Pages

8 thg 12, 2012

Lỗi nên tránh khi đeo cà vạt


(Danong) Nhiều người trong chúng ta vẫn còn xem nhẹ tầm quan trọng của chiếc cà vạt và cho rằng nó chỉ đơn giản là một mảnh vải điểm xuyết quanh cổ. Sự thật một chiếc cà vạt tốt sẽ nói lên đẳng cấp và nâng cao vẻ đẹp bên ngoài cho bạn. Dưới đây là một vài lỗi nhỏ mà các bạn nam có thể tham khảo để tránh khi mang cà vạt.


Độ dài của cà vạt

Một số người thường mắc lỗi khi mang cà vạt quá dài hoặc quá ngắn so với chiều cao hình thể làm tạo cảm giác buồn cười hoặc kệch cỡm. Theo nguyên tắc cơ bản, đuôi cà vạt nên kết thúc ngay đỉnh trên dây thắt lưng. Bất kì độ dài nào dài hơn hoặc thấp hơn khu vực này đều là không nên. Tỉ lệ phân chia cà vạt phải dựa trên chiều cao của bạn. Với người thấp, tỉ lệ này là 60:40, còn với người có tầm vóc cao thì là 75:25.

Mang cà vạt với áo sơ mi ngắn tay

Đây là một lỗi lớn mà người đàn ông cũng hay phạm phải khi mang cà vạt. Cà vạt là một phụ kiện trang trọng trong khi áo sơ mi ngắn tay lại thuộc về phong cách ăn mặc thường ngày. Kết hợp chúng là một ý tưởng kém vì nó đại diện cho hai phong cách ăn mặc trái ngược nhau. Cà vạt đẹp nhất khi được kết hợp với áo sơ mi và đồ comple.

Mang cà vạt hoa hòe với áo sơ mi sặc sỡ

Chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp một số bạn nam mang cà vạt với áo màu hoặc hoa văn sặc sỡ, hai yếu tố này hoàn toàn “chọi” nhau. Khi mặc áo sơ mi sặc sỡ, nên làm dịu nó bằng tông màu trung tính hoặc cà vạt màu sáng và ngược lại. Hãy tập trung vào một trong hai yếu tố này thay vì tạo nên những hiệu ứng tiêu cực bằng cách kết hợp cả hai.

Nút thắt của cà vạt

Ngoài vị trí trung tâm ra, nếu nút thắt của cà vạt nằm ở bất cứ nơi nào khác cũng sẽ không bao giờ tạo vẻ đẹp cho bạn được. Cà vạt thắt kiểu four in-hand sẽ rất đẹp với phong cách đơn giản trong khi kiểu double windsor có chút phức tạp hơn và, do đó, nên đeo vào các sự kiện trang trọng.

Cổ áo sơ mi nhỏ hơn cà vạt

Nhiều người mặc áo sơ mi có cổ quá hẹp nên không thể che được hoàn toàn đường viền của cà vạt. Đừng phạm lỗi sơ đẳng này; hãy nhớ chọn cổ áo sơ mi đủ rộng để đường biên cà vạt không bị hẹp.

Những địa danh tuyệt đẹp có thể sẽ bị biến mất?


1. Maldives
  

Một nạn nhân khác của sự nóng lên toàn cầu chính là quốc đảo Maldives ở Ấn Độ Dương. Nổi tiếng với một loạt các hòn đảo, các rặng san hô và những bãi biển đẹp, nơi đây đúng là mơ ước của bất cứ khách du lịch hay tay thợ lặn nào, nhưng trớ trêu thay Maldives đang bị đe dọa bởi sự xâm lấn của nước biển.


Là quốc gia thấp nhất thế giới, nên mực nước biển dâng cao như hiện tại quả là đáng lo ngại, thậm chí chính phủ Maldives còn có kế hoạch mua đất ở các quốc gia khác để di dời dân trong tình huống xấu nhất.

2. Venice


Thành phố Venice xinh đẹp của đất nước hình chiếc ủng hiện đang bị “nuốt” bởi chính dòng kênh đào nổi tiếng của mình. Được xây dựng trên nền một đầm lầy, Venice đang chìm dần và lún xuống hơn 30 cm trong thế kỷ qua.


Tình hình càng tồi tệ hơn khi nước biển dâng, và thành phố thì thường xuyên ngập lụt. Đến năm 2050, các cung điện tráng lệ và quảng trường rộng lớn của thành phố lịch sử này có thể sẽ không ở được nữa và hầu hết người dân phải di cư đi nơi khác là điều khó tránh khỏi.

3. Biển Chết


Nằm giữa biên giới 3 nước Israel, Palestine và sâu trong thung lũng Jordan, Biển Chết- nơi thấp nhất trên trái đất là điểm đến du lịch hấp dẫn của thế giới. Theo Kinh Thánh thì đây từng là nơi cư ngụ của vua David.


Không một sinh vật nào sống được ở đây vì nồng độ muối quá cao, tuy nhiên độ mặn của muối và khoáng chất đặc hữu của nó lại có công dụng chữa bệnh nổi tiếng. Nguồn nước duy nhất của Biển Chết là sông Jordan, đang phải cấp nước cho các quốc gia và thành phố xung quanh khiến lượng nước đổ vào Biển Chết sụt giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiều công ty khoáng sản đang cố gắng thoát nước để phục vụ quá trình khai thác. Nếu như không có một nguồn nước thay thế, Biển Chết rất có thể biến mất trong vòng nửa thế kỷ nữa.

4. Machu Picchu


Thành phố Inca cổ đại nổi tiếng là một trong những địa điểm khảo cổ đẹp nhất trên thế giới.


Trong nhiều thế kỷ, nó đã được bảo vệ nghiêm ngặt và tránh khỏi sự xâm lấn của xã hội, nhưng cùng với sự phát triển của du lịch hiện đại là hàng ngàn du khách tới đây mỗi năm, kéo theo đó là sự ảnh hưởng tiêu cực đến di tích. Nếu bạn có dịp tới đây hãy cố gắng vừa tận hưởng vừa không làm ảnh hưởng tới kỳ quan này nhé!

5. Công viên quốc gia sông băng


Canada và Hoa Kỳ có chung một dòng sông băng ở Công viên Quốc gia sông băng (Glacier National Park). Các sông băng khổng lồ có từ kỷ băng hà được bao quanh bởi các dãy núi đá trập trùng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn và không bị đe dọa bởi sự phát triển hay xâm lấn của chính phủ hai nước.


Tuy nhiên, sự nóng lên toàn cầu đang làm tan chảy băng tại đây. Theo ước tính, nếu tình trạng biến đổi khí hậu tiếp tục duy trì ở mức hiện tại thì các sông băng có thể biến mất hoàn toàn từ năm 2020 đến năm 2030.

6. Kim tự tháp Giza


Một thắng cảnh còn nguyên vẹn trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại, Kim tự tháp Giza từ lâu đã được coi là một biểu tượng của sự vĩnh hằng. Thật không may, sự hấp dẫn của điểm đến du lịch nổi tiếng hàng trăm năm qua lại đang bị đe dọa bởi bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng của thành phố Cairo, bị quá tải lượng khách du lịch mà không có các biện pháp bảo vệ chặt chẽ từ chính phủ Ai Cập.

7. Rặng san hô ở Úc


Teen biết không, đây là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới về lặn biển và du lịch sinh thái dưới nước ở Úc đấy. Nó cũng là ngôi nhà của hơn 7.000 loài san hô khác nhau. Thật đáng tiếc là ô nhiễm môi trường, giao thông vận tải biển và tẩy trắng san hô (kết quả của việc nước quá nóng) đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế giới đa sắc này, theo ước tính, phần lớn các rặng san hô có thể chết vào năm 2030.

6 thg 12, 2012

Những tòa nhà đẹp nhất thế giới năm 2012


(Vnexpress) - Dựa trên yếu tố sáng tạo, cấu trúc, tính bền vững, độ nổi bật và nhận định của các chuyên gia kiến trúc, tờ Business Insider đưa ra danh sách 25 tòa nhà cao tầng đẹp nhất thế giới năm 2012 được xếp theo thứ tự Alphabet.

1. Tháp Absolute World

 Địa điểm: Mississauga, Canada

Thiết kế kiến trúc: MAD

Tháp Absolute World, nằm ở khu vực ngoại ô Toronto, được mệnh danh là "Marilyn Monroe" bởi hình dáng sexy với những đường cong uốn lượn. Absolute World được Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường sống đô thị (CTUBH) đánh giá là tòa nhà cao nhất châu Mỹ.

2. Tháp Al Bahar


Địa điểm: Abu Dhabi, UAE

Thiết kế kiến trúc: Aedas Architects Ltd.

Al Bahar được CTBUH đánh giá là tòa tháp cao tầng sáng tạo nhất thế giới. Phần ngoài của tòa nhà văn phòng 29 tầng này có thể đóng mở phù hợp với chuyển động của mặt trời. Ngoài ra, phần ngoài này còn được thiết kế theo theo văn hóa bản địa với hoa văn thường thấy trong kiến trúc Islamic.

3. Tháp Al Hamra



Địa điểm: Kuwait City, Kuwait

Thiết kế kiến trúc: Skidmore, Owings & Merrill

Với độ cao 412 mét, tháp Al Hamra là tòa nhà cao nhất ở Kuwait với tầm nhìn tuyệt vời ra vịnh Arab. Al Hamra được dùng làm nhà ở và văn phòng.

4. Trung tâm thể thao Barclays Center




Địa điểm: Brooklyn, New York, Mỹ

Thiết kế kiến trúc: AECOM (Ellerbe Becket) và SHoP Architects

Chính thức mở cửa vào tháng 9/2012 tại Brooklyn, Barclays Centers là trung tâm thể thao và tổ chức sự kiện mới nhất của thành phố New York.

5. Tòa nhà Barnes




Địa điểm: Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ

Thiết kế kiến trúc: Tod Williams Billie Tsien Architects (TWBTA)

Vào tháng 5/2012, Quỹ Barnes chính thức mở cửa tòa nhà rộng hơn 8.600 m2 để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của quỹ. Tòa nhà được xây dựng trên diện tích 1,8 hecta ở khu vực ngoại ô Philadelphia với khoảng 1.100 m2 được chiếu sáng bởi ánh sáng tự nhiên.

6. Sân bay quốc tế Bodrum




Địa điểm: Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ

Thiết kế kiến trúc: Tabanlioglu Architects

Chính thức hoàn thiện vào tháng 7/2012, sân bay quốc tế Bodrum được thiết kế bằng cấu trúc thép vững chãi với những bức tường kính và trần nhà bằng bê tông phẳng. Sân bay quốc tế Bodrum đã chiến thắng giải thưởng dành cho địa điểm di chuyển tốt nhất trong Liên hoan Kiến trúc thế giới (WAF).

7. Các nhà kính bên vịnh trong Gardens by the Bay




Địa điểm: Singapore

Thiết kế kiến trúc: Wilkinson Eyre, Grant Associates, Atelier One và Atelier Ten

Có vị trí nằm cạnh vịnh Marina, hệ thống các nhà kính trong Gardens by the Bay trải rộng trên diện tích 20.000 m2, đưa tổ hợp này trở thành nhà kính có khí hậu được điều khiến lớn nhất thế giới. Bên trong nhà kính là hàng trăm loài hoa và thực vật khác nhau. Công trình được nhận giải thưởng Kiến trúc của năm tại WAF.

8. Trụ sở ngân hàng DnB NOR




Địa điểm: Oslo, Norway

Thiết kế kiến trúc: MVRD

Trụ sở mới của ngân hàng DnB NOR dự kiến sẽ có 17 tầng và được thiết kế giống như một khối đá. Quá trình xây dựng khu trung tâm của toàn nhà đang trong quá trình hoàn thành và trụ sở sẽ chính thức mở cửa vào tháng 3/2013.

9. Trung tâm thương mại One World Trade Center




Địa điểm: New York, Mỹ

Thiết kế kiến trúc: Skidmore, Owings & Merrill

Trong suốt 10 năm qua, cả nước Mỹ và thế giới cùng dõi theo quá trình xây tháp Tự do trên nền cũ của Trung tâm thương mại thế giới. Khi hoàn thành, tòa tháp sẽ có độ cao hơn 541m, trở thành một trong những công trình cao nhất nước Mỹ. Tháp Tự do sẽ là tổ hợp của các văn phòng, đài quan sát và nhà hàng hạng sang.

10. Trung tâm văn hóa Heydar Aliyev




Địa điểm: Baku, Azerbaijan

Thiết kế kiến trúc: Zaha Hadid

Trung tâm văn hóa Heydar Aliyev được hoàn thành vào tháng 5/2012 bao gồm một thư viện, bảo tàng, nhiều thính phòng và phòng tổ chức hội nghị. Mặt ngoài tòa nhà bằng kính giúp trung tâm nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên. Kể từ khi mở cửa, trung tâm đã xảy ra một vụ hỏa hoạn vào tháng 7 nhưng may mắn là không có thiệt hại lớn.

11. Nhà thờ Kamppi Chapel of Silence


Địa điểm: Helsinki, Phần Lan


Thiết kế kiến trúc: K2S Architects

Nhà thờ Kamppi Chapel of Silence có diện tích rộng hơn 350 m2 được xây dựng trong khu trung tâm Helsinky nhưng đây lại là một không gian im lặng, tách biệt khỏi không gian đô thị ồn ào. Toàn bộ các bức tường và đồ đạc của nhà thờ đều được làm bằng gỗ.

12. Sân vận động Marlins Park


Địa điểm: Miami, Florida, Mỹ

Thiết kế kiến trúc: Populous

Sân vận động 37.000 chỗ ngồi này là mái nhà mới của đội bóng chày Miami Marlins. Các trận đấu được tổ chức ở Marlins Park bất kể nắng mưa nhờ hệ thống mái vòm có thể đóng mở hoàn toàn trong vòng 13 phút. Marlins Park được đánh giá là nơi "vẻ đẹp và bóng chày gặp nhau".

13. Tháp Mercury City


Địa điểm: Moscow, Nga

Thiết kế kiến trúc: M.M. Posokhin, Frank Williams & Partners, G.L. Sirota

Với chiều cao hơn 338m, tháp Mercury City đã chính thức vượt qua tháp “Shard” ở London và trở thành tòa nhà cao nhất châu Âu. Tòa tháp khổng lồ này trông giống như được tạo thành bởi các khối dốc và có bề mặt bằng kính lấp lánh màu hồng bạc.

14. Bảo tàng nghệ thuật đương đại Cleveland


Địa điểm: Cleveland, Ohio, Mỹ

Thiết kế kiến trúc: Farshid Moussavi Architecture

Bảo tàng nghệ thuật mới này có diện tích gần 3.200 m2, lớn hơn 44% so với diện tích cũ. Được thiết kế bởi công ty Farshid Moussavi Architecture tại London, bảo tàng được tăng thêm sự thu hút từ những tấm thép không gỉ màu đen sáng loáng như gương.

15. Tòa nhà One Bligh Street


Địa điểm: Sydney, Australia

Thiết kế kiến trúc: Architectus, Ingenhoven Architects

Thiết kế của One Bligh đề cao tính bền vững. Tòa nhà có hệ thống tái chế nước mưa để tưới cây và hoa. Đây cũng là tòa nhà cao tầng đầu tiên ở Australia có mặt kính hai lớp, giúp đón nhận nhiều ánh sáng tự nhiên hơn mà vẫn điều chỉnh được nhiệt độ bên trong và bảo vệ hệ thống máy tính bên trong. One Bligh được CTBUH đánh giá là tòa nhà cao tầng tốt nhất ở châu Á và Australia.

16. Tòa nhà Palazzo Lombardia


Địa điểm: Milan, Italy

Thiết kế kiến trúc: Pei Cobb Freed & Partners

Palazzo Lombardia được đánh giá là một tòa nhà mang tính sáng tạo và bền vững cao với nhiều không gian mở và lối đi. Tòa nhà được CTBUH đánh giá là tòa nhà cao tầng tốt nhất ở châu Âu.

17. Tháp Pearl River


Địa điểm: Quảng Châu, Trung Quốc

Thiết kế kiến trúc: Skidmore Owings & Merrill

Với độ cao 309m, tháp Pearl River được đánh giá là mang tính bền vững với các tấm pin năng lượng mặt trời và hệ thống làm mát trên trần nhà cùng với một hệ thống khí dưới sàn. Đây là trụ sở của công ty thuốc lá CNTC Guangdong Tobacco.

18. Trung tâm báo chí quốc tế Phoenix


Địa điểm: Bắc Kinh, Trung Quốc

Thiết kế kiến trúc: BIAD Ufo

Trung tâm báo chí quốc tế Phoenix là một tòa nhà đa năng, toàn diện và có thiết kế mở bao gồm khu vực dành cho truyền thanh, truyền hình, các lĩnh vực đa phương tiện khác. Kiến trúc của tòa nhà này khiến nhiều người nhớ tới sân vận động Tổ chim tại Olympic Bắc Kinh 2008.

19. Sân bay quốc tế Queen Alia


Địa điểm: Amman, Jordan

Thiết kế kiến trúc: Foster Partners

Sân bay quốc tế Queen Alia còn đang trong quá trình hoàn thiện. Dự kiến, sân bay có khả năng đón 9 triệu khách đến mỗi năm.

20. Bệnh viện Royal Children's


Địa điểm: Melbourne, Australia

Thiết kế kiến trúc: Billard Leece Partnership, Bates Smart

Bệnh viện Royal Children’s ở Melbourne đã được Foster Partner thiết kế lại để thân thiện với trẻ em hơn bằng cách đưa thêm các khu vui chơi tương tác ở trong nhà và ngoài trời. Từ bệnh viện, bạn còn có thể đưa tầm mắt ra những khu vườn và công viên xanh mát xung quanh.

21. Tháp London Bridge – Tháp Shard


Địa điểm: London, Anh

Thiết kế kiến trúc: Renzo Piano Building Workshop

Tháp London Brighde hay còn được biết đến với tên gọi tháp Shard chính thức mở cửa vào tháng 7/2012. Tòa tháp có chiều cao gần 310m này là tổ hợp bao gồm các khu văn phòng, nhà hàng, khách sạn Shangri La và nhà ở.

22. Cảng vũ trụ Spaceport America


Địa điểm: Las Cruces, New Mexico, Mỹ

Thiết kế kiến trúc: Foster Partners

Spaceport America là địa điểm tiên phong trong việc phát triển lĩnh vực du lịch vũ trụ. Đây cũng là cảng vũ trụ phục vụ mục đích thương mại đầu tiên trên thế giới.

23. Tháp Tokyo Sky Tree


Địa điểm: Tokyo, Nhật Bản

Thiết kế kiến trúc: Nikken Sekkei

Tháp Tokyo Sky Tree xuất hiện nổi bật trên bầu trời thành phố Tokyo với chiều cao 634m của mình. Tháp còn được sử dụng như một trung tâm phát sóng.

24. Tòa nhà 23 Marina


Địa điểm: Dubai, UAE

Thiết kế kiến trúc: Hafeez Contractor, KEO International Consultants

23 Marina là một khu chung cư cao cấp mới đang trong quá trình xây dựng ở Dubal. Với chiều cao 380m và bao gồm 90 tầng, 23 Marina hiện là tòa nhà chung cư cao nhất thế giới.

25. Tháp Victoria


Địa điểm: Kista, Stockholm, Thụy Điển

Thiết kế kiến trúc: Wingårdh Arkitektkontor AB

Tháp Victoria có hình dáng giống chữ T với mặt kính sáng lấp lánh bao phủ bên ngoài. 22 tầng đầu tiên của tòa nhà thuộc khách sạn Scandic, phần còn lại là không gian dành cho văn phòng và tổ chức hội nghị.

(theo Business Insider)

Cây hoa trà


Hoa trà - Còn được biết đến với tên gọi Hoa Hồng Nhật Bản, hoa trà là một trong những loại hoa đẹp nhất từng du nhập vào Bắc Mỹ. Trong ngôn ngữ của loài hoa, hoa trà mang ý nghĩa là "sự duyên dáng nhất". Được đưa vào Châu Âu từ năm 1639 bởi một thầy tu dòng Joseph Kamel, nên hoa có tên nguồn gốc từ tên của người này. Tiếc rằng dù có vẻ đẹp duyên dáng tuyệt vời nhưng hoa trà lại không có mùi hương.


Từ ngày xưa, hoa trà đã được giới sành chơi cây cảnh nước ta xếp vào dòng “kỳ hoa dị thảo” tục ngữ có câu “Vua chơi lan, quan chơi trà” là thế.
Quả vậy, cành lá cây hoa trà không có gì đặc biệt, trông na ná cây chè. Nhưng cây trà lại có hoa đẹp đến kỳ lạ. Loại trà nào hoa cũng nhiều đến mức dày đặc cây, thường người trồng phải lảy bỏ bớt nụ đi. Mỗi hoa nở ra rất nhiều cánh. Hoa giống kép (bát diện) chăm tốt có thể to gần bằng cái bát con. Hoa bạch trà đặc biệt là bạch nhật toàn bông hoa một màu trắng ngần tinh khiết, trong sáng đến tuyệt trần. Hoa trà phấn hồng đặc biệt màu phớt hồng tươi tắn, đẹp như má nàng công chúa.


 Còn trà lựu có vẻ đẹp cuốn hút đến mê hồn, hiện rất quý hiếm, nỗi lo tiệt chủng đang đặt ra.
Mỗi năm trà đơm hoa một vụ kéo dài tới vài ba tháng. Thâm hồng và phấn hồng lại nở hoa đúng vào dịp Tết nguyên đán. Bạch trà nở trước tết nhưng nếu cây to vẫn còn nhiều hoa chơi Tết, nay ta lại có thể điều khiển được để bạch trà nở rộ hoa đúng Tết.


Nhưng ngặt một nỗi là trà thật khó nhân giống và khó nuôi trồng. Mấy năm qua, một số vùng có bí quyết tay nghề lại nhập giống trà Trung Quốc hình thức không đẹp như trà của ta nhưng dễ nhân giống. Cả vùng đưa trà ấy ra đồng sản xuất hàng loạt, bán giá hạ. Nhiều người mua về vì không biết chăm sóc nên thường chỉ chơi được một vụ, vả lại giống trà không chính “tông” này hoa đơn, bé, màu không đẹp nên họ chóng chán.

Vì thế cây hoa trà bị xuống ngôi oan. Nên chăng những vùng còn giữ được giống trà do ông cha ta tuyển chọn từ ngày xưa như Nam Định, Hà Nội... nên nhân giống để cung cấp cho các nơi, còn những vùng đang nhân giống trà lai tạp nên ngừng sản xuất.

Còn kỹ thuật nuôi trà thì có 4 khâu cơ bản là đất trồng, môi trường, chăm sóc và sang chậu như sau:

Đất trồng:

Phần lông hút của rễ trà mảnh như sợi chỉ và rất mềm yếu, mọc hàng chùm, chỉ phát triển được theo các kheo hở của đất trồng và trong đất mùn tơi xốp. Trà rất cần nước nhưng không chịu được úng. Vì vậy đất trồng trà phải là loại đất thịt pha, có độ chua, có nhiều mùn, không bết và thật kháng nước. Loại đất này vào chậu trà sau 4 – 5 năm, các cục đất xốp trong chậu vẫn không tan, không hề bết vào nhau, sau trận mưa rào hoặc ta tưới nước bao nhiều nước vẫn thoát ra nhanh nhưng lại giữ được độ ẩm cao. Đất rắn chặt rễ, trà không phát triển được. Úng nước trà thối chết rễ. Đất vào chậu trà tốt nhất là đất bùn ao nuôi nhiều cá ở những vùng trồng được trà (chè), đưa lên phơi khô và xếp ải càng lâu càng tốt.

Môi trường:

Trà không chịu nắng nên phải làm dàn lưới nilon, phên nứa hoặc mành mành để tạo bóng rấm mát. Nhà chơi một vài chậu thì có thể để nơi nào có bóng mát cả ngày nhất là trưa và chiều. Nên tránh nơi bị cớm các cây to hoặc sát các bức tường xây mùa hè tường nóng hầm hập. Trà cần độ ẩm cao từ 50 – 70% nên những ngày nắng nóng sáng nào cũng nên phun nước như mưa ướt đẫm toàn bộ trà và môi trường. Nếu thiết kế được dưới các chậu trà là bể nước thì thật là tối ưu. Trà ưa nơi thoáng gió nhưng tránh gió lùa.

Chăm sóc:

Không bao giờ để mặt đất trong chậu trà khô thành màu trắng. Luôn phun tưới để cung cấp đủ nước và độ ẩm cho trà. Nước tưới trà phải là nước không có hóa chất, không phải là nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Luôn giữ cho lá trà sạch sẽ bằng cách thỉnh thoảng dùng vòi nước bơm xịt rửa sạch hai mặt lá. Gặp trường hợp lá quá bẩn hoặc có rệp thì phải rửa từng lá. Cách rửa là lật chậu trà nằm nghiêng, kê một chậu nước to cho vừa độ cao rồi dìm từng cánh trà xuống nước mà rửa cả hai mặt lá. Xoay chậu trà để rửa được mọi cành. Nếu trà bị sâu, rệp, nhện hại thì nên hòa loãng thuốc trừ sâu loại nhẹ mà phun thật kỹ. Phân bón trà có thể dùng đa dạng, trừ phân hóa học. Các loại phân bón lá đều dùng được. Phân bón gốc là phân chuồng ủ kỹ, phân hữu cơ vi sinh, phân bò, phân dơi... Nhưng tất cả đều phải bón lượng rất ít hay pha thật loãng và mỗi tháng cũng chỉ bón tưới một vài lần thôi. Tham bón tưới nhiều trà sẽ chết.

Sang chậu:

Việc đưa cây trà ra khỏi chậu không đánh bầu, không cắt rễ, không tóm gốc nhổ lên. Phương pháp là nghiêng chậu lắc mạnh, xoay các chiều mà lay cho vầng đất tách ra khỏi thành chậu rồi đổ cây thật khéo nhằm bảo vệ được tối đa bộ rễ lụa. Việc đưa cây vào chậu mới trước tiên là phải xử lý lỗ thoát nước ở đáy chậu thật tốt. Dùng mảnh sành úp kênh trên lỗ rồi xếp một lớp xỉ cục rắn dưới đáy chậu. Nếu cây to có thể hai người cùng bê, tuyệt đối không xách cây đưa vào chậu. Nếu xách cây sẽ bị vỡ bầu, đứt rễ. Cho một lớp mỏng đất cục vào đáy chậu. Tưới nước kiểu mưa rào. Cuối cùng xếp một lớp đất cục thật to có thể cao trên mặt chậu để giảm bớt sự rửa trôi và gây váng mặt đất chậu.

Hoa trà vườn nhà:

Đây là cây hoa trà mua về trồng từ năm 1998 mà đến năm nay mới bắt đầu ra hoa, mời mọi người thưởng thức nhé.








Vẻ đẹp các loài hoa hiếm nhất quả đất

Các loài hoa này không chỉ đẹp mà còn 'độc lạ' nữa nhé.

1. Cúc vạn thọ sôcôla
Tên khoa học: Cosmos Atrosanguineus



Đây là loài cục vạn thọ có màu đỏ xâm tới nâu, chỉ được tìm thấy ở Mexico. Đáng tiếc, loài hoa này đã tuyệt chủng trong tự nhiên từ hơn 100 năm qua. Mặc dù ngày nay chúng mình vẫn được ngắm vẻ đẹp của cúc vạn thọ chocolate, nhưng đó chỉ là thành quả của công nghệ nhân giống và không có khả năng sinh sôi.

Giống cúc vạn thọ đặc biệt này được tái tạo vào năm 1902. Hoa của nó có màu đỏ xẫm cho tới nâu và có đường kính khoảng 3 tới 4cm. Cúc vạn thọ choocolate có mùi hương thơm dịu vào mùa hè (có thể là sự pha trộn của vali, cà phê và cacao). Đồng thời, đây cũng là loại cây cảnh trang trí tuyệt vời.

2. Kokio
Tên khoa học: Kobai Cookei



Kokio là món quà rất hiếm mà tự nhiên dành tặng cho Hawaii. Tất nhiên, Kokio chỉ xuất hiện trên hòn đảo xinh đẹp này thôi. Được phát hiện vào năm 1860, kể từ đó, chỉ ba giống hoa hoa Kokio được ghi nhận.

Cây hoa Kokio rất khó để nhân giống và hạt cây cuối cùng đã chết vào năm 1950. Vào thời điểm đó, gần như hoa Kokio đã tuyệt chủng. Thật may mắn, đến năm 1970, cá thể độc nhất đã được tìm thấy, tuy nhiên cây hoa Kokio lại bị lửa thiêu rụi vào năm 1978.

Con người lại có dịp ngắm vẻ đẹp của hoa Kokio khi một cành của cây hoa chết cháy vẫn nảy mầm. Cho đến ngày nay, chỉ còn 23 cây Kokio tồn tại trên trái đất, cụ thể là ở Hawaii. Cây có chiều cao lên tới 10 tới 11m, và có thể nở đến hàng trăm bông hoa đỏ cùng lúc.

3. Hoa lan hài vàng tím
Tên khoa học: Cypripedium Calceolus



Đây là loài hoa lan dại cực hiếm được tìm thấy ở một số quốc gia châu Âu. Anh Quốc là vùng đất mà lan hài vàng tím sinh sôi nhiều nhất, dù vậy đất nước này vẫn có quy định bảo tồn nghiêm ngặt với loài lan hiếm kể từ năm 1917.

Một nhành cây hoa lan hài cũng có giá lên tới 5.000USD (khoảng 110 triệu đồng), vì cây có đặc tính rất khó nhân giống. Hơn nữa, hạt hoa không thể nảy mầm thành cây vì vậy hoa lan hài có quan hệ cộng sinh với một loài nấm đặc biệt để cung cấp dinh dưỡng cho cây, cho đến khi lá trưởng thành có thể sản sinh đủ dinh dưỡng cho cây sinh trưởng. Đến thời điểm đó, loài nấm trên cây cũng chết đi.

Có nhiều loài giống lan hài vàng tím, một số trong đó cực hiếm. Hoa có hình chiếc hài của phụ nữ, nhiều màu sắc như tím xẫm, đỏ nâu và vàng nhạt.

4. Hoa lan ma
Tên khoa học: Epipogium Aphyllum



Lan ma được coi là tuyệt chủng trong 20 năm. Mãi có đến gần đây, người ta mới thấy lại loài lan lạ này. Nó rất hiếm bởi vì nó không thể tự quang hợp, vì không có lá.

Giống như lan hài vàng tím, lan ma không tự tạo được dinh dưỡng nuôi cây, mà phụ thuộc một loại nấm sống ký sinh trên bộ rễ. Vì không có lá, nên lan ma có thể sống trong bóng tối nhiều năm và chỉ nở hoa khi điều khiện thuận lợi. Đặc điểm này giải thích vì sao những người yêu lan ma tìm kiếm loài hoa này bấy lâu nay, nhưng dấu vết xuất hiện lan ma gần như không xuất hiện.

5. Hoa trà Middlemist đỏ
Tên khoa học: Middlemist Camellia



Hoa trà Middlemist đỏ được biết là loài hoa hiếm nhất thế giới vì chỉ có hai cây mẫu được nhân giống. Một cây hoa trà hiện đang được chăm sóc tại một khu vườn ở New Zealand và cá thể còn lại sinh sống ở Anh Quốc.

Hoa trà Middlemist được nhập từ Trung Quốc, do ông John Middlesmist vào năm 1804. Sau đó, loài hoa này có tên theo ông Middlemist. Kể từ đó, giống trà đỏ hoàn toàn tuyệt chủng ở Trung Quốc. Cây trà Middlemist vẫn tồn tại ở Anh Quốc sau ngần ấy năm và mãi tới gần đây mới nở hoa. Mặc dù có tên trà đỏ, nhưng hoa của nó lại mang màu hồng nhạt và giống với hoa hồng nhiều hơn.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons