(kienthuc.net.vn) - Đứng trên đài quan sát, tôi rất thích thú
với cảnh tượng mỗi khi những chiếc tiêm kích từ không trung vừa đáp xuống đường
băng thì đuôi máy bay bung ra một cụm dù rực rỡ.
Khi tốc độ máy bay đã giảm, những chiếc dù này được ngắt rụng
khỏi máy bay. Chúng uốn lượn trên đường băng như những bông hoa khổng lồ. Nhưng
chỉ một loáng sau, những "bông hoa dù" ấy đã biến mất…
Lính nhảy dù lao ra…
nhặt dù
Dùng ống nhòm quan sát, tôi phát hiện ra một tốp chiến sĩ trực
sẵn trong một căn hầm, khi máy bay vừa lướt qua, họ lao ra ngay để nhặt dù, giải
phóng đường băng cho những cuộc hạ cánh tiếp theo.
Cứ tưởng họ là những chiến sĩ bình thường, nhưng khi hỏi
chuyện Thiếu tá Nguyễn Văn Chiên, Trợ lí Dù Trung đoàn 935 mới biết, họ là những
người lính dù thực thụ. Họ được đào tạo bài bản về chuyên ngành dù ở Trung tâm
huấn luyện dù Quốc gia, tốt nghiệp họ được cấp chứng chỉ nhảy dù. Công việc nhặt
dù chỉ là một trong những nội dung những người lính dù ở Trung đoàn 935 phải thực
hiện. Mới nghe, công việc này có vẻ… ít quan trọng. Nhưng sự thực thì ngược lại.
|
Su-30 bung dù hãm tốc khi hạ cánh. |
Việc cất, hạ cánh cho máy bay tiêm kích là một vấn đề nan giải.
Các tập đoàn sản xuất máy bay quân sự của Nga, Mỹ… đều đang tìm cách để có thể
rút ngắn quãng đường, tiến tới việc chế tạo những chiếc tiêm kích có thể cất, hạ
cánh thẳng đứng.
Nhưng hiện chỉ có loại tiêm kích F-35C của Mỹ là có thể làm
được điều này, tuy mới trong giai đoạn thử nghiệm, hoàn thiện. Còn hầu hết các
phi cơ tiêm kích vẫn phải cần tới những đường băng dài hàng nghìn mét và luôn cần
tới một phương pháp hãm đà khi hạ cánh.
Trên các tàu sân bay, cáp hãm đà được sử dụng như một biện
pháp duy nhất bởi đường băng quá ngắn. Thú thực mỗi khi xem cảnh hạ cánh trên
tàu sân bay thấy chiếc móc ‘thò’ ra từ đuôi tiêm kích rồi ‘quệt’ xuống đường
băng có những sợi cáp giăng ngang là tim
tôi cứ nhảy thon thót. Nếu móc trúng, máy bay sẽ bị giật lại và dừng sau 100
mét. Còn móc trượt, phi cơ buộc phải tăng tốc vót lên để hạ cánh lại.
Nhưng trường hợp cáp hãm đà bị đứt thì… vô phương cứu chữa.
Điển hình là ngày 11/9/2003, một chiếc F18-Hornet đã móc trúng cáp hãm đà trên
mặt đường băng tàu sân bay USS George Washington, nhưng… cáp hãm đà đứt tung và
máy bay thì vót… xuống biển.
|
Cận cảnh dù hãm tốc ở đuôi máy bay. |
So với dùng cáp hãm, phương pháp dùng dù hãm đà ưu việt hơn
nhiều. Nó là “bộ phanh gió êm ái” giúp máy bay giảm tốc chậm -dần - đều. Nếu
không có dù, muốn giảm bớt đà lao của máy bay, phi công chỉ còn cách can thiệp
bằng phanh lốp. Nhưng việc này chỉ được áp dụng trong trường hợp khẩn cấp. Bởi
khi máy bay hạ cánh với tốc độ 300km/h, lao “như một quả tên lửa” với trọng lực
hàng trăm tấn trên đường băng, việc can thiệp bằng phanh lốp là vô cùng nguy hiểm
và… tốn kém.
Trợ lí dù Nguyễn Văn Chiên nói: “Một bộ lốp máy bay Su-30 hiện
có giá hơn 10.000USD, nếu máy bay sử dụng phanh dù mỗi bộ lốp sẽ dùng được cho
7 chuyến bay. Nếu dùng phanh lốp, mỗi bộ lốp sẽ phải thay sau 1-2 lần hạ cánh”.
Lính dù tất bật… gấp
dù
Tôi tìm tới đơn vị dù của Trung đoàn 935 và bắt gặp một cảnh
tượng lạ mắt. Trong gian phòng dài rộng hàng trăm mét vuông, những chiến sĩ dù
mồ hôi mồ kê nhễ nhại, có người cởi trần trùng trục tất bật gấp dù. Thiếu tá Trịnh
Trọng Thiên, Đội trưởng Dù cho biết đây là số dù được sử dụng trong ban bay
sáng nay, Đội Dù phải gấp nhanh để kịp nạp cho ban bay tiếp theo.
Tôi nói: “Ơ, tôi tưởng mỗi chiếc dù chỉ… dùng một lần?”.
Nghe câu hỏi có phần… ngớ ngẩn của tôi, anh Thiên bật cười hỏi lại: “Anh có biết
một bộ dù này giá bao nhiêu không?” Rồi anh giảng giải: “Một bộ dù hãm đà cho
máy bay tiêm kích Su-30 hiện giá khoảng 500 triệu đồng. Theo tính toán của nhà
sản xuất, nếu được bảo quản tốt thì một bộ sẽ dùng được cho 50 lần hạ cánh”.
|
Gấp dù |
Công việc gấp dù không hề đơn giản. Mỗi bộ dù hãm đà có diện
tích 50m2 nhưng phải gấp gọn trong bao đựng dù chỉ còn to bằng chiếc ba lô. Sau
khi gấp bằng tay phải dùng thêm… chân rồi mới đưa dù vào cối ép thủy lực tạo
khuôn.
Ở một góc nhà gấp dù, tôi gặp một người phụ nữ đang cặm cụi
với chiếc máy may chuyên dụng. Chị là Thiếu tá Vũ Thị Hoa có nhiệm vụ vá lại những
chỗ dù rách, thủng… Với bản tính phụ nữ chịu thương chịu khó, chị cười cười bảo,
ở những nước giàu chắc người ta không vá dù đâu nhỉ? Nhưng nước mình nghèo, phải
tiết kiệm chứ. Chị cũng cho biết, nhờ được bảo quản tốt và sửa chữa kịp thời
nên mỗi chiếc dù ở Trung đoàn 935 sử dụng được tới hơn 100 lần, tiết kiệm được
hàng tỉ đồng.
Lính dù "nâng đỡ"
phi công
Chuẩn bị dù cho máy bay đã vất vả, chuẩn bị dù cho phi công
còn phức tạp hơn nhiều. Bộ dù cứu hộ dành cho phi công được những nhà thiết kế
đặc biệt chú ý. Nó là một tổ hợp bao gồm một túi dù và một túi cứu sinh đựng thức
ăn, thuốc men, thuốc chống cá mập, máy lọc nước biển…
Dù phi công có diện tích 60m2 , được làm bằng loại vải đặc
biệt, nhẹ và bền, có thể mang được một trọng lượng gấp 2,3 trọng lượng phi
công. Theo qui định, cứ 5.000 giờ bay hoặc 72 tháng dù phi công phải được tháo
ra phơi một lần. Đối với túi cứu sinh, định kì 6 tháng một lần nhân viên Đội Dù
phải tháo ra bảo dưỡng, đổi thức ăn, thuốc men…. Công việc bảo dưỡng tổ hợp dù
đòi hỏi cực kì nghiêm khắc từ khâu tháo rời, hong phơi, gấp gói, lắp đặt...
Trung úy Nguyễn Quang Kha, nhân viên dù nói vui: “Dù phi
công đài các lắm, không thể cứ cho vào nước giặt sạch rồi phơi ra nắng được. Nó
đòi hỏi phải giặt gió”.
|
Đeo dù cho phi công. |
Tôi bước vào phòng giặt gió và thực sự ngợp. Gian phòng này
phải gọi là… tháp mới đúng, bởi nó cao tới mấy chục mét. Những chiếc dù phi
công được giăng lên ‘tháp’ đủ 48 tiếng trong tư thế đúng cách nó bung ra giữa
trời để đảm bảo rằng tất cả các bộ phận đều được gió hong khô, sau đó gấp gói,
lắp đặt lại y như mới.
Dù cứu hộ được coi là ‘Người mẹ thứ hai’ của phi công tiêm
kích, vì thế khi phi công ngồi vào buồng lái, nhân viên Đội Dù phải leo lên kiểm
tra tỉ mỉ: Dây điều khiển dù (phải nguyên vẹn, lắp đúng qui cách, tránh dù trùm
vào đầu phi công khi bung ra); túi oxy dù (phải được nạp đầy, đảm bảo cho phi
công thở được ngoài trời ở độ cao lớn); các dây rút hông, vai, bộ liên kết, nút
bấm phóng ghế dù; các chốt trực tiếp lắp vào ghế dù; dây hiệp đồng giữa lắp buồng
lái và ghế dù; khóa thoát hiểm CKC… Tất cả những chi tiết này phải trong tình
trạng sẵn sàng làm việc.
Ngoài chuẩn bị dù hãm đà cho máy bay và dù cứu hộ cho phi
công, những người lính dù còn phải chuẩn bị dù cho mình. Tất cả các ngày trong
năm, Đội Dù luôn trong trạng thái sẵn sàng. Bởi họ là một đội cứu hộ hàng không
chuyên nghiệp. Một chiếc trực thăng luôn đợi sẵn, khi có lệnh là họ đeo dù,
mang những phương tiện cứu hộ như dây lôi, tời, cẩu vớt chuyên dụng… đi bất cứ
đâu. Trong những lần ứng cứu bão lụt ở Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang…Đội Dù của
Trung đoàn 935 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu dân.
“Thế còn nhiệm vụ cứu phi công?”, nghe hỏi thế, Trợ lí Dù
Nguyễn Văn Chiên nói: “Đây là nhiệm vụ chính của chúng tôi. Và trong tình huống
phi công tiêm kích phải thoát li khỏi máy bay, Đội Dù có trách nhiệm tìm kiếm.
Nếu phi công nhảy dù xuống biển, bọn tôi sẽ dùng dây tụt từ trực thăng xuống cứu.
Nhưng nếu phi công nhảy dù xuống vùng rừng núi thì chúng tôi phải nhảy dù xuống
tìm”.
Tôi hỏi: “Đã bao giờ các anh phải sử dụng nghiệp vụ nhảy dù
chưa?”. Thiếu tá Nguyễn Văn Chiên cười vui nói: “Rất may là từ ngày về Trung
đoàn 935, những lính dù của chúng tôi… chưa bao giờ phải nhảy!”