Gửi bác Đinh La Thăng
- Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải.
Cháu là 1 sinh viên bình thường, hàng ngày vẫn đi học bằng 1
chiếc xe máy cũ mà bố cháu đã để lại từ khi cháu đi học đại học. Có lẽ sẽ không
có lý do gì để cháu viết bức thư này cho đến khi cháu đọc được nghị định mới
vào ngày hôm nay, đó là phải là chính chủ mới được phép lưu thông xe trên đường
phố. Đây là 1 điều khá bất ngờ không chỉ riêng cháu, mà còn với rất nhiều người
dân khác nữa, bác ạ.
Thưa bác, cháu hoàn toàn đồng ý với việc phải làm nghiêm việc
sang tên đổi chủ này để các bác có thể quản lý được số xe đang lưu thông trên
đường phố, nó sẽ giúp cho các bác thuận lợi hơn trong quá trình điều tra các vụ
án, và hơn nữa việc sang tên đổi chủ sẽ làm giảm được thất thu thuế của nhà nước.
Về mặt này thì chúng cháu công nhận là bác đúng, nhưng chỉ là 1 mặt nhỏ của vấn
đề…
Nếu xét rộng ra, Việt Nam có 87 triệu dân, khoảng 30 triệu
người có phương tiện giao thông là ô tô hoặc xe máy, nhưng trong số đó có bao
nhiêu người không phải là chủ sở hữu của chiếc xe mình đang đi?
Sinh viên: 90% sinh viên chưa tự kiếm được đủ tiền để có thể
mua 1 chiếc xe máy, chỉ là mượn tạm xe của bố mẹ để đi học, nếu sang tên đổi chủ
thì sau này trả lại bố mẹ, lại sang tên lần nữa hay sao?
Người đi làm: Có rất nhiều người mua xe cũ để tiết kiệm tiền,
có những chiếc xe đã qua 3-4 đời chủ, việc tìm lại chủ cũ là rất khó khăn để có
thể sang tên, thậm chí có gặp thì chắc gì họ đã bỏ công đi làm thủ tục sang tên
với mình.
Ấy là còn chưa kể chủ cũ đã qua đời, bay ra nước ngoài, hoặc
đơn giản là chiếc xe đăng ký ở miền bắc, còn chủ đã bay vào miền Nam sinh sống,
lúc ấy phải tìm họ thế nào?
Người lái xe thuê: Lái xe taxi dùng xe của công ty hay tự
mua xe? Người lái xe tải đâu có tiền tỉ để mua 1 chiếc xe thùng? Người lái xe
buýt tự mua xe và tự lái???
Đó mới chỉ là những trường hợp chung chung, còn thậm chí sẽ
có trường hợp cụ thể như:
Mẹ cháu bỏ tiền ra mua 1 chiếc xe, nhưng đăng ký ở tỉnh khác
để giá đăng ký rẻ hơn, nhưng là tên của người khác. Vậy bây giờ chiếc xe đó là
sở hữu của ai?
Cháu muốn mượn xe của bạn để đi 5 phút, cũng phải sang tên đổi
chủ hay sao?
Còn rất nhiều trường hợp nữa mà chắc chắn không thể giải quyết
ngay được, bác thử nghĩ xem, nếu luật này được áp dụng vào ngày mai thì có bao
nhiều người sẽ biết đến luật, khi bị kiểm tra thì khác nào việc đánh úp người
dân?
Kể cả tất cả đều có ý thức sang tên đổi chủ đi chăng nữa, liệu
trong vài ngày họ có kịp làm thủ tục sang tên đổi chủ? Đồng nghĩa với việc ngày
mai 10/11/2012 có hàng triệu người phạm luật giao thông trên đường.
Bức thư này cháu chỉ gửi trên mạng, viết lên bằng sự bức xúc
của hàng triệu người dân chứ không chỉ của riêng cháu, việc bác đưa ra luật này
là 1 điều vô lý như bao nhiêu luật khác mà bác đã làm, “ngực lép không được đi
xe máy”, “đi dép lê không được đi xe máy”, xe máy không được để xe trên vỉa
hè”, “thay đổi giờ làm để giảm tai nạn giao thông”, “xe tuk tuk”, …
Bác là 1 người có tài, có ý tưởng và dám táo bạo thực hiện,
nhưng những quyết định của bác đưa ra chỉ có thể thực hiện với những người có
xe riêng như bác, có chức có quyền như bác, có tiếng nói như bác, còn dân thực
hiện ra sao là việc của dân, dân sai ý kiến bác thì có cảnh sát giao thông xử
lý… Cháu thấy đáng buồn thay nếu bác vẫn còn ngồi ở chiếc ghế này.
Dù sao thì, là dân thì cháu phải thực hiện thôi.
19h ngày 09/11/2012