Pages

13 thg 12, 2012

Những "VIÊN XỈ" đớn hèn


(Mai Thanh Hải) - Không thể nén được câu chửi tục, khi thi thoảng lại thấy vài trường hợp của thứ "của nợ", được gọi là "nam sinh", có hành động bất thường, kiểu như "Quỳ dưới mưa, xin lỗi bạn gái", "rơi lệ đón thần tượng", mà không ít báo chí đăng tải, như thể cổ vũ.

Thật!. Nếu có mặt ở đó, mình sẽ cho loại "của nợ" này ăn đủ mấy viên gạch nửa..

Nói vậy, bởi mình nhớ đến những gương mặt thanh niên, đúng hoặc ít hơn tuổi bọn "của nợ", mà mình và bao người đã gặp, thường gọi thân yêu là... chúng nó.


Mình nhớ những gương mặt lính Hải quân trẻ măng, ở ngoài đảo chìm Trường Sa, nhà giàn DK1, Bạch Long Vĩ, Phú Quốc, trên những tàu vận tải - chiến đấu...


Đứa nào cũng chung "thân phục" da sạm đen, mốc thếch, bong ra từng mảng bởi cháy nắng hút gió, môi khô cong thiếu nước, má nứt nẻ, râu tóc tua tủa như rễ tre...

Mới 18-20 thôi, hôm trước ở nhà còn làm nũng mẹ, đòi ngủ nướng, dỗi hờn từ món ăn, bát cơm nát... nhưng vào quân đội, ra đảo, chỉ sau vài tháng đã cứng cựa đàn ông vững chãi, ngày hùng hục huấn luyện, cởi trần bốc đá, xe cát, đêm thay nhau chong mắt trực canh bọn người lạ bò lên cướp đảo.

Đứa nào cũng già đến chục tuổi, nhưng đêm ngủ vẫn nhóp nhép môi, chảy nước dãi xuống gối và nằm mơ, gọi mẹ đến nao lòng...

Trong số chúng nó, nhiều đứa đã ngã xuống, mãi mãi hồn lênh đênh quanh đảo, khi vẫn còn trinh trẻ, chưa một lần cầm tay con gái, chưa 1 lần biết ấm môi mềm và gương mặt chúng hòa vào màu sao đỏ, bừng bừng trên cánh mộ Liệt sĩ, ngoài đảo - trong bờ.

Mình nhớ những "thằng cu cháu" trên những Đồn Biên phòng mình đã ngang qua, cheo leo - chênh vênh rừng già, núi thẳm. Cũng 18-20 thôi, nhưng da đã tái môi đã thâm bởi sốt rét rừng, hành hạ thường niên và đêm kẻng ngủ rồi vẫn còn lích rích trêu nhau, như lũ gà con.


Chúng nó: Ở nhà, còn rúm ró sợ ma, đi tè đêm còn líu ríu, nhưng khi vào bộ đội, ôm súng thức chong mắt luồn rừng sâu núi thẳm làm nhiệm vụ, chịu đói, chịu khát và chịu đựng cả cảnh cả năm quần áo ướt rượt sương, không nhìn thấy 1 bóng người qua cửa...

Và mình biết, rất nhiều đứa trong số chúng nó, khát khao khi rời quân ngũ, được vào ngồi giảng đường Đại học, tìm học cái chữ làm người...

Và mình cũng chắc: Chúng nó sẽ cho cái "của nợ" có tên gọi là "nam sinh", "fan cuồng" kia ăn gạch nửa ngay tức khắc, khi chứng kiến cảnh học đòi, yếu đuối "quỳ gối dưới mưa xin lỗi", "khóc nức nở đón Sao".

Bởi "của nợ nam sinh" ấy không thể được gọi là thanh niên, nữa là "Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh".

Không đâu xa, xung quanh những loại như của nợ "quỳ gối xin lỗi" hay "rơi lệ đón Sao"... cũng còn bao gương mặt cũng đang ngồi trên ghế nhà trường, mình đã gặp, đã nghe, đã chứng kiến và mình khâm phục họ - Những người trẻ nhưng bản lĩnh, trí tuệ và tâm hồn không hề trẻ:

Cắn răng rót bia, tiếp thị thuốc lá từ chiều đến đêm, kiếm vài chục ngàn ăn tối xong lại tất tưởi về nhà trọ, đèn sách, mai lên giảng đường;

Ríu rít mùa hè tình nguyện cùng sĩ tử hay quần quật lợp nhà, làm ruộng - Những việc có khi không bao giờ ở nhà phải đụng tay vào, ở tít những miền thung xa;

Góp từng đồng, xin xỏ từng hào, thành món quà mang lên vùng cao biên viễn, tặng cho những lít nhít con trẻ và cùng tạo trò chơi, chung vui cho các em, được lóe sáng vui 1 đêm;


Tất tưởi ngày nghỉ cuối tuần nấu nướng, Cặm cụi ngày nắng ngày mưa, ngồi vỉa hè chia từng xuất cơm 5.000 đồng cho người lao động nghèo, qua cơn đói lòng giữa âu lo cuộc sống...

Ai đó đã nói: Xã hội như một nhà máy thép, cho ra lò cả thép sáng lẫn xỉ đen.

Thế nhưng bây giờ, hình như bây giờ đám "xỉ đen", ngày càng làm ố màu thép sáng, bởi những hành động của chúng, khiến những người bình thường, không thể chấp nhận nổi...

Liệu, những "của nợ" này, có giúp được ích gì cho xã hội, khi chúng quên 1 điều cơ bản từ xa xưa: "Đàn ông chỉ quỳ trước bố mẹ - đấng sinh thành ra mình" và thể chế - đất nước có thể "sánh vai với các cường quốc 5 châu" được hay không, khi vẫn còn những "chủ nhân" tương lai chỉ biết quỳ - khóc đớn hèn?..

Các "Fan nam" khóc khi đón T-Ara?..

Và quỳ dưới mưa...


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons