Pages

1 thg 12, 2012

Công nghệ lốp dán Bridgestone Bandag tới Việt Nam


(Vnexpress) - Công nghệ lốp dán này đã có mặt tại Việt Nam và sẽ cung cấp sản phẩm đầu tiên ra thị trường khi nhà máy tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (Bình Dương) hoạt động vào tháng 12/2012.

Đối với xe Ôtô sau một thời gian hoạt động, lốp sẽ mòn dần dẫn đến việc giảm độ an toàn cho chuyến đi. Vì thế, việc thay lốp là điều bắt buộc dẫu chi phí này chiếm phần lớn ngân sách hoạt động của xe, nhất là đối với các phương tiện có tần suất hoạt động gần như không ngừng nghỉ. Từ đó, việc sử dụng lốp dán dần trở nên thông dụng bởi những ưu điểm về mặt chi phí của dòng sản phẩm này.

Với phương châm “Phục vụ xã hội với chất lượng tuyệt hảo”, tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) đã nghiên cứu để giới thiệu dòng sản phẩm lốp dán Bandag có chất lượng và độ an toàn cao. Điều này được minh chứng khi quy trình sản xuất lốp dán có đến 3 trên 10 bước để kiểm tra chất lượng khung lốp để đạt tiêu chuẩn cho quy trình. Việc kiểm tra không chỉ được thực hiện bằng mắt thường mà còn do thiết bị hiện đại như: máy chụp cắt lớp, máy quét laser... Sau khi hoàn tất quá trình gia công, lốp dán Bandag còn được tiếp tục kiểm tra lần cuối với những tiêu chuẩn khắt khe trước khi đưa ra thị trường.


Bên cạnh những cam kết về an toàn và tiết kiệm chi phí, dòng sản phẩm lốp dán Bandag còn được đánh giá cao bởi sự thân thiện với môi trường. Qua so sánh, lốp dán Bandag chỉ cần sử dụng 32% nguyên liệu thô và dưới một nửa lượng cao su so với việc sản xuất lốp mới. Lượng CO2 và chất thải công nghiệp ra môi trường từ đó cũng giảm thiểu ở mức tương ứng. Rõ ràng, so với việc sản xuất một chiếc lốp hoàn toàn mới, lốp dán Bandag thể hiện được ưu thế trong việc gìn giữ môi trường mà vẫn đảm bảo an toàn ở mức cao.

Tại Việt Nam, người tiêu dùng có thể trải nghiệm những ưu điểm của sản phẩm lốp dán Bandag thông qua hệ thống đại lý của Bridgestone Việt Nam trên toàn quốc.

Quy trình dán lốp Bridgestone Bandag



Khi nào cần đảo lốp xe Ôtô?


(Vnexpress) - Đảo lốp là một trong những hoạt động bảo dưỡng đơn giản góp phần giảm thiểu mòn không đều, kéo dài tuổi thọ và nâng cao an toàn khi lái xe.

Về mặt lý thuyết xe có thể đỗ thăng bằng với 3 bánh. Nhưng thực tế do tải trọng phân bố không đều giữa các bánh, do cách chạy hoặc do địa hình nên lốp xe sẽ có xu hướng mòn không đều. Ôtô ngày nay thường thiết kế cầu trước dẫn hướng, lực cản xuất hiện khi đánh lái khiến lốp trước mòn nhanh hơn lốp sau. Bên cạnh đó cũng phải kể đến hiện tượng dồn tải trọng về bánh trước khi phanh xe và vấn đề sai góc đặt bánh xe.

Thay vì mài mòn đều trên bề mặt lốp, nó lại chỉ tập trung vào một vài khu vực nhất định, hoa lốp bị bào nhanh, tuổi thọ giảm. Lốp mòn khác nhau cũng có tạo ra lực bám khác nhau, ngăn cản xe chạy và phanh theo một đường thẳng, gây nguy hiểm cho người lái.

Đảo lốp chính là biện pháp khắc phục tình trạng mòn không đều bằng cách chuyển lốp xe từ vị trí này sang một số vị trí khác nhất định. Khuyến cáo từ nhãn hàng lốp xe Bridgestone Việt Nam, nên định kỳ kiểm tra và đảo lốp khi quãng đường đi đạt khoảng 5.000 km tại các trung tậm uy tín. Việc đảo lốp nên kết hợp với việc cân bằng lốp xe và kiểm tra các góc đặt bánh.

Một số phương án đảo lốp:

Sơ đồ bên trái dùng cho xe cầu trước chủ động, sơ đồ bên phải dành cho xe cầu sau chủ động với loại lốp không định hướng. Ảnh: Bridgestone Việt Nam.

Sơ đồ trái cho xe 2 cầu chủ động. Sơ đồ đảo thẳng(giữa) xuất hiện trong một vài năm trở lại đây dùng cho loại lốp có cấu trúc lớp xương mành loại radial. Sơ đồ đảo 5 lốp (phải) tương tự như với trường hợp xe cầu trước chủ động nhưng lốp phải sau được thay bằng lốp dự phòng. Ảnh: Bridgestone Việt Nam.
Chú ý: Quá trình lắp lốp cần chú ý xác định chiều định hướng của lốp để tránh lắp nhầm.

Vợ ơi!


(Dân trí) - Trong đời người đàn ông có hai tiếng gọi tha thiết nhất. Đó là khi còn trẻ ta gọi: Mẹ ơi! Và khi đã lớn, ta gọi: Vợ ơi! Thế nhưng đọc “Vợ ơi!” của Nguyễn Duy, ta không khỏi giật mình thảng thốt và bỗng dưng cũng thầm gọi: Vợ ơi!


Vợ ơi!
 
Khi trong túi có mấy đồng ngọ nguậy
ta chạy rông như gì nhỉ - quên đời
lúc xơ xác bờm xơm từng sợi tóc
đói lả mò về
                  cơm đâu
                            vợ ơi…

***

Và tao tác bạn bè cơn hoạn nạn
đòn du côn tóe máu tâm hồn

Và tung tóe cả bướm vàng bướm trắng
này giọt cay giọt đắng giọt buồn nôn

móc họng mửa ra cầu vồng bảy sắc
vợ dìu ta
            từng bậc
                     thang mòn…

***

Đêm huyền ảo một kinh kỳ se lạnh
một mình ta cô quạnh giữa muôn người
mặt sông lạ gợn nếp nhăn đuôi mắt
bủn rủn buồn
              ta thầm kêu
                             vợ ơi…!
                                           
                                                Nguyễn Duy

Những gỗ 'thần' làm đại gia Việt phát sốt


(Vietnamnet) - Sau cơn sốt gỗ sưa, thuỷ tùng, trầm hương, gần đây dân sưu tập đồ gỗ lại kháo nhau săn lùng gỗ đổi màu.

Các loại gỗ đã và đang được coi là “đắt như vàng”  đều là những loại tốt, nhưng tại sao chúng có giá tới hàng triệu, hàng tỷ đồng thì không ai lý giải nổi. Cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh được độ quý hiếm và giá trị thực sự của những loại gỗ này, nhưng những đồn thổi về công năng và độ quý hiếm đã tạo ra một nhu cầu lớn trong giới sưu tập.

Gỗ sưa có ma lực tâm linh...

Nhiều người tin rằng: cây sưa mang một giá trị tâm linh rất lớn. Ngày xưa khi các vị vua chúa băng hà, người ta thường lấy gỗ sưa để đóng quan tài, mài gỗ cây sưa thành bột để rắc vào bên trong quan tài với niềm tin rằng linh hồn người nằm trong quan tài sẽ sớm được siêu thoát.”.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội các ngành sinh vật Việt Nam cho biết,  xét về giá trị lâm nghiệp thì cây Sưa cũng chỉ giống như nhiều loại cây khác, cây gỗ sưa đơn giản chỉ là một loại cây lâm nghiệp có giá trị về gỗ.

Gỗ Sưa hay còn được gọi là cây Huê, mọc rất thưa thớt trong tự nhiên, chủ yếu trên các vách lèn đá vôi hiểm trở. Cây sưa thường có lõi to, săn chắc, không bị nứt, cong vênh, lại có hoa văn đẹp.



Thế nhưng, gỗ sưa từng được đồn bán với giá 11 tỉ đồng một mét khối, có lẽ vì cái giá trên trời ấy mà nhiều người đã bất chấp tính mạng và cả pháp luật để băng rừng vượt núi để săn lùng.

Những người có kinh nghiệm lâu năm đi rừng chia sẻ rằng thực sự họ không biết gỗ này dùng để làm gì chỉ biết các đầu nậu Trung Quốc gom hàng với giá cao để kiếm lời, giá sưa đẩy lên cao chót vót một phần là do các thương lái tranh giành lẫn nhau từng lạng gỗ, thậm chí họ không bỏ sót cả gỗ rác và mùn cưa.

Thuỷ tùng : Thần dược từ thời tiền sử

Ba năm trước rộ lên tin đồn gỗ thuỷ tùng hay còn gọi là thông nước có thể chữa được cả bệnh ung thư và hàng trăm bệnh nan y khác. Ngoài ra gỗ thủy tùng rất tốt vì nó không bị mối mọt, có màu nâu đỏ với viền màu vàng rất đẹp nên được ưa chuộng để xây nhà, làm đồ mỹ nghệ, đồ dùng cao cấp.

 Do được biết loài cây này rất hiếm, vân gỗ lại đẹp nên dân chơi đồ gỗ bỏ nhiều tiền để sưu tầm tạo nên cơn sốt gỗ thủy tùng.


Theo một tay buôn thủy tùng thì các thân gỗ lớn đều được các đại gia ở nơi khác mua lại, thân càng lớn, vân đẹp thì giá trị càng cao. Nhu cầu thủy tùng rất lớn nên các vựa gỗ luôn nằm trong tình trạng cháy hàng.

Hiện nay, trên thế giới chỉ còn sót lại 2 quần thể cuối cùng ở huyện Ea H’Leo và Krông Năng, tỉnh Đắc Lắc với khoảng 280 cây. Người dân khắp nơi kéo nhau hai khu bảo vệ thủy tùng cuối cùng này ngày đêm đào bới, săn tìm khiến cho loài cây này rơi vào nguy cơ tuyệt chủng.

Thuỷ tùng có tên trong sách đỏ Việt Nam và những hành vi khai thác, vận chuyển và mua bán thủy tùng đều phải xử lý hình sự.

Trầm Hương : Loài cây bí ẩn

Trầm hương sinh ra từ cây dó bầu, nhưng không phải cây dó bầu nào cũng có thể sinh ra trầm. Trong rừng tự nhiên từ 1.000 đến 1.500 cây dó bầu mới có một cây có trầm. Trầm hương là một vị thuốc hiếm và đắt trong Ðông y, vị cay, tính hơi ôn, vào 3 kinh tỳ, vị và thận, có tác dụng giáng khí nạp thận, bình can tráng nguyên dương, chủ yếu chữa các bệnh đau ngực bụng, nôn mửa, bổ dạ dày, hen suyễn, bí tiểu tiện. Ngoài ra còn có tác dụng giảm đau, trấn tĩnh.



Trầm tập trung chủ yếu ở 6 nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia, Malaysia, trong đó trầm Việt Nam có dược lý tốt nhất, nhà khoa học Nhật Bản và Trung Quốc cũng xác nhận trầm Việt Nam có nhiều hoạt chất mà trầm các nơi khác không có được. Có lẽ cũng vì thế mà các thương lái Trung Quốc luôn ráo riết săn lùng trầm hương Việt Nam, điều này khiến Trầm Hương có mức giá không tưởng.

 Năm 2008, dư luận xôn xao bàn tán về chuyện cây trầm hương trong vườn nhà bà Mai Thị Nguyệt, tỉnh Quảng Nam có giá 1 tỷ đồng . Một số người đi rừng tìm trầm lâu năm còn cho rằng cây trầm này thậm chí giá trị còn hơn thế vì đã tích tụ được một khối lượng lớn kỳ nam (từ 10.000 đến 20.000 cây có trầm mới có một cây có kỳ nam).

Gỗ đổi màu, mốt mới của các đại gia

Cũng giống như thời trang, thay đổi từng năm từng mùa, gu sưu tập đồ gỗ của giới nhà giàu Việt Nam cũng đang đổi mới đa dạng và phong phú hơn. Nếu như trước đây sưu tập gỗ sưa, thuỷ tùng hay trầm hương là sành điệu thì cái tên được giới sưu tập đồ gỗ nhắc đến nhiều nhất hiện nay là gỗ đổi màu.


Gỗ đổi màu là loại gỗ có khả năng đổi màu theo ánh sáng và nhiệt độ và thường dùng để chế tác các đồ vật trang trí trong nhà như lộc bình, tượng hay lọ hoa. Ban đầu gỗ có màu trắng xám nhạt, sau khi cây được bóc vỏ vài ngày thì gỗ chuyển sang màu xanh thẫm hoặc xanh ngọc với vẻ ngoài bóng đẹp như đá, nhưng vẫn nổi rõ đường vân với hoa văn đẹp như thủy tùng. Dân trong nghề còn gọi cây này với những cái tên khác nhau như: trắc xanh, trắc tía, bách xanh, tắc kè, kỳ đà…

Cơn sốt gỗ đổi màu bùng phát mạnh mẽ nhất ở huyện Krông Năng tỉnh Đắk Lắk. Chủ một xưởng mộc ở xã Cư K’lông cho biết một khúc gỗ khoảng nửa mét sau khi chế tác thành phẩm có giá khoảng vài triệu đồng tuỳ theo độ đẹp của vân gỗ và màu sắc biến đổi. Còn cặp lục bình cao khoảng 1,5 mét thì có giá 30 triệu đồng.

Bất chấp mọi quy định và xử phạt của cơ quan chức năng, người dân vẫn đổ xô vào rừng khai thác trái phép với khối lượng lớn sẽ dẫn đến tận diệt loại cây này, gây thiệt hại tài nguyên rừng và làm mất tính đa dạng sinh học của các khu rừng trên địa bàn.

30 thg 11, 2012

Xe không chính chủ: Không phạt, chờ soạn thông tư


(Vneconomy.vn) - “Lực lượng cảnh sát giao thông không được xử phạt người dân vì lỗi đi xe không chính chủ”...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 29/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thông tin quan điểm của Chính phủ về vấn đề “chính chủ” đối với phương tiện giao thông, đã gây nhiều bức xúc trong dư luận thời gian gần đây.

Trong lúc chờ, không xử phạt

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, thực tế thì những quy định về việc chuyển quyền sở hữu chính chủ không phải là vấn đề mới. Đối với phương tiện giao thông, quy định này đã có từ năm 2003, nhưng lúc đó chỉ nhằm vào xử lý người điều khiển phương tiện. Hơn nữa, chiếu theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế thì công dân khi có tài sản sẽ phải đăng ký sở hữu, nếu không sẽ rất khó khăn khi những phương tiện đó trở thành hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, ông Đam cũng thừa nhận, sau khi Nghị định 71/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ 10/11/2012, đã có nhiều phản ứng, thậm chí gây bức xúc trong dư luận vì hai vấn đề chưa được “thông”.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Đam, trước hết là việc xử phạt hành vi "không chuyển đổi giấy tờ thể hiện quyền sở hữu phương tiện" đã bị chuyển thành việc "truy vấn người điều khiển phương tiện có phải là chủ phương tiện hay không".

Xe này liệu có chính chủ?
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 11, Bộ Tư pháp cho rằng, cách hiểu và áp dụng pháp luật theo hướng như trên là không đúng. Do đó, hiện các cơ quan chức năng đang soạn thảo lại thông tư hướng dẫn để thực hiện quy định này cho đúng.

Bên cạnh đó, lý do khiến người dân bức xúc là mức phí sang tên đổi chủ hiện nay quá cao, cộng với thủ tục phức tạp, nên thời gian qua, với những phương tiện có giá trị không cao như xe máy, chủ xe thường mua bán, chuyển nhượng nhiều lần cũng không tiến hành kê khai, đăng ký với cơ quan chức năng.

“Trong quá trình chờ Bộ Công an soạn thảo thông tư, lực lượng cảnh sát giao thông không được xử phạt người dân vì lỗi đi xe không chính chủ. Cùng với đó, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các cơ quan xem xét hạ mức phí cũng như cải cách thủ tục sang tên sao cho thuận tiện nhất với người dân”, Bộ trưởng Đam cho hay.

29 thg 11, 2012

Hoa Dã quỳ.



Quỷ Cốc Tử - Dã quỳ (hay còn có các tên khác là Cúc quỳ, Sơn quỳ, Quỳ dại, Hướng dương dại, Hướng dương Mexico, Cúc Nitobe) là một loài thực vật trong họ Cúc, hiện nay phân bổ rộng khắp trong các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới.

Phụ thuộc vào khu vực, nó có thể là cây một năm hay cây lâu năm, dạng cây bụi cao tới 2–3 m với thân cây mọc thẳng và đôi khi hóa gỗ. Hoa màu vàng cam.

Tại Việt Nam, dã quỳ đã được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng. Nó được trồng khi đó để làm phân xanh cho các vườn cà phê, cao su.

Thân dã quỳ chứa nhiều chất P, Ca, Mg nên làm phân hữu cơ khá tốt.

Nhờ hạt dễ phát tán, cây dễ trồng nhờ giâm cành nên loài cây này dần dà chiếm lĩnh các nơi hoang dại ở khắp Tây nguyên.

Tên dã quỳ xuất hiện trên văn chương từ thập niên 1970, trước đó người ta gọi nó là sơn quỳ.

Dã quỳ cũng đã được sử dụng làm biểu tượng chính cho lễ hội hoa Đà Lạt tháng 12/2005.

Ở Việt Nam, dã quỳ thường ra hoa vào mùa đông, vàng rực cả triền đồi và thảo nguyên.

Loài cây này có thể coi như là một loài cây báo hiệu cho sự xuất hiện của mùa khô, khi hoa dã quỳ nở có nghĩa là mùa khô đã đến rất gần.














Theo blog Mai Thanh Hải

28 thg 11, 2012

"Không hiểu tại sao lại đưa việc xe chính chủ vào Nghị định 71"


(GDVN) - Theo ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc chuyển quyền sở hữu thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự thì nên để nó ở một Nghị định khác hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự.

Về quy định xử phạt chủ phương tiện không sang tên đổi chủ trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói:

“Ý kiến của một số luật sư cho rằng quy định xử phạt các chủ phương tiện không sang tên đổi chủ khi mua bán không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Giao thông mà thuộc phạm vi điều chỉnh của luật dân sự, tôi thấy cũng có cái đúng.

Đúng vì đó là quyền về tài sản mà quyền về tài sản thì liên quan đến Bộ luật Dân sự. Tôi cũng không hiểu tại sao lại đưa quy định đó vào Luật Giao thông đường bộ và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này”.

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ảnh: TPO)
Ông Nguyễn Sỹ Cương nói tiếp: “Tuy nhiên cũng cần khẳng định rằng quy định xử phạt chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu là không có gì sai bởi vì khi đã là chủ sở hữu của phương tiện thì bất kỳ một vấn đề gì liên quan đến phương tiện đó thì chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm trước nhất. Đó là lý do tại sao ở các nước khác, khi mua bán phương tiện thì người ta yêu cầu phải sang tên đổi chủ ngay chứ không có tình trạng như ở nước ta.

Ở Việt Nam, tình trạng người dân vì trốn thuế nên không thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ rất nhiều. Quy định xử phạt chủ phương tiện không sang tên đổi chủ đã có từ rất lâu rồi nhưng vì trước đây mức phạt rất thấp chưa đủ sức răn đe nên việc thực hiện chưa triệt để”.

“Nên có một giải pháp là đơn giản hóa thủ tục để người dân làm thủ tục sang tên đổi chủ dễ dàng. Thứ hai là nên giảm lệ phí trước bạ xuống mức tối thiểu và đối với xe máy thì có thể miễn trong một thời gian nhất định. Sau thời gian nhất định đó thì nâng trở lại và kiên quyết xử phạt những người vi phạm”, ông Cương hiến kế.

Theo ông Cương, “việc loại bỏ quy định xử phạt chủ phương tiện không sang tên đổi chủ khi mua bán xe ra khỏi Luật Giao thông và các Nghị định hướng dẫn thi hành là có lý. Bởi vì quy định về quyền tài sản thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Dân sự lại đưa vào Luật Giao thông đường bộ thì có điểm không ổn lắm.

Nhưng vì quy định về chuyển quyền sở hữu khi mua bán xe máy, ô tô không sai nên bắt buộc phải thực hiện. Có chăng chỉ là chuyển sang Nghị định khác để cho phù hợp hơn với các bộ luật và cho đến khi chưa tìm ra được văn bản phù hợp để đưa quy định này vào thì chưa nên loại bỏ nó khỏi Nghị định 71/2012/NĐ-CP. Nếu không có quy định xử phạt như vậy đối với các chủ phương tiện giao thông thì tình hình sẽ rất lộn xộn”.

Qua việc người dân tỏ ra hoang mang khi Nghị định 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật, ông Cương cho rằng: “Chúng ta cần rút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vì công tác phổ biến giáo dục pháp luật hiện nay của chúng ta còn chưa tốt. Mặc dù Luật đã có Nghị định hướng dẫn nhưng trước khi có hiệu lực nên có thời gian để tuyên truyền một cách rộng rãi để cho người dân ý thức được việc chấp hành”. 

26 thg 11, 2012

Nghị định 71/CP về xe "chính chủ": Sai luật, không khả thi


(Nld.com.vn) - Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhận định như vậy và cho rằng mức phạt quá cao đã làm cho người dân phản ứng cực đoan với chính sách của Nhà nước.


* Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng các nghị định có quy định về xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện, nhất là Nghị định 71/CP đã trái thẩm quyền hoặc vi hiến khi cản trở quyền sở hữu tài sản của công dân, bà nhận định như thế nào?

- Bà Lê Thị Nga: Việc xử phạt chủ phương tiện (ô tô, xe máy...) không chuyển quyền sở hữu không phải là vấn đề mới mà đã được quy định trong các nghị định xử phạt hành chính về giao thông đường bộ như: Nghị định số 15/2003, Nghị định số 152/2005, Nghị định số 146/2007, Nghị định số 34/2010 và mới nhất là Nghị định số 71/2012.

Về hành vi vi phạm, đối tượng bị phạt, thẩm quyền xử phạt, Nghị định 71 không có gì thay đổi so với các nghị định cũ. Thay đổi lớn nhất là tăng mức phạt (ô tô từ 1 - 2 triệu đồng lên 6 - 10 triệu đồng, xe máy từ 50.000 đồng - 100.000 đồng lên từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng).

* Vì sao một quy định được Chính phủ đưa ra từ năm 2003 mà nay lại bị dư luận phản ứng như vậy?

- Thông tin về kết quả cuộc họp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an ngày 19-11 vừa qua vẫn khẳng định các quy định này là đúng pháp luật.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đưa ra một quy trình khá chặt chẽ tại chương V để bảo đảm các nghị định có chất lượng tốt, thực sự là sản phẩm trí tuệ của tập thể Chính phủ. Trong đó, khâu thẩm định của Bộ Tư pháp có thể coi là người gác cổng của Chính phủ đối với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, phân tích kỹ về mặt pháp lý, có thể thấy Nghị định 71/CP đã không bảo đảm được yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tính khả thi trong nội dung phạt hành chính hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện.

* Nghị định này không bảo đảm yêu cầu ở điểm gì, thưa bà?

- Thứ nhất, việc giao CSGT có thẩm quyền xử phạt là không đáp ứng được yêu cầu bảo đảm “sự phù hợp giữa quy định dự thảo với điều kiện thực hiện”. Các nghị định trên đều giao CSGT có thẩm quyền xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông. Muốn phạt được thì trong hàng triệu trường hợp vi phạm giao thông mỗi ngày, CSGT phải xác định ai là người chủ đích thực của phương tiện chưa chuyển quyền. Việc giao CSGT nhiệm vụ “truy tìm” chủ xe thông qua việc giữ người điều khiển vi phạm vừa không đúng với chức năng là lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông vừa không khả thi.

Thứ hai, không thể yêu cầu công dân khi sử dụng phương tiện giao thông phải mang theo giấy tờ chứng minh việc mình mượn, thuê phương tiện đó vì không hợp pháp và không phù hợp với tập quán, văn hóa ứng xử của người Việt.

Thứ ba, quyền sở hữu của chủ phương tiện giao thông có thể bị điều chỉnh bởi luật dân sự và luật hành chính. Dưới góc độ dân sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự và sự kiện pháp lý xuất hiện nghĩa vụ chứng minh là khi có tranh chấp quyền sở hữu. Còn dưới góc độ hành chính, nếu xử phạt hành chính vì lý do không chuyển quyền thì nghĩa vụ chứng minh thuộc người có thẩm quyền xử phạt. Như vậy, việc bắt công dân chứng minh chiếc xe đang đi là mượn hay mua nhưng chưa làm thủ tục vào thời điểm họ vi phạm luật về giao thông nhằm làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính là không đúng pháp luật.

* Bà nhìn nhận thế nào về mức phạt xe không “chính chủ” theo Nghị định 71/CP?

- Số tiền 1,2 triệu đồng/xe máy, đối với người khá giả là không lớn nhưng đối với người nghèo, người dân nông thôn, sinh viên... là không nhỏ; còn 10 triệu đồng/ô tô thì kể cả người khá giả cũng là một vấn đề. Mức phạt quá cao đã làm cho nhiều người dân có phản ứng cực đoan với chính sách của Nhà nước và người trực tiếp thực thi hoặc tìm cách lách luật, trong đó không loại trừ việc chung chi cho CSGT.

(Cần xem xét lại:
Bà Lê Thị Nga cho rằng phương án do một vài chuyên gia của Bộ Tư pháp và Bộ Công an đưa ra là tạm hoãn thi hành việc xử phạt chủ phương tiện giao thông không chuyển quyền sở hữu là giải pháp “hoãn binh” chứ không phải là sự thừa nhận tính thiếu khả thi của Nghị định 71/CP. “Chính phủ cần sớm xem lại Nghị định 71/CP. Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nên phối hợp giám sát và tổ chức một phiên giải trình về việc tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc ban hành nghị định trên” - bà Nga kiến nghị).

Nguồn gốc “ngày thứ sáu đen” ở Mỹ

>> Thứ 6 ngày 13 có gì đáng sợ?

(Vnexpress) - Dịch theo mặt chữ, Black Friday là ngày thứ sáu đen, nhưng thực chất, đây là "ngày vàng mua sắm" của người dân Mỹ với hàng chục nghìn mặt hàng giảm giá cực lớn.

Thoạt nghe nói đến "Black Friday" (ngày thứ sáu đen), những người không biết nguồn gốc đều nghĩ ngày này có liên quan đến một thảm họa ghê rợn nào đó trong lịch sử, hoặc chí ít đây cũng không phải là ngày lành. Thế nhưng, Black Friday lại là ngày mang ý nghĩa rất tích cực đối với đông đảo người dân Mỹ mê mua sắm.

Black Friday thực chất là ngày vàng mua sắm tại Mỹ. Ảnh: AP
Black Friday là ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ Ơn (Lễ Tạ Ơn rơi vào thứ năm thứ tư của tháng 11) và được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm tấp nập nhất ở Mỹ. Ngày đặc biệt này có xuất xứ từ tình trạng... kẹt xe xảy ra vào ngày thứ sáu sau Lễ Tạ Ơn năm 1965 ở Philadelphia, khi hàng trăm nghìn người Mỹ chen chúc nhau, đen kịt các con phố, vỉa hè đi mua sắm để sửa soạn cho Lễ Noel sắp đến.

Ngay lập tức, giới kinh doanh Hoa Kỳ cho quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng và đồng loạt khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng.

Trong tiếng Anh có thuật ngữ "in the black" chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận. Tương phản với "in the black" là "in the red" chỉ tình trạng kinh doanh thua lỗ, buôn bán thất bát. Ngày xưa, để tiện phân biệt và theo dõi sổ sách, kế toán thường ghi số lợi nhuận bằng mực đen, số lỗ bằng mực đỏ. Từ đó, người ta đặt tên ngày mua sắm lớn nhất trong năm là Black Friday, ngụ ý rằng đây là ngày ăn nên làm ra của các doanh nghiệp .

Hầu như tất cả các mặt hàng trong ngày Black Friday đều giảm giá trung bình từ 10% - 30%. Từ những thương hiệu bình dân đến những thương hiệu nổi tiếng như Nike, IBM, Apple… đều đưa ra mức giảm giá đến không ngờ.

Chính vì vậy, người Mỹ ùn ùn đổ ra các siêu thị, cửa hàng để tìm mua hàng giá rẻ. Tất cả các đường phố trên đất Mỹ đều đông nghịt người trong ngày thứ sáu mua sắm. Có người còn phải chờ từ 4h sáng để mong có thể “tậu” cho mình một món đồ giá rẻ như cho không. Giữa những chốn phồn hoa trên đất Mỹ, không ai tưởng tượng được lại có cảnh xếp hàng dài dằng dặc rồi trùm chăn ngủ ngay trên lòng đường trước một siêu thị, hay khung cảnh chen lấn, giành giật hàng hóa trong các trung tâm mua sắm.

Thu hút là vậy, nhưng không phải tất cả những người Mỹ đều thích thú với “ngày thứ 6 đen”. Lý do là bởi những người này đều không thích sự chen lấn xô đẩy và thay vì việc lao vào những siêu thị, cửa hàng để mua đồ giảm giá, họ ngồi ở nhà và xem ti vi. Thậm chí, có người còn cho rằng tình trạng chen lấn nhau để mua hàng làm xấu đi hình ảnh nước Mỹ và họ kêu gọi lập nên “No Shopping Day”, tức là ngày không mua sắm để tẩy chay “Black Friday”.

Tuy vậy, sau nhiều thập niên, “Black Friday” vẫn tồn tại và thu hút được đông đảo người dân Mỹ tham gia. Chỉ có điều năm 2011, với sự kiện tranh cướp hàng hóa dẫn đến hàng chục người bị thương, một người bị bắn và cướp sạch hàng hóa khi ra chỗ đỗ xe, Black Friday đã có hơi hướng đúng với nghĩa mặt chữ là "Ngày thứ sáu đen".

Chuyện đời của người phụ nữ giúp Barack Obama lên đỉnh vinh quang.


Những quyết định của người mẹ táo bạo và quyết đoán giúp cậu bé Obama trưởng thành và hoàn thiện mình hơn trong những năm tháng sống và học tập tại Indonesia.

Cuộc sống vốn là một chuỗi dài những mâu thuẫn. Và cuộc đời của Thân mẫu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng là sự tổng hợp của rất nhiều điều trái ngược. Bà S. Ann Soetoro, người mẹ trẻ mang học vị tiến sĩ nhân chủng học, là một phụ nữ da trắng đến từ Mỹ nhưng lại yêu tha thiết cuộc sống ở Indonesia. Là con người thực tế nhưng lại đa sầu, đa cảm, ở bà người ta tìm thấy những điều khác biệt, một người mẹ đã nuôi dạy con trai, Tổng thống Mỹ Barak Obama, thành tài.

Cậu bé Obama và Mẹ
Cuộc đời bà tuy ngắn ngủi nhưng phải trải qua không ít sóng gió. Hai lần yêu, hai lần kết hôn là hai lần bà phải đau nỗi đau tan vỡ. Những người đàn ông đến nhưng không đem cho bà cuộc sống hạnh phúc không phải bởi họ không tốt mà do bà vốn là người phụ nữ nhiều tham vọng.

Với bà, cuộc sống không phải là mơ và nhiều lần bà phải tự đưa ra những quyết định ảnh hưởng tới cả cuộc đời và không ít trong số đó thất bại. Là con người đa sầu đa cảm, tuy dễ dàng rơi lệ song người phụ nữ ấy lại cứng cỏi khác thường khi vượt qua bao giông tố cuộc đời, quyết đoán và táo bạo trong công việc.

Tổng thống Mỹ Obama khẳng định, ông ảnh hưởng rất nhiều từ người mẹ quá cố và bà thật sự là một người rất đặc biệt, đặc biệt tới mức khi con trai bà lên nhậm chức, có hẳn một bộ phim tái hiện lại cuộc đời của bà được dựng lên.

Obama và Cha
Có một điều thú vị là bà có tới 4 cái tên, mỗi tên gắn với một chặng cuộc đời bà.

Cô bé Stanley Ann Dunham.

Cái tên Stanley, một cái tên đậm chất nam tính, đã phản ánh được ước vọng có được đứa con trai của cha mẹ bà. Cũng vì cái tên Stanley mà suốt thời thơ ấu bà bị bạn bè châm chọc rất nhiều.

Sinh ra trong một gia đình buôn bán nội thất, cha lại là người ưa dịch chuyển, lúc nhỏ bà chuyển nhà tận 5 lần, từ Kansas tới California, đến Texas và cả Washington và ở cho tới trước khi Stanley tròn 18 tuổi.

Sinh sống tại một hòn đảo nhỏ ở Washington suốt mấy năm trung học, từ nhỏ bà đã ham học hỏi và đặc biệt yêu triết học. Bà tham gia một khóa học cao cấp về triết học và thường xuyên lui tới quán cà phê Seattle để nghe luận bàn. “Stanley là một cô gái thông minh, nhưng có vẻ hơi trầm”, một người bạn trung học của bà nhận xét, tuy nhiên, bà rất quan tâm tới bạn bè và không bỏ qua bất cứ sự kiện nào thời đó.

Sau đó, dù bà đỗ vào Đại học Chicago nhưng cha đẻ bà lại không đồng ý vì lo bà còn quá trẻ để tự xoay sở cuộc sống tự lập. Khi bà tốt nghiệp cấp 3, một lần nữa bà phải miễn cưỡng theo gia đình tới lập nghiệp tại Honolulu, Hawaii, và ở đây, nhiều biến động mới xảy đến với cuộc đời bà.

Trở thành bà Barack H Obama.

Gặp gỡ và yêu Barack Obama Sr., cha đẻ của Tổng thống Mỹ Obama, sau này là một bước ngoặt đối với bà Stanley. Chuyển tới nơi mới, bà cũng quyết định đổi tên thành Ann cho mềm mại và dễ nghe hơn. Cũng ở đó, bà gặp Obama Sr. trong một lớp học tiếng Nga. Người gốc Phi đầu tiên đi học ở đấy gây ấn tượng vô cùng đặc biệt đối với bà. Khác với bà khi đó, một thiếu nữ khá khép mình thì ông lại là một người vô cùng sôi nổi. Luôn là tâm điểm của đám đông, cậu học sinh da đen thường xuyên được phát biểu trong các cuộc tọa đàm tôn giáo, được một số tờ báo địa phương phỏng vấn và viết bài.

Cha Mẹ của Obama
“Ở cậu ấy có một sức lôi cuốn kỳ lạ”, Neil Abercrombie, đại biểu quốc hội Hawaii, từng là bạn đại học của Obama (cha) kể lại “tài hùng biện của cậu ta thu phục được tất cả mọi người, kể cả những người kỹ tính nhất”.

Ông thường là tâm điểm trong những cuộc trò chuyện, luận bàn chính trị, bàn về chiến tranh, về vấn đề bình đẳng... Trong khi mọi người lắng nghe và rôm rả cùng cậu bạn Obama (cha) thì Ann lại chọn cho mình một góc khuất, lắng nghe những câu chuyện của họ từ xa. Hiếm khi Ann phát biểu, mà thường chỉ lặng im quan sát.

Mọi người biết Obama đang qua lại với một phụ nữ da trắng, nhưng họ không quá bận tâm hay soi sét điều đó. Bởi đây là Hawaii, một vùng đất “pha tạp”, có nghĩa là không có sự cấm đoán một người da trắng yêu một người da màu. Và nếu như ở các bang khác, việc kết hôn với người da màu khi đó là một điều cấm kị thì ở đây luật pháp hoàn toàn chấp thuận điều đó.

Và ngày 2/2/1961, vài tháng sau ngày quen nhau, cha mẹ Obama đã chính thức kết hôn tại Maui. Khi đó, Ann đã mang bầu Obama 3 tháng. Bạn bè không ai biết về đám cưới của họ cho đến tận sau này. Không ai hiểu vì sao hôn lễ lại được bí mật tổ chức như vậy, thậm chí cả Obama sau này cũng không được mẹ kể về điều đó. “Nếu bà chưa qua đời, có thể tôi sẽ hỏi rõ bà về điều này”, ông Obama từng chia sẻ.

Và cậu bé Obama ra đời, mang trong mình hai dòng máu Mỹ và Kenya. Khi con trai vừa tròn 1 năm tuổi, cha ông quyết định tới Harvard để tham gia khóa học tiến sĩ kinh tế. Và rồi, cha của Obama muốn quay trở lại Kenya để xây dựng quê hương và ông muốn đưa vợ con theo. Tuy nhiên, biết ông đã có một người vợ trước ở đó, bà Ann không theo ông. Bất đồng quan điểm đã khiến cuộc hôn nhân tan vỡ.

Cha của Obama trở về Kenya, chỉ gặp con mình một lần duy nhất trước khi mất vì tai nạn xe hơi năm 1982.

Điều mà bà làm là điều vô cùng mới mẻ thời đó, chưa có một phụ nữ da trắng nào kết hôn với một người da màu, sinh con và ly hôn như bà. Quyết định táo bạo khiến cuộc sống của Ann khó khăn hơn. Người phụ nữ thiệt thòi này phải gồng mình để trang trải tiền thuê nhà và nuôi con một mình. Đáng lẽ, cô gái trẻ ấy hoàn toàn có thể nhồi nhét vào đứa con trai đầu lòng là Obama lòng hận thù người cha. Nhưng không, Ann vẫn dạy con yêu người cha ở xa và thường xuyên giữ liên lạc với ông.

Trở thành S. Ann Dunham Soetoro.

Khi cậu con trai lên 2 tuổi, khát khao học lại trỗi dậy, bà quay lại trường đại học. Cuộc sống càng nhọc nhằn và thiếu thốn hơn, cô phải sống dựa vào vào bố mẹ đẻ. Nhưng đó cũng là lúc cô gặp và thương mến một sinh viên ngoại quốc tên Lolo Soetoro. Và lời câu hôn Lolo đề nghị năm 1967 đã được bà chấp thuận bởi thấy ông là người đàn ông hiền lành, vui vẻ và rất thương yêu con trai bà (lúc đó Obama lên 6 tuổi).

Gia đình mới của Mẹ Obama
Mất hàng tháng trời để hai mẹ con thu xếp và theo ông về Indonesia. Sau một hành trình dài, ba người đặt chân tới quê hương của Lolo, thật ngoài sức tưởng tượng của hai mẹ con “bước xuống máy bay, đường băng như bị tróc lên bởi cái nóng và nắng gắt như trong hỏa lò”, Obama ghi lại hồi ức của mình “tôi nắm chặt lấy tay mẹ, và tự nhủ sẽ bảo vệ bà”.

Nhà của Lolo lại nằm ở ngoại ô Jakarta, nơi không có điện, đường phố cũng chưa được trải nhựa, lại đang là thời kỳ chuyển giao chế độ ở Indonesia và lạm phát tăng cao tới 600% khiến mọi thứ đều khan hiếm. Ann và con trai là những người ngoại quốc đầu tiên đến sống ở khu ổ chuột này. Cậu bé Obama lúc đó, muốn chơi với lũ nhóc hàng xóm liền leo lên bức tường rào đập đập tay giả bộ làm chú chim lớn, tạo ra âm thanh vui tai. “Điều này khiến bọn trẻ nghèo bật cười”, cô Ikranagara hàng xóm của họ kể lại, và rồi chúng chơi với nhau như thân quen.

Obama được gửi tới học một trường công giáo gọi là trường tiểu học Franciscus Assisi tại đây. Là người ngoại quốc, lại thông minh, sáng dạ hơn lũ trẻ ở đó, Obama nhanh chóng thành tâm điểm. Bị gọi là “thằng da đen”, nhưng cậu bé không để bụng, trái lại còn tỏ ra thích thú khi được chơi với bọn trẻ.
Còn bà Ann không kìm được lòng trước hoàn cảnh của những con người khốn khổ nơi đây, cứ liên tục cho tiền những người ăn mày tới trước cửa, đến nỗi mà ông Lolo phải nói với Obama rằng “mẹ con có trái tìm yếu mềm quá”.

Nhưng khi hai mẹ con bà dần thích nghi và yêu cuộc sống của người dân nghèo Indonesia thì cha dượng Lolo lại ngày càng tây hóa. Ông được thăng chức cao tại một công ty dầu khí của Mỹ và chuyển cả gia đình tới một khu phố sạch đẹp hơn. Bà Ann phát chán với những cuộc tiệc tùng bù khú và lối sống nhà giàu của chồng mình. Bà tự thu mình lại.

Dù những đồng tiền chồng kiếm được đủ cho bà sống cuộc sống dư dả, bà vẫn quyết định đi dạy tiếng Anh tại một đại sứ quán Mỹ. Bà dậy từ sớm tinh mơ, 4h sáng đã vào phòng gọi Obama dậy và dạy tiếng Anh cho cậu.

Lúc đầu, Obama được gửi vào một trường quốc tế dành cho giới nhà giàu, nhưng Ann lo con trai mình sẽ không được thử thách đầy đủ trong môi trường đó. Sau hai năm, bà chuyển con sang học ở một trường công gần nhà. Để giúp con trai có ý niệm rõ ràng hơn về thế giới của những người da màu ở Mỹ, bà thường mang sách về phong trào quyền công dân sang phòng con đọc vào buổi đêm.

Bằng cách rất riêng, để cho con hiểu hơn về những người da màu ở Mỹ, mỗi tối đi làm về, bà mang theo một cuốn sách về các phong trào dân quyền cho con đọc. Chính bà là người dạy cho Obama biết thế nào là sự hòa hợp sắc tộc, là bình đẳng giới và chính khát khao ấy đã theo ông đến tận bây giờ. Obama vẫn nhớ lời bà nói “Mẹ tin rằng dưới lớp da kia, con người ai cũng giống nhau”.

Khi Obama lên 10, bà Ann gửi cậu về Hawaii sống cùng với ông bà ngoại và tham gia khóa học tài năng Punahou mà cậu bé được học bổng. Quyết định này đã cho thấy được bà đánh giá cáo giá trị của giáo dục đối với các con. Chấp nhận xa con để cậu được chăm sóc và có nền giáo dục tốt hơn là một sự hy sinh lớn của một người mẹ vĩ đại.

Một năm sau, bà mang theo cô con gái út trở lại Hawaii, bỏ lại Indonesia và người chồng thứ 2. Bà tiếp tục ghi tên vào một chương trình thạc sĩ nhân chủng học Đại học Hawaii để nghiên cứu về nhân học Indonesia - nỗi niềm trăn trở bấy lâu của bà.

Thời gian này, bà bắt đầu khẳng định được mình và có tiếng nói riêng, những người quen biết trước nói bà thông minh và trầm tính, còn những người sau này biết bà, nhận xét bà là một người thẳng thắn và đầy đam mê. Bà tốt nghiệp loại ưu.

Bố dượng của Obama vẫn thường xuyên tới Hawaii thăm vợ con, nhưng họ không quay lại với nhau nữa. Ann cũng lại một lần nữa gửi đơn ly hôn vào năm 19....? mà không đòi hỏi bất cứ trợ cấp nào từ phía người chồng.

Tiến sĩ Ann Dunham Sutoro.

Ba năm sống với con tại một căn hộ nhỏ ở Honolulu chỉ với nguồn học bổng của mình, bà Ann quyết định quay trở lại Indonesia để nghiên cứu thực địa cho luận án tiến sĩ của mình.

Chàng thanh niên Barack Obama và ông bà Ngoại
Nhưng Obama khi đó không theo bà, cậu bé 14 tuổi quyết định sẽ ở lại với ông bà vì mệt mỏi với sự thay đổi và cậu cảm thấy thoải mái với cuộc sống ở đây. Đứng trước quyết định của cậu con trai, bà dù rất khó nhưng vẫn tôn trọng ý kiến của con.

Trở lại Indonesia, bà lại đổi một cái tên nghe hiện đại hơn “Sutoro”. Ở đây, bà được giữ một vai trò quan trọng trong một chương trình thuộc hỗ trợ phụ nữ và người lao động thuộc quỹ Ford Foundation. Không giống với các phụ nữ da trắng khác, bà dành nhiều thời gian để gặp gỡ và lắng nghe những khó khăn của dân làng, đặc biệt là những vấn đề của người phụ nữ.

Thấy nhiều phụ nữ mang những chiếc giỏ nặng nề trên lưng đi bộ đến chợ vào lúc 3h sáng, bà thấy động lòng và thuyết phục Ford Foundation cùng Chính phủ Indonesia hỗ trợ xe đẩy cho đối tượng này. Và ngôi nhà của bà trở thành nơi tụ tập của những nhân vật có nhiều ảnh hưởng trong xã hội: chính khách, nhà làm phim, nhạc sĩ, hoạt động công đoàn. Và bà trở thành mối duyên đưa những người họ gần gũi, lắng nghe nhau hơn.
Bà đã đóng góp cho người dân Indonesia một chương trình tín dụng vi mô mà bà mất hơn 4 năm gây dựng. Trong suốt quãng thời gian ở Indonesia, bà không ngừng chung sức giúp đỡ cải thiện cuộc sống của người nghèo. Bà còn không ngần ngại sang tận Pakistan để tham gia hỗ trợ dự án tín dụng cho đất nước Nam Á nghèo này.

Sau gần hai thập kỷ theo đuổi, nghiên cứu, đến năm 1992 bà đã hoàn thành luận văn tiến sĩ về những người nghèo ở Indonesia . Trong phần chú thích, bà đặc biệt gửi lời cảm ơn hai người con Barack và Maya vì chẳng bao giờ phàn nàn khi mẹ thường xuyên lặn lội tới những nơi nghèo khó và hẻo lánh.

Mùa thu năm 1994, bà quay trở lại Hawaii, và nữ tiến sĩ nhân chủng học, người mẹ đặc biệt của tổng thống Mỹ đã qua đời vào tháng 10 năm 1995 ở tuổi 52 vì chứng ung thu buồng trứng và cổ từ cung.

Việc ra đi của bà là một điều hối tiếc lớn với Tổng thống Obama khi ông không được ở gần bà lúc lâm chung. Tuy nhiên, tinh thần và phong thái của bà, Tổng Thống Obama vẫn giữ lại bên mình, bài học mà bà dạy, hy vọng sẽ được vị tổng thống nước Mỹ áp dụng.

Trịnh Duy 

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons