Lễ Noel, còn được gọi
là lễ Thiên chúa giáng sinh, hoặc lễ Giáng sinh (Christmas), là một lễ quan trọng
của các dòng tôn giáo thờ Chúa Jésus Christ thuộc Kitô giáo.
Lễ Noel được bắt đầu tiến hành từ năm 354, tức là sau hơn ba
thế kỷ rưỡi sau khi Chúa Jésus ra đời. Noel theo nghĩa Latin là “ra đời, giáng
sinh”. Lễ Noel do vậy có ý nghĩa là lễ kỷ niệm, lễ mừng ngày Chúa Jésus ra đời.
Trên thực tế người ta phổ biến lấy ngày 25-12 làm ngày Noel, mặc dù cho đến nay
chưa có bằng chứng nào xác định đó chính là ngày Chúa Jésus chào đời.
Về ý nghĩa của bản thân ngày lễ Noel, nhiều xứ đạo và tín đồ
đạo Kitô trên thế giới coi đây là dịp để biểu thị và cổ vũ lòng yêu chuộng hòa
bình, hành động lương thiện và chăm lo hạnh phúc.
Các khái niệm và biểu tượng của lễ Noel như ông già Noel,
cây Noel, bánh Noel, hang đá và Chúa hài đồng… vốn không liên quan trực tiếp đến
việc Chúa Jésus ra đời, cũng như không liên quan đến việc hành lễ tôn giáo,
song đã nảy sinh và định hình trên thực tế qua từng thời kỳ, và đến nay đã gắn
bó chặt chẽ với các sinh hoạt trong dịp lễ Noel.
Ông già Noel còn được gọi là ông già Tuyết, ông già Santa
Claus (ở Mỹ), Père Noel (ở Pháp), Father Chrismas (ở Anh), Dedushka Moroz (ở
Nga), Weinachtmann (ở Đức)... Ông già Noel là một biểu tượng điển hình về lễ
Noel. Đây là một nhân vật huyền thoại sống trong niềm tin của trẻ nhỏ là ông sẽ
đến nhà của chúng để phân phát quà và đồ chơi cho chúng vào đêm Noel.
Phương thức cổ truyền để ông già Noel đến nhà là chui qua lỗ
ống khói lò sưởi, bởi vào dịp cuối năm trời thường lạnh giá, chẳng nhà nào mở cửa
trong đêm cả.
Hình thức ông già Noel trao quà là bỏ quà vào những chiếc tất
chân hoặc bỏ vào giày treo ở chân giường. Bởi vậy bọn trẻ, hoặc cha mẹ chúng,
trước khi đi ngủ đêm Noel đều không quên treo sẵn một chiếc tất hoặc giày ở
chân giường.
Phương tiện cổ truyền để ông già Noel đi tặng quà là chiếc
xe trượt tuyết do tuần lộc (hươu sừng tấm) kéo. Đi trao quà cho trẻ em, ông già
Noel cũng có thể còn được nhận quà nữa, như ở Anh, trẻ em thường chuẩn bị sẵn
bánh nướng để ở đầu giường làm quà tặng ông già Noel; thậm chí còn chuẩn bị cả
một chút sữa cho con tuần lộc kéo xe trượt tuyết chở ông già Noel.
Hình tượng đầu tiên về ông già Noel được cho là do một mục
sư đạo Tin lành người Mỹ Clement Clark Moore sáng tạo ra vào năm 1822, với ý đồ
tạo ra một tục lệ tặng quà cho trẻ em vui mừng vào dịp Noel. Còn hình ảnh hoàn
chỉnh về ông già Noel chỉ hình thành vào năm 1890 trong tranh vẽ của họa sĩ người
Thuỵ Điển Jenny Nystrom: Một ông già người chắc đậm, mặc áo đỏ viền trắng rộng
thùng thình, mũ đỏ chóp trắng, râu dài bạc trắng, vẻ mặt tươi cười và nhân từ.
Từ nhiều năm nay, nhiều nơi đã đưa hoạt động ông già Noel
vào thể thức, bằng cách cho những ông già Noel đi phát quà cho trẻ em trong dịp
Noel. Còn ở những gia đình mà ông già Noel không thể đến được thì những người lớn
ở đó cũng tự động bỏ quà vào tất của con trẻ thay ông già Noel. Gần đây, người
ta còn mở dịch vụ phát quà Noel cho trẻ em theo yêu cầu.
Ở một số nơi không có ông già Noel cũng vẫn có những nhân vật
khác có chức năng tương tự, như ở Thụy Sĩ có Nữ thần Christkindli, còn ở
Zimbabwe thì chính những người bố là người tặng quà cho con trẻ trong dịp lễ
Giáng sinh được gọi là Kisimisi ở xứ sở nhiệt đới châu Phi này.
Còn tục treo tất, giày ở chân giường, sự tích về tục này là
một lần thánh Nicholas đến Ai Cập. Ông ở nhà một người đàn ông nghèo khó đến mức
họ không thể nào có được một chút tiền làm đám cưới cho ba cô con gái. Tuy
nghèo vậy nhưng gia đình họ vẫn tiếp đãi thánh Nicholas rất chu đáo. Trước hôm
đi, thấy ba người con gái ngủ, để những chiếc tất của mình bên lò sưởi cho khô,
thánh Nicholas mới để lại ba túi quà vào những chiếc tất đó. Và tập tục trẻ em
treo tất ở chân giường chờ những món quà từ ông già Noel – đại diện của thánh
Nicholas bắt nguồn từ đó.
Cây Noel là một hình tượng vốn không hề có trong Kinh Thánh
đạo Kitô, bắt đầu xuất hiện từ năm 1521, khi hội đồng thành phố Celestadt, vùng
Alsace nước Pháp cho phép dân chúng vào rừng chặt các cây họ thông không rụng
lá vào mùa đông, đem về cắm trong nhà và trang trí cho không khí ngày lễ Noel
và dịp đón chào năm mới thêm tươi vui, sinh động. Dần dần người ta gọi đó là
cây thông Noel, hoặc cây Noel. Ngày nay cây Noel là vật không thể thiếu trong dịp
lễ Noel và tết dương lịch ở các nước Âu – Mỹ.
Bánh Noel hay bánh Buche Noel thì mãi đến năm 1875 mới xuất
hiện do một người thợ làm bánh ở Pari – Pháp mô phỏng hình khúc củi trong lò sưởi
(buche nghĩa là “khúc củi lò sưởi” theo tiếng Pháp) để làm ra một loại bánh ngọt
và gắn cho nó cái tên bánh Noel để dễ bán.
Dần dần loại bánh này được người ta coi là một loại bánh cần
có để ăn trong đêm Noel, cùng với các loại thực phẩm khác được chọn để ăn trong
dịp lễ Noel tuỳ từng nơi, như gà tây hoặc ngỗng quay, lợn quay, cá chép, xôi đậu,
cháo vịt nóng…
Hình tượng hang đá Giáng sinh cũng “ra đời” sau khi Chúa
Jésus giáng sinh hơn 13 thế kỷ. Số là vào năm 1223, một giáo sĩ tên là Francois
Dassi đã cho xây dựng một cái hang đá trong khu rừng già Grécxiô, giống chiếc
hang đá mà Chúa Jésus đã ra đời ở Bethlehem, trong đó có những hình tượng mô tả
lại cảnh tượng đêm Thiên chúa giáng sinh.
Về sau, nhiều nhà thờ thấy rằng việc dựng hang đá như vậy có
thể thu hút đông người tới xem và tạo ra không khí sinh động hơn trong đêm
Giáng sinh nên cũng đã cho dựng hang đá Noel. Nhiều gia đình khá giả từ đó cũng
đã dựng hang đá Noel trong nhà mình mỗi dịp Giáng sinh về./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét