(Theo TuanVietnam.net) - Điều đáng
nói không phải ở chỗ một văn bản qui phạm pháp luật có sự sai sót hay không mà
ở thái độ tiếp thu góp ý, phê bình và cách khắc phục.
Theo quy định nào?
Khoản 3 Điều 53 Luật giao thông
đường bộ qui định cái gì?
Khoản 3 Điều 53 này viết:
"Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm
quyền cấp".
Nếu chỉ nhìn vào cái khoản 3
Điều 53 của Luật giao thông đường bộ mà quên mất cái tiêu đề của Điều
53 đó thì mọi người sẽ cho rằng khoản 3 Điều 53 này là qui định bắt
buộc người dân phải đăng ký quyền sở hữu khi xe cơ giới được mua bán, cho,
tặng, thừa kế.
Tiêu đề của Điều 53 đó là
"Điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới". Với tiêu đề
này thì tại khoản 3 Điều này "Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do
cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp" là điều kiện, hay nói cách khác là
một trong những điều kiện, để xe cơ giới được tham gia giao thông.
Nhưng Điều 53 này nói chung, và
khoản 3 của Điều 53 này nói riêng, rõ ràng là không thể hiện cái điều là khi xe
cơ giới được mua bán, cho, tặng thì xe phải được đăng ký quyền sở hữu (cả trước
và sau khi mua bán, cho, tặng), hay nói khác là, với nội dung qui định này thì
người dân đăng ký quyền sở hữu xe hay không là tùy ở người dân, trừ khi dân
muốn cho xe tham gia giao thông thì xe phải được đăng ký quyền sở hữu.
Hơn nữa, điều khoản này cũng
chỉ qui định là "Xe cơ giới phải đăng ký" chứ không qui định
rằng xe cơ giới phải được đăng ký lại nếu thay đổi chủ sở hữu (tức khác so với
Luật giao thông đường thủy nội địa), tức là xe chỉ cần có đăng ký là được, là
đủ điều kiện về đăng ký để xe tham gia giao thông.
Nội dung qui định tại khoản 3
Điều 53 này được thể hiện lại một lần nữa bằng việc được bao hàm trong nội dung
qui định tại khoản 2 Điều 58 Luật giao thông đường bộ, ở chỗ muốn có bản "đăng
ký xe" để tài xế mang theo bên mình thì trước tiên xe phải
được đăng ký.
Nhưng cả hai điều khoản ấy đều
không thể hiện qui định xe phải được đăng ký quyền sở hữu khi xe được mua bán,
cho, tặng, cũng như khi xe đã có đăng ký rồi lại được mua bán, cho, tặng, thừa
kế.
Nếu người dân cho (hay đưa) xe
không có đăng ký quyền sở hữu, tức không có bản "đăng ký xe",
tham gia giao thông là người dân vi phạm Luật giao thông đường bộ. Nhưng hành
vi không đăng ký xe khi xe được mua bán, cho, tặng không đồng nghĩa là hành vi
cho xe không (hay không có) đăng ký tham gia giao thông. Chẳng hạn, người
dân mua xe để bán lại, để trưng bày, để cho, tặng... mà không để tham gia giao
thông hoặc mua xe để tham gia giao thông nhưng chưa cho xe tham gia giao thông
thì rõ ràng rằng khoản 3 Điều 53 này không bắt buộc người dân phải đăng ký
quyền sở hữu, (cũng như không phải có biển số xe). Khi nào cho xe tham gia giao
thông thì khi đó xe mới phải đăng ký. Nên thực ra điều qui định này chỉ là cho
xe mới được sản xuất ra hay mới được nhập khẩu.
Do đó, lẽ ra Nghị định 34 (được
sửa đổi bởi Nghị định 71) qui định xử phạt đối với hành vi cho xe (hay đưa xe)
không đăng ký quyền sở hữu, hay không có bản "đăng ký xe" (xin lưu ý,
không có bản 'đăng ký xe" là khác với có nhưng bị thất lạc, trong trường
hợp này, hồ sơ lưu trữ của Công an sẽ cho biết xe có đăng ký hay không) tham
gia giao thông, nhưng Nghị định của chính phủ lại qui định xử phạt hành vi
"không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo qui định".
Vậy, câu hỏi là không chuyển
quyền sở hữu "theo qui định" mà Nghị định của Chính phủ nói đó là
theo "qui định" nào?
Tác giả không tìm thấy qui định
nào trong luật do quốc hội ban hành, kể cả trong khoản 3 Điều 53 Luật giao
thông đường bộ như đã phân tích ở trên bắt buộc người dân phải đăng ký quyền sở
hữu khi xe được mua bán, cho, tặng.
Vậy, chỉ còn là qui định tại
Điều 6 Thông tư số 36/2010/TT-BCA của Bộ
Công an. Mà, qui định này là không
đúng thẩm quyền nên không được Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật coi
là một qui định của pháp luật như Tác giả đã phân tích trong bài viết của mình.
Phạt ai, người mua hay người
bán?
Tiện đây, xin đề cập thêm về
một số nét về câu chữ, cách diễn đạt trong Thông tư 36 của Bộ Công an và Nghị
định 34 cũng như Nghị định 71 của Chính phủ.
Khoản 3 Điều 6 Thông tư
36/2010/TT-BCA qui định: "Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy
tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc bán xe phải
đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký
xe" (xin nhấn mạnh từ "hoặc" trong qui
định này).
Điều này có nghĩa là chỉ một
trong hai người, hoặc người mua, hoặc người bán, có nghĩa vụ phải thực hiện
việc đăng ký quyền sở hữu cho xe, còn người kia thì không. Nhưng người nào
trong hai người đó, điều khoản này lại không qui định. Do đó, nếu như có sự "không
chuyển quyền sở hữu theo qui định", thì cơ quan chức năng sẽ căn
cứ vào qui định nào của pháp luật để phạt người mua mà không phải là phạt người
bán, hay ngược lại, phạt người bán mà không phải là phạt người mua?
Đó là chưa kể, điều khoản này
trong khi ngoài đề cập trường hợp mua bán còn để cập cả các trường hợp
cho, tặng, thừa kế. Nhưng, qui định người có nghĩa vụ đăng ký thì mới chỉ qui
định cho trường hợp mua bán, còn trường hợp cho, tặng, thừa kế thì không qui
định ai là người có nghĩa vụ phải thực hiện đăng ký, vì người mua, người bán
không đồng nghĩa là người cho, người tặng, người cho thừa kế. Vậy, sẽ phạt ai
đây khi có sự "không chuyển quyền sở hữu theo qui định" trong
trường hợp cho, tặng, thừa kế?
Nghị định của chính phủ qui
định xử phạt đối với "chủ phương tiện" "không chuyển
quyền sở hữu theo qui định". Vậy, "chủ phương tiện"
nói ở đây là ai, là người mua, người được cho, được tặng hay là người bán,
người cho, tặng?
Vì, điều khoản này là nói về
việc đăng ký xe khi xe được mua, bán, cho, tặng, nên trong cùng một hành vi mua
bán, cho, tặng thì người bán, người cho, tặng là "chủ phương tiện"
nếu xét về phương diện trước khi hành vi mua bán, cho, tặng
được thực hiện xong, còn người mua, người được cho, được tặng là "chủ
phương tiện" nếu xét về phương diện sau khi hành vi mua
bán, cho, tặng được thực hiện xong.
Hỏi cách khác, phạt người bán,
người cho, tặng hay phạt người mua, người được cho, được tặng nếu như có sự
"không chuyển quyền sở hữu theo qui định"? Thật rõ ràng
rằng Nghị định của Chính phủ không cho câu trả lời.
Và nếu cứ hiểu "chủ
phương tiện" nói ở đây là chủ hiện tại, tức người mua, người được cho,
tặng thì xét về phương diện này, việc Nghị định qui định xử phạt đối với người
này cũng là trái với Pháp lệnh và Luật về xử phạt vi phạm hành chính về chủ thể
chịu phạt.
Vì "qui định" để làm
căn cứ cho việc đánh giá hành vi của dân là có vi phạm "qui định" hay
không là khoản 3 Điều 6 Thông tư 36 của Bộ Công an như đã phân tích ở trên.
Nhưng điều khoản này lại không qui định rõ ai, tức người mua hay người bán,
người được cho tặng hay người cho, tặng có nghĩa vụ phải thực hiện việc đăng ký
như đã trình bày ở trên, hay nói cách khác là không thể hiện được người nào là
người được coi là có hành vi vi phạm qui định của pháp luật khi có sự "không
chuyển quyền sở hữu theo qui định".
Ngoài ra, cụm từ "chủ
phương tiện" trong điều khoản này của Nghị định của Chính phủ là
để chỉ "chủ phương tiện" trong tất cả các trường hợp chuyển
quyền sở hữu: mua bán, cho, tặng, thừa kế. Trong khi đó, "qui định"
để làm căn cứ cho việc xác định chủ thể có hành vi vi phạm "qui định"
hay không, tức để xác định chủ thể chịu phạt - là khoản 3 Điều 6 Thông tư
36 của Bộ Công an - thì chỉ đề cập "chủ phương tiện" trong
trường hợp mua bán, tức chỉ đề cập người mua và người bán như đã trình bày ở
trên. Nghĩa là Nghị định của Chính phủ vênh với Thông tư của Bộ Công an về chủ
thể chịu phạt. Thành thử, Nghi định của Chính phủ là sai về chủ thể chịu phạt
Tác giả xin được đề cập rộng
thêm một chút về vấn đề đăng ký quyền sở hữu đối với động sản, trong đó, xe cơ
giới là một loại động sản.
Tại Điều 167 Bộ luật dân sự có
qui định: "Quyền sở hữu đối với động sản không phải đăng ký, trừ trường
hợp pháp luật có qui định khác". Tác giả đã nêu một số "trường
hợp pháp luật có qui định khác" trong bài viết của mình.
Tác giả một lần nữa xin nhấn
mạnh rằng, theo qui định của Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật mà Tác
giả đã đề cập, thì một trường hợp chỉ được Luật này coi là "trường hợp
pháp luật có qui định khác" khi mà qui định đó được ban hành đúng thầm
quyền.
Ai có thẩm quyền
Về 'thẩm quyền' của một cơ quan
trong bộ máy Nhà nước ta hiện nay, theo Hiến pháp hiện hành, cũng như theo Dự
thảo sửa đổi Hiến pháp hiện hành đang được Quốc hội lấy ý kiến góp ý của nhân
dân, thì chỉ có Quốc hội mới có quyền tự cho mình quyền hành còn
các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước ta, trong đó có Chính phủ, Bộ, Cơ quan
ngang Bộ, không có quyền tự cho mình quyền hành, mà phải do
Quốc hội qui định, ngoài những quyền do Hiến pháp qui định. (Một khi Hiến pháp
do Quốc hội thông qua thì có nghĩa là mọi quyền và mọi nghĩa vụ của các chủ thể
trong xã hội, trong đó có các cơ quan Nhà nước, bao gồm cả Quốc hội, là do Quốc
hội quyết định).
Vậy, việc Bộ giao thông vận tải
đề xuất bỏ qui định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu theo qui định đối
với xe cơ giới mà một số báo đã đăng không chỉ là một sự phù hợp với thực tiễn,
với mong muốn của nhân dân như giải trình của Bộ giao thông vận tải mà còn là
một sự sửa sai về phương diện pháp lý trong qui định của Chính phủ.
Qui định bắt buộc người dân
phải đăng ký quyền sở hữu tại Điều 6 Thông tư 36/2010/TT-BCA của Bộ Công an là
qui định trái thẩm quyền- và đây chính là nguyên nhân của rắc rối- nên theo
Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật, qui định này phải được cơ quan Nhà
nước có thẩm quyền sửa đổi, đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ hoặc bãi bỏ.
Thiết nghĩ, để góp phần nâng
cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân thì các cơ quan Nhà nước, nhất là
các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản qui phạm pháp luật, phải là những
tấm gương về sự tôn trọng pháp luật.
Điều muốn nói hơn không phải ở
chỗ một văn bản qui phạm pháp luật nào đó có sự sai sót hay không, vì con người
không phải là thánh, mà là ở chỗ thái độ tiếp thu góp ý, phê bình và cách khắc
phục. Và, thái độ này cũng là một chuẩn mực để đánh giá nhân cách "chí
công, vô tư" trong thi hành công vụ của một công chức Nhà nước.
Pháp luật thì vẫn là pháp luật.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xem xét, xử lý một cách khách quan,
chính xác để vừa đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, vừa để tránh oan, sai
cho người dân. Còn nếu việc xem xét này được ví như là chuyện vợ chồng thuyền
chài cãi nhau về con cá dưới nước thì khác nào ví những người đang thực thi
nhiệm vụ xem xét, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật từ mức độ vi phạm hành
chính đến mức độ tội phạm là những "vợ chồng thuyền chài cãi nhau".
Hồ Sỹ Thụy