Pages

27 thg 4, 2013

Giá cả có rẻ dân cũng không có tiền để mua, chứ không phải do kiềm chế lạm phát tốt.


Dân thậm chí không còn tiền để mua nữa
(LĐO) - Thứ sáu 26/04/2013 20:01
Chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,5% là “rất khó khăn”, trong khi khả năng lạm phát 6-7% là “rất dễ xảy ra”. Nhìn 2 chỉ tiêu biết ngay sức khỏe của nền kinh tế và trong khi doanh nghiệp thiếu vốn thì người dân chỉ thấy Ngân hàng Nhà nước chỉ lo bán vàng”- Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa, ông Lê Nam- phát biểu trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế sáng 26.4.2013.


Ngân hàng Nhà nước chỉ lo bán vàng
Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận thực trạng nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố có khả năng gây lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô; trong khi đó, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chậm được triển khai; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn, việc xử lý nợ xấu còn chậm nên những khó khăn về tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều.
Phát biểu có tính chất phân tích, nguyên Thống đốc NHNN - ĐBQH Cao Sỹ Kiêm cho rằng nhìn nhận những “vấn đề rất mới”. “Vấn đề doanh nghiệp co hẹp sản xuất, phá sản thất nghiệp ngày càng tăng mà chưa có hướng vực dậy. Lòng tin của doanh nghiệp đối với kinh tế thị trường, điều hành, quản lý của ta có vấn đề. Tình trạng chán nản, buông xuôi, thúc thủ trong doanh nghiệp đã có biểu hiện, ý chí vươn lên rất hạn chế”.
Ông Kiêm nhìn nhận tình trạng này là do “những giải pháp Chính phủ đề ra đúng, trúng, kịp thời nhưng lại triển khai chậm, lối ra càng bàn lại càng khó khăn hơn”. Nguyên thống đốc lên tiếng cảnh báo về tình trạng nền kinh tế “từ 2010 đến nay thì ngày càng đi xuống”.
Có ít nhất 4 ý kiến nói về khó khăn của doanh nghiệp.
ĐBQH Lạng Sơn Nguyễn Thế Tuy nói, doanh nghiệp khó khăn do “chính sách chỉ bảo hộ ngân hàng chứ chưa bảo vệ doanh nghiệp”.
ĐBQH Bùi Đức Thụ thì đặt câu hỏi trước tình trạng “dư nợ huy động tăng, nhưng cho vay gần như không tăng”. “Tiền chảy đi đâu, có phải vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các ngân hàng lớn nên thà giữ tiền chứ không hạ lãi suất cho vay, vì như thế vẫn được lợi hơn?”- ông Thụ đặt câu hỏi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng thậm chí thẳng thắn “Vốn cho doanh nghiệp thì bế tắc, cho vay gần như không tăng mà huy động vẫn tăng, vậy vốn đi đâu, hay lấy vốn của dân đi mua vàng?”.
Đỉnh điểm là phát biểu của ĐBQH Lê Nam khi ông phát biểu, trong khi “doanh nghiệp thiếu vốn” thì “dân chỉ thấy hoạt động nổi bật của Ngân hàng Nhà nước là lo bán vàng”. Ông kêu gọi: “Đừng cứu ngân hàng vì ông ấy đang SIDA rồi, nên lo bảo vệ lợi ích của dân”.
Dân không còn tiền để mua
Phần nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp cho rằng, việc triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh còn chậm trễ: “Có rất nhiều chủ trương, giải pháp, rất nhiều kế hoạch, nghị quyết nhưng dường như chúng ta chỉ dừng ở đó thôi. Còn triển khai thực tiễn đi vào cuộc sống thì nó xa xôi và vẫn là câu hỏi lớn. Ví dụ như bây giờ người dân và cán bộ ở cơ sở đều biết là các nội dung của tái cấu trúc nền kinh tế như thế nào, doanh nghiệp nhà nước là ai, ngân hàng là ai, đầu tư thế nào nghị quyết nói rõ rồi, nhưng chưa thấy làm gì cả.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi sau phân tích tình hình bất cập về tiền lương, chính sách an  sinh  xã hội, đã đưa ra kiến nghị: Chính phủ cần xem xét lại hệ thống chính sách giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, 36 chương trình mục tiêu quốc gia hầu hết đổ vào nông thôn nhưng không biết triển khai thế nào, để làm gì… Theo đại  biểu, trái phiếu chính phủ đầu tư cho y tế 23.000 tỉ- chiếm 27% tổng trái phiếu chính phủ của cả nước, nhưng hầu hết đều để dở dang, đình hoãn do NQ 11. Nhiều bệnh viện xây xong không có tiền mua thiết  bị để hoạt động, trong khi 80% bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến gây quá tải bệnh viện TƯ.
“Chỉ số CPI không thể tăng được vì cung lớn hơn cầu, giá cả có rẻ dân cũng không có tiền để mua chứ không phải do kiềm chế lạm phát tốt”- ông Lợi nói.

26 thg 4, 2013

Quạt hút bắt muỗi, bắt rầy


Một thiết bị có cấu tạo khá đơn giản, rẻ tiền và thuận tiện, song lại đem lại hiệu quả cao cho rất nhiều hộ dân chăn nuôi. Quạt bắt muỗi của ông Trần Văn Lía đã góp phần giải phóng gia súc gia cầm khỏi sự tấn công của côn trùng và đem lại cho người chăn nuôi những nguồn lợi lớn.

Quạt đuổi muỗi của ông Lía
Vật dụng để chế tạo ra chiếc quạt bắt muỗi của ông Lía khá đơn giản. Chỉ cần 1 quạt điện, 1 bóng điện 75W hoặc 5W (bóng màu), 1m dây điện, 1m2 bìa cứng (hoặc bằng tole), 1m2 vải mùng mịn và 1 chai keo 502, ông đã chế tạo ra chiếc quạt bắt muỗi gồm 3 bộ phận hoạt động theo nguyên lý của lực hút và lực đẩy. Cách thiết kế máy cũng khá đơn giản, cắt 2 bìa cứng và khoanh thành 2 ống tròn, sau đó dùng keo dán chúng vào mặt trước và mặt sau của quạt điện, đặt bóng đèn màu vào ống tròn phía trước quạt (ống hướng gió), ống tròn phía sau quạt nối với một tấm vải mùng mịn.
Khi nào có muỗi nhiều, gió mạnh, người sử dụng đặt ống hướng gió của quạt bắt muỗi ngược với chiều gió, nối nguồn điện và nhấn nút khởi động quạt. Muỗi xung quanh sẽ bị mê hoặc bởi bóng đèn màu đặt trong ống hướng gió tự bay đến, gió sẽ đẩy chúng vào cánh quạt đang quay, lực quay của cánh quạt hút chúng vào ống tròn phía trong và đẩy qua tấm vải mùng phía sau, chết ngộp. Ở những khu vực nhiều muỗi như chuồng heo, chuồng bò, hàng đêm chiếc quạt này có thể “bắt” được từ 1 - 2 lạng muỗi.
Từ thành công trên, ông Lía đã cải tiến máy bắt muỗi thành máy bắt rầy cho lúa, nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu. Về cơ bản máy bắt muỗi và máy bắt rầy giống nhau, song máy bắt rầy được trang bị thêm ống hút và ống đẩy dài và rộng hơn, có bình sạc điện và công tắc an toàn. Khi sử dụng máy có buộc một cành cây, kéo sát lá lúa để đánh thức rầy. Kết quả sử dụng cho thấy rất khả quan khi lượng rầy bị hút vào túi lưới khá nhiều.

Khách sạn mini bằng hộp gỗ

Sleepbox, là một khách sạn siêu nhỏ tương lai tại Moscow (Nga), 
có thể chứa hơn 100 người trong phòng ngủ hình hộp siêu nhỏ của nó.

Các phòng ngủ được làm bằng gỗ trần xương.

Giường trong các phòng ngủ của khách sạn Sleepbox ở Moscow chỉ đủ lớn cho một người dùng. 
Tuy nhiên, chúng đều được trang bị với các tiện nghi mà khách hàng được tận hưởng 
trong các khách sạn khác như TV, truy cập WiFi, tủ, bàn trang điểm…

Một phòng ngủ Sleepbox được trưng bày tại sân bay quốc tế Sheremetyevo của Nga bên ngoài Moscow.

Khách sạn hộp gỗ siêu nhỏ ban đầu là nơi dành cho doanh nhân làm việc muộn hoặc tiệc tùng. 
Tuy nhiên, hiện chúng cũng đang thu hút đông đảo du khách muốn tiết kiệm tiền.

Các phòng hộp gỗ nhìn từ bên ngoài.


Những chiếc giường ngủ trong khách sạn siêu nhỏ ở Hong Kong có trần điều chỉnh, 
điều hòa nhiệt độ và một TV. Chúng có giá thuê là 450 USD/phòng/tháng hay 30 USD/phòng/đêm.

Khách sạn hộp siêu nhỏ có phòng tắm hơi và các tiện nghi tại Tokyo (Nhật Bản).

Một khách sạn phòng siêu nhỏ khác ở Tokyo cung cấp máy giặt hoạt động bằng đồng xu cho khách.

Khách sạn này cũng có một khu vực phòng chờ...

...khu vực tắm công cộng.

Bên ngoài của một khách sạn hộp gỗ siêu nhỏ ở Tokyo năm 2008.

Đèn pha ô tô thông minh làm mưa “biến mất”


(Kienthuc.net.vn) - Những chiếc đèn pha thông minh có thể khiến màn mưa như “biến mất” trước mắt người lái đang được phát triển.
Các nhà khoa học thuộc công ty Intel và đại học Carnegie Mellon, Mỹ đã phát triển được một công nghệ mới, áp dụng trong đèn pha, khiến làn mưa “biến mất” trước mắt người lái xe. Công nghệ này được gọi là “Nhìn xuyên màn mưa”.
Nó hoạt động như sau: Hệ thống sử dụng một camera để theo dõi chuyển động của các hạt mưa và tuyết. Sau đó một hệ thống máy tính sẽ được khởi động để tính toán xem những hạt mưa, tuyết tiếp theo sẽ rơi ở đâu sau vài triệu giây nữa. Hệ thống đèn chiếu sáng sẽ tắt bớt các tia sáng có tác dụng soi rõ các hạt nước mưa, khiến lái xe bị chói mắt.
 
 Hệ thống đèn pha thông minh.
Ở tốc độ xe chậm, hệ thống này có thể “xóa” từ 70 đến 80% trận mưa thấy được trong những trận bão lớn, trong khi chỉ tốn có 5 đến 6% năng lượng cho đèn pha phía trước. 
Đáng tiếc, khi xe chạy ở tốc độ cao, hệ thống làm việc kém hiệu quả hơn. Điều này khiến cho người lái đỡ bị xao nhãng, tập trung vào đường hơn khi đang chạy xe.
John Tomkins, một kỹ sư của công ty công nghệ Intel cho biết: “Ánh sáng ở đèn pha yếu hơn  đồng nghĩa với việc người lái xe phải tập trung hơn vào đường”, tránh những vụ tai nạn chết người trên đường đi vào những hôm mưa, tuyết.
 
Hệ thống đèn pha thông minh có thể khiến làn mưa "biến mất" trước mắt lái xe.
 Các nhà khoa học hi vọng công nghệ này sẽ được áp dụng vào ô tô trong vòng một thập kỷ nữa.

Cầu vượt hứng thì làm, cầu tạm thích thì phá?

(Kienthuc.net.vn) - "Phá cầu đi bộ để xây cầu vượt tốn kém hàng tỷ đồng tiền ngân sách. Điều này thể hiện sự yếu kém trong tầm nhìn, quy hoạch cũng như tài năng của người lãnh đạo... ".

Cầu vượt dành cho người đi bộ tại nút giao thông Kim Mã - Daewoo
mới hoàn thành đã phải phá bỏ để xây cầu vượt. 
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Kiến Thức xung quanh câu chuyện "xây cầu vượt, phá cầu tạm" ở thủ đô Hà Nội.
Cầu tạm, thích thì phá!
Hai cầu vượt dành cho người đi bộ tại nút giao thông Bạch Mai - Đại Cồ Việt và Kim Mã - Daewoo mới hoàn thành đã phải phá bỏ để xây cầu vượt. Vậy là cầu bộ hành trị giá hàng chục tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã tháo dỡ. Theo ông thì người ta có tính toán đến điều này trước khi xây dựng cầu vượt đi bộ?
Việc xây dựng cầu vượt cho người đi bộ và việc dỡ bỏ đi là luật không cấm. Mà cái gì luật không cấm thì người ta được làm. Việc xây dựng cầu vượt cho người đi bộ là giải pháp cấp bách tạm thời giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông chứ nó không nằm trong quy hoạch xây dựng Thủ đô, không nằm trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông.
Nghĩa là vì chỉ là cầu tạm, nên người ta được quyền phá bỏ?
Thì "cầu tạm" mà! Người ta thích thì để, không thích thì phá thôi. Cầu vượt cho người đi bộ là cầu tạm, mà cầu tạm thì có thể lắp hay tháo dỡ lúc nào cũng là điều bình thường. Cầu vượt cho người đi bộ cũng là một trong những giải pháp chống ùn tắc. Sau đó ùn tắc vẫn xảy ra liên tiếp, các giải pháp đưa ra là hạn chế phương tiện cá nhân, tăng thuế trước bạ, nâng phí cấp biển số xe, đổi giờ học giờ làm... không có hiệu quả. Người ta bắt đầu làm cầu vượt tạm cho các phương tiện ô tô - xe máy. Vì phải ưu tiên cầu vượt nên phải di chuyển cầu đi bộ.
Dù không bỏ đi, nhưng việc tháo dỡ này hẳn cũng gây tốn kém?
Tốn kém là xây 2 mấu trụ ở hai bên đầu cầu. Mỗi chiếc cầu sẽ mất vài tỷ đồng. Từ đó rút ra bài học là khi làm các công trình giao thông thì phải tính đến kế hoạch dài hơi. Cầu vượt cho người đi bộ ấy, hay cái cầu vượt vừa khánh thành 1 năm đã phải bỏ ra mấy chục tỷ đồng nâng cấp là không được. Từng đồng tiền ngân sách là tiền thuế của dân, không sử dụng bừa bãi được.
Cấp trên hứng lên thì làm thôi!
Ai cũng biết ta không thiếu các nhà khoa học, những người làm quy hoạch giỏi, vì sao những lỗi như vậy lại vẫn xảy ra thưa ông?
Chúng ta làm việc có tính chất mệnh lệnh nhất thời của lãnh đạo chứ chưa tôn trọng khoa học kỹ thuật. Người Việt Nam không yếu kém, nhiều người được đào tạo rất tốt, có trình độ rất cao. Chúng ta có tri thức, có nhân lực tốt, có khoa học, nhưng lại không ứng dụng được. Ấy thế nhưng ta lại quen làm việc theo mệnh lệnh. Cấp trên bảo thế nào thì phải làm thế. Các nhà khoa học có thể tính toán được, nghiên cứu được, nhưng họ không có tiếng nói. 
Làm việc thì đương nhiên phải theo mệnh lệnh, chỉ đạo cấp trên chứ?
Bản thân nhà khoa học chưa được tham gia ý kiến đầy đủ vào các dự án mà chỉ làm theo mệnh lệnh cấp trên. Mà cấp trên thì đôi khi chỉ là hứng lên, thấy hay hay thì quyết định làm thôi. Còn nghiên cứu sâu sắc các yếu tố tác động trước khi xây dựng một công trình thì ta chưa làm nổi.
Tôn trọng khoa học sẽ đỡ lãng phí
Thực tế là những giải pháp, công trình giao thông lớn, họ có lấy ý kiến của các nhà khoa học không?
Các giải pháp an toàn giao thông, lãnh đạo Hà Nội chưa bao giờ hỏi ý kiến người dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học. Tôi phải nói rằng từ khi xảy ra tình trạng ách tắc giao thông, chưa bao giờ lãnh đạo Hà Nội hỏi ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân. 
Theo ông vì đâu nên nỗi!
Thực ra tất cả đều là dự án, mà dự án thì phải có tiền. Mà tiền thì không thể chia sẻ cho người khác được. 
Tôi thì lại nghĩ chắc vì họ chính là người chuyên môn có trình độ rồi, tự họ làm được việc đó, không cần phải hỏi ý kiến ai cả?
Trình độ thì chắc là họ phải cao hơn dân rồi. Nhưng tôi cũng phải nói là họ thiếu kiến thức thực tế. Chính tôi cũng nói với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, "có nằm trong chăn mới biết chăn có rận". Những người làm chính sách phải đi ra đường đi, phải sống giữa các điểm ùn tắc ấy. Xe máy dầm mưa dãi nắng, khói bụi, chen lấn, tắc nghẽn... thì mới hiểu cần phải làm gì. Còn cứ ngồi trong xe ô tô máy lạnh thì không thể đưa ra những quyết sách đúng được đâu.
Phải chăng một trong những nguyên nhân của lãng phí trên là do nhà khoa học không có tiếng nói?
Nhà nước ít xin ý kiến của các nhà khoa học, hiệp hội ngành nghề... nên mới dẫn tới sự lãng phí như vậy. Giá như trước khi xây dựng những công trình này, họ lấy ý kiến của các nhà khoa học, tính toán kỹ lưỡng hơn thì sẽ không gây tốn kém, thất thoát lãng phí như vậy.
Lãnh đạo không được lèo lá
Rõ ràng ở góc độ người dân thì sự bức xúc là có lý. Phải có ai đó nhận trách nhiệm cho lãng phí này?
Việc đóng thuế, đóng phí, tôi nghĩ người dân không ngại. Nhưng tiền đó phải là để đầu tư vào các công trình giao thông, để sự đi lại của người dân được thuận tiện. Mà để làm được các công trình đó thì phải đầu tư, nghiên cứu tâm huyết, tầm nhìn dài. Chứ còn xây xong lại phải phá đi làm lại, tốn tiền ngân sách, tốn tiền dân thì phải có người nhận trách nhiệm.
Nhưng nhận trách nhiệm phải đi cùng chế tài xử lý?
Đương nhiên là thế. Khi gây ra lãng phí tiền của dân thì người chịu trách nhiệm về những công trình đó cũng phải có ý kiến giải thích và nhận trách nhiệm. Chứ không chỉ giải thích xong là xong. Lãnh đạo thì không được lèo lá như vậy. 
Thế nhưng từ trước đến giờ, để xử lý một người ra quyết định sai là rất hiếm?
Giờ xử án khó nhất là xử người có chức có quyền. Chứ còn dân thì ra tòa án bao nhiêu, nhận bấy nhiêu thôi. Đó là thực tế đáng buồn, cũng là năng lực lãnh đạo có vấn đề.
Cụ thể trong việc này, xây cầu đi bộ rồi lại phá đi, tốn tiền dân. Lỗi ở đâu, ai sẽ phải chịu?
Lỗi là khâu khảo sát chưa đến nơi đến chốn. Ví dụ như xây cầu hay hầm cho người đi bộ. Đáng lẽ phải khảo sát chỗ đó người ta có đi bộ hay không. Rồi khâu thiết kế, đánh giá về mặt xã hội học, tâm lý của người dân có phù hợp với những công trình đó không. Chứ giờ dân thích đi chợ cóc hơn siêu thị, thích gửi xe ở vỉa hè hơn là đưa xe vào bãi hay vào hầm. Người Việt Nam thích nhảy qua cầu đi qua đường chứ không muốn đi vòng qua cầu hay qua hầm. Vì thế có cầu, hầm xây xong, chẳng ai đi.
Nhưng tiêu tiền ngân sách thì một đồng cũng phải tính, chứ chưa nói gì đến hàng tỷ đồng. Mà ở những công trình này thì ta nhìn thấy bằng mắt những sai phạm đó?
Gần đây có ông Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nhận kỷ luật vì để xảy ra nhiều tai nạn giao thông. Những trường hợp như vậy là rất hiếm. Trong khi là lãnh đạo thì nói sai đã phải xin từ chức chứ chưa nói gì đến việc làm sai hàng tỷ đồng của Nhà nước. Chẳng ai đứng ra xin lỗi hay nhận trách nhiệm, nhưng khi bỏ phiếu tín nhiệm thì phiếu lại đều cao cả.
Ở góc độ người dân thì đây thực sự là một thực tế đáng buồn!
Người dân tự hỏi lãng phí như vậy thì ai là người phải chịu trách nhiệm. Không thể giải thích là xong, vì tiền của dân, chứ không phải tiền từ trên trời rơi xuống. 
Xin cảm ơn ông!

Nợ công: cần minh bạch, rõ ràng

(TT - 26/04/2013 08:00) - Cần có những giải pháp xử lý trước khi quá muộn. Đó là khuyến cáo của nhiều chuyên gia tại hội thảo khoa học “Khủng hoảng nợ công ở Liên minh châu Âu và những vấn đề gợi mở đối với VN” do Viện hàn lâm Khoa học VN tổ chức ngày 25-4.

So sánh mức nợ công, nợ nước ngoài của Việt Nam với một số nước ASEAN (tính đến ngày 31-12-2011) - Nguồn: Vụ tổng hợp, Văn phòng Chủ tịch nước - Đồ họa: V.CƯỜNG
Các đại biểu cũng đề nghị để khỏi bị động trong việc xử lý, VN cần theo thông lệ quốc tế trong cách tính nợ công.
Thế giới nói 128,9 tỉ USD, VN tính 66,8 tỉ USD
Dẫn tính toán của chuyên gia Liên Hiệp Quốc, trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, TS Nguyễn Trọng Hậu, Đại học Almamer, Ba Lan, cho biết nếu theo chuẩn quốc tế thì nợ công VN lên đến khoảng 128 tỉ USD, bằng khoảng 106% GDP năm 2011 - gần gấp đôi mức VN công bố chính thức.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch - đầu tư), cũng đồng tình và chỉ ra rằng năm 2011, ước tính theo quốc tế thì nợ công của VN là 128,9 tỉ USD, tương đương 106% GDP. Nhưng con số mà Bộ Tài chính công bố chỉ 66,8 tỉ USD và bằng 55% GDP.
Các nhà khoa học cũng đồng tình với nhận định của TS Hồ khi cho rằng cái khó nhất nói về thực trạng nợ công của VN là thiếu số liệu và không đủ tin cậy. Thời gian cập nhật nợ công của các nước là hằng quý, còn ở VN Bộ Tài chính mới chỉ công bố đến năm 2010 và ước tính đến năm 2011 thôi.
Bày tỏ quan điểm cá nhân, ThS Đinh Mai Long - Vụ Tổng hợp, Văn phòng Chủ tịch nước - nêu trong 10 năm trở lại đây, nợ công tại VN tăng nhanh một cách đáng lo ngại và có cơ cấu kém bền vững, bị tác động mạnh của những cú sốc từ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các cú sốc tỉ giá. Cơ cấu đồng tiền vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu là các đồng tiền chủ chốt như JPY chiếm khoảng 39%, bằng SDR khoảng 27%, bằng USD khoảng 22%, bằng EUR khoảng 9%. Đối với vay nước ngoài của doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước - DNNN) được Chính phủ bảo lãnh) chủ yếu tập trung vào USD (chiếm từ 70-80%). Kể từ đầu năm 2010 đến cuối tháng 6-2011, ba đồng tiền chủ chốt gồm EUR, USD và JPY trong giỏ nợ nước ngoài của VN đã lên giá lần lượt khoảng 12%, 13% và 26% so với VND. Điều này cho thấy gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ đang tăng với tốc độ chóng mặt và gây sức ép đối với thâm hụt ngân sách và chính sách tiền tệ.
Mặt khác, ông Long cũng lưu ý là vay nợ từ Trung Quốc gia tăng nhanh trong mấy năm gần đây - khoảng 1,2 tỉ USD. Ngoài ra, tốc độ gia tăng nợ công khoảng 15%/năm đang dần “bắt kịp” tốc độ tăng thu ngân sách khoảng 17-21%, có nghĩa là vài ba năm nữa nguồn tăng thu chỉ đủ để bù trả nợ - ông Long nhấn mạnh.
Nợ công của VN năm 2011
Chỉ số
Tỉ đồng
Tỉ USD
So với GDP
Nợ công theo định nghĩa của VN
1.391.478
66,8
55%
Nợ của Chính phủ
1.085.353
52,1
43%
Nợ của Chính phủ bảo lãnh
 292.210
14,0
12%
Nợ của chính quyền địa phương
 13.915
 0,7
 1%
Nợ công theo định nghĩa quốc tế
2.683.878
128,9
106%
Nợ công theo định nghĩa của VN
1.391.478
66,8
55%
Nợ của DNNN (trong và ngoài nước)
1.292.400
62,1
51%
Nguồn: Vũ Quang Việt, “Nợ công, nợ ngân hàng VN được hé mở”, tạp chí Diễn Ðàn, 25-11-2011
Bỏ qua nợ của DNNN

Vinashin là một trong những tập đoàn kinh tế làm ăn thua lỗ mà Chính phủ phải trả nợ thay các khoản vay quốc tế. Trong ảnh là mô hình một con tàu được trưng bày trong trụ sở của Vinashin + Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Nợ công của VN vì sao lại chỉ bằng một nửa so với cách tính của thế giới? TS Nguyễn Trọng Hậu cho rằng thế giới có tiêu chí nợ công chung, họ có năm thành tố thì VN chỉ có ba. Có hai yếu tố chưa được tính vào nợ công của VN đó là nợ của DNNN và khoản Nhà nước vay của quỹ hưu trí. Ông Hậu cho rằng với cách tính nợ công của VN thì thực tế những khoản nợ nước ngoài cả tỉ USD như của Vinashin không được tính vào nợ công trong khi các nước, doanh nghiệp nào có vốn nhà nước dù chỉ một vài phần trăm, khi vay nước ngoài cũng phải tính vào. Một khoản nữa VN chưa tính vào nợ công là khoản tiền Nhà nước vay của quỹ hưu trí (nếu có), vì về thực chất đây cũng là nợ của dân.
Cũng theo ông Hậu, kinh nghiệm hiện nay cần cảnh giác là rất nhiều khoản nợ tư cũng có thể biến thành nợ công. Như hiện nay có rất nhiều “đại gia” bất động sản có thể vay nợ nước ngoài. Đây không phải nợ công nhưng khi các “đại gia” phát triển đến quy mô rất lớn mà nếu để các doanh nghiệp này đổ vỡ có thể kéo theo hàng loạt hệ lụy cho nền kinh tế. Trong nhiều trường hợp, các “đại gia” không trả được nợ, Nhà nước sẽ phải đứng ra cứu. Như thế cũng tạo nguy cơ rất lớn khiến phình nợ công rất nhanh.
Còn ông Long thì cho rằng trên thực tế, dù được hay không được Chính phủ bảo lãnh nhưng nếu những DNNN không thể thanh toán một phần hoặc toàn bộ thì Chính phủ với vai trò chủ sở hữu vẫn phải gánh nợ cho các DNNN này.
Cần tính theo chuẩn quốc tế
Ông Hậu khuyến cáo VN cần theo thông lệ quốc tế trong cách tính nợ công bởi để đến khi “cái kim trong bọc lâu ngày lộ ra” thì khi đó ứng xử rất bị động. Đặc biệt, ông Hậu khuyến cáo nguy cơ vay nợ nhiều nhưng nếu sử dụng không hiệu quả thì rất nguy hiểm. Trong khi đó, nhiều khoản vay nợ của VN được phân bổ bởi Nhà nước lại có hiệu quả sử dụng không cao...
PGS.TS Nguyễn An Hà - Viện Nghiên cứu châu Âu - cho rằng với tình hình nợ công và quản lý nợ công của VN có thể thấy rằng nền kinh tế VN hiện đang có một số đặc điểm giống với các nước PIIGS (các nước châu Âu có tỉ lệ nợ cao, bao gồm Hi Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý) khi lâm vào khủng hoảng nợ công. Đó là tăng trưởng GDP giảm kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 đến nay, lạm phát luôn có xu hướng tăng mạnh, luôn cao trên 8% kể từ năm 2006-2011... Do vậy, cần có những giải pháp xử lý trước khi quá muộn.
Theo GS.TS Đỗ Hoài Nam - chủ tịch Hội đồng Học viện Khoa học xã hội VN, điều quan trọng là tìm ra được nguyên nhân của tình trạng đáng báo động về nợ công ở VN. “Phải chăng đó là vấn đề liên quan đến mô hình tăng trưởng kinh tế quá nóng, dựa quá nhiều vào vốn, phát triển theo chiều rộng. Điều đó đúng nhưng đã đủ chưa. Người ta còn nói mô hình tăng trưởng dựa vào DNNN làm ăn kém hiệu quả. Gần như là con nợ lớn nhất của nợ công. Thế thì chúng ta sẽ phải bắt đầu từ đâu?” - ông Nam băn khoăn.
Ông Nguyễn An Hà cũng cho rằng nợ công là nguồn lực quan trọng nhưng chất lượng sử dụng nợ còn quan trọng hơn. Rút ra các bài học từ nghiên cứu, ông Hà cho rằng con số tuyệt đối nợ công cần minh bạch, rõ ràng. Trong hội nhập quốc tế, VN phải theo luật chơi quốc tế. Bởi theo ông Hà, các khoản vay đến hạn thì nước ngoài họ xiết nợ theo luật quốc tế. VN sẽ khó lờ đi được bởi ông Hà ví dụ trường hợp Vinashin, khi phải trả lãi, ban lãnh đạo mới của Vinashin lờ đi, nhưng chỉ cần các tổ chức xếp hạng đưa định mức tín nhiệm của VN xuống một bậc, thành B- lãi suất cho các khoản vay đến VN tăng, thiệt hại có thể lớn hơn nhiều.
Đầu tư công cho nông nghiệp, y tế, giáo dục giảm
Ngày 25-4, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - đầu tư) cùng Đại sứ quán Ireland đã tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả đầu tư công. Theo báo cáo nghiên cứu, tỉ trọng đầu tư công của VN còn bất cập. Ví dụ, trong giai đoạn 2006-2010, đầu tư công cho nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 6,51% trong tổng đầu tư công thì đến năm 2011 chỉ còn 5,6%; giáo dục - đào tạo giai đoạn 2006-2010 là 3,1% thì năm 2011 chỉ còn 2,93%; y tế và hoạt động trợ cấp xã hội từ 4,62% xuống 4,05%. Trong khi đó, đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế lại theo xu hướng tăng, ngay khách sạn nhà hàng cũng tăng từ 0,76% giai đoạn 2006-2010 lên mức 1,39% vào năm 2011. Cao nhất là vận tải, kho bãi, thông tin - truyền thông với tỉ lệ 22,95% lên 23,3%...
Báo cáo cũng khẳng định đầu tư công đã tác động tích cực tới tăng trưởng của VN nhưng chỉ tác động trong khoảng thời gian năm năm, sau đó giảm dần. Trong dài hạn, đầu tư tư nhân mới là yếu tố tác động mạnh nhất đến tăng trưởng kinh tế VN.
"Cứ thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại, cứ vay nợ không sử dụng hiệu quả chắc chắn khủng hoảng nợ công sẽ xảy ra" - PGS.TS Nguyễn An Hà






Có thịt chuột ăn, đã tốt ...


Áo ấm Biên cương - Trước giờ thồ 3,5 tấn hàng gồm quần áo, ủng dép, sách vở, lương thực - thực phẩm lên tặng 1.974 đứa học sinh lít nhít Nà Khoa (Mường Nhé, Điện Biên), nhận 1 cú điện thoại gấp gáp: "Tôi là giáo viên, nhà ở Cầu Giấy. Hôm rồi có đọc bài của bạn nói về học sinh trên miền núi thèm thịt. Nay, vừa được nhận 1 trịệu đồng tiền thưởng 30/4-1/5, ra ngay siêu thị mua thịt hộp và xin địa chỉ tập kết hàng, để nhờ các anh chị mang lên biên giới Nà Khoa"...

Nghe xong, lại tẩn mẩn nghĩ chuyện ăn uống của học sinh vùng cao, nhất là bọn học sinh Nội trú - Bán trú, lại nhớ đến phóng sự của cô Nguyễn Ngân ở VTV, khơi mào chuyện học sinh ăn thịt chuột, phát trên Thời sự VTV, sau đó các báo giấy - báo mạng ào ào "ăn theo" tanh tưởi, với những cái tít như thể lá ngón: "Kinh hoàng học sinh ăn thịt chuột", "Lần đầu tiên chứng kiến cảnh học sinh ăn thịt chuột"... cứ như là các ông bà phóng viên chuyên ngồi phòng lạnh này, mới phát hiện ra một châu lục khác và la làng, kinh tởm.
Chuyện thiếu dinh dưỡng, không đủ chất mà nói thẳng ra là đói cơm - thiếu thịt là chuyện quá bình thường ở miền núi.
Với bọn trẻ con đi học xa, phải tự lập ăn ở cả tuần, chuyện này quá bình thường và như các cụ nói "Đói đầu gối phải bò", học sinh bắt tất cả những con gì mình bắt được, ăn tất cả những gì ăn được, để cái mồm đỡ nhạt, cái bụng không sôi ùng ục, âu là lẽ thường tình.
Thịt chuột á!. Cao cấp và hơi bị xa xỉ đấy, bởi núi rừng bị cạo trọc, đến chuột cũng đói và chết dần chết mòn, lấy đâu ra mà bắt?.
Tôm cá á!. Đầu nguồn đào đãi vàng, lại thêm cảnh uýnh cá bằng thuốc nổ, nên có mò cả ngày cũng chỉ kiếm được vài con ốc vặn, bé quá đầu tăm, lấy đâu cá suối tôm sông mà ăn?..
Thôi thì đành: Dế mèn, bọ xít, kiến mối, thằn lằn... Cứ con nào ngửa lưng lên trời, vào tay học sinh là thành món ăn hết.
Đừng trách chúng nó, bởi chúng đói quá.
Đừng trách thầy cô, bởi thầy cô cũng đâu có ấm no.
Lại nhắn mấy đồng nghiệp đang say mê tìm "thịt chuột": Lục lại trong đầu, xem còn 1 chút tình thương thật sự nào không, khi thấy con trẻ khổ cực như vậy và đừng đem con trẻ ra dựng trong bài báo câu viu rẻ tiền - thu hút sự tò mò của người đọc, mà hãy làm 1 việc cụ thể, đơn giản như bạn giáo viên ở Cầu Giấy, mua mấy hộp thịt, gửi lên tặng bữa ăn con trẻ vùng cao...
(Cũng nhắn luôn mấy "lều báo": Chuyện ăn thịt chuột, quá bình thường và xa xưa rồi, như tấm hình này chẳng hạn...).
(Theo Blog maithanhhaiddk) 

Photography














































Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons