Hiện
nay, nhiều gia đình thường dùng bể cá cảnh để trang trí cho phòng khách. Dù to
hay nhỏ, bể cá cảnh đã đem lại cho không gian sự mát mẻ, gần gũi với thiên
nhiên làm con người, đặc biệt là trẻ em rất thích.
Vì sao cá chết?
Nắm bắt xu hướng nuôi cá cảnh ngày càng phát
triển, cửa hàng cá cảnh mọc như nấm ở các phố như Hoàng Hoa Thám, Hàng Đậu (Hà
Nội). Anh Trần Anh Tuấn (phường Ngọc Hà, Hà Nội) kể rằng, con gái anh thích
nuôi cá. Đầu tiên vợ chồng anh mua loại cá vàng có mã rất đẹp, đựng trong túi
nilon bán rong ngoài đường. Con anh thích lắm, đi học về tới nhà là săm soi
ngay nơi bể cá.
Thế nhưng chưa được 2 ngày, cá đã phơi bụng chết
khiến con gái anh khóc sưng cả mắt. Vợ anh đi mua đôi cá khác, nhưng cá vẫn
chết. Anh Tuấn phải lên tận chợ Bưởi mua 10 con cá con - được giới thiệu là rất
khoẻ - về nuôi trong bể. Nhưng trong vòng 2 tháng, số cá “rơi rụng” dần rồi...
sạch bể.
Con trai chị Minh Tâm ở Làng quốc tế Thăng Long
xin bố mẹ “đầu tư” một bể cá Đài Loan, có cả máy bơm và đèn neon. Nhưng cái máy
bơm trở chứng lúc chạy lúc không khiến cá chết ngợp.
Theo anh Trần Văn Toàn (bán cá cảnh phố Quán Thánh,
Hà Nội), cá chết sau khi mua về có nhiều nguyên nhân, nhưng hầu hết là do khâu
cho cá ăn. Nhiều em nhỏ thấy cá đớp lia lịa tưởng đói nên đổ thêm thức ăn mà
không biết rằng cá có tập tính cứ thấy mồi là đớp. Vì ăn nhiều quá nên cá bị
đầy bụng mà chết.
Nuôi cá cảnh chỉ nên cho ăn 1 lần/ ngày. Nếu cho
cá ăn giun cần bỏ vào cái vợt lỗ thưa rồi lắc cho giun xuống từ từ để cá ăn
đều. Nếu để nguyên nùi giun thả vào, cá sẽ đớp nuốt nguyên nùi giun mà chết.
Cho ăn thức ăn viên cũng phải múc ngay nước nuôi cá ngâm 3 - 4 phút mới cho cá
ăn. Nên chọn lượng thức ăn ít để cá ăn hết trong khoảng 5 phút để không bị
thừa, làm ô nhiễm nước.
Chơi cá cũng phải đầu tư kiến thức
Theo anh Toàn, cá cảnh có rất nhiều loại. Loại
cao cấp như cá rồng, la hán thì khỏi nói vì chẳng mấy người mua được. Nhà bình
dân nên nuôi cá đàn, loại dăm bảy ngàn một đôi vừa khoẻ, vừa đẹp. Không nên mua
cá hàng rong, mã đẹp nhưng người bán dùng “mẹo” vỗ cho cá phổng phao, màu
sắc... nhưng sức khoẻ cá yếu. Nên mua cá trong các cửa hàng cố định, có cây
cảnh tươi tốt và phải có máy bơm tốt chạy liên tục.
Máy bơm có nhiều loại. Loại sục chỉ dùng cho bể
nhỏ, tuổi thọ kém Máy bơm phải chạy liên tục để thay đổi không khí cho cá, giá
từ 80.000 - 120.000 đ/chiếc mới tạm được. Nên có 2 máy để thay nhau chạy sẽ kéo
dài tuổi thọ cho máy. Máy bơm, máy sục cần dùng liên tục để lọc nước và duy trì
môi trường sống cho cá. 1 tuần nên thay nước một lần, lượng nước lấy ra khoảng
1/4 bể nên nhanh, sau đó thay thế 1/4 nước mới vào bể nên từ từ.
Bể cá cần đặt nơi không có ánh sáng mặt trời
trực tiếp chiếu vào, càng mát càng tốt như phía sau cửa, góc nhà, vách ngăn
giữa các phòng. Không nên đặt bể cá trong phòng ngủ vì mùi nước cá tanh, tiếng
kêu của máy bơm, máy sủi, tiếng nước chảy róc rách sẽ làm ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Vị trí đặt bể cao nhất khoảng ngang tim người, thấp nhất là ở ngang đầu gối.
Người ít kinh nghiệm nên chọn loài cá nhỏ bơi
theo đàn. Nhớ hỏi kỹ người bán cá để không chọn phải loại cá dữ hay có loại cá
hay bơi theo lén và... rỉa đuôi cá lành. Cũng không nên thả các loại cá to, cá
ăn mồi và cá dữ vì chúng sẽ ăn thịt cá khác và cây thủy sinh.
Hiện có loại máy sử dụng ozone để xử lý nước và
khử trùng thức ăn bể cá, nhờ vào tính ôxy hoá cực mạnh, ozone có thể tiêu diệt
các mầm bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng lơ lửng trong nước mà vẫn
an toàn cho cá, nồng độ oxy hoà tan trong nước cũng được nâng cao, nồng độ
ozone dùng xử lý nước nuôi cá cảnh 0.25 - 1 mg/10 lít nước/ giờ.
Nhưng ozone chỉ phòng chứ không chữa được bệnh
cho cá. Khi bể bị rêu, nên giảm thời gian bật đèn và dùng thuốc diệt rêu
đặc trị. Khi thấy bể có bọt khí trắng nhỏ nổi xung quanh bề là do bể thiếu nước
do bay hơi, cần bổ sung thêm nước ngay, và nhớ là phải cho nước vào chậm, kẻo
cá bị sốc. Vệ sinh bề mặt trong và ngoài của bể bằng cách dùng khăn lau và nam
châm cọ bể.
Theo Giadinh.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét