Pages

20 thg 7, 2012

Đục nước, béo... ngân hàng!


(DĐDN) Doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động hoặc đang thoi thóp mà báo chí đang phản ánh khiến giới Doanh nghiệp (DN) hết sức tức giận và bất bình!

Ảnh minh họa
 Ông Nguyễn Đình Chung - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Vận tải đa phương thức Duyên hải cho rằng đây là điều hết sức vô lý vì trong khi các DN sống dở chết dở, làm ăn hết sức khó khăn, thì ngân hàng vẫn hưởng lợi từ sự chênh lệch lãi suất quá lớn. DN làm ra bao nhiêu cũng chỉ “nuôi” béo ngân hàng - ông Chung nói.

Thông thường, ở các nền kinh tế thị trường lớn và thâm niên như : Mỹ và Châu Âu, mỗi khi kinh tế khủng hoảng thì hệ thống ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ đầu tiên !

Điển hình như Lehmman Brothehs, Washington Mutal, Bear Stearns…(Mỹ) phá sản năm 2008, còn Barclay (Anh), UniCredit (Italia), Deutsche Bank (Đức), Bank of Greece (Hy Lạp)… hiện tại đều thua lỗ, hoặc gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng ở VN thì ngược lại: mặc dù kinh tế suy giảm, hàng chục nghìn DN thua lỗ, phá sản thì…các ngân hàng vẫn “sống khoẻ” !      

Theo công bố, Vietinbank có mức lợi nhuận đứng đầu trong hệ thống với tổng thu nhập hoạt động năm 2011 lên tới hơn 22.000 tỉ VND, trong đó có khoảng 70 - 80% từ hoạt động cho vay, Eximbank đạt 3.051 tỉ VND - tăng 68,66%; Vietcombank đạt 5.700 tỉ VND - tăng 4% so với năm 2010!

Đáng ngạc nhiên là không ít ngân hàng vẫn lãi lớn mặc dù trước đó đã đổ những khoản tín dụng đáng kể vào những DN làm ăn thua lỗ như Vinashin, Vinalines hoặc các dự án (DA) thất bại như nhà máy luyện gang Đình Vũ - DA này khi đầu tư được công bố là đã đầu tư gần 600 tỉ VND nhưng hoạt động không hiệu quả, hiện đang rao bán ? Có thể số nợ xấu, nợ khó đòi này vẫn nằm trong “ngưỡng an toàn” và không ảnh hưởng đến mức lợi nhuận nhưng nó cũng chứa đựng những dấu hiệu bất thường.

Dường như có một diễn biến trái quy luật kinh tế trong mối quan hệ: sức khoẻ nền kinh tế - DN - hệ thống ngân hàng ở nước ta: nền kinh tế thì chênh vênh, DN thì thoi thóp còn ngân hàng vẫn “mạnh khoẻ”.  Câu trả lời cho lý do lãi khủng được các chuyên gia tài chính giải thích là bởi chênh lệch lãi suất quá lớn (huy động khoảng 14 đến 18%, nhưng cho vay đã lên đến 25%)

Vì sao sản xuất, kinh doanh hết sức khó khăn, không hiệu quả  mà các DN vẫn phải cắn răng đi vay với lãi suất cao và vẫn vay được ? Có phải các ngân hàng không biết nguy cơ rủi ro khi cho vay trong hoàn cảnh này ? Phải chăng phần lớn các DN cần tiền để đáo hạn các khoản vay trước đó mà thực chất là che dấu hoặc kéo dài sự hấp hối ! Còn các ngân hàng phần vì chạy theo lợi nhuận, tranh thủ “đục nước béo cò”, phần vì phải tiếp tục “bơm tiền” để “hô hấp nhân tạo” cho DN tiếp tục sống… mới có cơ hội đòi hết nợ? Nếu đây là lý do chính, thì chắc chắn đã có không ít rào cản kỹ thuật, những phương pháp nghiệp vụ vốn được thiết lập nhằm bảo đảm an toàn khoản vay bị nới lỏng hoặc bỏ qua. Như thế có nghĩa là sự an toàn của không ít ngân hàng đang bị đe doạ ! Chỉ cần một vài DA hoặc DN phá sản thì rất có thể sẽ lộ ra những “mảng tối” trong hệ thống ngân hàng. Với những ngân hàng mà lãnh đạo là người làm thuê hoặc được cử ra phụ trách thì chỉ cần che giấu được những “mảng tối” cho đến khi hạ cánh là… “êm”!

Quay trở lại với vấn đề “lãi khủng”, giới DN đang cho rằng hệ thống ngân hàng quá vô cảm - chỉ chạy theo lợi nhuận, không chịu chia sẻ khó khăn với DN.    

Thủy điện nhỏ - ngậm ngùi phận... “con nuôi”


(DĐDN) Thủy điện nhỏ là loại hình đã được xã hội hóa đầu tư từ cả chục năm nay. Tuy nhiên, do chưa có một thị trường tiêu thụ điện cạnh tranh và minh bạch nên khâu tiêu thụ sản phẩm của khu vực này vẫn đang ở thế phân phối, và bao cấp. Khi thiếu điện thì không sao, khi điện thừa thì thủy điện nhỏ sẽ là đối tượng đầu tiên bị “chèn ép”.

Diễn đàn “Phát triển thủy điện nhỏ và kiến nghị từ DN”
Các DN đầu tư thủy điện nhỏ hầu hết theo mô hình dân doanh, cổ phần nên luôn chịu thân phận “con nuôi” khi phải cạnh tranh với các mô hình “con đẻ” của EVN. Không chỉ bị ép giá, thủy điện nhỏ còn bị ép hạn chế công suất phát, hoặc thậm chí, xây dựng xong thì không được EVN mua vì... thiếu lưới truyền tải.

Ép đủ đường

Thực tế, các DN đầu tư thủy điện nhỏ đã bị “ép” ngay khi đầu tư xây dựng dự án. Với suất đầu tư cho một dự án thủy điện nhỏ khoảng 25-30 tỉ đồng/MW. Song, theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, muốn có được giấy phép xây dựng, các nhà đầu tư đã phải ký hợp đồng mua bán điện với EVN với giá rất thấp, chỉ 400 - 500 đồng/kWh, trong thời hạn nhiều năm. Giờ giá thủy điện nói chung đã là 800 - 900 đồng/kWh rồi, giá bán lẻ của EVN đã tăng cao nhưng các anh thủy điện nhỏ này vẫn bị chậm điều chỉnh. Điều chỉnh bao nhiêu, thời gian nào? Những nội dung này đang hình thành một cơ chế xin – cho giữa thủy điện nhỏ và các cán bộ quản lý của EVN.

Cách đây một thời gian, VN thiếu điện phải ký hợp đồng mua điện từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hợp đồng này ký kéo dài hàng chục năm, nên đến thời điểm này, điện của VN đã khá ổn định thì EVN lại mắc kẹt bởi cam kết, “điện chạy ngược sang Trung Quốc mà quá 5% công suất ký thì EVN bị phạt”. Đây cũng là một lý do mà vào giờ cao điểm thời gian qua, điều độ điện lực các tỉnh Hà Giang, Lào Cai lại ép các nhà máy thủy điện nhỏ phải cắt giảm phát công suất vào giờ cao điểm.

Tương lai, thủy điện nhỏ còn bị cho “ra rìa” ngay từ chính sách của Nhà nước. Ông Trần Viết Ngãi cho hay, trong thị trường phát điện cạnh tranh, chỉ những nhà máy trên 30 MW mới được tham gia thị trường. Hàng trăm nhà máy thủy điện nhỏ phổ biến hầu hết có công suất trên dưới 10 MW, đang có nguy cơ mắc kẹt.

Một bất cập khác là lúc ký hợp đồng, các chủ đầu tư thủy điện nhỏ cũng không có thỏa thuận rõ ràng về việc lưới do bên nào đầu tư. Hậu quả là khi làm xong dự án, EVN thì cho rằng đây là phần việc phải làm của nhà máy thủy điện. Ông Hà Sỹ Dinh - Phó TGĐ Cty Phát triển năng lượng Sơn Vũ cho biết, để làm đường dây 110 kV chiều dài 25 km đấu vào hệ thống lưới quốc gia, chúng tôi phải chi 40 tỉ đồng. Cùng đó, Cty còn bị một sức ép khác “muốn quản lý đường dây truyền tải, trạm điện thì còn phải có đủ chức năng mới được phép làm”. Rốt cục, chúng tôi buộc phải chọn hai phương án, hoặc chấp nhận tăng chi phí đầu tư, gần gấp đôi xây nhà máy, hoặc phải thuê đơn vị của EVN với giá rất cao. Riêng năm 2011, Cty của ông Dinh đã phải tốn 900 triệu đồng chỉ cho việc quản lý, vận hành hệ thống truyền tải này. Với tình thế khó khăn trăm đường như vậy, không chỉ ông Dinh mà rất nhiều chủ đầu tư thủy điện nhỏ đang thua lỗ nặng.

Cần minh bạch và bình đẳng

Đây là những mong muốn chính đáng của các DN đầu tư thủy điện nhỏ. Tính đến nay, VN đã đầu tư, xây dựng và vận hành gần 30 công trình thủy điện lớn công suất trên 100 MW, trên 200 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất tất cả nguồn thủy điện gần 10.000 MW, tổng điện lượng trên 40 tỉ kWh. Năm 2011, sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phát ra đạt 7,845 tỉ kWh, chiếm 19% tổng sản lượng từ nguồn thủy điện nói chung, chiếm trên 7% sản lượng điện toàn hệ thống quốc gia. Hiện thủy điện nhỏ đang đạt khoảng 45% trữ năng, còn khoảng 55% trữ năng đang chờ khai thác.

Dư địa để phát triển thủy điện nhỏ vẫn còn rất lớn và nó phụ thuộc rất nhiều vào việc tạo một thị trường mua bán điện cạnh tranh, minh bạch. Theo ông Lê Trường Thủy - Chủ tịch HĐQT Cty CP Thủy điện Mai Châu (Hòa Bình), từ 1/7/2012 thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức đi vào hoạt động. Cục Điều tiết Điện lực đã ban hành danh sách 29 nhà máy điện tham gia trực tiếp thị trường phát điện cạnh tranh, 26 nhà máy điện tham gia gián tiếp, 18 nhà máy tham gia tạm thời gián tiếp và 20 nhà máy điện dự kiến tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Nhìn vào danh sách này có thể thấy, các nhà máy thủy điện nhỏ vẫn đang là những đối tượng “không trong danh mục”. Nhiều chuyên gia nhận xét, đã gọi là thị trường cạnh tranh thì phải có người mua, người bán và họ phải độc lập, không phụ thuộc ai cả. Còn hiện nay, TCty và Cty mua bán điện cả nước trực thuộc EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia trực thuộc EVN, TCty Truyền tải điện quốc gia trực thuộc EVN, năm TCty điện lực miền trực thuộc EVN, 62 Cty điện lực các tỉnh, thành trực thuộc EVN, tất tần tật trực thuộc EVN. Như vậy thì khó có thị trường cạnh tranh?

Đẩy nhanh tiến độ phát triển thị trường điện cạnh tranh là nội dung vừa được Hiệp hội Năng lượng VN đưa ra kiến nghị tới các cơ quan trung ương. Theo đó, một thị trường mua bán điện cạnh tranh và minh bạch cần sớm triển khai từ năm 2015 (thay vì 2020 như kế hoạch). Bên cạnh đó, để thực hiện tốt Tổng sơ đồ điện VII và tháo gỡ phần nào khó khăn cho các DN, thúc đẩy đầu tư khai thác tiềm năng thủy điện vừa và nhỏ, Hiệp hội Năng lượng VN và các nhà đầu tư cũng đề nghị Bộ Công Thương cần tăng giá mua điện cho các DN lên bằng 80% giá bán điện thương phẩm bình quân và được điều chỉnh hàng năm theo giá bán điện thương phẩm; cho các nhà máy thủy điện dưới 30 MW tham gia thị trường phát điện.

Với 55% trữ năng còn lại, thủy điện nhỏ cũng chiếm một tỉ trọng rất đáng kể khi nhu cầu về phát triển điện sạch luôn được ưu tiên. Ông Vũ Ngọc Cừ - Phó Chủ tịch Hội DN tỉnh Lào Cai nhận định, đầu tư thuỷ điện không đơn giản, bởi suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, phần lớn các dự án thuỷ điện nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, đường điện đấu nối truyển tải xa…

Các DN kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ban ngành, Tập đoàn Điện lực VN cần có những cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thủy điện nhỏ thu hồi vốn nhanh, khấu hao nhà máy và tiến tới có lãi. Muốn làm được như vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần ban hành khung giá mua điện hợp lý để giảm bớt những khó khăn cho các nhà đầu tư thuỷ điện vừa và nhỏ. Thứ hai, các DN thủy điện nhỏ mong muốn ngành điện đầu tư xây dựng và cải tạo nâng cấp lưới điện 220kV và 110kV có đủ khả năng truyền tải điện từ các dự án thuỷ điện khi đã hoàn thành. Cuối cùng nhưng có lẽ là khẩn thiết nhất, các DN thủy điện nhỏ đề nghị được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các nhà máy thủy điện nhỏ, đặc biệt, đề nghị Bộ Tài chính xem xét về chính sách thuế tài nguyên nước trong thủy điện được đánh đúng giá EVN mua điện.

Những kiến nghị trên nhằm hướng tới một thị trường điện minh bạch và bình đẳng. Đây là những tiền đề giúp các DN yên tâm đầu tư, khai thác triệt để nguồn tài nguyên nước quý báu mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Sắp có xe máy BMW giá ‘bèo’

Trong bối cảnh các thị trường mới nổi ngày càng đóng vai trò quyết định đối với doanh thu của các hãng xe máy và xe hơi trên thế giới, “ông lớn” BMW nhanh chóng bắt kịp xu thế với kế hoạch sản xuất xe máy giá rẻ.


Theo một số nguồn tin, nhiều khả năng BMW sẽ hợp tác với công ty TVS, nhà sản xuất xe máy lớn thứ 4 Ấn Độ để tạo ra mẫu xe máy giá rẻ mang thương hiệu BMW cho thị trường này.


Nhắc đến thị trường xe hơi, người ta thường nghĩ ngay tới Trung Quốc bởi hiện tại quốc gia này có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại với các nhà sản xuất, khiến họ đổ xô xây dựng nhà máy, giới thiệu mẫu xe mới, sản phẩm đặc biệt dành riêng cho thị trường nhằm mục đích tăng trưởng.

Còn với thị trường xe hai bánh, Ấn Độ chính là quốc gia được quan tâm nhất. Những hãng môtô lớn trên thế giới hiện nay như BMW, Triumph, Harley-Davidson và Ducati đều đã đồng loạt tham gia thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, các sản phẩm của họ không được đón nhận nhiệt tình bởi giá cả quá tầm với của người tiêu dùng.

Trong khi đó, Honda và Yamaha là hai nhà sản xuất đi tiên phong và đã xác lập được vị trí hàng đầu tại đây. Hàng loạt các mẫu xe giá rẻ dành cho người tiêu dùng nội địa liên tục được hai hãng này giới thiệu. Cụ thể, mới đây nhất, sau khi Honda tung ra dòng xe Dream Yuga với giá 44.642 Rupee, tương đương 806 USD, Yamaha cũng tuyên bố kế hoạch sản xuất một mẫu xe rẻ hơn với giá chỉ 500 USD do thị trường Ấn Độ.

Chính vì vậy, nhận thấy xe giá rẻ mới là vũ khí cạnh tranh thành công tại thị trường Ấn Độ, hãng BMW hoàn toàn đúng đắn khi chọn TVS làm đối tác cho mình.
Theo Đất Việt.

Chia tay tiệm Spa Hoàng Lan


Vậy là bắt đầu từ hôm nay (20/07/2012), tiệm Spa Hoàng Lan đã sang nhượng cho chủ mới.
Gấu mẹ vừa đi làm vừa quản lý tiệm nên không đủ thời gian, để cho nhân viên làm thì không quản lý được nên tiệm hoạt động không hiệu quả. Vì vậy nên đành phải sang nhượng cho người khác.
Tuy nhiên trang Blog Spa Hoàng Lan vẫn được duy trì để đăng các bài sưu tầm được về chăm sóc sức khỏa và sắc đẹp cho chị em phụ nữ. Đồng thời trang Blog Spa Hoàng Lan sẽ được đổi tên thành Thanh Lan’s Blog.
Thanh Lan’s Blog mong được mọi người ủng hộ và đóng góp cho trang Blog ngày càng phát triển.
Địa chỉ liên hệ: thanhlanbmt@gmail.com. Điện thoại: 0918278385.
Thanh Lan’s Blog.

Chúc mừng sinh nhật con – Hoàng Hải Nam



Chúc mừng sinh nhật con – Hoàng Hải Nam

Nhân dịp sinh nhật của con lần thứ 22 (20/07/1990 - 20/07/2012), Ba và Mẹ chúc con mạnh khỏa và học tập tốt.






Ba và Mẹ mong con cố gắng rèn luyện thân thể để có sức khỏa tốt, cố gắng học tập để có kiến thức tốt, hãy phấn đấu từ bây giờ để con có nguồn vốn tốt cho ngày mai.



Cánh cửa cuộc đời luôn rộng mở với những người có sức khỏe, kiến thức và nghị lực. Phía trước luôn có một con đường.



Ba và Mẹ luôn mong muốn con trở thành người mạnh khỏe và thành đạt.

Ba Mẹ của con.


18 thg 7, 2012

Kinh doanh đa cấp - Sinh viên mơ kiếm 680 triệu đồng

"Bạn có muốn làm giàu không? Chẳng lẽ hơn bốn năm học ĐH, CĐ bạn phải vác hồ sơ đi xin việc với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng thôi sao? Sao bạn không nghĩ công ty sẽ giúp bạn có được số tiền mà có thể cả đời bạn không có nó..." 


Đó là những câu quen thuộc mà những bạn sinh viên thường được nghe khi bước vào một công ty đa cấp. Cũng đều là sinh viên với nhau, tôi không chắc những hiểu biết của tôi nhiều hơn các bạn, chỉ là tôi muốn chia sẻ với các bạn điều mà tôi đang rất bức xúc, và cũng cảm thấy rất buồn.

Chắc các bạn không còn lạ gì với các công ty bán hàng đa cấp phải không? Mặc dù hình thức kinh doanh đa cấp không xấu, có rất nhiều điều để những người làm kinh doanh phải học tập, nhưng sự phát triển tràn lan, khó kiểm soát, lại bị một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng, đã làm méo mó, biến tướng hình thức kinh doanh này.
Đã là sinh viên hẳn bạn nào cũng muốn kiếm việc gì đó để vừa học vừa làm. Nhiều bạn gia đình cũng khá giả chỉ muốn học hỏi kinh nghiệm, có được tài ăn nói thuyết phục, cách giao tiếp. Vừa được học hỏi kinh nghiệm lại kiếm được tiền thì thật tốt.
Chính điều đó, nhiều công ty bán hàng đa cấp đang nhắm đến những sinh viên chúng ta là chính- những người trẻ tuổi từ không học vấn đến có học vấn, những ai mong muốn mau làm giàu, có thật nhiều tiền, nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, nhưng công bỏ ra không nhiều.
Điều kiện tham gia cũng rất là đơn giản: chỉ cần trên 18 tuổi, có một người giới thiệu, và điều kiện không bắt buộc (tự nguyện đấy nhé) là mua một sản phẩm ở đó với giá trên 6 triệu đồng.
Họ dùng những lời lẽ rất ư là thuyết phục, những dẫn chứng cứ như thật về doanh nhân giàu có này, người thành đạt nọ, rồi những nhà lãnh đạo hàng đầu Mỹ..., những số tiền tính đến mức hàng tỉ đồng mà họ kiếm được.
Và cuối cùng bạn sẽ ký hợp đồng với điều kiện sẽ mua một sản phẩm với giá trên 6 triệu đồng. Nếu bạn không có tiền hoặc không đem theo tiền ư? Bạn đừng lo, bạn sẽ được một trưởng phòng kinh doanh đứng ra bảo lãnh để được là thành viên hợp tác kinh doanh. 
Thế nhưng muốn lấy được sản phẩm thì bạn phải trả hết khoản tiền.
Ban đầu chỉ cần như thế các bạn đã được làm những "chuyên viên kinh doanh" đa cấp. Chưa đầy một ngày sau sẽ có thêm 3 người nữa, họ là những người do bạn đưa vào, có thể là người thân, là bạn bè của bạn.
Dẫn vào được ba người bạn sẽ được hưởng mức thù lao 650 ngàn đồng/người. Lúc này bạn sẽ được lên chức tổ trưởng kinh doanh, sau bạn lúc này sẽ được khoảng 9 người, và mức lương của bạn là 1,2 triệu đồng. Nếu cấp dưới bạn dẫn thêm người, thì mỗi người đó bạn sẽ được 150 ngàn đồng/người.
Bạn đã lên chức phó phòng kinh doanh sau chưa đầy hai tuần. Tiếp đó là chức trưởng phòng kinh doanh chưa đầy một tháng. Còn nhiều chức vụ cao cấp khác nữa. Mỗi cấp bậc như thế các bạn đều có mức thù lao riêng rất béo bở. Cộng thêm các chương trình tri ân những khách hàng thân yêu của họ ...
Mỗi khách hàng cũng là một chuyên viên, muốn có cơ hội nhận được 680 triệu từ chương trình này thì phải mua một sản phẩm để tích điểm, hai đến ba sản phẩm tích được 1 điểm.
Tôi vừa gặp một cô bé chừng 19 tuổi, dẫn ba từ Đắk Lắk lên, cầm cố sổ đỏ để mua sản phẩm tích 10 điểm, chỉ vì muốn đổi đời. Thật đau lòng khi không riêng gì cô bé đó, hầu hết những người ở đó đều là sinh viên, những con người trẻ tuổi khát vọng làm giàu lớn lao hoang tưởng mà ở đó vẽ vời ra.
"Bạn có muốn làm giàu không? Chẳng lẽ hơn bốn năm học ĐH, CĐ bạn phải vác hồ sơ đi xin việc với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng thôi sao? Sao bạn không nghĩ công ty sẽ giúp bạn có được số tiền mà có thể cả đời bạn không có nó...."
Tiền ở đâu mà họ trả cho chúng ta nhiều thế? Phải chăng là số tiền chi cho việc quảng cáo sản phẩm như họ nói, hay là số tiền do họ bán sản phẩm kém chất lượng và không đóng thuế?
Thực tế không phải như họ nói mà tiền đó là của chính các bạn, những người vào sau đang đóng tiền để nuôi bộ máy cồng kềnh của công ty đa cấp, họ lấy tiền của người vào sau chia cho người vào trước. Vì vậy, càng lừa được nhiều người thì lương của bạn càng cao.
Họ dẫn bạn đi tham quan các sản phẩm, dịch vụ, thành tích hình ảnh của các doanh nghiệp thành công, giàu có...Thế nhưng phần xem các bằng cấp giấy chứng nhận, giấy thành lập công ty, giấy báo thuế...thì lại bị lướt qua nhanh chóng.
Tôi chỉ kịp nhìn được vài tờ, nhưng lại toàn tiếng Hoa thì phải. Câu nói nằm lòng của họ là về sự năng động, mạnh mẽ, tự tin, thật thà..., vậy thử hỏi bao nhiêu phần trăm là thật thà?
Tôi xin lỗi các bạn đang bán hàng đa cấp, cũng như các công ty kinh doanh đa cấp làm ăn chân chính thật sự.
Hy vọng các bạn sinh viên cân nhắc thật kĩ khi mua bán, hợp tác kinh doanh đa cấp.
Tiến Chan

Bức ảnh được nhiều người biết đến nhất thế giới


Mona Lisa của Leonardo Da Vinci được công nhận là tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất trong khi Bliss gây nhiều tranh cãi khi được xem là bức ảnh quen thuộc nhất.

Mona Lisa của Leonardo Da Vinci
 Mona Lisa không phải bức tranh đẹp nhất hay đắt nhất, nó đơn giản là bức tranh dễ nhận ra nhất. Ở bất cứ đâu trên thế giới cũng sẽ luôn có người biết kiệt tác này của danh họa Leonardo Da Vinci. Theo bảo tàng Louvre ở Paris, mỗi năm có 6,8 triệu người đến chiêm ngưỡng Mona Lisa.

Tương tự, Bliss của Charles O’Rear cũng không phải tấm hình đẹp nhất, nhưng đã có hơn 1 tỷ người biết đến chỉ từ năm 2002 và nhiều người còn thấy nó mỗi ngày khi bật máy tính lên bởi đây là hình nền mặc định của Windows XP

Bliss của Charles O’Rear.
Charles O’Rear là nhiếp ảnh gia của National Geographic. Ông vô tình chụp tác phẩm Bliss khi lái xe qua vùng làm rượu vang ở thung lũng Napa, California (Mỹ). O’Rear từ chối tiết lộ việc Bill Gates và Microsoft đã trả bao nhiêu tiền bản quyền để sở hữu ảnh cách đây một thập kỷ, nhưng chia sẻ rằng đó là khoản tiền "rất lớn" và chỉ thua bức ảnh cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton ôm Monica Lewinsky. Hiện O’Rear mở một tiệm ảnh ở thung lũng Napa và dành phần lớn thời gian viết sách về niềm đam mê lớn khác trong đời ông: rượu Califonia.

Blogger Morts Lindholm đang khuấy đảo cộng đồng Google+ khi cho rằng Bliss là bức ảnh được nhiều người biết nhất và đa số đồng tình với kết luận này.

15 thg 7, 2012

8 câu nói hủy hoại mối quan hệ với khách hàng

Dưới đây là 8 điều bạn không bao giờ nên nói với khách hàng (mặc dù trong bụng thì rất muốn):


“Không”. Một chủ doanh nghiệp từng nói với tôi, “Đừng bao giờ nói không với khách hàng. Hãy luôn nói: “Được, chúng tôi có thể. Nếu làm vậy thì giá sẽ thế này”. Nếu bạn hoàn toàn không thể cung cấp một sản phẩm hay dịch vụ cụ thể nào đó, bạn không thể đáp ứng đòi hỏi của khách hàng. Nhưng thường thì nguyên nhân chỉ là do bạn không muốn cung cấp sản phẩm hay dịch vụ đó. (Trong ví dụ trên, tôi cũng không muốn cung cấp sản phẩm mà khách hàng yêu cầu. Đòi hỏi của khách hàng chắc chắn là khả thi, nhưng thực hiện nó sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp). Do đó, hãy ra giá cho những yêu cầu bất thường như vậy: Nếu bạn có thể kiếm lời, tại sao lại không làm? Lợi nhuận cũng là nguyên nhân khiến bạn làm kinh doanh.
“Anh có chắc không?” Khách hàng thường sai. Quá tệ. Đừng bao giờ tỏ ra nghi ngờ lời nói hay cảm nghĩ của họ; vì như thế bạn sẽ chỉ làm tình hình thêm xấu đi. Thay vì đặt câu hỏi, hãy tìm cách hiểu rõ hơn. Nói những câu như: “Anh có thể giải thích cho tôi thêm một lần nữa, để tôi chắc chắn mình có thể giải quyết vấn đề không?” sẽ không khiến khách hàng phải khó xử mà vẫn giúp bạn duy trì cuộc hội thoại một cách khách quan và tập trung vào giải pháp.
“Việc anh nên làm là…” Đừng nói với tôi tôi phải làm gì. Hãy giúp tôi. Đó là lý do vì sao tôi đến tìm anh.
“Việc đó trái với chính sách của chúng tôi”. Có thể việc đó trái với quy tắc của công ty, nhưng nếu khách hàng không biết quy tắc hay chính sách của công ty là gì, thì đã sao? Bất cứ điều khoản nào không được nói rõ từ đầu thì không liên quan đến khách hàng. Hãy tưởng tượng bạn là một khách hàng, sau khi mua hàng rồi bạn mới phát hiện ra sản phẩm lỗi, và công ty không cho phép trả lại – bạn sẽ thấy thế nào? Hãy nói trước về chính sách, điều khoản để khách hàng nhận thức rõ và đồng ý với các điều khoản này; nếu không, bạn phải tìm cách giải quyết vấn đề theo kiểu khác. Những chính sách không được nói rõ là lỗi của bạn, chứ không phải lỗi của khách hàng.
“Không thành vấn đề”. Có lẽ câu này không khiến nhiều người khó chịu, nhưng tôi thì luôn khó chịu khi phải nghe câu này. Một lần, tôi hỏi một anh nhân viên nhà hàng có thể treo áo giúp tôi đươc không, và anh ta trả lời “không thành vấn đề”. Tôi biết ý anh ta là “vâng”, nhưng “không thành vấn đề” vẫn khiến tôi cảm thấy có vấn đề. Khi tôi là khách hàng, thì tôi mới là người đang giúp cho công ty anh bằng cách sử dụng sản phẩm/dịch vụ của anh, chứ không phải công ty anh đang làm ơn làm phước gì cho tôi. Thay vì nói “không thành vấn đề”, hãy nói “vâng”.
“Tôi sẽ cố xem sao…”. Khách hàng quan tâm đế kết quả, chứ không phải nỗ lực. Hãy nói cho tôi biết anh sẽ làm gì, chứ không phải anh cố làm gì. “Sẽ cố làm” nghe có vẻ không chắc chắn, mà sự không chắc chắn chính là “nụ hôn tử thần” dành cho quan hệ khách hàng. Nếu một khách hàng muốn bạn giao hàng gấp, hãy nói “Tôi sẽ gọi đơn vị phân phối để sắp xếp lịch giao hàng hợp lý nhất”. Đừng dùng từ “cố” để tỏ ra rằng bạn đang phải làm việc rất vất vả, khách hàng không quan tâm đến điều đó.
“Hãy cho tôi biết nếu anh gặp bất cứ vấn đề gì”. Nếu khách hàng đến tìm bạn vì một vấn đề gì đó, và bạn cho rằng mình có thể giải quyết được, thì rất tốt. Nhưng đừng hi vọng khách hàng sẽ chủ động liên lạc lại với bạn khi vấn đề khác lại xảy ra; hãy gọi điện cho khách hàng một vài ngày sau khi bán hàng để đảm bảo sản phẩm vẫn hoạt động tốt. Giải quyết vấn đề của khách hàng chỉ vừa đáp ứng được kỳ vọng của họ, trong khi gọi điện sau vài ngày để hỏi xem họ có cần gì thêm sẽ cho họ thấy bạn quan tâm đến họ.
“Tôi sẽ báo lại cho anh sớm nhất có thể…”. Có thể bạn sẽ báo lại sớm, nhưng ngay lúc đó khách hàng đã bị bỏ lại một mình và không biết “sớm” ở đây là bao lâu. Hãy luôn cho họ biết thời gian cụ thể, và khi đến hạn mà bạn vẫn không có đủ thông tin cần thiết, hãy gọi cho khách hàng và báo cho họ như vậy – và lại nói rõ khi nào bạn sẽ liên lạc lại. Quan hệ khách hàng cũng phụ thuộc vào khả năng quản lý kỳ vọng của khách, “sớm nhất có thể” nghe thì hay nhưng lại không giúp bạn thiết lập nên một kỳ vọng cụ thể nào cho khách hàng chờ đợi.

Tác giả bài viết là ông Jeff Haden, quản lý của một xưởng in sách có 250 nhân viên. Ông đã viết hơn 30 cuốn sách, trong đó có 4 cuốn về Kinh doanh và Đầu tư đạt xếp hạng cao nhất trong danh mục sách bán chạy của Amazon.

Nếu đời không đàn ông



Nếu đời không có đàn ông.
Các chị cũng chỉ ngồi không ngáp ruồi.
Dựng nhà – săn bắn – chăn nuôi.
Việc gì to lớn cũng người đàn ông.
Thủ kho thì cũng như không.
Chẳng có một cắc thì trông cái gì.
Cạo gió mà để làm chi.
Nội dung say xỉn thường vì... chị em.
“Nếu đời không có chúng em.
Từ lâu thế giới “loạn” lên mất rồi.”
Vâng, nhưng không có chúng tôi.
Thế giới còn loạn từ hồi sơ khai.
Chẳng phải để cãi đúng - sai.
So sánh khập khiễng – thấy hài thì nhắc thôi.
Tùng Nguyễn

Nếu đời không đàn bà


Nếu đời không có đàn bà.
Đàn ông các bác có mà… nhảy nai.
Các ông sáng xỉn, chiều say.
Lấy ai “cạo gió”, lấy ai dọn nhà…
Nếu đời không có đàn bà.
Ai người nội trợ, ai là “giữ kho”?
Ai người tâm sự nhỏ to.
Khéo không các bác bày trò “chả nem”.
Nếu đời không có chúng em.
Từ lâu thế giới “loạn” lên mất rồi.
Các ông đừng có trách trời.
Đừng than đừng thở sao thời bất công!
Thà rằng không có các ông.
Còn hơn “tuyệt chủng” bóng hồng tụi tui.
Anh ơi, nghĩ lại mà coi.
Sống sao cho sướng khi đời không em!
Lê Anh Vũ


Gam dòng điện của dây chảy 24kV

Bảng gam dòng điện của dây chảy - Cầu chì tự rơi 24kV:




3K, 6K, 8K, 10K, 12K, 15K, 20K, 25K, 30K, 40K, 50K, 60K, 65K, 80K, 100K …

Cách kiểm tra mật khẩu Yahoo, Gmail có bị lộ hay không

Yahoo xác nhận hôm 12/7 rằng Yahoo!Voices đã bị tấn công, với hơn 400.000 tên người dùng và mật khẩu bị đánh cắp từ máy chủ. Tuy nhiên, không chỉ có địa chỉ email Yahoo! mới bị ảnh hưởng: tài khoản Gmail, MSN, Hotmail, Comcast và tài khoản AOL cũng gặp nguy vì Yahoo!Voices cho phép người dùng đăng nhập bằng địa chỉ email không phải Yahoo.

Nhờ Sucuri Malware Labs – một công ty bảo mật, bạn có thể kiểm tra ngay bây giờ để xem tài khoản email của mình trên Yahoo!Voices có bị rò rỉ hay không.


 Bước 1: Nhấp chuột vào đây.

Bước 2: Gõ tên địa chỉ email sau đó chọn Check email.

Kết quả trả về sẽ cho bạn biết bạn có phải một trong số những nạn nhân của hacker không.

Thông tin tài khoản email rò rỉ xuất hiện trên mạng vào sớm hôm qua và do nhóm hacker có tên “D33ds” đăng tải. Bởi mật khẩu không được mã hóa, danh sách dài tên người dùng và mật khẩu đã bị đăng theo dạng văn bản trơn (plain text) cho tất cả mọi người xem.

Tin xấu cho người dùng Yahoo tới chỉ một ngày sau khi 420.000 thành viên của mạng xã hội Formspring bị rò rỉ, và vài tuần sau khi hàng triệu mật khẩu từ các trang web như LinkedIn, eHarmony và Last.fm bị lộ.

Trả lời với trang web TechCrunch, Yahoo cho biết đang vá các lỗ hổng dẫn tới vụ thất thoát dữ liệu, thay đổi mật khẩu của những người dùng Yahoo bị ảnh hưởng và thông báo tới các công ty mà tài khoản người dùng của họ có thể bị lộ kèm lời xin lỗi. Yahoo cũng vận động người dùng cập nhật mật khẩu thường xuyên.
  
Theo ictnews

“Chúng mày muốn lên thì phải khấn cho ... tao!”

Chuyện tào lao của Fa-Xu-Ca.

Ảnh minh họa
Nghiệm lại cuộc đời làm cán bộ của mình toàn kết thân với cấp dưới, nỏ mần răng mà thân với cấp trên được. Hồi làm trưởng phòng cũng vậy, chơi với anh em chết bỏ. Nhiều tên đến bây giờ vẫn thân, kể cả có tên nay đã làm to hơn mình (Nhưng mà cũng chỉ thân với nó thôi, không thèm thân với cái chức của nó!)

Năm đó sau tết mấy gia đình anh em trong phòng rủ nhau đi Chùa Hương Tích trong Hà Tĩnh. Trong đó có gia đình hai tên đội trưởng, vừa là cán bộ dưới quyền, vừa là học trò của mình ở Trường Đại học. Anh em thân tình hết cỡ, nói năng thoải mái chả phải nhìn trước ngó sau gì. Rất sướng!
Trong lúc mọi người làm lễ rất cung kính thì mình chủ yếu đi vãn cảnh, chụp hình, không chuyên chú chuyện cầu tài, cầu lộc lắm. Thế nhưng lúc cầm hương đứng sau lưng hai tên đội trưởng thì nghe chúng khấn rất rõ ràng rành mạch, là xin bề trên cho được đề bạt lên làm lãnh đạo, có tên còn nói rõ là lên chức phó phòng. Mình chỉ cười thầm, chứ trước chốn linh thiêng ai dám nói gì. Khi đã xuống núi, ngồi ăn cơm, mình mới nói: “Hai thằng chúng mày rất chi là ngu, xin rứa mần răng mà được!”. Cả bọn ngơ ngác, không hiểu răng lại ngu, răng lại không được, không được cái gì. Khi đó mình mới dõng dạc: “Cả phòng mình mỗi chức trưởng phòng thì tao làm rồi. Mấy tay phó phòng cũng tuổi sàn sàn như tao cả. Thằng mô cũng học hành tử tế, đạo đức sáng ngời, mần răng mà bị kỷ luật được. Đó là chưa kể thằng mô cũng khỏe mạnh, ăn uống điều độ, thể dục đều đều, đi bộ cũng đội mũ bảo hiểm. Khun (khôn) ra rứa biết khi mô cho chết? Rứa thì chúng mày mần răng mà lên phó phòng được? Cho nên muốn lên phó phòng thì chúng mày phải khấn cho...tao đây này. Tao mà lên được, chúng mày mới có chỗ. Hơn nữa, khấn cho tao mới thật khách quan, không mang tiếng vụ lợi thánh thần”. Cả bọn cười nghiêng ngả: “Đại ca chí lý! Đại ca chí lý!”.
Không biết từ lần sau chúng nó có khấn cho mình thật không. Chỉ biết cuối năm đó mình cũng được đề bạt lên chức vụ cao hơn. Còn hai tên kia đứa trước, đứa sau cũng lên phó phòng. Đến bây giờ thì cả hai tên đều là trưởng Công an huyện. Quyền sinh quyền sát, oai hơn mình nhiều! Hễ gặp nhau là lại: “Cám ơn anh! Nhờ anh bày cho khấn mới được ra ri!”.

Viết đến đây mới chột dạ. Chết dở! Xưa nay toàn bày cho chúng nó, còn mình thì chả biết khấn ai và khấn cho ai. Đúng là dao sắc không gọt được chuôi!
Nỏ biết bây giờ có muộn quá không ta?

Trong lạm phát, chính phủ được lợi nhiều nhất


Ngày 22-6 vừa qua tại Hà Nội, Giáo sư Ken Schoolland người Mỹ đã có cuộc nói chuyện với độc giả Việt Nam nhân dịp Quỹ Friedrich Naumann (Đức) và NXB Tri Thức ra mắt cuốn sách Gullible du ký - Trường ca Odyssey về thị trường tự do của ông.

Ông Ken Schoolland hiện là giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học Hawaii Thái Bình Dương và là một người nhiệt thành ủng hộ tư tưởng kinh tế thị trường tự do với càng ít sự can thiệp từ nhà nước càng tốt.
. Phóng viên: Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, xu hướng chung của thế giới hiện nay là nền kinh tế cần vận hành có sự quản lý của nhà nước, phải vậy không thưa ông?
+ Giáo sư Ken Schoolland: Nền kinh tế nào cũng có sự quản lý từ phía nhà nước, chỉ khác nhau ở mức độ. Mỗi nền kinh tế đều là một sự hỗn hợp giữa tự do thị trường và quản lý của nhà nước, ngay cả ở Mỹ và Hong Kong cũng vậy. Tuy nhiên, số nước nhà nước quản lý tuyệt đối, như Bắc Triều Tiên chẳng hạn, bây giờ còn rất ít, đa số đều ngả theo hướng thị trường tự do.
Đó là xu thế chung. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng thì một quốc gia có tiếng là tự do như Mỹ cũng đang muốn đẩy mạnh quản lý nhà nước: kiểm soát ngân hàng và các định chế tài chính, rồi thì chi tiêu công nhiều hơn… Chính phủ nào cũng vậy cả, thế lực cầm quyền luôn luôn muốn có thêm quyền, chứ không bao giờ muốn bỏ bớt quyền lực.
Cá nhân tôi cho rằng mọi hình thức quản lý đều chỉ mang lại lợi ích cho một số nhóm. Tất cả mọi người sẽ chỉ có được lợi ích lớn nhất khi xã hội loại bỏ được tất cả các đặc quyền đặc lợi đó.

Ông căn cứ vào đâu để đánh giá mức độ tự do và can thiệp ở một nền kinh tế?
+ Các nhà kinh tế xác lập năm tiêu chuẩn:
Thứ nhất là quy mô, kích thước của chi tiêu công và thuế. Ở đây tôi muốn nói rõ là kể cả thuế vô hình như lạm phát.
Thứ hai là độ mở của nền kinh tế trong thương mại quốc tế. Riêng cá nhân tôi muốn thêm vào đây một yếu tố nữa rất quan trọng, là tự do di trú, hay là quyền tự do di chuyển của lao động. Tôi đặc biệt ủng hộ thị trường lao động mở.
Thứ ba là hợp đồng và tài sản. Về nguyên tắc, bạn làm ra cái gì, bạn phải được giữ nó, thụ hưởng từ nó, thì từ đó bạn mới có động lực để sản xuất nhiều hơn, lao động nhiều hơn.
Thứ tư là tiền tệ ổn định. Lạm phát là một loại thuế bí mật, trong đó tiền bị phân phối lại, chuyển từ những người đang sống bằng tiền ấy sang những người đang nắm giữ các tài sản khác như đất đai, nhà cửa. Khi lạm phát xảy ra và tiền mất giá, nếu bạn là người sống nhờ tiền tiết kiệm, bạn mất hết. Còn nếu bạn là kẻ in tiền, hay là con nợ, thì bạn được lợi. Ở mọi nước trên thế giới, con nợ lớn nhất đều là chính phủ. Kẻ sở hữu nhiều đất nhất cũng là chính phủ. Kẻ sở hữu nhiều vàng nhất, kẻ in tiền và chi tiền đầu tiên cũng là chính phủ. Cho nên họ có lợi từ lạm phát. Cho nên chính phủ nào cũng vậy, thích can thiệp vào tiền tệ, gây lạm phát.
Thứ năm là luật lệ, ví dụ luật lệ về tín dụng, kinh doanh, lao động.
Ở đâu trên thế giới, chính phủ cũng nói nghĩa vụ của họ là bảo vệ người dân. Nhưng ở nước nào cũng thế, thực thể lớn nhất lấy của cải từ người dân là chính phủ. Có một ảo tưởng là chính phủ giúp đỡ, chăm sóc người nghèo. Nhầm. Tay này họ cung cấp phúc lợi, thì tay kia họ bòn rút của người nghèo, ví dụ bằng lạm phát. Phúc lợi thì ai cũng thấy rõ, còn cái họ lấy mất thì không ai trông thấy được.

Nhưng có một số ngành mà chính phủ nên đứng ra làm, vì lẽ tư nhân không đủ năng lực hoặc không muốn tham gia ngành đó…
+ Theo tôi, trong thị trường có sự tự do lựa chọn thì việc gì tư nhân làm cũng hiệu quả hơn là nhà nước. Ở Mỹ, một nửa dịch vụ an ninh là do tư nhân cung cấp. Một nửa số vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng cũng được giải quyết bởi trọng tài tư nhân thay vì thông qua hệ thống tòa án.
Vào những năm đầu thế kỷ 20, đa số thành phố ở Mỹ có nhiều công ty điện cạnh tranh nhau và giá tiền điện ở đó đều thấp hơn 1/3 so với thành phố nào chỉ có một công ty điện.

. Xin cảm ơn ông.
Theo ĐOAN TRANG - Phapluat TP.HCM

10 Người giàu nhất hành tinh

1. Carlos Slim Helú - 74 tỷ USD


Quốc tịch: Mexico
Lần thứ hai liên tiếp, trùm truyền thông Mexico đứng đầu thế giới về mặt tài sản. Sau một năm, Carlos Slim có thêm 20,5 tỷ USD. Nếu như năm ngoái, khoảng cách giữa ông và người về nhì - Bill Gates chỉ là 300 triệu USD thì năm nay tăng lên 18 tỷ USD. Carlos Slim phải cảm ơn thị trường chứng khoán Mexico, với mức tăng ấn tượng 19% trong năm vừa rồi, đồng thời nhờ vào cả những khoản đầu tư đúng đắn vào ngành khai mỏ và bất động sản.

2. Bill Gates - 56 tỷ USD


Quốc tịch: Mỹ
Trong năm vừa rồi, tài sản của Bill Gates hao hụt đáng kể vì những hoạt động từ thiện khắp nơi trên thế giới. Cùng với người bạn lâu năm Warren Buffett, ông đã thuyết phục được gần 60 đại gia hàng đầu thế giới hiến phần lớn tài sản để giúp đỡ xã hội.
Bill Gates hiện "nghèo" hơn người đứng đầu 18 tỷ USD, nhưng tính tổng cộng từ trước đến nay, ông đã cho đi gần 30 tỷ USD để làm từ thiện. Quỹ Gates Foundation của vợ chồng ông chú trọng vào cuộc chiến chống bệnh lao, bại liệt, AIDS và đói nghèo tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện vốn đầu tư của Bill Gates không chỉ nằm trong Microsoft mà còn trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ xe hơi đến quỹ đầu cơ. Ông cũng không bỏ qua sự phát triển nhanh nhạy của Mexico và đã rót tiền vào công ty đóng chai Femsa tại nước này.

3. Warren Buffett - 50 tỷ USD


Quốc tịch: Mỹ
Tuy đã qua tuổi 80 nhưng nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffett vẫn hăng hái làm việc, kiếm được thêm 3 tỷ USD trong năm vừa rồi. Không những đặt kế hoạch làm việc đến 100 tuổi, ông còn hăng hái với hàng loạt mục tiêu mới: "Khẩu súng bắn voi của tôi đã được nạp đạn và ngón tay bóp cò thì đang ngứa ngáy", ông tuyên bố. Cũng như Bill Gates, Warren Buffett đã cam kết sẽ hiến nửa gia sản để làm từ thiện.

4. Bernard Arnault - 41 tỷ USD


Quốc tịch: Pháp
Ông chủ của thế giới xa xỉ Bernard Arnault tiếp tục giữ vững danh hiệu người giàu nhất châu Âu, với tài sản tăng 13,5 tỷ USD trong năm vừa rồi. Cổ phiếu LVMH vừa có một năm leo thang nhờ nhu cầu những sản phẩm xa xỉ như champagne Dom Perignon, rượu Cognac Hennessy, đồng hồ Tag Heuer và sản phẩm thời trang Louis Vuitton. Nhu cầu đặc biệt tăng mạnh tại các thành phố châu Á như Thượng Hải (Trung Quốc) và TP HCM của Việt Nam.
2010 là năm chứng kiến hàng loạt sự kiện lớn của LVMH, tập đoàn sở hữu hàng loạt thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Marc Jacobs, Fendi, Hennessy, Donna Karan, Dior Watches, Kenzo Parfums... Năm ngoái, hãng đã thâu tóm 20% cổ phần của hãng thời trang Hermes. Tháng ba vừa rồi, thương hiệu đắt đỏ Bulgari cũng đã chuyển phần lớn cổ phần sang cho LVMH để đổi lấy ghế trong hội đồng quản trị. LVMH vừa sa thải nhà thiết kế lừng danh của Christian Dior là John Galliano sau khi ông này có những bình luận thiếu thiện cảm.

5. Larry Ellison - 39,5 tỷ USD


Quốc tịch: Mỹ
Ông chủ của hãng công nghệ danh tiếng thế giới Oracle cũng bỏ túi thêm 11,5 tỷ USD nhờ cổ phiếu của hãng tăng 30% sau một năm. Larry Ellison cũng là một trong những CEO được trả lương cao nhất nước Mỹ. Trong 5 năm vừa rồi, riêng tiền thưởng của Ellison đạt con số 960 triệu USD, chủ yếu là quyền chọn chứng khoán. Còn tiền lương của ông chỉ là con số danh nghĩa 1 USD mỗi năm.

6. Lakshmi Mittal - 31,2 tỷ USD


Quốc tịch: Ấn Độ
Lợi nhuận ròng của tập đoàn thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal do đại gia gốc Ấn sở hữu đã tăng tới 18 lần, lên con số 2,9 tỷ USD trong năm 2010, nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu thép.
Ông chuyển đến London sống từ lâu và hiện sở hữu hàng loạt bất động sản đắt giá nhất nhì nước Anh. Mới đây, ông bỏ tiền ra mua Alderbrook Park, một nông trang rộng 138 hecta và dự định xây lâu đài 40 triệu USD ở trên đó.

7. Amancio Ortega - 31 tỷ USD


Quốc tịch: Tây Ban Nha
Hồi tháng một, Amancio Ortega từ chức Chủ tịch Inditex, một tập đoàn thời trang có doanh thu 15,8 tỷ USD trong năm ngoái. Tập đoàn này sở hữu nhiều thương hiệu phổ biến như Zara, Massimo Dutti và Stradivarius với 5.000 cửa hàng ở 77 quốc gia.
Amancio Ortega là một trong những tấm gương tiêu biểu về tinh thần làm giàu từ tay trắng. Sinh ra trong một gia đình công nhân đường sắt, ông khởi nghiệp tại một cửa hàng áo phông nhỏ. Sau khi lập gia đình, ông cùng vợ bắt đầu nghiệp may mặc với việc may áo cưới, đồ lót, dần dần xây dựng nên tập đoàn may mặc Inditex rồi trở thành tỷ phú như ngày nay. Hiện ông sở hữu hàng loạt bất động sản khắp thế giới từ Florida, Madrid đến London và Lisbon.

8. Eike Batista - 30 tỷ USD


Quốc tịch: Brazil
Người giàu nhất Brazil đang ngày càng vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới. Hồi đầu năm, ông tuyên bố đã mở văn phòng tại New York và đang chuẩn bị chuẩn bị niêm yết vài công ty lên sàn chứng khoán London.
Thông qua công ty EBX do ông sở hữu, Batista nắm trong tay hàng loạt khoản đầu tư lớn vào các ngành khai mỏ, đóng tàu, năng lượng, du lịch và giải trí. Hai phần ba tài sản của ông đến từ OGX, công ty khai thác dầu và khí gas do ông sáng lập hồi 2007 và niêm yết cách đây một năm.

9. Mukesh Ambani - 27 tỷ USD


Quốc tịch: Ấn Độ
Người giàu nhất Ấn Độ sở hữu tập đoàn dầu và khí gas Reliance Industries, cũng là công ty có giá trị thị trường lớn nhất nước này. Mới đây, tập đoàn của ông bán 30% cổ phần tại 23 khu khai thác dầu ở Ấn Độ cho hãng BP lấy 7,2 tỷ USD. Hợp đồng này cho đến nay là một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất tại nước này. Ngoài ra, ông cũng vừa mua cổ phần của 3 hãng năng lượng Mỹ với giá 3,3 tỷ USD. Cách đây không lâu, ông cùng người vợ Nita đã làm lễ khánh thành căn nhà riêng cao 27 tầng trị giá 2 tỷ USD tại Mumbai, Ấn Độ.

10. Christy Walton - 26,5 tỷ USD


Quốc tịch: Mỹ
Hiện nay, thành viên đến từ gia đình Walton danh tiếng này là người phụ nữ giàu nhất thế giới. Dù chồng bà, người thừa kế trực tiếp của nhà Walton qua đời đã lâu nhưng tài sản của bà quả phụ vẫn tăng lên đều đều nhờ các ngành kinh doanh của gia đình vẫn liên tục sinh lãi. Khoản đầu tư của người chồng tại hãng năng lượng First Solar đã tăng 500% giá trị kể từ khi niêm yết lần đầu hồi 2006.
Còn chuỗi siêu thị Wal-mart của gia đình, do bố của chồng bà là Sam Walton và người anh trai James sáng lập hồi 1962, tiếp tục cho doanh thu 405 tỷ USD trong năm ngoái.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons