Kienthuc.net.vn - Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng
18/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tình trạng khiếu kiện đất
đai đang ở mức “rất nghiêm trọng, khiếu nại tố cáo ngày càng nhiều làm ảnh hưởng
đến đời sống người dân”. Trò chuyện với phóng viên về sự “rất nghiêm trọng”
này, GS Đặng Hùng Võ đã đưa ra nhiều chính kiến đáng lưu tâm.
Giáo sư Đặng Hùng Võ |
Người dân khiếu kiện
là đúng thôi!
Ngày 18/9, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội đã có phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát thực hiện chính
sách pháp luật giải quyết khiếu nại tố cáo cả công dân về đất đai. Theo đó thì
từ năm 2003 - 2010 đã tiếp nhận và xư lý hơn 1,2 triệu đơn thư khiếu nại tố
cáo, trong đó 70% liên quan đến đất đai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định,
khiếu nại tố cáo đất đai ngày càng nhiều. Rõ ràng khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực
đất đai không phải đến nay mới nhiều. Theo ông thì tại sao đến nay nó vẫn tồn tại
dai dẳng?
Khiếu nại tố cáo về đất đai bắt đầu tăng từ khoảng cuối những
năm 1990. Nhưng trước năm 2003, trong khiếu nại chung của người dân thì có khoảng
một nửa trong số đó là khiếu nại về việc đòi đất cũ, một nửa là về thu hồi đất.
Nhưng từ 2003 trở đi, theo số liệu chính thức của Bộ TN&MT khi kiểm tra sau
một năm thi hành Luật đất đai mới thì khiếu nại đòi lại đất cũ chỉ chiếm khoảng
10%, còn lại 70% khiếu nại liên quan đến cơ chế thu hồi đất, giá bồi thường.
Tại sao khiếu nại của dân về đất đai ngày càng tăng? Nó xuất
phát điểm từ cơ chế về thu hồi đất và tính bồi thường cho dân không thỏa đáng.
Cụ thể như thế nào
thưa ông?
Sự vô lý nằm ngay trong cơ chế. Thu hồi đất của người này
giao cho người khác, vì mục đích lợi nhuận của người được giao. Người được giao
ở đây phần lớn là nhà đầu tư. Điều này không phù hợp với Hiến pháp. Người nông
dân thì nhìn thấy ngay, mình được bồi thường giả sử là 1 triệu đồng/m2, sau khi
nhà đầu tư được giao đất làm đất ở thì họ lập tức bán đến 10 triệu đồng/m2.
Ngay trong cơ chế đó đã chứa đựng xung đột lợi ích. Người dân khiếu kiện là
đúng thôi!
Vấn đề nữa là bồi thường không thỏa đáng. Giá đất do UBND cấp
tỉnh quy định đều thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Kể cả ở mức cao nhất thì
cũng chỉ bằng 1/10 giá thị trường.
Có người nghĩ rằng hầu
hết những khiếu kiện về đất đai đều có liên quan đến các vị quan chức?
Tôi cũng nghĩ thế.
Vậy ông nghĩ thế nào về
vai trò giám sát của các cơ quan chức năng?
Hiện nay, Quốc hội và Hội đồng Nhân dân có chương trình giám
sát. Rồi người dân cũng được động viên tham gia vào giám sát. Thế nhưng, cái cơ
chế giám sát hiện nay nó lẫn lộn, không mạch lạc. Chính vì vậy mà giám sát đó
không có hiệu quả.
Cái ta cần là giám sát được quyền lực, giám sát được người
thực thi quyền lực xem họ có thực thi đúng hay không, có bị vẹo vọ đi cái thực
thi quyền lực đó hay không. Chứ không thể là quyền của anh, anh muốn làm gì thì
làm.
Như ông nói thì hệ quả
của nó chính là khiếu kiện đất đai ngày càng tăng?
Đúng. Người có quyền thì người ta vẫn cứ làm và có cách làm
để phù hợp với pháp luật. Vẫn đúng quy định, vẫn phục vụ lợi ích của người có
quyền và vẫn làm cho dân khiếu kiện nhiều hơn. Vậy có nghĩa là pháp luật có những
khoảng trống nhất định.
Quá dễ để tham nhũng!
Như ông nói thì quản
lý đất đai tồn tại nhiều yếu kém. Liệu có phải vì đội ngũ cán bộ quản lý của ta
yếu kém về năng lực nên mới để xảy ra những vấn đề này?
Tôi thì không nghĩ là họ yếu kém. Tôi cho rằng là vì yếu tố
tham nhũng chi phối quá lớn. Tôi không tin là do năng lực họ kém đâu.
Tham nhũng trong lĩnh
vực đất đai có dễ không thưa ông?
Quá dễ để tham nhũng! Chỉ cần thu hồi đất, giao cho một ông
chủ đầu tư về nhà ở. Giá thu hồi theo khung giá chung, thấp thôi, bán lại với
giá cao. Mà người có thẩm quyền thì người ta quyết giá nào chẳng được. Họ có
quyền lấy đất của người này giao cho người khác. Rồi lại có quyền định giá đất,
cho bồi thường như thế nào là quyền của họ. Tất cả đều trong một cơ quan.
Theo ông thì đến khi
nào, những vụ khiếu nại tố cáo về đất đai sẽ giảm hoặc kết thúc?
Để cho nó giảm hoặc chấm dứt thì chúng ta phải nhìn quyền lợi
của dân với góc độ khác. Nhà nước phải bảo vệ quyền lợi của người dân. Hiện
nay, hầu hết các doanh nghiệp là làm giàu từ đất đai. Trong sản xuất kinh doanh
thì có lĩnh vực nào có siêu lợi nhuận cao như thế đâu. Làm giàu siêu lợi nhuận ở
Việt Nam thì chỉ có từ đất đai, tham nhũng hoặc buôn lậu.
Ý ông là làm giàu từ đất
đai cũng đáng lên án như tham nhũng hay buôn lậu?
Đúng thế.
Nghe ông nói vậy, tôi
thấy buồn quá!
Thì cái thực trạng này là thực trạng đáng buồn mà! Bất hợp
lý ở chỗ tự nhiên có một anh có quyền thích định giá bao nhiêu thì nó là thế.
Khi anh ta ra quyết định bán cho nhà đầu tư giá thấp thôi, để nhà đầu tư có lãi
nhiều. Khi đó nhà đầu tư sẽ “có trách nhiệm” như thế nào đó với anh ta chứ.
Một trong những giải
pháp được Quốc hội chỉ ra là phải tìm đúng các địa chỉ làm sai về đất đai. Theo
ông việc đó có dễ không?
Dễ lắm, vấn đề có quyết tâm tìm hay không thôi. Quan trọng
là tìm đúng rồi thì làm gì.
Theo ông thì tỷ lệ
tham nhũng trong các dự án đất đai như thế nào?
Khi hỏi chuyện riêng, nhiều nhà đầu tư nói rằng không bôi
trơn thì không có đất đâu! Nhưng bảo họ phát biểu công khai thì họ không dám
nói. Vì họ mà nói ra thì lần sau chắc chắn là không bao giờ có đất nữa. Nên họ
chỉ nói trong những câu chuyện cởi mở giữa anh em với nhau trên các bàn nhậu
thôi.
Sửa luật để chống
tham nhũng
Ông nghĩ sao về vấn đề
mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra là việc chính quyền có nhiều sai sót trong
giải quyết khiếu nại tố cáo?
Cái sai sót của giải quyết khiếu nại tố cáo thì nhìn rất rõ.
Hiện nay, theo số liệu tôi biết thì có đến 70% đơn khiếu nại không được giải
quyết đúng thời hạn. Có trên 70% không ban hành quyết định giải quyết. Trường hợp
nào có thì lại ban hành dưới dạng công văn trả lời. Ngay trong quyết định giải
quyết cũng có vấn đề. Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ thì phải có đến 50%
phải xử lý lại. Điều đó cho thấy có rất nhiều bất cập.
Theo ông thì nguồn gốc
của những khiếu nại tố cáo về đất đai bắt nguồn từ đâu?
Nguồn gốc của nó chính là vấn đề tham nhũng. Nó liên quan đến
lợi ích của cá nhân hoặc nhóm người. Lợi ích đó ai được hưởng và chia sẻ như thế
nào.
Vậy tham nhũng đất đai
ở Việt Nam đang ở mức độ như thế nào thưa ông?
Mọi số liệu khảo sát thì đều nói rằng tham nhũng lĩnh vực đất
đai thuộc nhóm đứng đầu bảng.
Xếp hạng đó có phản
ánh đúng thực tế không?
Quá đúng, quá hợp lý. Tham nhũng lĩnh vực nào cũng phụ thuộc
vào sự độc quyền của người ra quyết định. Độc quyền của cơ quan ra quyết định.
Vì thế tham nhũng phát triển.
Vậy thì sẽ phải có
cách nào để khắc phục thực trạng này?
Cần thu hẹp một cách hợp lý quyền của cơ quan nhà nước, chỉ
thực hiện quyền đó trong một phạm vi nhất định. Thứ hai, cơ chế giám sát nào để
giám sát được việc thực hiện quyền lực đó. Ví dụ như việc thực hiện quyền lực
phải có điều kiện, trình tự thủ tục ra sao, tính công khai như thế nào... Cần
phải chọn một trong những mục tiêu sửa luật là chống tham nhũng trong quản lý đất
đai.
Xin cảm ơn ông!
"Quyền định thu hồi đất của nhà nước chỉ nên thực hiện vì mục đích
lợi ích quốc gia, lợi ích quốc phòng an ninh. Không được làm điều này vì mục
đích kinh tế. Và làm thế nào để định giá sát với giá thị trường. Phải có cơ chế
xác định giá phù hợp để người dân và nhà đầu tư cùng đồng thuận. Còn hiện nay
thì UBND cấp tỉnh toàn quyền quyết định về giá, còn làm gì để quyết định thì
không rõ."
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT.
Tô Hội (Thực hiện)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét