Pages

20 thg 4, 2013

Gửi cho con tình yêu đến Biển


Ba bảo con ba đi canh sóng dữ
Ngoài đảo xa xôi gió thét đêm ngày
Mấy cái tết ba không về rồi nhỉ
Giữa đảo xa chắc ba sẽ thấy buồn...

Mẹ nhớ ba tóc cài đầy sương gió
Lớp bụi cuộc đời phủ kín cả mắt con
Con không thấy ba về như thưở trước
Mẹ trách hờn: "ba chỉ biết biển thôi"

Con lớn từng ngày và thêm khát tiếng ba
Trong căn nhà người đàn ông không có
Các em con thì vẫn còn bé nhỏ
Bão lùa về-mẹ khóc lượm thóc rơi...

Rồi một ngày nhận được cánh thư ba
Ba nhắc nhiều hơn tình yêu với biển
Bảo mẹ con con ở nhà đừng khóc
Ba sẽ về khi thấy biển bình yên...

Con bé nhỏ, còn mẹ không biết chữ
Đâu hiểu gì về bờ biển của ba
Đâu hiểu nổi tình yêu kì lạ thế
Vẫn giận ba trong lặng lẽ mong chờ...

Con lớn lên được nghe nhiều về biển
Biển là một phần máu thịt của quê hương
Là chiếc áo khoác thân người mẹ Việt
Nuôi sống con người suốt kiếp bám biển khơi

À. thì ra đó là máu thịt
À thì ra là số phận con người
Là hòa bình, là tự do, hạnh phúc
Ba yêu nhiều bởi thế đúng không ba???

Rồi bỗng một ngày con thấy yêu thương
Từng ngọn sóng nơi đảo xa yêu dấu
Bỗng nhận ra tình yêu mình nung nấu
Là một phần từ ngọn lửa của ba...

Hoàng sa-Trường Sa là của chúng ta
Con căm ghét những bàn tay "ăn cướp"
Con căm ghét những ý đồ xâm lược
Họ có quyền gì cắt máu thịt chúng ta

Ba nhé!

Cho con gửi tình yêu con đến biển
Đến mọi mũi thuyền đất Việt tiến ra khơi
Gửi niềm động viên cho những người lính biển
Những người dân sống ở chốn đảo xa...

Và nhiều lắm kể cả từng viên đá
Từng rặng san hô, từng lớp rêu dày....
Ba cho con gửi nụ hôn lên đó
Biển quê hương chắc sẽ đón chào con...

Mẹ cười rồi ba có biết không
Mẹ tự hào vì ba là lính biển
Mẹ cũng như con dần dần thấu hiểu
Biển là nơi nhen nhóm ánh hòa bình

Nếu nơi đó chẳng bình yên
Thì đất liền đau khúc ruột
Nơi đó mất đi
Đất nước sẽ lâm nguy....

Vì thế không hối ba về nữa
Ba nhớ yêu cho thật thủy chung
Mẹ và con sẽ đợi ngày biển đảo
Cùng ba cười trong lớp sóng bình yên !

Hoàng Thị Hương Mai, lớp văn 2C, trường Đại học Sư phạm Huế
c giả
bài thơ.

Đừng tưởng!



Đừng tưởng cứ núi là cao
Cứ sông là chảy, cứ ao là tù
Đừng tưởng cứ dưới là ngu
Cứ trên là sáng cứ tu là hiền
Đừng tưởng cứ đẹp là tiên
Cứ nhiều là được cứ tiền là xong
Đừng tưởng không nói là câm
Không nghe là điếc không trông là mù

Đừng tưởng cứ trọc là sư
Cứ vâng là chịu cứ ừ là ngoan
Đừng tưởng có của đã sang
Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây
Đừng tưởng cứ uống là say
Cứ chân là bước cứ tay là sờ
Đừng tưởng cứ đợi là chờ
Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần
Đừng tưởng cứ mới là tân
Cứ hứa là chắc cứ ân là tình

Đừng tưởng cứ thấp là khinh
Cứ chùa là tĩnh cứ đình là to
Cứ già là hết hồ đồ
Cứ trẻ là chẳng âu lo buồn phiền
Đừng tưởng cứ quyết là nên
Cứ mạnh là thắng cứ mềm là thua
Dưa vàng đừng tưởng đã chua
Sấm rền đừng tưởng sắp mưa ngập trời
Khi vui đừng tưởng chỉ cười
Lúc buồn đừng tưởng chỉ ngồi khóc than
***
Đừng tưởng cứ nốc là say
Cứ hứa là thật, cứ tay là cầm
Đừng tưởng cứ giặc – ngoại xâm
Cứ bè là bạn, cứ dân là lành
Đừng tưởng cứ trời là xanh
Cứ đất và nước là thành quê hương
***
Đừng tưởng cứ lớn là khôn
Cứ bé là dại, cứ hôn… là chồng
Đừng tưởng chẳng có thì không
Chẳng trai thì gái, chẳng ông thì bà
Đừng tưởng chẳng gần thì xa
Chẳng ta thì địch, chẳng ma thì người
Đừng tưởng chẳng khóc thì cười
Chẳng lên thì xuống, chẳng ngồi thì đi
Đừng tưởng sau nhất là nhì
Gần quan là tướng, gần suy là hèn
Đừng tưởng cứ sáng là đèn
Cứ đỏ là chín, cứ đen là thường

Đừng tưởng cứ đẹp là thương
Cứ xấu là ghét, cứ vương là tình
Đừng tưởng cứ ghế là vinh
Cứ tiền là mạnh, cứ dinh là bền
Đừng tưởng cứ cố là lên
Cứ lỳ là chắc, cứ bên là gần
Đừng tưởng cứ đều là cân
Cứ đông là đủ, cứ ân là nhờ
Đừng tưởng cứ vần là thơ
Cứ âm là nhạc, cứ tờ là tranh
Đừng tưởng cứ vội thì nhanh
Cứ tranh là được, cứ giành thì hơn
Đừng tưởng giàu hết cô đơn
Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo
***
Đừng tưởng cứ bến là neo
Cứ suối là lội, cứ đèo là qua
Đừng tưởng chồng mẹ là cha
Cứ khóc là khổ cứ la là phiền
Đừng tưởng cứ hét là điên
Cứ làm là sẽ có tiền đến ngay
Đừng tưởng cứ rượu là say
Cứ gió là sẽ tung bay cánh diều
Đừng tưởng tỏ tình là yêu
Cứ thơ ngọt nhạt là chiều tương tư
***
Đừng tưởng đi là sẽ chơi
Lang thang dạo phố vào nơi hư người
Đừng tưởng vui thì sẽ cười
Đôi hàng nước mắt lệ rơi đầm đìa
Đừng tưởng cứ mực là bia
Bút sa gà chết nhân chia cộng trừ…
Đừng tưởng cứ gió là mưa
Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
Đừng tưởng cứ hạ là ve
Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn…
Đừng tưởng thu là lá tuôn
Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu.

Đừng tưởng cứ thích là yêu
Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay
Đừng tưởng tình chẳng lung lay
Chỉ một giấc ngủ, chẳng may … có bầu.
Đừng tưởng cứ cầu là hên,
Nhiều khi gặp hạn, ngồi rên một mình.
Đừng tưởng vua là anh minh,
Nhiều thằng khốn nạn, dân tình lầm than.
Đừng tưởng tìm bạn tri âm,
Là sẽ có kẻ mạn đàm suốt đêm.
Đừng tưởng đời mãi êm đềm,
Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.

Đừng tưởng cười nói ân cần,
Nhiều khi hiểm độc, dần người tan xương.
Đừng tưởng trong lưỡi có đường
Nói lời ngon ngọt mười phương chết người
Đừng tưởng cứ chọc là cười
Nhiều khi nói móc biết cười làm sao
Đừng tưởng khó nhọc gian lao
Vượt qua thử thách tự hào lắm thay
Đừng tưởng cứ giỏi là hay
Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần
Đừng tưởng cứ quỳnh là thơm
Nhìn đi nhìn lại hóa ra cúc quỳ
Đừng tưởng mưa gió ầm ì
Ngày thì đã hết trời dần về đêm
Đừng tưởng nắng gió êm đềm
Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng
Đừng tưởng góp sức là chung
Chỉ là lợi dụng lòng tin của người
Đừng tưởng cứ tiến là lên
Cứ lui là xuống, cứ yên là mằn

Đừng tưởng rằm sẽ có trăng
Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu
Đừng tưởng cứ khóc là sầu
Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng
Đừng tưởng cứ nước là trong
Cứ than là hắc, cứ sao là vàng
Đừng tưởng cứ củi là than
Cứ quan là có, cứ dân là nghèo
Đừng tưởng cứ khúc là eo
Cứ lúc là mạc, cứ sang là giầu
Đừng tưởng cứ thế là khôn!
Nhiều thằng khốn nạn còn hơn cả mình
Đừng tưởng lời nói là tiền
Có khi là những oán hận chưa tan
Đừng tưởng dưới đất có vàng
Vàng đâu chả thấy phí tan cuộc đời
***
Đừng tưởng cứ nghèo là hèn
Cứ sang là trọng, cứ tiền là xong.
Đừng tưởng quan chức là rồng,
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì.
Đời người lục thịnh, lúc suy
Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng.
Bên nhau chua ngọt đã từng
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.
Ở đời nhân nghĩa làm đầu
Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.
Ai ơi nhớ lấy đừng quên…!

Bà em

(Vietnamnet) - Đối lập với hình ảnh người bà vất vả sớm hôm, tóc trắng, miệng nhai trầu thường thấy trong những bài văn mẫu - bà trong bài thơ "lạ" khá gần cuộc sống hiện đại với: hát karaoke, phóng xe máy,…


“Cô bắt làm văn tả Bà”:

“Bà ngoại em vẫn chưa già
Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường
Mắt bà vẫn rất tinh tường
Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày

Nhưng Bà em vẫn rất hay
Bà chăm con cháu luôn tay luôn mồm
Công việc bà vẫn ôm đồm
Chăm lo con cháu sớm hôm không nề

Hôm nay cô giáo ra đề
Bắt em phải tả viết về Bà em
Em tả giống hệt bên trên
Cô bắt viết lại - mắng thêm em rằng:

Đã Bà là phải rụng răng
Tóc phải bạc trắng như trăng trên trời
Bà cũng không được ăn chơi
Vì mắt phải kém và môi nhai trầu

Đã Bà là phải ngồi khâu
Không được ngồi hát Ka - Râu - Ô - Kề
Nhất là không được ghi đề
Tuyệt đối không được phóng xe ào ào

Em nghe chẳng hiểu thế nào
Em phải hỏi mẹ xem sao vụ này
Tả sai thì lại không hay
Tả đúng thì lại có ngày ăn roi

Kiểu này phải bảo mẹ thôi
Hay đổi Bà khác đúng lời của cô???”


Tác giả: Hiếu Orion

Trung Quốc bắt nhốt trẻ con để trừng phạt người cha phản kháng


Tú Anh
Trương An Ni, một nữ sinh tiểu học ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, bị công an đến tận trường bắt nhốt và bỏ đói gần một ngày một đêm. Tội của đứa bé 10 tuổi này là có cha kiên trì tố cáo hành vi tham ô của chính quyền tỉnh An Huy. Sự kiện An Ni bị bắt và bị đuổi học gây phản ứng căm phẫn trên toàn Hoa lục.

Trương An Ni, Photo courtesy of Human Rights in China
Hiệp Hội Nữ Quyền Không Biên Giới (Women’s Right  Without Frontiers HRIC), một tổ chức bảo vệ phụ nữ Trung Quốc tố cáo với công luận quốc tế một hành động «phi nhân» của chế độ Trung Quốc. Vào ngày 27/02/2013, Trương An Ni một nữ sinh tiểu học 10 tuổi bị gọi lên văn phòng hiệu trưởng. Tại đây, cô bé bị bốn người đàn ông lạ mặt chờ sẵn, bắt dẫn đi và đem nhốt suốt 20 giờ không thức ăn nước uống. An Ni phạm tội duy nhất là có cha từng là sinh viên tham gia phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989 và trong thời gian qua, ông Trương Lâm đã kiên trì tố cáo các hành vi tham ô của cán bộ chính quyền địa phương.
Theo Chủ tịch Hiệp Hội Nữ Quyền Không Biên Giới, Reggie Littlejohn, thì ngày 14/04/2013 vừa qua, bà đã tiếp xúc với hai cha con Trương Lâm qua một chương trình phát thanh trên mạng internet. Ông Trương Lâm cho biết vụ An Ni bị bắt và bị đuổi học đã gây phẫn nộ trên toàn quốc. Khoảng 500 người đã bỏ việc làm kéo về Hợp Phì biểu tình trước cổng trường cũ của An Ni, một số người tuyệt thực.
Vụ việc xảy ra cách nay gần hai tháng và theo thông tin mới nhất cho đến hôm nay bé An Ni vẫn bị cấm đến trường.

18 thg 4, 2013

Vẫn thu hồi đất cho dự án kinh tế - xã hội


(Vietnamnet) - Kiến nghị của nhân dân về bỏ thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội không được cơ quan thẩm tra dự án luật Đất đai sửa đổi tán thành.
Tại phiên họp sáng 17/4 của Ủy ban Thường vụ QH, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Minh Quang đã báo cáo việc tiếp thu ý kiến nhân dân góp ý về dự luật Đất đai sửa đổi.
Theo báo cáo, trong gần 7 triệu lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân, có gần 2 triệu lượt ý kiến về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trong đó, hơn 132 nghìn lượt ý kiến đề nghị "không thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội".
Thu rồi đấu giá
Dựa trên kiến nghị của nhân dân, Bộ trưởng Quang cho hay, cơ quan soạn thảo luật (Chính phủ) đã "xin tiếp thu và chỉnh lý vào dự thảo luật theo hướng rà soát để chuyển các dự án phát triển kinh tế, xã hội mà trong đó có lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng vào nhóm các dự án được Nhà nước thu hồi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng".

Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Minh Quang.
Để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, việc thu hồi đất cho các dự án này phải tuân thủ cơ chế là được QH, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, HĐNDcấp tỉnh thông qua.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo vẫn trình hai phương án. Phương án một, giữ nguyên như dự thảo. Hai, "Nhà nước không thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Đối với trường hợp dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng có tính chất phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì đưa vào các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng".
Cơ quan thẩm tra nghiêng về phương án giữ nguyên như dự thảo luật quy định thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay, việc thu hồi đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội như: các dự án, công trình quan trọng quốc gia do QH quyết định chủ trương đầu tư; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; xây dựng các công trình để chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp được HĐNDcấp tỉnh thông qua; các dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thì Nhà nước phải thực hiện.
Nhưng khi thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch và thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá, Nhà nước sẽ điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, tạo nguồn thu để bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư.
"Việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội là thể chế hóa đúng tinh thần của nghị quyết 19-NQ/TW" - ông nói.
Quản để không bị lợi ích nhóm
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, với một đất nước nông nghiệp, chuyển sang công nghiệp hóa, đô thị mà hạn chế thu hồi đất vì mục đích kinh tế - xã hội thì khó.
"Vấn đề là quản lý thế nào để chặt chẽ, hiệu quả không rơi vào lợi ích nhóm. Đã làm kinh tế thì phải có lợi ích của doanh nghiệp nhưng vẫn có lợi ích công cộng. Họ có lợi nhuận thì cũng nộp thuế cho nhà nước, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động cũng là có ích chứ, nên nếu bỏ là không thuyết phục" - ông Hiển phát biểu.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, việc thu hồi đất là có nhưng cần phải quy định ở mức độ cụ thể. Không thể thu hồi đất cho tất cả các mục đích. Đối với những dự án phát triển kinh tế - xã hội có nhiều dạng mục đích, trong đó kinh doanh, sản xuất khác mục đích vì lợi ích công cộng, quốc gia.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, khó phân biệt dự án có lợi ích kinh tế xã hội mà không có lợi ích quốc gia. Do đó cần phải làm rõ những dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia.
Đồng tình quan điểm, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt ngược câu hỏi: "Không thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì đưa vào đâu"? Do đó, cần phải phân loại rõ: loại có thu hồi và không thu hồi.
"Từ đó thu hồi làm rõ ba việc: việc gì Nhà nước thu hồi, loại đất nào Nhà nước thu hồi và để làm gì, loại đất nào để làm gì thì không thu hồi, vậy trưng thu, trưng mua có không cần phải làm rõ... Nhà nước không thu hồi, không trưng thu trưng mua thì giải quyết thế nào? Nếu quy định chưa rõ, sau này có thực hiện thu hồi vẫn sẽ phức tạp" - ông Hùng nói.

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) - Điều chỉnh quy định thu hồi đất


(Chinhphu.vn) – Một trong những nội dung quan trọng nêu trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào hôm nay, 17/4, là điều chỉnh quy định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội...


Theo báo cáo Tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Chính phủ, đã có tổng cộng 6.958.848 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân vào tất cả các nội dung của dự thảo Luật. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của nhân dân, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu một số ý kiến để đưa vào dự thảo này.
Cụ thể, về ý kiến đề nghị Nhà nước không thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, cơ quan soạn thảo tiếp thu và chỉnh lý vào dự thảo Luật theo hướng rà soát để chuyển các dự án phát triển kinh tế, xã hội mà trong đó có lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng vào nhóm các dự án được Nhà nước thu hồi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Bên cạnh đó, để kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, các dự án này cần phải được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, HĐND cấp tỉnh thông qua.
Cụ thể, dự thảo quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia phải do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; thu hồi đất để xây các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với việc thu hồi đất thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, xây dựng các công trình để chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp dự thảo yêu cầu phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; đối với các dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thì Nhà nước phải thực hiện. Còn những dự án phát triển kinh tế, xã hội khác thì nhà đầu tư phải thỏa thuận giá đất với người dân.
Một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo này là quy định Nhà nước thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch và thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá. Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, quy định này sẽ giúp Nhà nước điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, tạo nguồn thu để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư.
Làm rõ loại dự án KT-XH theo từng mục đích
Cho ý kiến đối với dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Nếu bỏ quy định nhà nước thu hồi đất đối với các dự án phát triển KT-XH thì cần phải làm rõ dự án KT-XH nào đưa vào mục đích quốc phòng an ninh; loại dự án KT-XH nào đưa vào lợi ích quốc gia; loại dự án KT-XH nào thì đưa vào lợi ích công cộng...
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo phải làm rõ loại đất nào Nhà nước thu hồi, loại đất nào Nhà nước trưng thu, trưng mua. Loại đất nào thì duy trì hình thức cho doanh nghiệp thỏa thuận với người có quyền sử dụng đất. Tiếp đó, phải quy định rõ cơ chế xác định các loại giá đất đối với trường hợp thu hồi, trưng thu, trưng mua đất như thế nào?...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Nếu không làm rõ thì thu hồi đất của dân vẫn rất phức tạp, không biết đất này thuộc lợi ích quốc phòng an ninh hay lợi ích công cộng mà thu hồi. Không biết là đất để trưng thu, trưng mua hay là đất được quyền thoả thuận”. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về giá đất trưng mua, giá thu hồi chung, giá thoả thuận. “Nếu không làm rõ thì luật chưa khả thi”, ông khẳng định.
Đối với các nội dung cơ bản khác của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), đa số các ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp tiếp thu, giải trình thận trọng các ý kiến đóng góp của nhân dân để xây dựng nhiều điểm tốt hơn.

Các trường hợp cảnh sát giao thông được dừng phương tiện

(Chinhphu.vn) – Đề nghị cơ quan chức năng cho biết các trường hợp cảnh sát giao thông được dừng phương tiện để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ?


Về vấn đề này, ông Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 87 Luật Giao thông đường bộ thì Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ.
Theo đó, Điều 14 Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ quy định cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
- Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở  lên;
- Thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề;
- Có văn bản của Thủ trưởng, phó Thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự;
- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Cảnh sát giao thông không phải là lực lượng duy nhất được dừng phương tiện để kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ. Cảnh sát giao thông khi tuần tra kiểm soát giao thông phải đeo biển hiệu ở chính giữa ngực bên trái và có giá trị thay thế số hiệu Công an nhân dân.

17 thg 4, 2013

Hình ảnh vui về người say













Tại sao không có “Chủ nghĩa xã hội” ở nước Mỹ?


(VOA) - Vào lúc sắp diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ, có thể nói gần như chắc chắn rằng đại đa số những người đắc cử sẽ là thành viên của hai chính đảng lớn là đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa. Tại sao Hoa Kỳ lại là thể chế dân chủ lớn duy nhất không có một đảng thứ ba trên thực tế, nhất là một đảng xã hội hay đảng lao động?


Nhiều chuyên gia đồng ý rằng Hoa Kỳ tiêu biểu cho các xã hội công nghiệp hóa tiên tiến nhất, chỉ trừ mỗi một điểm là Hoa Kỳ không có một đảng xã hội lớn ở cấp quốc gia.
"Nước Mỹ rất khác những nền dân chủ phương Tây khác,” ông Gary Marks thuộc Đại học North Carolina nói. Theo ông và những học giả khác, điểm khác biệt đó chính là “Tín điều kiểu Mỹ.” Đó là những lý tưởng như quyền bình đẳng, tính cơ động xã hội, tính tự chủ và chính quyền với quyền lực hạn chế, những điều mà người Mỹ vẫn duy trì từ khi tuyên bố độc lập khỏi Anh vào năm 1776.
Ông Marks nói thêm: “Chúng ta vẫn hay than phiền về kích cỡ của chính phủ và tìm cách thu hẹp nó lại. Nhưng nhìn một cách tổng thể sẽ thấy chính quyền Mỹ có quyền lực vào loại thấp nhất trong thế giới phương Tây. Văn hóa Mỹ đề cao chủ nghĩa cá nhân và chống lại nhà nước. Điển hình là chính phủ đóng vai trò rất nhỏ bé trong xã hội Mỹ so với các xã hội phương Tây.”
Với mỗi một làn sóng người nhập cư mới, người dân từ khắp nơi trên thế giới đón nhận những giá trị phổ biến của nước Mỹ mà học giả đồng tình rằng không phù hợp với tư tưởng chủ nghĩa xã hội truyền thống.
Thành quả bước đầu và thách thức nội tại
Trước khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất bùng nổ, chính điều kiện lao động và sinh sống tồi tệ trong những đô thị ở Mỹ đã mở đường cho chủ nghĩa xã hội. Năm 1912, ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Xã hội Eugene Debs giành 6% trong cuộc phổ thông đầu phiếu. Hàng trăm thành viên Đảng Xã hội cũng đắc cử vào những vị trí trong chính quyền thành phố trên khắp nước Mỹ. Nhưng Đảng Xã hội cũng có những vấn đề riêng.
Ông Gary Marks cho biết: "Vì là đảng nhỏ nên Đảng Xã hội không có nhiều điều để hứa hẹn với cử tri. Điều mà họ có thể mang lại chỉ đơn thuần là một hệ tư tưởng, một tia sáng dẫn đường đến một xã hội khác. Nhưng các công đoàn mới bắt nguồn từ chính thực trạng của người lao động.”
Không như Đảng xã hội vốn hướng đến một xã hội không tưởng và ngờ vực những đảng phái chính trị lớn của Mỹ, công đoàn nhìn chung làm việc với cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa để mang lại lương cao hơn và mức sống tốt hơn cho người lao động.
Theo ông Benjamin Ginsberg, giám đốc Trung tâm Washington nghiên cứu Chính quyền Mỹ thuộc trường đại học Johns Hopkins, công nhân quan tâm đến vấn đề kinh tế hơn là chính trị.
Ông nói: “Ở Mỹ, khi người lao động trở thành một lực lượng thì quyền bỏ phiếu của đàn ông da trắng từ lâu đã là điều không thể chối cãi, và họ không có nhu cầu tranh đấu về mặt chính trị. Công đoàn có khuynh hướng gia nhập các đảng đang tồn tại như Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa và trước đó là Đảng Whig. Vì thế mà người lao động được mở đường để đấu tranh chính trị.”
Biến động về kinh tế trong những năm 1930 khiến nhiều người theo Đảng Xã hội tin rằng thời cơ đã chín muồi để lập ra một đảng của công nhân ở Mỹ. Nhưng nhà nghiên cứu khoa học chính trị Benjamin Ginsberg nói là quá trễ.
Ông Ginsberg nói: "Trong suốt thời kỳ Đại Khủng hoảng và suy thoái kinh tế, có nhiều khả năng một đảng của giới lao động sẽ được thành lập. Nhưng với việc tổng thống Franklin Roosevelt đắc cử và liên minh với Đảng Cộng hòa để thực thi chương trình cải cách kinh tế New Deal, người lao động trở thành một lực lượng nổi bật trong hàng ngũ Đảng Dân chủ, và lãnh đạo công đoàn nhận thấy chẳng việc gì phải tự đứng ra lập đảng mới.”
Lưỡng đảng độc tôn
Công đoàn rất tích cực trong việc vận động cử tri tham gia bỏ phiếu trong hệ thống lưỡng đảng của Mỹ. Và kể từ cuộc Đại khủng hoảng, công đoàn có tổ chức vẫn ủng hộ đảng Dân chủ, vốn bao gồm rất nhiều tiếng nói từ cánh tả trong lãnh vực hoạt động chính trị của Mỹ.
Ông Gary Marks nói Đảng Xã hội chưa bao giờ hiểu được logic của hệ thống chính trị ở Mỹ. Ông chỉ ra rằng, không như trong hệ thống đại nghị truyền thống quy định người chiến thắng phải giành đa số phiếu trong các cuộc bầu cử, tiêu biểu của nền chính trị Mỹ là người người chiến thắng chỉ cần giành nhiều phiếu hơn đối thủ.”
“Cơ bản thì điều này có nghĩa là đảng thứ ba không có cơ hội giành quyền đại diện cho cử tri ở cấp quốc gia ở Mỹ. Logic ở đây là phải cố mà liên minh với đối thủ trên càng nhiều bình diện càng tốt. Và để thực hiện được điều đó thì thông thường phải hạ tầm quan trọng của ý thức hệ xuống để lôi cuốn được càng nhiều đối tượng cử tri càng tốt.”
Kể từ sau cuộc Nội chiến, hai đảng chính trị lớn của Mỹ là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trung bình giành được khoảng 95% tổng số phiếu phổ thông trong các cuộc bầu cử cấp quốc gia. Xu hướng này có phần chắc sẽ không thay đổi trong nay mai.
Chừng nào nền chính trị của Mỹ vẫn còn “dị biệt” so với phương Tây thì gần như mọi học giả sẽ vẫn đồng tình rằng, một đảng xã hội đủ sức cạnh tranh với hai đảng kia sẽ chỉ mãi là hy vọng của một số ít người.

Tên nước là "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa"?


(Kienthuc.net.vn) - Nhiều ý kiến cho rằng, trở lại với tên gọi đánh dấu sự ra đời của nền độc lập, của chế độ dân chủ và gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn.


Ngày 12/4, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trình Thường vụ Quốc hội dự thảo Hiến pháp mới và báo cáo giải trình việc tiếp thu ý kiến nhân dân. Trong đó có thêm phương án mới là lấy lại tên nước thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập.
Phương án này thể hiện ý kiến nhiều tầng lớp nhân dân cho rằng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tên gọi gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở Việt Nam, là thành quả của Cách mạng Tháng Tám, đã được long trọng tuyên bố với nhân dân và toàn thế giới qua bản tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2/9/1945. Tên gọi ấy được khẳng định trong Hiến pháp 1946, 1959 và chỉ được thay đổi bởi Hiến pháp 1980. Về mặt pháp lý, đến thời điểm này, tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được sử dụng nhiều hơn so với tên nước hiện nay.
Trả lời phỏng vấn trên báo Giáo dục Việt Nam ngày 15/4, GS Nguyễn Minh Thuyết ủng hộ đề nghị của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về việc lấy lại tên nước lúc mới giành được độc lập, đồng thời cho rằng theo đúng ngữ pháp tiếng Việt, phải gọi là “Cộng hòa Dân chủ Việt Nam".
“Tôi cho rằng đây là một phương án đúng, bởi cái tên này thể hiện đúng bản chất của chế độ chính trị nước ta: Cộng hòa Dân chủ - chế độ do dân làm chủ, mọi việc thực hiện theo bản Hiến pháp do toàn dân nhất trí thông qua và hệ thống pháp luật do những đại diện mà dân bầu ra ban hành.
Trở lại với tên gọi thiêng liêng, đánh dấu sự ra đời của nền độc lập, của chế độ dân chủ và gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của người dân. Do đó, chúng ta không có gì phải e ngại khi quyết định trở lại với tên gọi này”, GS Thuyết nói.
Trước một số ý kiến lo ngại rằng, đổi tên nước thì sẽ xa rời con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đó là lo ngại không chính đáng. "Từ năm 1945 đến tận năm 1976, tên nước ta không có cụm từ xã hội chủ nghĩa, nhưng đâu có phải vì vậy mà ta không xây dựng chủ nghĩa xã hội! Nếu chỉ lấy một cái tên thể hiện mơ ước mà đạt ngay được mơ ước của mình thì các nước người ta đã làm trước mình lâu rồi”.
Trên Vnexpress ngày 15/4, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, trở lại với tên gọi đầu tiên, giống như nhiều nền dân chủ khác trên thế giới, Việt Nam sẽ tranh thủ được sự đồng tình, thiện cảm của bạn bè quốc tế hơn. Những ai muốn đến với Việt Nam nhưng cảm thấy xa lạ vì cái tên thì nay sẽ không e dè nữa.
Đối với đông đảo kiều bào nước ngoài, kể cả những người đã ra đi trước năm 1945 thì cái tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn là một tên gọi quen thuộc, gần gũi. Nó cũng sẽ tạo điều kiện để nhiều kiều bào xích lại gần hơn với đất nước.
Trên Dân Trí ngày 16/4, nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão cũng chia sẻ quan điểm tán thành phương án lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cho rằng việc thực sự hợp lòng dân.
“Đổi tên nước, thực chất là lấy lại tên nước thời Bác Hồ, tất nhiên sẽ có tốn kém một chút nhưng cái được sẽ lớn hơn rất nhiều. Cái được lớn nhất là được lòng dân và tạo thế đi lên vững chắc cho đất nước”, ông Mão nói.
Cũng theo ông Mão, lấy lại tên nước như vậy sẽ rất có lợi cho nhân dân, để người dân hiểu thực chất chế độ chính trị của mình, hiểu thực chất mức độ phát triển hiện tại của đất nước mình, để mỗi người dân không ngạo mạn, chủ quan rằng mình đang ở “mốc” xã hội chủ nghĩa. Thực chất là mình đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ. Nhân dân là người chủ, là nền tảng và là động lực để phát triển đất nước. Lãnh đạo định hướng đúng thì nhân dân cũng sẽ nhận thức đúng. Và như thế người dân sẽ nhận rõ trách nhiệm của mình phải làm gì để để xây dựng đất nước giàu mạnh. 

Đánh bom khủng bố tại thành phố Boston - Mỹ


Khủng bố là hoạt động phá hoại; đe dọa bằng lời nói; hoặc truyền đi các hình ảnh hoặc video giết người do cá nhân hoặc tổ chức thực hiện làm thiệt mạng người, gây hoang mang khiếp sợ hoặc tổn thất cho xã hội và cộng đồng, nhằm mục đích chính trị hoặc tôn giáo.
Sau đây là một số hình ảnh về vụ đánh bom khủng bố tại thành phố Boston - Mỹ nhằm vào cuộc thi Boston Marathon là giải thi marathon thường niên lâu đời nhất thế giới. Giải năm nay là cuộc thi lần thứ 117 với 28.000 người từ mọi bang của nước Mỹ và 90 quốc gia khác tham dự.
Hai vụ nổ đồng thời đã diễn ra tại đích đến của giải Boston Marathon vào chiều 15.4, giờ địa phương (rạng sáng 16.4, giờ Việt Nam), khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương khi hàng chục ngàn người đổ ra đường để theo dõi cuộc đua nổi tiếng thế giới




















15 thg 4, 2013

Đọc “Bách khoa toàn thư Việt Nam” về CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Xem tại đây.


CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
Những năm 40 thế kỉ 19, Mac (K. Marx) và Enghen (F. Engels) đã tiếp thu những yếu tố lí luận của CNXH không tưởng, xây dựng học thuyết xã hội chủ nghĩa trên quan điểm duy vật lịch sử và lí luận về giá trị thặng dư, từ đó xác lập học thuyết về CNXH khoa học.
Theo nghĩa rộng, CNXH khoa học cũng đồng nghĩa với chủ nghĩa Mac. Theo nghĩa hẹp, CNXH khoa học chỉ là một trong ba bộ phận hợp thành của chủ nghĩa Mac. Theo Mac và Enghen, CNXH khoa học trước hết là một trào lưu tư tưởng, trên cơ sở đó xây dựng thành chế độ xã hội. Xuất phát từ sự phân tích chế độ tư bản chủ nghĩa tại các nước phát triển nhất ở Châu Âu giữa thế kỉ 19, Mac và Enghen cho rằng mâu thuẫn giữa tình hình xã hội hoá sản xuất và sự hạn chế của chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất tất yếu đưa đến sự bùng nổ xã hội, xoá bỏ chủ nghĩa tư bản, chuyển lên CNXH.
Giai cấp vô sản là lực lượng có tổ chức nhất, tiên tiến nhất, đại biểu cho phương thức sản xuất mới, là người tiến hành cuộc cách mạng xã hội và xây dựng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa, trong đó đặc trưng cơ bản là xoá bỏ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, giai cấp vô sản nắm lấy toàn bộ công cụ sản xuất dưới hình thức sở hữu công cộng, xoá bỏ giai cấp và bóc lột giai cấp, thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển lực lượng sản xuất.
CNXH khoa học cũng đồng nghĩa với chủ nghĩa cộng sản khoa học. Chủ nghĩa cộng sản khoa học vạch rõ chủ nghĩa cộng sản có hai giai đoạn: giai đoạn thấp là xã hội xã hội chủ nghĩa, giai đoạn cao là xã hội cộng sản chủ nghĩa. Sự khác nhau cơ bản là trong giai đoạn thấp vẫn còn những tàn dư của pháp quyền tư sản, vẫn cần nhà nước để bảo vệ chế độ công hữu và sự phân phối sản phẩm, vẫn còn phân phối theo lao động. Đến giai đoạn cao, lực lượng sản xuất được phát triển ở mức cao nhất, của cải dồi dào nhất, thực hiện phân phối theo nhu cầu, làm theo nặng lực. Những người sáng lập CNXH khoa học còn tiên đoán rằng đến giai đoạn cao của CNXH con người được phát triển toàn diện, xã hội lúc đó là một cộng đồng tự do, bình đẳng, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người, không còn nhà nước, không còn giai cấp.
Đó thật sự là một xã hội lí tưởng, cao đẹp nhất trong lịch sử loài người. Theo chủ nghĩa Mac, từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH phải trải qua một thời kì quá độ, trong thời kì đó tất yếu phải thực hiện chuyên chính vô sản. Thời kì đó dài hay ngắn là tuỳ thuộc ở trình độ trưởng thành của giai cấp vô sản - sự phát triển của lực lượng sản xuất. Về sau Lênin cho rằng điều kiện quan trọng nhất để CNXH có thể thắng chủ nghĩa tư bản là CNXH phải có năng suất lao động cao hơn hẳn chủ nghĩa tư bản.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga (1917) đã biến CNXH từ học thuyết lí luận thành hiện thực. Khái niệm CNXH hiện thực xuất hiện từ những năm 70 thế kỉ 20, là để nói về xã hội xã hội chủ nghĩa được xây dựng trong thực tế ở Liên Xô và Đông Âu. Những người khởi xướng quan niệm "chủ nghĩa xã hội hiện thực" cho rằng đó là mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa tốt nhất, kiểu mẫu nhất, trong khi "chủ nghĩa cộng sản Châu Âu" do một số đảng cộng sản tại các nước tư bản phát triển Tây Âu khởi xướng lại cho rằng "chủ nghĩa xã hội hiện thực" có nhiều khuyết tật, do vậy "chủ nghĩa cộng sản Châu Âu" chủ trương tìm kiếm một mô hình chủ nghĩa xã hội khác dân chủ hơn, độc lập hơn, có hiệu lực hơn. Giới lãnh đạo Liên Xô cho rằng kể từ thập kỉ 70, Liên Xô đã chuyển sang "chủ nghĩa xã hội phát triển", tức là giai đoạn phát triển cao hơn, chín muồi hơn, tiếp cận hơn với giai đoạn của chủ nghĩa cộng sản. Thực tế chứng tỏ lí thuyết về "chủ nghĩa xã hội phát triển" là một quan niệm chủ quan duy ý chí, đốt cháy giai đoạn, sai lầm về đường lối cải tổ kể từ 1985 đã đưa đến sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Tuy nhiên, mục tiêu lí tưởng của CNXH khoa học vẫn được những nước xã hội chủ nghĩa, những người xã hội chủ nghĩa chân chính ở nhiều nước tiếp tục phấn đấu thực hiện.
THỜI KÌ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
Thời kì cải tạo cách mạng xã hội tư bản chủ nghĩa thành xã hội xã hội chủ nghĩa, bắt đầu từ khi giai cấp công nhân giành được chính quyền và kết thúc khi xây dựng xong các cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Đặc trưng kinh tế của TKQĐLCNXH là cơ cấu kinh tế nhiều thành phần.
Nhiệm vụ cơ bản của nhà nước trong thời kì quá độ, một mặt là phát huy đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân lao động, chuyên chính với mọi hoạt động chống chủ nghĩa xã hội, mặt khác từng bước cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.
Nhiệm vụ này bao gồm:
1) Cải tạo những thành phần kinh tế không xã hội chủ nghĩa theo hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từng bước phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
2) Tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực văn hoá và tư tưởng, làm cho hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa chiếm địa vị chủ đạo trong xã hội, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa.
3) Đối với những nước kém phát triển, còn phải phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hoá đất nước, xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật mà thiếu nó thì không thể có chủ nghĩa xã hội.
Thời kì quá độ dài hay ngắn tuỳ thuộc vào tình hình lịch sử cụ thể của mỗi nước, nhất là vào trình độ xuất phát ban đầu. Trong thời kì đó, việc tiến hành cải tạo xã hội ở từng nước có thể sử dụng những hình thức và phương pháp cụ thể riêng biệt phù hợp với những điều kiện lịch sử, dân tộc, kinh tế, chính trị và văn hoá của mỗi nước.
Ở Việt Nam, sau 1975, cả nước bước vào TKQĐLCNXH. Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam (6.1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ. Cương lĩnh đã khẳng định tính tất yếu của thời kì quá độ, đề ra những phương hướng cơ bản và những định hướng lớn về chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại trong thời kì đó. Cương lĩnh cũng chỉ rõ, TKQĐLCNXH ở Việt Nam là quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường. Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kì quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hoá… phù hợp làm cho Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh.

Rau muống "siêu tốc": Thật đáng sợ


Rau muống trồng trong môi trường bình thường cần thời gian khoảng 20 ngày mới có thể thu hoạch, nhưng chỉ cần phun thêm thuốc kích thích siêu tốc thì sau 2 ngày... là có rau đem bán.


Mùa nắng nóng là mùa món “canh rau muống, cà dầm tương” lên ngôi. Giữa tiết trời nắng nóng, ai cũng chỉ cao ước có một đĩa rau muống luộc, nước rau dầm sấu, cùng 1 bát cà muối, chỉ như vậy là đã đủ để “đánh vèo” 3- 4 bát cơm.
Dạo qua một số chợ; Nghĩa Tân, Sài Đồng, Ngọc Lâm,… có thể nhận thấy rau muống là mặt hàng được tiêu thụ rất nhanh mặc dù thời tiết hiện nay chưa hẳn là nắng nóng lắm.
Có hẳn mùa nào ăn rau ấy là sẽ tránh được ăn phải rau dùng thuốc kích thích? Nhìn những mớ rau muống non mơn mởn, ngọn rau mập mạp, tuyệt nhiên không có lấy 1 chiếc lá vàng được bày bán tại chợ Ngọc Lâm (Gia Lâm, HN) PV Chất lượng Việt Nam không khỏi tò mò về xuất xứ của những mớ rau “không tì vết” này. Sau một hồi lân la dò hỏi, cuối cùng PV được một người bán rau cho biết: tại Gia Lâm có một nơi chuyên trồng rau muống để cung cấp cho các chợ vùng Gia Lâm và một vài chợ trong khu vực nội thành Hà Nội, đó là cánh đồng rau nằm trong phường Bồ Đề (Long Biên, HN).
Vì “gợi ý” của người bán rau chỉ lờ mờ địa điểm như vậy nên PV phải đi lòng vòng hỏi thăm người dân rất lâu, kiên trì mãi, PV cũng tìm thấy cánh đồng rau rất rộng nằm trên đường Hoàng Như Tiếp (phường Bồ Đề, Long Biên, HN). Trước mặt PV là những ruộng rau xanh non mơn mởn, ruộng nào cũng đang có người thu hoạch hoặc đang… phun thuốc.

Theo một số người dân xung quanh thì cánh đồng này chuyên để trồng rau, rau từ đây sẽ được cung cấp cho các khu chợ trong nội thành và một số chợ gần đây. PV không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh một người đàn ông bịt khẩu trang kín mít pha thuốc từ sâu chuẩn bị phun vào ruộng rau vừa được trồng mới nhú khoảng vài cen ti met. Khoảng 20 phút, người nông dân này đã phun xong thửa rau nhà mình, thấy thuốc trong bình vẫn chưa hết, người này còn “tốt bụng” phun cho cả thửa rau của nhà bên cạnh. Theo người đàn ông này bật mí: Không phun thuốc thì chỉ mấy ngày là sâu ăn hết lá rau “Phun xong 2- 3 ngày sau mới hái bán chứ có hái ngay đâu. Còn loại thuốc kích thích này không chỉ giúp cây lớn nhanh mà còn làm cho lá bóng mượt, tươi lâu, mềm cọng, bắt mắt người mua. Rau xấu thương lái chê, đưa ra chợ cũng không ai mua. Chất kích thích này chỉ giúp cây lớn nhanh, chứ không có độc tố gì đâu mà sợ…”. Nhìn ruộng rau tươi mượt, chẳng chê vào đâu được, nhưng dư lượng thuốc trừ sâu, độc tố tồn dư trong đó như thế nào thì có trời mới biết.
Cả một cánh đồng rộng, ruộng nào ruống nấy xanh mơn mởn, có tìm mỏi mắt cũng không thấy nổi một chiếc lá úa vàng. Theo tiết lộ của một số người dân sống gần khu vực trồng rau thì rau ở đây thường xuyên được “uống” thuốc kích thích và một loại thuốc dùng để diệt lá vàng. “Nếu không phun thuốc kích thích thì một vụ rau may ra thu hoạch được 3- 4 lần, lãi lời chẳng đáng là bao. Nhưng chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng mua thuốc kích thích về phun thì chỉ 2 ngày lại được hái một lần. Mà rau nhìn lại ngon mắt, bán rất chạy hàng. Trung bình một ngày gia đình tôi kiếm được khoảng 300 nghìn đồng từ 1 sào rau muống…”, một người trồng rau tiết lộ.
Theo quy định, rau sau khi phun thuốc sâu từ 10 - 15 ngày mới thu hoạch, lúc đó dư lượng thuốc BVTV trong rau chỉ còn ít, không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Nhưng theo tiết lộ của người trồng rau trên thì chỉ 2- 3 ngày sau khi phun thuốc là mọi người đã có thể hái rau mang bán, miễn sao lợi nhuận càng nhiều càng tốt…
Cái chết từ từ
Nhu cầu sử dụng rau trong bữa ăn hằng ngày của các gia đình ở thành phố hiện nay lớn hơn rất nhiều so với việc sử dụng thịt, cá… Và rất nhiều gia đình có thể thiếu thịt, thiếu cá chứ không thể thiếu rau trong bữa ăn hằng ngày. Nhưng ngày nào họ cũng phải mất tiền để sử dụng các loại rau không bảo đảm vệ sinh thực phẩm (rau “bẩn”), rau “tắm” trong các loại thuốc trừ sâu, kích thích,… đe dọa đến sức khỏe.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh H.- Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, hoạt chất có trong thuốc kích thích sinh trưởng dùng cho các loại rau, củ quả khi vào cơ thể thì tác hại nhãn tiền là gây ngộ độc, và khi các hóa chất độc hại này ngấm dần vào cơ thể người ăn có thể dẫn đến các bệnh nan y như ung thư…Ngoài ra, còn đe dọa đến tính mạng con người “dễ như chơi”. Hậu quả của rau bẩn gây ra là vô cùng to lớn.. Các chất kích thích sinh trưởng và thuốc trừ sâu đều độc hại tương tự nhau vì chất độc sẽ ngấm sâu vào bên trong các mô, tế bào, không thể xử lý triệt để được.
Hằng ngày khi người tiêu dùng ăn các loại rau, củ, quả có chứa thuốc trừ sâu, chất kích thích chưa phân hủy hết, thì hoạt chất có trong thuốc kích thích đó vào cơ thể con người sẽ gây ngộ độc. Theo thời gian, các hóa chất độc hại này cứ ngấm dần vào cơ thể người ăn, sẽ dẫn đến các bệnh nan y như ung thư, suy thận… Mặt khác, tình trạng nhiễm nitrat từ đạm bón cho rau quả rất nhiều, nếu dư lượng nitrat từ đạm quá nhiều trong rau quả có thể cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư thực quản, dạ dày và ảnh hưởng nghiêm trọng tới thận.
Chỉ vì lợi nhuận mà con người đang tự “tặng” nhau những cái chết “thầm lặng” và “từ từ”. Càng ngẫm càng thấy, lòng tham của con người thật đáng sợ!
(Theo Giaoduc)

Dùng điện thoại điều khiển máy bơm


Xuất phát từ thực tế mỗi lần bơm tưới xoài, Toản phải mất công đi bộ cả cây số để đóng-mở nguồn điện, anh đã tự mình mày mò sáng chế, cải tiến ra bộ đóng mở nguồn điện độc đáo “có một không hai” chỉ bằng một cú "alô".

Chỉ cần "alô"
Lúc chúng tôi mới bước vào ngõ nhà anh Nguyễn Thái Toản (27 tuổi, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil) thì Toản chạy vội ra đón và nhanh chóng dẫn chúng tôi vào rẫy để “trình diễn” sáng chế “cực dị” của mình.
Toản bảo chúng tôi cầm ống nước đứng ngay chỗ cầu dao điện, còn cậu chạy xe máy lên đỉnh đồi, cách chỗ chúng tôi đứng khoảng 500m và gọi điện thoại.
Lúc chúng tôi nghe tiếng nhạc chuông điện thoại chỗ cầu dao điện kêu thì bỗng nghe tiếng nước ộp oạp trong đường ống rồi nước phun ra xối xả và kỳ lạ là không có ai bật cầu dao. Sau đó Toản gọi thêm lần nữa thì nước ngừng chảy.
Dẫn chúng tôi đến chỗ đặt bộ thiết bị điều khiển, Toản kể chiếc điện thoại di động chỉ là một phận trong bộ điều khiển đóng-ngắt nguồn điện bằng điện thoại của anh. Theo Toản, bộ điều khiển bằng điện thoại mà anh sáng chế gồm có hai chiếc điện thoại, một bộ cảm biến ánh sáng và một động cơ quay để đóng-ngắt cầu dao.
Bộ điều khiển đóng-ngắt điện bằng điện thoại hoạt động theo nguyên lý khi có cuộc gọi đến, chiếc điện thoại lắp chỗ cầu dao sẽ phát sáng, bộ phận cảm biến ánh sáng tiếp nhận và phát ra một luồng điện tác động lên động cơ quay làm đóng hoặc ngắt cầu dao điện.
Khi thấy chúng tôi phần nào hiểu về nguyên lý hoạt động của bộ điều khiển, Toản tiếp tục “khoe” về những tính năng “ưu việt” của loại thiết bị này. Toản kể, bộ điều khiển hoạt động bằng sóng điện thoại nên thiết bị này có thể đóng-mở nguồn điện ở cự ly không giới hạn, miễn có sóng là có thể hoạt động.
Cũng theo Toản, thiết bị đóng-mở nguồn điện bằng điện thoại ngoài đóng-ngắt nguồn điện chỉ bằng một cú alô, còn có khả năng phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môtơ bơm nước rất hiệu quả. “Máy bơm thông thường chỉ có môtơ, dây điện nên không an toàn, thường dễ chập điện, gây cháy nổ, còn thiết bị đóng-mở nguồn điện của mình có lắp thêm cầu dao an toàn nên có khả năng đóng - ngắt tự động khi gặp sự cố” - Toản giải thích.
Dẫn chúng tôi qua khu rẫy cạnh nhà, Toản kể hiện tại Toản sử dụng 2 bộ điều khiển đóng-mở nguồn điện bằng điện thoại. Ngoài thiết bị đóng-mở nguồn điện có gắn thiết bị cảm biến ánh sáng vừa “khoe”, Toản cho chúng tôi xem một bộ điều khiển đóng-mở nguồn điện khác. “Bộ thiết bị đóng-mở nguồn điện này cải tiến sau cùng, cũng dựa trên sóng điện thoại, chỉ thay thiết bị cảm biến ánh sáng bằng các mạch điện của chiếc đầu đĩa nghe nhạc. Khi có cuộc gọi đến, điện thoại gắn ở cầu dao sẽ phát ra nguồn điện tác động vào nút điều khiển trên đầu đĩa, làm quay động cơ để kích hoạt cầu dao điện” - Toản vừa cười vừa khoe bộ thiết bị điều khiển điện mới cải tiến.
Sáng tạo để đỡ vất vả
Toản cho biết - động lực để anh chế tạo ra bộ điều khiển điện độc đáo này cũng chỉ vì muốn đỡ vất vả trong công việc.
Ý định càng có cơ sở khi một lần ở nhà chơi với em, Toản theo dõi hoạt động của chiếc xe đồ chơi điều khiển của Trung Quốc và nhận thấy 2 bộ phận quan trọng làm xe chạy được là động cơ và bộ điều khiển cầm tay. Chính bộ điều khiển tác động vào động cơ bằng sóng radio làm xe chạy. Lúc này, trong đầu Toản nảy sinh ý nghĩ sẽ lắp bộ điều khiển cầm tay và động cơ vào cầu dao điện 1 pha để đóng-mở nguồn điện.
Nghĩ thế, Toản mua máy hàn, ốc vít về mày mò, chế tạo. Khi lắp xong, Toản cầm điều khiển chạy ra xa khoảng 50m rồi bắt đầu ấn. Một giây, hai giây, ba giây, đến giây thứ tư thì ống nước rung rung, nước phun trào bắn tung tóe khắp nơi trong sự sung sướng, hạnh phúc của chàng nông dân trẻ tuổi.
Sau khi chế tạo thiết bị đóng-mở nguồn điện thành công, Toản không hề thỏa mãn mà liên tục cải tiến. Toản nhận thấy các máy bơm đang lưu hành đều sử dụng điện 3 pha nên quyết định lắp bộ thiết bị điều khiển lên cầu dao điện ba pha, vẫn sử dụng sóng rađiô; sau đó lắp thêm ăngten để tăng phạm vi điều khiển của bộ thiết bị đóng-mở nguồn điện.
Sau thời gian ứng dụng thực tiễn, Toản nhận thấy bộ thiết bị đóng-mở nguồn điện có những điểm yếu là phạm vi điều khiển hẹp, sóng rađiô chập chờn, nhiều lúc ấn nút điều khiển nhưng cầu dao không đóng-mở, thiết bị cồng kềnh khó mang theo trên người nên anh nung nấu ý định nâng cấp.
Đến năm 2011, lúc điện thoại di động đang sử dụng rộng rãi, Toản nhận thấy bộ điều khiển điện bằng điện thoại có thể giải quyết các nhược điểm của bộ thiết bị đóng-mở nguồn điện cũ nên bắt tay vào chế tạo. 2 tháng sau, Toản cho “ra lò” bộ điều khiển đóng-mở nguồn điện bằng điện thoại gồm 2 điện thoại, 1 bộ cảm biến ánh sáng, 1 động cơ quay nhỏ để đóng-ngắt cầu dao.
Đến năm 2012, khi bộ phận cảm biến ánh sáng trong bộ điều khiển nguồn điện bị hỏng, Toản lấy một một phần mạch điện trong chiếc đầu đĩa hư để lắp thay bộ phận cảm biến ánh sáng để cho ra bộ thiết bị điều khiển nguồn điện bằng điện thoại “phiên bản mới” đang được sử dụng như bây giờ.
Sáng chế hữu ích
Toản cũng cho biết, 1 bộ thiết bị đóng-mở nguồn điện bằng điện thoại nếu chế tạo phải mất khoảng 2,5 triệu động, nhưng do bộ thiết bị đóng-mở nguồn điện này được lắp ráp từ các thiết bị có sẵn nên giá thành hơi cao. Nếu cải tiến, tinh giản để hạ giá thành sẽ thiết thực hơn.
Được biết, ông Hoàng Công Thắng- Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil- khi nghe tin Toản chế tạo bộ thiết bị điều khiển đóng-mở nguồn điện bằng điện thoại đã xuống tận nhà để “thực mục sở thị”. Ông Thắng cũng hứa sẽ hỗ trợ kinh phí nếu bộ thiết bị này tiếp tục được cải tiến để đưa ra thị trường.
(Theo LĐO)

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons