(Dân Việt) -
"Trước kia gia đình anh Thủy là một trong những hộ nghèo nhất xã. Nhưng từ
ngày anh nuôi chim bồ câu, lợn, gia đình anh trở thành hộ có thu nhập khá trong
xã" - ông Lê Thanh Sơn - Chủ tịch Hội ND xã Yên Thành, huyện Yên Mô, Ninh
Bình, cho biết.
Khu nuôi chim bồ câu của anh Thủy. |
Sau nhiều năm đi phụ hồ, dành dụm được ít tiền, anh Thủy về
quê xây chuồng trại và mua 200 con vịt đẻ, hơn 100 con gà... hết gần 5 triệu đồng.
"Khi gà, vịt bắt đầu cho thu hoạch, đùng một cái dịch
cúm tràn đến. Trong vòng có 2 ngày, vịt, gà chết không còn một con nào. Tất cả
vốn liếng bỗng chốc mất trắng. Mang gà, vịt đi đào hố chôn mà lòng tôi đau như
cắt" - anh Thủy nhớ lại.
Khi đó, vợ chồng anh chán nản không muốn làm gì. Anh em, bạn
bè đến chơi động viên: "Mới thất bại có một lần mà đã gục ngã thì mãi cũng
không thể thành công được". Nghe vậy, vợ chồng anh quyết tâm vay vốn làm lại
từ đầu.
Nhận ra thất bại vì chăn nuôi theo phong trào mà không tìm
hiểu kỹ thị trường và dịch bệnh, lần này anh Thủy đi khảo sát và học hỏi kinh
nghiệm của những hộ chăn nuôi ở xã bên. Và anh đã tìm ra hướng đi mà địa phương
anh chưa có ai làm, đó là nuôi chim bồ câu và lợn siêu nạc. Năm 2008, anh đầu
tư hơn 10 triệu đồng mua giống lợn và chim bồ câu. Sau 6 tháng bán lợn, bồ câu,
trừ chi phí anh lãi gần 50 triệu đồng.
"Thấy đây là hướng đầu tư đúng, tôi quyết định lấy toàn
bộ tiền lãi này mở rộng trang trại và mua thêm giống. Đến nay, trung bình mỗi
năm tôi thu nhập không dưới 100 triệu đồng. Nhờ lợn và bồ câu, vợ chồng tôi đã
xây được nhà khang trang, nuôi con cái ăn học" - anh Thủy cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình, anh Thủy bảo:
"Muốn làm giàu phải có hướng đi đúng và phải ham học hỏi, không sợ thất bại,
kiên trì rồi sẽ thành công".
Không chỉ làm giàu cho mình, anh còn hướng dẫn nhiều hộ
trong xã nuôi lợn siêu nạc, bồ câu. Không ít hộ được anh giúp đỡ đã thoát
nghèo, có tích lũy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét