phúc hơn. Lên lớp 6 tôi đã bắt đầu học cách đi kiếm tiền cùng với mẹ. Những đồng tiền nhỏ bé nhưng đủ lo cho bữa ăn để 7 anh em chúng tôi cùng nhau yên tâm đến trường với ước mơ thay đổi cuộc sống.
Và những khát vọng ước mơ đã hình thành từ đó.
Tôi bắt đầu cuộc đời bôn ba bằng việc đi học nơi xa, nào là Đồng Tháp, Cần Thơ, Sài Gòn, Đồng Nai. Sau 5 năm trời tôi đã đi từ miền Tây tới miền Đông mang theo những mơ mộng và hoài bão của chàng trai mới lớn, những con đường và ý chí đã được đình hình từ khi còn rất trẻ.
Tôi chỉ mới tốt nghiệp cao đẳng nhưng có chút vốn tiếng Anh tự mày mò, cùng với kinh nghiệm thực tế tôi đã vào làm được ở một công ty nước ngoài với mức lương 6,5triệu đồng/ tháng.
Một công việc rất ổn định, rất thoải mái mà ở vị trí của mình tôi hiểu như thế là thật may mắn rồi. Nhưng dường như con người tôi sinh ra không phải chỉ có thế, tôi luôn cảm thấy mệt mỏi dù công việc rất tốt, luôn cảm thấy không hài lòng khi những bản kế hoạch của mình còn nằm trên giấy.
Tôi muốn chọn con đường lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Không có vốn, tôi biết kế hoạch của mình sẽ còn rất dài và xa, nhưng tôi còn trẻ và không thể nào chấp nhận cuộc sống sẽ mãi chầm chậm thế này.
Tôi dằn vặt với những kế hoạch đã vạch sẵn của mình: có nên tiếp tục đi theo ước mơ cuộc đời, mà các cụ còn gọi là sự mơ mộng , hay là chấp nhận vừa làm vừa học sau 2-3 năm nữa sẽ nhận mức lương trên 10triệu đồng/tháng (Công ty có chính sách rất tốt nên theo tỉ lệ tăng lương hàng năm và khi học xong ĐH chắc chắn tôi sẽ được ổn định).
Gia đình thì không còn khó khăn như ngày xưa. Anh chị thì muốn tôi xuất ngoại. Xuất ngoại một năm có thể kiếm 40.000 USD và cũng chấp nhận cuộc sống bình thường, sáng vô hãng làm, chiều lại về ngủ. Cũng có thể nhiều bạn trẻ đang mơ ước có một công việc như thế.
Những khó khăn nhất tôi đã từng biết, những sự bình yên và cuộc sống ổn định tôi cũng đã có, tôi chỉ thiếu điều là mục tiêu cuộc đời chưa đạt được.
Tôi không giàu có, không có nhiều tiền, bỏ công việc hiện tại và tương lai ổn định để theo đuổi điều gì đó không chắc chắn hay còn gọi là mơ hồ thì có nên hay không?
Tôi đã cảm nhận được cuộc sống không dài như ta tưởng, rất ngắn ngủi. Nếu cái gì mình nghĩ mà không làm thì dần sẽ phai nhạt theo thời gian, và sẽ làm chúng ta trở nên yếu đuối.
Nếu đợi đến khi có gia đình rồi thì phải nghĩ cho vợ cho con, sẽ không thể nào tự do và từ bỏ cuộc sống ổn định được. Nên tôi nghĩ mình phải sống để cuộc đời mình sẽ không vô nghĩa và hối hận khi trở về với cát bụi.
Đúng hay là sai?
Vincent

7 thg 3, 2013

CSGT không được dừng xe xử lý 'không chính chủ'


(Vietnamnet) - Từ ngày 15/4, lực lượng công an có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện khi xe đang lưu thông".


Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 11 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 34 và Nghị định số 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Đáng chú ý, trong số các quy định của thông tư 11 có quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.
Theo đó, đối với các xe đang lưu thông trên đường, lực lượng công an có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.
Thông tư 11 cũng nêu rõ: Lực lượng chức năng thông qua công tác đăng ký cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe (mua, bán xe không sang tên) theo quy định tại Thông tư của Bộ Công an quy định về đăng ký xe, thì phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm “mua, bán xe không sang tên”.
Lực lượng này chỉ phạt trong trường hợp quá thời gian 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định.
Thông tư số 11 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/4/2013.
Trước đó, theo Dự thảo nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt vừa được Bộ GTVT lấy ý kiến lần 2 quy định, từ 1/7, xe mô tô, gắn máy sẽ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với xe cá nhân (200.000 – 400.000 đồng với tổ chức) là xe không làm thủ tục chuyển đổi lại giấy đăng ký xe theo quy định sau khi đã mua, được cho tặng, được thừa kế tài sản là phương tiện.
Với cá nhân là chủ ô tô, máy kéo, xe chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô sẽ bị phạt từ 2 – 4 triệu đồng (với chủ xe là tổ chức mức phạt là 4 – 8 triệu đồng) nếu không làm thủ tục sang tên đổi chủ.

Xe chính chủ: "Nghĩ phạt thật nặng dân mới sợ là sai lầm"

(http://infonet.vn) - "Trước đây nhà nước cho phép người dân được mua, sử dụng xe không chính chủ. Giờ lại đột ngột mang ra xử phạt. Người dân không thể cứ chạy theo chính sách được".


Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Infonet xoay quanh chủ trương xử phạt xe không chính chủ, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông cho rằng, với khoảng 20 triệu trên tổng số gần 40 triệu xe máy không chỉnh chủ hiện nay, nếu chỉ có vài tháng làm thủ tục sang tên là quá gấp gáp, không thể làm kịp.
T.S Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, khi hạ tầng cơ sở chưa hoàn chỉnh, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn thì không nên áp dụng mức xử phạt nặng. Ảnh IT
TS Thủy cũng thẳng thắn cho rằng, hiện thu nhập và đời sống của người dân đang gặp nhiều khó khăn, nếu áp dụng mức hình phạt quá cao sẽ càng khiến người dân thêm khổ.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian áp dụng xử phạt xe không chính chủ từ thời điểm 1/7 là quá gấp. Quan điểm của TS thế nào về vấn đề này?
Tôi đồng tình với ý kiến trên. Chúng ta đều biết, cả nước hiện có khoảng 40 triệu ô tô, xe máy, trong đó có gần 20 triệu xe không chính chủ. Với một số lượng xe quá lớn như vậy, trong khi cơ quan giải quyết về vấn đề này lại rất ít, nếu thời điểm áp dụng từ 1/7 này sẽ quá gấp.
Nếu cứ cố thực hiện sẽ xảy ra tình trạng người dân xếp hàng chờ đợi làm thủ tục sang tên đổi chủ, gây bức xúc nhiều trong nhân dân.
Vậy theo TS nên áp dụng vào thời điểm nào thì phù hợp?
Thời gian áp dụng có thể đối với ô tô trước, xe máy sau vì lượng ô tô ít hơn nhiều, mặt khác các thủ tục đăng ký mua bán cũng chặt chẽ hơn. Để không gây ra nhiều áp lực, đối với ô tô có thể áp dụng thời gian xử phạt từ cuối năm 2013. Với xe máy có thể tiến hành vào giữa năm sau. 
Một trong những vấn đề lo ngại hiện nay khi làm thủ tục là việc đi tìm chủ cũ của chiếc xe. Theo TS cần phải có cơ chế chính sách gì để giảm tối đa sự phiền hà cho người dân khi đi làm thủ tục?
Đúng là khi triển khai người dân sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như vậy. Vì thực tế cho thấy đa số các phương tiện được mua đi bán lại nhiều lần. Người đang sở hữu chiếc xe hiện tại không hề biết chủ cũ đang làm gì, sống ở đâu, Việt Nam hay nước ngoài…? Làm sao có thể tìm được họ?
Khắc phục tình trạng này, trước tiên Bộ GTVT và Bộ Công an cần tìm và đưa ra giải pháp tối ưu, làm sao để người dân làm thủ tục một cách đơn giản nhất. Theo tôi, trong những trường hợp khó tìm ra chủ cũ, người chủ phương tiện chỉ cần xin xác nhận của địa phương (xã, phường), chứ không cần phải có chữ ký của người chủ cũ. Làm vậy sẽ bớt phiền hà cho dân.
Đã có những ý kiến cho rằng việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với xe không chính chủ là không phù hợp. TS nghĩ sao về việc này?
Quả đúng như vậy. Việc xe không chính chủ không liên quan đến an toàn giao thông. Xe tôi mua có giấy tờ đầy đủ, sao lại có thể là xe ăn cắp được. Vì thế không nên nhập hai nội dung lại làm một, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân.
TS nhận định như thế nào về mức xử phạt quy định trong dự thảo của Bộ GTVT?
Người ta cứ nghĩ phải phạt thật nặng dân mới sợ. Đó là tư tưởng sai lầm. Mỗi chính sách đưa ra phải phù hợp và đi vào cuộc sống. Trước đây nhà nước cho phép người dân được mua, sử dụng xe không chính chủ. Giờ lại đột ngột mang ra xử phạt. Người dân không thể cứ chạy theo chính sách được.
Mức phạt thế nào là phù hợp thì phải xem xét đến điều kiện kinh tế của người dân. Nếu chẳng tính đến điều này, cứ phạt thật nặng thì chỉ khiến người dân thêm khổ.
Xin cảm ơn TS!

Chú ý: Nhãn hàng “Made in PRC” cũng là “made in China”

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng xã hội ở Việt Nam đang dấy lên làn sóng thảo luận sôi nổi về sự xuất hiện của những hàng hóa mới, rất lạ, được gắn mác “made in PRC”. Nhiều người tiêu dùng hoang mang không hiểu những hàng hóa này do nước nào sản xuất, và họ bỗng cảm thấy bàng hoàng khi biết đó thực chất vẫn chỉ là Trung Quốc “đội lốt”.

Trước làn sóng tẩy chay hàng hóa giá rẻ độc hại “made in China” ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã tìm cách liên kết với những nhà nhập khẩu Malaysia, Singapore, và cả các nhà nhập khẩu Việt Nam để gắn mác của những công ty danh tiếng cho sản phẩm của mình, nhưng điều này đã bị cả thế giới phản đối. Cuối cùng để bán được hàng, các doanh nghiệp Trung Quốc đã lựa chọn một mánh lừa lọc mới, gắn mác “Made in PRC” (viết tắt của People republic of China : Cộng hòa Nhân dân Trung hoa) khiến người tiêu dùng nhầm tưởng sang sản phẩm của các quốc gia khác như Pháp hay Úc.
Những thứ hàng hóa phải ngụy trang kiểu “Made in PRC” nhiều khả năng là những sản phẩm có vấn đề về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, bản quyền…, bởi những người làm ra chúng chấp nhận xóa tên đất nước họ để thay bằng một cái tên vô thừa nhận chỉ với mục đích kiếm lời.
Thực tế, việc các doanh nghiệp Trung Quốc “qua mắt” người dùng  bằng cách biến các sản phẩm “made in China” tai tiếng thành những hàng hóa sản xuất từ một nước rất mới “made in PRC” đã xuất hiện cách đây khoảng 1 năm và trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận Mỹ và Ấn Độ. Tuy nhiên, tại Việt Nam không ít người tiêu dùng vẫn còn khá bỡ ngỡ với hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ lạ lùng này. Nhận thức được sự độc hại của các sản phẩm rẻ tiền nên nhiều người tiêu dùng Việt Nam cứ nhìn thấy hàng hóa ghi “made in China” là tránh xa. Nhưng với mánh khóe mới mà Trung Quốc sử dụng như “made in PRC” hoặc in nhãn bằng tiếng Việt đã khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng cho rằng đấy không  phải là hàng Trung Quốc và yên tâm mua hàng.
Chính vì vậy, chỉ cần chú ý quan sát tới mã vạch của các mặt hàng sẽ nhanh chóng phân biệt được ngay đâu là hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, 3 mã số đầu tiên trong mã vạch sản phẩm sẽ là mã quốc gia nơi hàng hóa đó được sản xuất.
Ví dụ như tất cả các mã vạch bắt đầu với 690, 691, 692, 693, 694 và 695 (đầu 6, từ 90-95) là hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc còn những mã vạch bắt đầu bằng 471 là hàng hóa Đài Loan

Ngắm vẻ đẹp thiên thần của "họ nhà vịt"

"Xấu như vịt" là câu nói cửa miệng của người Việt. Điều này quả là... oan uổng cho họ nhà vịt.













Vài nét về người muốn đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của dân

Xem thêm: >> Đề xuất đánh thuế tiết kiệm: Ích kỷ, mù quáng và thiếu hiểu biết!
Doanh nhân Lê Hoàng Châu sinh năm 1954, là một đại gia nổi tiếng trong giới kinh doanh BĐS, nhưng tên tuổi của anh được nhắc đến nhiều hơn từ sau lễ kết hôn với Hoa hậu quý bà Đoàn Thị Kim Hồng.
Đại gia và Hoa hậu

Ngày 9/01/2011, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu đã lên xe hoa ở tuổi 57 cùng "quý bà thành đạt" Đoàn Thị Kim Hồng - một người khá nổi tiếng qua các cuộc thi sắc đẹp.
Lê Hoàng Châu và hoa hậu Kim Hồng từng có quan hệ quen biết từ lâu, nhưng hai người mới thực sự gắn bó từ khi tổ chức cuộc thi “Hoa hậu quý bà Việt Nam” và “Hoa hậu quý bà thế giới”.
Biệt thự xa hoa, siêu xe tiền tỉ

Cho dù ông Lê Hoàng Châu có căn nhà riêng ở quận 7, TP.HCM nhưng hiện tại hai vợ chồng Hoàng Châu - Kim Hồng vẫn sống tại căn biệt thự rộng 1.000 mét vuông xây kiểu Pháp nằm ở khu dân cư Phú Xuân - Vạn Phát Hưng, huyện Nhà Bè. Căn nhà riêng của doanh nhân Hoàng Châu - phu quân hoa hậu Kim Hồng được thiết kế theo phong cách hiện đại mà tinh tế.
Toàn bộ không gian ở mọi ngõ ngách của các căn phòng đều ngập sắc vàng, toát lên vẻ sang trọng, lịch lãm. Nội thất trang trí từ phòng khách đến phòng ngủ đều làm bằng gỗ quý hiếm, sa-lon sang trọng.
Hoa hậu Kim Hồng cũng chia sẻ, hiện tại đang dùng 3 xe: Mercedes E 240, Lexus Hybrids, Toyota Sienna. Tùy vào công việc và đoạn đường đi xa, gần để chọn xe cho phù hợp.
(Theo ĐVO)

6 thg 3, 2013

A Tribute to the Dog - bài diễn văn bất hủ ngợi ca con chó


George Graham Vest (1830-1904) là người rất nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ, nhưng không phải nổi tiếng vì ông là một Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, mặc dù ông làm chức vụ này đến 24 năm. Ông nổi tiếng vì một bài diễn văn, đúng hơn là một bài bào chữa vỏn vẹn có 375 chữ ca ngợi một con chó, khi ông còn là một luật sư.
Vào năm 1870, 9 năm trước khi trở thành Thượng nghị sĩ, luật sư George Graham Vest đã nhận bào chữa cho một người thợ săn kiện một người chăn cừu đã giết chết con chó của mình vì nghi con chó này đã giết những con cừu của ông ta. Tên con chó là Old Drum. Bằng những lời ngợi ca con chó, ông đã thuyết phục được toàn thể hội thẩm đoàn và thân chủ của ông đã thắng kiện.
Bài diễn văn được lưu hành trong văn học Mỹ với cái tên “A Tribute to the Dog” và được tờ New York Times bình chọn là bài diễn văn hay nhất trong tất cả những bài diễn văn trên thế giới trong 1000 năm qua.
Ngày nay, trước trụ sở một tòa án tại Warrensburg, bang Missouri, người ta đã dựng tượng đài một con chó kèm theo “A Tribute to the Dog” để đánh dấu sự kiện lịch sử này.


A Tribute to the Dog
Gentlemen of the Jury: The best friend a man has in the world may turn against him and become his enemy. His son or daughter that he has reared with loving care may prove ungrateful. Those who are nearest and dearest to us, those whom we trust with our happiness and our good name may become traitors to their faith. The money that a man has, he may lose. It flies away from him, perhaps when he needs it most. A man's reputation may be sacrificed in a moment of ill-considered action. The people who are prone to fall on their knees to do us honor when success is with us, may be the first to throw the stone of malice when failure settles its cloud upon our heads.
The one absolutely unselfish friend that man can have in this selfish world, the one that never deserts him, the one that never proves ungrateful or treacherous is his dog. A man's dog stands by him in prosperity and in poverty, in health and in sickness. He will sleep on the cold ground, where the wintry winds blow and the snow drives fiercely, if only he may be near his master's side. He will kiss the hand that has no food to offer. He will lick the wounds and sores that come in encounters with the roughness of the world. He guards the sleep of his pauper master as if he were a prince. When all other friends desert, he remains. When riches take wings, and reputation falls to pieces, he is as constant in his love as the sun in its journey through the heavens.
If fortune drives the master forth, an outcast in the world, friendless and homeless, the faithful dog asks no higher privilege than that of accompanying him, to guard him against danger, to fight against his enemies. And when the last scene of all comes, and death takes his master in its embrace and his body is laid away in the cold ground, no matter if all other friends pursue their way, there by the graveside will the noble dog be found, his head between his paws, his eyes sad, but open in alert watchfulness, faithful and true even in death.
(Nguồn : Wikipedia)

Thưa hội thẩm đoàn,
Người bạn tốt nhất mà ta có được trên đời này có thể quay lưng chống lại ta và biến thành kẻ thù của ta.
Con cái mà ta hằng yêu thương chăm sóc có thể trở thành những đứa vô ơn bạc nghĩa.
Những người gần gũi và thân thiết với ta nhất, những người mà ta tin tưởng đem giao phó hạnh phúc và danh dự của mình, một ngày nào đó có thể trở thành những kẻ phản bội.
Tiền bạc mà ta có được có thể sẽ mất đi, mất ngay vào lúc ta cần nó nhất.
Danh tiếng của con người có thể tiêu tan trong khoảnh khắc vì một hành vi nông nổi.
Những kẻ từng quỳ gối tôn vinh ta khi ta thành đạt có thể trở thành những kẻ đầu tiên ném vào ta hòn đá hiểm độc khi bóng mây sa cơ lỡ vận phủ xuống đầu ta.
Trên thế gian vụ lợi ích kỷ này, con người chỉ có thể có được một người bạn vô tư không điều kiện, một người bạn không bao giờ rời bỏ ta, không bao giờ vô ơn bạc nghĩa, không bao giờ phản bội, đó là con chó của ta.
Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta, dù ta giàu sang hay ta nghèo khó, dù ta khỏe mạnh hay ta ốm đau bệnh tật.
Nó ngủ dưới nền đất lạnh, bất chấp giá rét mùa đông hay bão tuyết, miễn sao được ở gần ta.
Nó vẫn hôn vào bàn tay ta dù ta không còn thức ăn gì cho nó.
Nó liếm vào những vết thương và những chỗ ta đau đớn  khi va chạm với sự tàn bạo của cuộc đời.
Nó canh giấc ngủ cho ta khi ta là kẻ cùng khốn cũng giống như khi ta là một ông hoàng.
Khi tất cả bạn bè đều rời xa ta, riêng con chó thì ở lại.
Khi ta mất hết của cải, thân bại danh liệt, thì tình yêu thủy chung của con chó đối với ta vẫn ngời sáng như ánh mặt trời xuyên thấu chín tầng mây.
Nếu chẳng may ta bị cuộc đời ruồng bỏ, rơi vào cảnh không bạn bè không nhà cửa, thì đối với con chó trung thành, không có một đặc ân nào cao hơn là được ở bên cạnh ta, để bảo vệ ta chống lại những hiểm nguy, chống lại kẻ thù.
Và đến lúc đời ta kết thúc, Thần chết rước ta đi và thân xác ta nằm dưới lòng đất lạnh, khi người thân bạn bè đưa tiễn đã quay về để tiếp tục bận rộn với cuộc sống của họ, thì con chó cao quý vẫn còn nằm bên nấm mồ ta, đầu gục xuống giữa hai chân, đôi mắt đau buồn nhưng vẫn mở to cảnh giác, trung thành và chân thực ngay cả khi ta đã chết.

Những vấn đề Sinh viên đi thực tập cần quan tâm

Nhiều sinh viên than phiền rằng công việc thực tập của họ thật quá nhàm chán, thường là “bưng trà, rót nước” hoặc bị sai vặt. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra.


Vì vậy, để việc thực tập mang lại hiệu quả cao, bạn cần phải có một sự chuẩn bị tốt không những kiến thức mà còn ở tâm lý vì đợt thực tập có kết quả hay không là do tính thích nghi của mỗi người. Những sinh viên kiên nhẫn, cởi mở và hòa đồng với nhân viên công ty thì sẽ sớm có được số liệu, sớm được hướng dẫn. Điều chính yếu là chỉ cần chịu khó, hăng hái và làm tốt phần việc được giao. Nên có ý thức học hỏi và nhanh nhạy, chú tâm trong công việc, đặc biệt là phải trung thực, chân thành.
Nhiều sinh viên sau đợt thực tập do được đánh giá cao đã được ngay Công ty đó tuyển dụng vào làm việc sau khi tốt nghiệp (một số Công ty vẫn tuyển nhân viên theo kiểu như thế này). Đây là cách tốt nhất thay cho việc đi nộp hồ sơ tìm việc làm. Vì thế, bạn hãy tận dụng cơ hội, nhiệt tình với công việc và chú tâm học hỏi. Nên có tinh thần, thái độ tích cực như đang thử việc để được làm nhân viên chính thức.
Tuy nhiên, để đợt thực tập đạt hiệu quả tốt nhất bạn nên tham khảo một số vấn đề sau:
I. Công tác chuẩn bị trước khi đi thực tập.
1. Kế hoạch và đề cương thực tập của Nhà trường.
- Thời gian thực tập cụ thể từ bắt đầu đến lúc kết thúc.
- Đề cương thực tập bao gồm các nội dung gì, yêu cầu phải đạt được đối với mỗi nội dung sau đợt thực tập.
- Cần tìm hiểu trước mẫu báo cáo thực tập của truờng (yêu cầu) để khi đi thực tập không bị động. (Khi viết báo cáo nên tham khảo các báo cáo trước để rút kinh nghiệm và nên viết về các điểm mạnh của nơi mình thực tập).
2. Tìm hiểu về Công ty nơi bạn đến thực tập.
- Cần tìm hiểu kỹ về Công ty mà mình sẽ tới thực tập các nội dung như: Mô hình tổ chức của Công ty, ban lãnh đạo, lĩnh vực hoạt động, phạm vi hoạt động, phòng ban hoặc bộ phận có nội dung công việc phù hợp với nội dung và chương trình thực tập của mình v.v... Nói chung càng tìm hiểu kỹ về công ty sẽ càng thuận lợi cho quá trình thực tập của mình.
- Công việc đối với cơ cấu tổ chức của công ty như thế nào? (Nơi và bộ phận mà bạn muốn thực tập)
 - Bạn cũng cần tìm hiểu thêm như: Công ty có tài trợ cho sinh viên thực tập không? Nếu công ty trả lương cho sinh viên thực tập, bạn sẽ làm công việc gì?
- Trách nhiệm, bổn phận hàng ngày của bạn (khi thực tập) sẽ là gì?
- Điều gì là ưu tiên chính của công việc, mối quan hệ với các phòng ban khác ra sao?
- Nên tạo mối quan hệ tốt với nơi thực tập bởi khi viết luận văn cũng cần một lần nữa làm việc với đơn vị để xin số liệu và chứng nhận cho báo cáo thực tập.
3. Trang phục.
- Đối với sinh viên thực tập tại các công xưởng có thể có quần áo giày mũ BHLĐ được cấp phát. Nếu không được cấp phát thì tự bản thân mình tự sắm một bộ giống các công nhân nơi làm việc.
- Đối với thực tập tại văn phòng, hãy xem trang phục của các nhân viên như thế nào để tự sắm cho mình một bộ cánh tương tự như thế.
- Không dép lê, áo phông, quần bò. Quần áo, đầu tóc phải gọn gàng lịch sự.
- Điều tối kỵ khi đi thực tập là mang trên mình phong cách và bộ cánh của sinh viên vào Công ty nơi thực tập.
II. Các điểm cần lưu ý trong quá trình thực tập.
1. Sự quan sát.
Đây là điều quan trọng hơn hết, nó có giá trị lớn về việc học hỏi kinh nghiệm. Và không giống như ở trường, đây là một thế giới thực tế. Những đồng nghiệp của bạn biết bạn là một nhân viên mới và muốn giúp đỡ bạn, nhưng họ không thể dành nhiều thời gian giải thích mọi thứ cho bạn biết. Vì vậy khi họ trả lời những câu hỏi của bạn hoặc chỉ cho bạn cách thực tập, điều quan trọng nhất là bạn phải chú ý. Hơn cả sự chú ý đó, bạn cần quan sát về những gì đang diễn ra xung quanh bạn. Những đồng nghiệp của bạn sẽ nói chuyện với nhau như thế nào? Họ đối xử với cấp trên như thế nào? Đâu là những mục tiêu và mối quan tâm lớn của họ? Học hỏi văn hóa công sở và văn hóa giao tiếp với khách hàng thông qua họ.
2. Tìm kiếm người cố vấn.
Tìm cho bạn một người có khả năng trả lời những câu hỏi của bạn và hỗ trợ cho quá trình thực tập của bạn. Hỏi về công việc, về công ty, và về mỗi lĩnh vực. Khám phá ra cách mà họ luôn đi lên trong sự nghiệp của họ, và những lời khuyên nào mà họ dành cho bạn. Thiết lập mối quan hệ tốt với họ. Những người đó có thể hỗ trợ bạn trong một thời gian dài kể cả sau khi bạn kết thúc quá trình thực tập tại đó. Nhưng phải công bằng trên mối quan hệ đối tác hai chiều này đem lại lợi ích cho bạn và cả hai. Đừng chỉ nhận lấy hoặc cho đi. Đề xuất sự giúp đỡ đối với người cố vấn của bạn về những dự án đặc biệt hoặc các hoạt động khác của ông ta/cô ta, điều có thể không phải là bổn phận của bạn. Làm cho chính bạn trở nên có giá trị đối với ông ta/ cô ta, người cố vấn của bạn.
3. Chấp nhận thực tế.
Bạn có thể gặp phải một số cản trở trong việc thực tập của mình, điều đó sẽ làm cho bạn cảm thấy thấp kém và chán nản, hoặc chỉ đơn giản là bạn bị lạc lõng. Chắc chắn là bạn sẽ không quyết định được những điều quan trọng xung quanh bạn. Vì rốt cuộc bạn chỉ là một thực tập sinh. Bí quyết để cho mọi việc tốt hơn là làm một công việc nổi bật với những nhiệm vụ được phân công. Sau đó hãy yêu cầu nhiều hơn.
Đảm nhận bất cứ những gì bạn có thể và thể hiện rằng bạn có thể làm nó một cách nhanh chóng và chính xác. Thậm chí nếu đó là những công việc "thấp kém" như việc sắp xếp giấy tờ, các thứ linh tinh vụt vặt trên bàn làm việc của mọi người, quét nhà, lau rửa ấm chén, pha trà rót nước thì sự nhiệt tình và nỗ lực của bạn sẽ được công nhận, được đánh giá cao và được mọi người ghi nhớ (bởi vì không có bạn thì mọi người trong Công ty hàng ngày vẫn làm những công việc như vậy).
4. Chuyên nghiệp.
Nhớ rằng, thời gian thực tập là lúc quan trọng để sắp đặt cho bạn một công việc trong tương lai và cần phải có những hành động hết sức chuyên nghiệp. Đừng thể hiện sự chậm trễ, tán gẫu qua điện thoại, nghỉ giải lao quá nhiều trong giờ làm việc hoặc mang cuộc sống cá nhân vào nơi làm việc. Thể hiện một nhân viên chuyên cần, hết lòng với công việc và học hỏi mọi người.
5. Đánh giá mục tiêu cho tương lai.
Một trong những điều tốt nhất để bạn học hỏi từ quá trình thực tập của mình là bạn có thể đánh giá được sự nghiệp trong tương lai của bạn. Về việc bạn có đang theo đuổi hướng đi đúng trong công việc của mình hay không? Bạn có đang thích thú với công việc đó? Đó có phải là những gì bạn đã trông chờ? Bạn có thể phác họa ra chính bạn đang làm công việc tương tự đó và có cảm thấy hạnh phúc với nó? Nếu không, bạn cần phải đánh giá lại mục tiêu công việc của bạn. Bàn luận về sự lựa chọn của bạn với những người tư vấn khi bạn quay trở lại trường.
III. Các thái độ đúng đắn khi đi thực tập tốt nghiệp.
1. Tôn trọng giờ làm việc và nội quy công sở: Các bạn sinh viên luôn luôn nhớ khi đi thực tập có nghĩa là chúng ta trong môi trường chuyên nghiệp. Các bạn là sinh viên thực tập nhưng khi bước qua cửa công ty, các bạn là những nhân viên không được trả lương trong công ty. Các bạn phải hoàn toàn tuân thủ nội quy vì công ty không thể vì các bạn chấp nhận cho những trường hợp không tuân thủ kỷ luật.
2. Lắng nghe và nói ít: Các bạn là những người mới trong tập thể công ty. Một người mới không nên quá cố gắng làm cho tập thể cũ thích. Các bạn nên làm thế nào gây ít nhất những lỗi giao tiếp không đáng có. Cách đơn giản nhất hãy lắng nghe chăm chú và nói ít
3. Hãy quan sát: Công ty là nơi làm việc vì vậy sẽ không ngạc nhiên nếu như các bạn không được ai để ý và hướng dẫn. Cặp mắt của các bạn sẽ mang lại nhiều thông tin nếu như bạn cần cố gắng.
4. Nếu thấy sai xin đừng chỉ trích: Nếu như các bạn thấy ai đó bên cạnh mình trong Công ty sai hoặc không giống những gì bạn đã học ở trường? Đừng thắc mắc hoặc làm anh hùng ngay lúc đó. Có thể bạn hiểu sai hoặc cũng có thể bạn đúng. Điều tốt nhất các bạn nên hỏi người phụ trách hoặc quản lý tại vị trí đó vào một thời điểm thích hợp
5. Luôn luôn xin phép: Các bạn đang ở trong Công ty, Nhà máy có nghĩa bạn đang làm việc. Bất kỳ những sự kiện xẩy ra ngoài ý muốn các bạn phải luôn luôn xin phép người quản lý
6. Tỏ ra ham học hỏi và chịu khó: Không có cách nào lấy cảm tình nhanh hơn đối với các anh chị quản lý khi các bạn thật sự muốn tìm hiểu và chịu khó làm việc. Lưu ý, khi các bạn thực hiện điều này cần phải thực sự từ quyết tâm của mình không phải giả vờ tạo ra những thái độ như vậy
7. Tôn trọng anh chị em công nhân viên: Các bạn có thể có học vị cao hơn các anh chị em cán bộ công nhân viên. Hãy tôn trọng họ như những người thầy cô dạy kiến thức thực tế cho mình.
8. Hòa đồng các hoạt động tập thể: Thật may mắn cho bạn nếu như trong kỳ thực tập có các hoạt động tập thể của Công ty hoặc bộ phận bạn thực tập mà bạn được tham dự. Bạn nên thể hiện những mặt mạnh của mình trong sinh hoạt cộng đồng như lễ tân, trang trí, ca hát v.v...
Chắc chắn khi các bạn áp dụng tốt các lời khuyên ở trên, Bạn sẽ là những người nhân viên ước mơ của Công ty các bạn đang thực tập. Các bạn sẽ chỉ còn trả lời câu hỏi có nên làm việc tại Công ty mà bạn đã thực tập hay không mà thôi.
Chúc các bạn thành công.

Sang tên xe


TTC - Điệp viên Không Không Thấy (K.K.T) gặp Tư thám tử (T.T.T) ngay quán cà phê. T.T.T nhắp ngụm đậu nành đầy hóa chất nói:


- Anh phải sang tên cho tui chiếc xe anh đã bán cho tui năm trước. Bây giờ đi xe không chính chủ dễ bị vịn lắm. Một ngày chạy xe ôm làm thám tử tư cho anh chẳng đặng bao nhiêu tiền mà bị phạt coi như là đứt…chếnh.
- Dễ ợt. Chỉ cần đi xuống phường, làm cái giấy bán cho anh, rồi anh cầm giấy tờ xe đi sang tên là xong.
Tư thám tử trố mắt:
- Anh là người trên trời rơi xuống hả? Bây giờ bán xe phải ra công chứng.
- Hả? cái xe cùi bắp tui bán cho anh hai triệu mà cũng phải ra công chứng nữa hả?
- Chứ sao. Nhà nước quy định phải ra công chứng. Tiền công chứng người bán chịu à nghen.
- Tiền công chứng bao nhiêu?
- Chừng hai trăm ngàn.
- Hả…?
●●●
Ngày hôm sau, tại phòng công chứng. K.K.T và T.T.T ngồi chờ đến lượt mình vì từ ngày có lệnh đi xe chính chủ thì phòng công chứng tấp nập người hơn những ngày trước.
Chờ khoảng một tiếng, T.T.T cằn nhằn:
- Vậy là buổi sáng hôm nay mất đứt mấy cuốc xe ôm mối rồi.
- Thì phải ráng chịu chứ sao. Tui cũng chờ chứ đâu phải mình anh.
Nửa tiếng sau, K.K.T và T.T.T được công chứng viên gọi đến tên. Cả hai mừng rơn. Nhìn hồ sơ bán xe xong, công chứng viên hỏi:
- Bà vợ ông K.K.T đâu?
- Ủa, phải có vợ đi theo nữa sao?
- Dạ phải, vì xe ông bán là tài sản chung của hai vợ chồng. Phải có bà K.K.T có mặt để lăn tay bán.
- Vậy là phải chờ đến sáng hôm sau tôi quay lại, chứ bây giờ bả đi bán xôi chưa về!
T.T.T cằn nhằn:
- Anh là điệp viên mà không biết thủ tục sao?
- Điệp viên chỉ đi rình, theo dõi nghi phạm chứ có theo dõi công chứng đâu.
- Anh làm tui mất thêm ngày làm ăn nữa rồi!
- Tại qui định chứ bộ tui sao. Đâu có ngờ rắc rối như vậy. Tại vì tui có bán cái gì bao giờ đâu.
*
Sau khi công chứng xong, T.T.T mang hồ sơ mua bán xe có đầy đủ chữ ký, dấu lăn tay của hai vợ chồng K.K.T lên phòng đăng bộ xe, xin cấp giấy xe mới. Tất nhiên là từ ngày có qui định đi xe chính chủ gọi tắt là ngày chính chủ (10/11/2012) thì mấy phòng này cực kỳ đông người. Một dịp làm ăn hiếm thấy cho cò xe trong thời kỳ kinh tế khó khăn này.
Xem hồ sơ của T.T.T xong, cán bộ cấp giấy xe chính chủ hỏi:
- Chủ cũ, ông K.K.T đóng thuế bán chưa?
- Chỉ cần tui đóng thuế trước bạ xe không đủ sao?
- Muốn đóng thuế trước bạ xe thì chủ cũ phải đóng thuế sang tên xe. Không đóng thuế nhà nước thất thu sao mấy cha!
T.T.T kêu lên:
- Nói thiệt với mấy ông, nếu tui biết sang tên chiếc xe cùi bắp này mất công và tốn tiền như vậy thì tui đi xe lậu sướng hơn.
●●●
Điệp viên K.K.T cảm khái, viết đoạn cuối trong báo cáo của mình gửi lên sếp:
“...Hèn gì bây giờ tôi mới biết tại sao người ta không đi sang tên xe. Khi mua một món hàng ai cũng muốn mình đứng tên làm chủ vì đó là quyền lợi của mình nhưng tại sao lại không muốn sang tên? vì thủ tục nhiêu khê và tốn thêm tiền. Còn người bán xe, nếu họ không chịu sang tên thì sau này chiếc xe của họ có vấn đề gì như cháy giữa đường, sụp hố tử thần thì họ sẽ chịu trách nhiệm: tại sao lại để xe cháy, tại sao không chọn đường không có hố tử thần mà đi. Trách nhiệm này không phải của nhà nước mà là của dân, của người bán xe dù cho họ đã bán xe từ đời tám hoánh nào rồi. thế thì tại sao họ lại không chịu sang tên xe?
Theo LS Nguyễn Thị Minh Huyền: “Luật giao thông đường bộ không hề có điều khoản nào qui định, bắt buộc chủ xe phải làm thủ tục chuyển nhượng (mua bán, tặng cho). Quyền sở hữu tài sản là quyền hợp pháp của công dân. Luật dân sự cũng không có qui định bắt buộc chủ sở hữu tài sản phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu khi mua bán. Vấn đề làm thủ tục chuyển quyền, sang tên tài sản (đối với những tài sản có giá trị lớn như nhà, đất, ô-tô...) thuộc về quyền, lợi ích của chủ tài sản. Việc làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản hay không là quyền của chủ sở hữu tài sản, không phải là nghĩa vụ”.
Dà... cái này tui biết mà tui không dám nói. Báo cáo sếp!”.
LÊ VĂN NGHĨA

Một đêm trong lò gạch


TTC - Ở thị trấn Rù Rì có cái lò gạch bỏ hoang.Những đôi tình nhân nghèo muốn vui vẻ mà không có tiền thuê phòng thường chọn lò gạch nầy làm bãi đáp. Đêm ấy, Hai Xe Ôm có cuộc hẹn với Năm Ve Chai. Y dựng xe bên hông lò gạch ngồi chờ. Lát sau Năm Ve Chai xuất hiện. Hai người lén lút đi vào bên trong. Năm Ve Chai nói:


- Khoan! Hai đã khóa xe cẩn thận chưa? Để mất xe rồi đổ thừa tại em là không được đâu á.
- Khỏi cần khóa cũng chẳng có ma nào dám lấy.
- Sao vậy? Chẳng phải nó là cái cần câu cơm của anh ư?
- Cái xe cà tàng này bán chưa được một triệu... Giả sử thằng nào chôm được, chạy trên đường rủi gặp công lực xét giấy, chỉ riêng cái tội cỡi xe không chính chủ. theo nghị định 71 sẽ bị phạt từ 1.200.000 đến 10.000.000đ, có nước bỏ của chạy lấy người không thì mạt luôn!
- Ủa. Vậy anh có phải chính chủ không?
- Đương nhiên... Nhưng thật ra anh chỉ là chính chủ của cái giàn đồng cũ sì. Còn đồ phụ tùng đã thay muốn hết, mỗi món mỗi chủ. Săm lốp Caosumina, bình Đồng Nai, giò dĩa, xích líp của Thái, bu-gi của Nhật, bạc đạn, xú-páp mua ngoài chợ Tân Thành. So với hồi mới mua thì hơn 80% chiếc Honda cối này không còn chính chủ nữa rồi.
- Vậy người ta có phạt không?
- Giờ thì chưa nghe nói, nhưng biết đâu có ngày người ta cũng sẽ nghĩ ra cách phạt đến các loại phụ tùng không chính chủ.Than ôi! Trên đời nầy còn biết bao nhiêu thứ không chính chủ - Chẳng hạn tụi mình đang ở trong cái lò gạch này mà ai đó bắt xuất trình giấy tờ chính chủ của cái lò gạch thì bó tay. Gì cũng đòi chính chủ chắc thiên hạ chết hết, chỉ mấy “ông chủ” là sống khỏe.
Vừa lúc ấy, ngoài đường có tiếng xe công lực hụ còi tuần tra. Hai Xe Ôm ngóc đầu dậy nghe ngóng, có vẻ lo lắng. Năm Ve Chai nói:
- Sợ cái gì? Em là gái góa chồng. Anh là trai góa vợ. Đâu có luật cấm những người cô đơn như tụi mình tâm sự?
- Thế Năm không thấy rằng mối quan hệ giữa tụi mình cũng giống như những chiếc xe đã đổi chủ nhưng chưa sang tên ư? Có khi họ phạt Hai về cái tội cỡi xe không chính chủ còn Năm thì bị phạt về tội trao xe cho người không đủ tư cách sử dụng.
Năm Ve Chai nghe cũng có lý, hỏi lại:
- Nếu họ làm thẳng tay thì tụi mình có thể bị phạt cỡ nhiêu?
- Thì có lẽ cũng như giá biểu phạt xe. Xe đạp điện, Babetta không chính chủ: 500.000đ. Xe máy: 1.200.000đ đến 5 triệu. Xe tải, xe kéo: 6 triệu đến 10 triệu…
Năm Ve Chai cười híc híc hỏi:
- Như em đây, anh tính sẽ bị phạt theo cỡ xe nào?
Hai Xe Ôm nghĩ thầm: Hàng họ của nhỏ này thuộc loại khủng, không thua gì các ngôi sao danh tiếng như Cửu Hồ Đuôi, Thị Tóp, Thị Tít… chắc phải bị phạt theo cỡ xe ben, xe tải. Nếu đang “làm việc” mà bị bắt quả tang thì mình còn có thể bị phạt thêm về những tội “leo lề, lấn tuyến, đánh võng…”. Y tính nhẩm một hồi rồi trả lời:
- Cả hai đứa mình có thể bị phạt từ 25 đến 30 triệu.
Năm Ve Chai ớn lạnh, hỏi:
- Thiệt không? Hai nghe ai nói hay bày đặt dọa em?
- Đó là Hai nghe dượng Tư nói, không biết ổng nói thiệt hay giỡn.
- Dượng Tư nào?
- Thì Dượng Tư Trời Biển làm ở Phòng Kiểm Nã - Ban An Toàn gì đó. Cách đây không lâu, mấy ổng đã ra cái lệnh cấm không được mua bán thịt gia cầm gia súc sau khi giết mổ 8 giờ. Bây giờ lại tính phạt xe không chính chủ với tiền phạt quá sức chịu đựng của dân nghèo. Đúng là mấy ổng ngồi trên trời dưới biển mà làm chính sách “an toàn”. Bất an và bất khả thi thì có.
Lúc này lại có chiếc xe từ đằng xa pha đèn, hụ còi chạy tới. Năm Ve Chai hoảng hốt bảo:
- Thôi dìa đi Hai ơi. Ở đây coi bộ hết an toàn rồi.
Hai Xe Ôm thì thầm:
- Không sao. Nếu bị xét hỏi, Năm cứ khai là gái bán hoa chứ đừng nói tụi mình là bồ bịch. Cái tội làm gái bây giờ chỉ bị phạt hành chánh, đóng ít tiền chứ không bị giam giữ, cải tạo, phục hồi nhân phẩm gì cả. So ra dễ chịu hơn phạt xe nhiều
Năm Ve Chai mừng rỡ kêu:
- Thiệt không? Vậy thì sướng rồi. Thôi mình cứ ở lại, khoan dìa.
Chờ chiếc xe qua khỏi, Hai Xe Ôm nói nhỏ với Năm Ve Chai:
- Thì giờ là vàng bạc. Thôi ta tranh thủ đánh nhanh rút gọn, làm sớm nghỉ sớm.
Khu lò gạch bỗng rơi vào sự im lặng khác thường. Chỉ nghe tiếng dế rên rỉ trong lùm cây, bụi cỏ.
 HOÀNG THIẾU PHỦ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons