NHÀ VĂN ĐI TRẠI - Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị
Gừ...rừ..rừ... Gừ...rừ..rừ... Cái điện thoại di động rung lên từng chặp liên tục ở đầu giường. Chắc vợ gọi! Y cầm máy lên. Lại gừ...rừ... rừ... . Tin nhắn! Dễ đến nửa phút mới hết những gừ... rừ... rừ... Nửa đêm lại còn nhắn tin. Lục tìm mãi mới thấy cái kính. Kỷ lục: Mười hai tin nhắn. Mở máy, căng mắt đọc: Em nho... em so... anh ve đi. Điên tiết vì sự vớ vẩn của những con chữ. Người ta cho mình lên trại là để viết. Đã bế tắc, viết không ra vợ lại gọi về. Về bây giờ có mà ra mặt mo. Khác gì thằng đào ngũ, thằng thoái thác nhiệm vụ. Y bấm máy gọi lại. Vợ y bảo em nhớ anh lắm, em sợ lắm, trời đang mưa mà đằng cửa sau có cái gì nó đang đập thình thình. Y trấn an. Vợ y lại chuyển chủ đề: Vậy anh đang ngủ với ai? Y nhìn sang ông bạn nhà văn đang ngáy khò khò ở giường bên và kể tên người ngủ cùng phòng với mình không quên nhấn mạnh giới tính... Hay là anh về đi! Vợ y gợi ý. Y bảo không thể về được... Vậy thì em lên đấy! Lần này thì y trở thành người giới thiệu cho cái sự sinh hoạt đắt đỏ ở đất này. Vợ y im lặng. Đàn bà sẵn sàng phiêu lưu nhưng bao giờ cũng lưỡng lự về giá cả.
Y nghĩ hay là mình về? Thực ra ở đây y cũng không thể viết được gì. Cứ ngồi vào bàn là y có cảm giác có người đang nhìn từ sau gáy. Và người ấy hỏi: sao liệu có viết được gì không? Trông như thằng dở hơi ấy cũng tập tọng văn chương, cũng dớ dênh trại viết! Cảm giác ấy tạo cho y thường trực nỗi bất an.
Cũng vì để đỡ mấy chục bạc tiền vé xe nên y phải đi nhờ xe của một ông anh làm quản giáo của một trại giam cũng gần đây. Đáng lẽ phải xuống xe chỗ đoạn rẽ nhưng lúc ấy y lại đang gà gật ngủ. Lúc tỉnh dậy thì đã thấy cái cổng lù lù với chữ “Bộ công an- trại giam số...” với bức tường xám xịt chạy ngun ngút vào tận chân núi như thể một Vạn lí trường thành thu nhỏ. Ông anh bảo thôi vào đây nghỉ đã, rồi mai tao bố trí xe cho sang trại viết. Mà ở chỗ nào chả vậy, cũng là trại cả! Y bật cười: trại viết, trại giam đều là trại. Một cái ý hay phết! Phân tích ra có khối vấn đề. Một đằng là chỗ người ta lặng lẽ suy ngẫm, xóa trong ký ức quá khứ của mình để chuẩn bị bước vào cuộc sống bình thường; còn đằng kia là nơi viết ra những ngẫm nghĩ của con người bình thường cố kiếm tìm sự bất bình thường trong cuộc sống hoặc vẽ ra một tương lai mơ hồ nào đấy rồi phô phang với thiên hạ.
Y ở trại giam đến gần một ngày đêm.
Không thể xuống tận chỗ phạm nhân ở vì quy định không cho phép. Vả lại ban ngày
họ phải đi lao động, lúc buổi tối là lúc y lại gà gật say. Ông anh biết tính y
thích vui nên buổi tối kéo các bạn đồng nghiệp đến uống rượu với thằng em là
nhà văn ở dưới quê lên. Giữa nơi tù túng thì những câu chuyện mà y bông phèng kể
lại được mọi người trong mâm rượu há mồm nghe rồi cười nghiêng ngả. Câu chuyện
thường bị dở dang vì có người đến báo cáo: tổ bốn có thằng đầu gấu đánh tuốt luốt
mấy phạm già chậm chạp chưa kịp làm theo lời sai khiến, tổ chín có hai phạm đấm
nhau đến sưng quai hàm chỉ vì một điếu thuốc lào... Y thấy sợ cho cái cách mà
những kẻ không có quyền công dân tối thiểu đối xử với nhau theo luật rừng kẻ mạnh
đè kẻ yếu. Trước đấy khi mới đến y đã để ý quan sát phạm đi làm về. Dòng người
xếp hàng một, dáng đi nặng nề, tay thõng xuống chán chường, đầu cúi gục ủ rũ lầm
lũi bước trong hoàng hôn sẫm tím ngằn ngặt bóng núi. Y hơi khép mi mắt: hiển hiện
những dấu hỏi nối tiếp trôi như trên màn hình vi tính khi nhấn đều tay phím. Ừ
cũng phải thôi! Đó là những dấu hỏi của số phận. Y mạnh dạn đến gần họ. Nhất loạt
đều có chung một khuôn mặt mang sắc diện u ám cam chịu. Người nào cũng có vẻ hiền
lành nhưng y lại gặp trong cái dáng điệu ủ rũ lành hiền là không ít cặp mắt sùm
sụp lì lợm, con ngươi chợt đảo đi đảo lại rất nhanh thoáng lóe lên những tia
nhìn tinh quái và bí hiểm... Những tia nhìn ấy vừa oán hận, vừa chứa chất sự
ghen tị, sự khao khát trả thù lẫn khinh khỉnh nghi ngờ. Hình như họ đang chờ đợi.
Chờ đợi những buổi chiều nhòe nhoẹt sáng tối và lặng lẽ đếm, đếm, đếm... đến
lúc tự do chăng.
Những ánh mắt ấy ám ảnh y!
Trại viết đã khai mạc được một ngày
thì y mới lù lù dẫn xác tới. Cái đầu húi cua ngó nghiêng, áo quần xệch xoạc
nhàu nhĩ và đẫm mồ hôi, người y tỏa hương của mấy ngày không tắm. Y ngó vào hội
trường, chả thấy ai. Nghe ồn ào ở mấy gian phòng phía đằng tây, đến nơi mới biết
đấy là nhà ăn và y chợt nhớ là đã trưa. Lưỡng lự có nên vào hay không thì một
người trong đó bước ra. Người đó nhìn y từ đầu đến chân, ánh mắt nghi ngại,
nhăn trán nghĩ ngợi để cố nhớ đến một cái tên: Ông là Long? Lão ta còn biết tên
mình cơ à! Có lẽ lúc điểm danh, Long là cái tên duy nhất thiếu nên người ta nhớ
ra. Vâng- Y trả lời. Sao bây giờ mới đến. Đã cơm nước gì chưa, vào ăn cơm đi. Y
ngượng ngùng vì cái ánh mắt của người đối diện. Hình như ông ta nghi ngờ bởi
ánh mắt ấy nhìn chằm chằm vào khuôn mặt hốc hác và dáng người quắt queo của y.
Giá như quen biết một tý thì y đã bảo nhìn cái gì mà nhìn, tôi có phải là thằng
tội phạm đâu. Nhưng ở đây lạ nước lạ cái... Tiếng ồn ào im bặt khi y bước vào.
Tất cả mọi người có mặt trong phòng ăn đều đổ dồn ánh mắt vào người mới đến, y
biết được điều đó vì mình cũng đưa mắt nhìn một lượt tất cả để may ra có gặp một
người quen. Chả có khuôn mặt nào từng quen. Tất cả đều ngờ ngợ như đã gặp ở kiếp
trước. Phải rồi, đó là những khuôn mặt chỉ to hơn cái cúc áo trên bìa sau của
những cuốn sách mà y đã đọc, nó lấp ló trong bộ nhớ. Mà cũng đúng thôi. Mỗi tỉnh
chỉ có một hai người dự trại... làm sao có thể quen được. Toàn là những người
đã nổi tiếng.
Một ý nghĩ len trong đầu: mình cũng
là người nổi tiếng! Vậy thì việc gì phải rụt rè. Nhưng khi y ngồi xuống thì có
cảm giác hàng trăm tia điện nhìn đang phóng vào người khiến đầu rân rân, chân
tay mình mẩy cũng lẩn mẩn như mạt bò trên da. Và y giật mình bởi một cái đập
vai. Cú đập khá mạnh đến mức làm y hoảng hốt đứng dậy:
- Này liệu có biết viết không đấy?
Viết được gì không đấy?
Y nhìn vào mặt của người vừa hỏi.
Đó là một lão vừa lùn vừa hói, khuôn mặt căng bóng. Cái mép nhếch lên cười
khinh khỉnh. Nhưng cái mà y ngại nhất là đôi mắt. Nó hơi nheo nheo như hai cái
dấu nón của chữ ô, trong đó con ngươi đảo đi đảo lại. Y cáu: Là cái đếch gì mà
khinh nhau- Suýt nữa thì buột miệng phản ứng nhưng nhìn cái bộ ria và cái đầu
hói thì y nghĩ: dù sao thì lão ta cũng hơn tuổi mình. Không thèm chấp.
Y được xếp vào ở cùng phòng với ông
nhà văn- người mà y gặp đầu tiên ở nhà ăn. Y làm quen hỏi ông ở tỉnh nào. Ông
ta thủng thẳng bảo tớ ở Hà Nhì. Y ngớ ra làm gì có cái tỉnh Hà Nhì? Ông này phá
lên cười bảo thằng ngố, tao ở Hà Tây. À phải rồi Hà Nội hai- cái tên mọi người
vẫn gọi cho cái tỉnh vừa sáp nhập vào Thủ đô. Hỏi tuổi thì ông ta lắc đầu. Đừng
có hỏi tuổi nhà thơ nhà văn nhá! Nhưng y đoán chắc ông này hơn y dăm bảy tuổi.
Còn tên thì chả cần, chỉ nhìn đống sách trên bàn viết là y biết mặc dù trên bàn
có rất nhiều sách. Lên trại viết là dịp để người ta tặng sách nhau vì đây là
cái dịp người ta giải tỏa số sách đã in- nói trắng ra là sách ế vì bây giờ người
viết thì nhiều mà người đọc thì có mấy. Trại viết có bao nhiêu người thì được tặng
ngần ấy cuốn sách. Lật trang đầu thì biết ngay tên chủ nhân. Đơn giản vậy thôi.
Những quyển sách ấy bao giờ cũng được hứa hẹn là sẽ đọc nhưng chắc chắn người
ta không đọc ở đây mà dành để về nhà. Thực sự về nhà nó có được đọc hay không
thì có trời mới biết.
Làm quen được một lúc thì ông bạn
nhà văn cùng phòng bảo tớ đọc cho cậu nghe cuốn tiểu thuyết tớ sắp hoàn thành,
hay lắm! Cậu nghe sẽ phải kinh ngạc… Và ông đọc luôn sau khi giới thiệu về xuất
xứ của nó. Cả buổi chiều y chịu trận nằm nghe cái giọng đọc đều đều đến phát
ngán. Chưa bao giờ y dám mơ mình sẽ viết một cuốn tiểu thuyết. Sở trường của y
là truyện ngắn. Những câu chuyện bông phèng ở cuộc sống xung quanh, y nhào nặn
và gán cho nó một ý tưởng. Và y tự hào về những cái đó. Đến đây y mới thấy mình
kém cỏi vì người ta còn có thể làm hơn thế.
Và y lại nhớ về những ánh mắt đã ám
ảnh mình. Câu hỏi gợn lên trong đầu: Này liệu có biết viết không đấy? Viết được
gì không đấy? Tự dưng y có một liên hệ rất khập khiễng. Hay nhỉ. Gọi các nhà
văn vào một chỗ gọi là trại. Dẫu không có đầu gấu, không có đánh nhau nhưng vẫn
có đại ca, có kẻ hơn người kém. Không có lao động khổ sai chân tay thì lại có
khổ sai trí óc. Nhưng có điều đây là tự nguyện. Sao lại tự nguyện vào cái chỗ dễ
bị rẻ khinh nhất.
Trong mấy ngày vừa rồi y chưa viết
được gì.
Y ra nhà vệ sinh. Lúc vào thấy cái
điện thoại vẫn sáng. Lại tin nhắn. Cái máy hôm nay giở chứng hay sao mà lại hiện
ngay dòng chữ: anh ve di o nha bi lam em chang biet lam sao co khi em phai ban
lon... Khốn nạn! Sao lại có chuyện chồng vừa đi đã bí bách, đã tính chuyện... Y
điên tiết định bấm máy tế cho vợ một trận nhưng chưa kịp thì cái máy đã gừ... rừ...rừ
tin nhắn, y mở tiếp và thở phào: con can tien dong hoc phi, gan ba trieu.
Tình hình này khéo phải về. Ở đây
cũng chẳng viết được gì. Mà ở nhà lại cấn tiền đóng học cho con. Giá có bán lợn
cũng không đủ, con lợn còn đang lớn. Bán bây giờ có bằng cho người ta. Cứ về rồi
tính sau.
Y nhớ đến khuôn mặt của hai đứa
con. Khi còn bé chúng rất tự hào vì bố là nhà văn. (Thực ra y chưa được là Hội
viên Hội nhà văn nhưng mọi người vẫn gọi là thế). Khi con gái y sang nhà đứa bạn
chơi thấy con bé đang giã muối vừng, nó hỏi làm gì mà nhiều muối vừng thế? Con
bé kia bảo làm muối vừng gửi lên cho bố đang ở tù. Con y bảo nhà tao cũng ăn muối
vừng nhưng bố tao lại là nhà văn. Vì chuyện ấy mà nhà kia giận nhà y đến mấy
năm. Người ta trách cứ, đẹp thì giữ lấy thân chứ lại còn xui con đi nói xấu người
khác. Thực ra y có xui con đâu. Chỉ vì cái danh nhà văn của y được dân quê xứ u
ti tì quốc thán phục coi như là sự hiện thân của tầng lớp trí thức cao sang, là
người tài năng mà cả huyện cả tỉnh khó có ai bằng. Sự ngưỡng mộ ấy qua những
câu chuyện vặt mà người ta nói với nhau được bọn trẻ nghe thấy và trở thành niềm
hãnh diện. Nhưng đến khi học lên đại học thì các nhu cầu cho việc học hành luôn
luôn trở nên bức bách cộng với những than thở không ngừng nghỉ của mẹ làm bọn
trẻ nhận ra sự hãnh diện ấy chỉ là cái vỏ phù phiếm. Chúng hoài nghi và bắt đầu
nhăn nhó mặc dù không dám nói ra mỗi khi ông bố bắt đầu ngồi vào bàn viết. Và
đau đời vì cái sự nghèo nên y trấn an bằng cả một bài thơ khi con nhắn về xin
tiền.
“...
Không có tiền đành gửi tép khô đi
Và
gửi thêm động viên con mấy chữ
Tôi
cắn bút gửi câu đang tư lự:
Con
cứ yên tâm bố bỏ viết văn rồi”
Vậy mà bây giờ y ngồi nơi trại viết.
Và bây giờ con lại đang cần tiền đóng học.
Phải về thôi!
*
* *
Các nhà văn trên trại viết thường
ngủ dậy rất muộn như một cái tật cố hữu vì đa phần họ đều thuộc họ nhà vạc, làm
việc viết lách chủ yếu là vào ban đêm. Y thức dậy sớm và sửa soạn đồ đạc để ra
về. Chẳng nhiều nhặn gì, mấy quyển sách, vài bộ quần áo... tống vào túi vải. Có
hai trăm bạc tính toán chuẩn bị đủ tiền đi về nhưng lúc đi đã nhờ được xe nên vẫn
còn nguyên. Y lấy một trăm cho vào túi áo ngực còn một trăm y bỏ tận dưới đáy
túi. Một trăm là đủ tiền về. Y nhẩm tính: tám chục tiền xe, mười lăm nghìn xe
ôm ra tới bến... sáng sớm mở hàng có thể rẻ hơn một tí thì cũng còn mấy
nghìn... trưa sẽ làm cái bánh mì lót dạ.
Xong xuôi y đánh thức ông nhà văn
cùng phòng nhờ báo cáo hộ phụ trách trại là mình về. Ông này vừa ngáp vừa hỏi
lý do. Y bảo ở lại cũng chẳng viết được gì mà ở nhà có nhiều việc. Ông Nhà văn
tỏ vẻ thông cảm bảo đợi tý nữa hẵng về nhưng y vội vàng bảo đi ngay cho kịp
chuyến xe. Ông nhà văn hờ hững bắt tay từ biệt và hắn vội vàng đi ngay như chạy
trốn. Cũng là một cuộc chạy trốn! Chạy trốn cái sứ mệnh thiêng liêng mà y đã từng
cho là nghiệp. Để mà lo cho cuộc sống thực tại. Vẫn biết hoài bão lớn mơ mộng
nhiều nhưng thực tại khắc nghiệt quá. Con cái còn phải ăn phải học. Trách nhiệm
cao cả cầm cán bút làm đòn xoay chế độ vĩ đại đến đâu không biết nhưng y biết
chắc chắn là sẽ xoay cuộc đời của hai đứa con về cái nghiệp bán mặt cho đất bán
lưng cho trời nếu mình cứ đi theo nghiệp văn chương.
Y ngán ngẩm khi đến bến thì chuyến
xe sớm đã chạy. Lại phải đợi gần ba tiếng đồng hồ nữa mới có chuyến xe tiếp
theo. Làm gì đây cho hết thời gian. Định vào hàng uống nước. Nhưng nghĩ uống nước
xoàng cũng mất hai nghìn, hỏng luôn cả bữa trưa. Đành dựa vào hàng rào bến xe
chỗ bóng râm, treo cái túi bên cạnh.
Một thằng đầu trọc quần áo xộc xệch
đến bên, hắn cũng dựa vào hàng rào ngay sát cái túi. Y chột dạ vội vàng đứng
chen vào giữa. Thằng này đành lảng ra một tý nhưng vẫn dựa hàng rào và nhìn y.
Y nhìn lại. Quái thật! Thằng kia cũng có mí mắt hùm hụp, hai con ngươi đảo đi đảo
lại. Sao cái nhìn bí hiểm khả nghi như vậy ở đâu cũng gặp?
Thằng này nhìn y một thoáng như để
định giá mặt hàng rồi ngửa cổ nhìn trời. Y cảnh giác nhìn theo. Chả có gì: mây
vẫn trắng, trời vẫn xanh. Tự nhiên thằng này khép mắt, cong cặp môi mỏng uốn éo
giọng miền Nam: Địp ơi ngày mai da chôống thành đô nhà xe dực dỡ ớ. Xin ăng đừng
guêng bếng đò ngang dới con sông nhỏ chôống guê xưa em dò dõ moong ư...chờ.
Y tròn mắt. Thằng cha này xuống sề
vọng cổ hay phết! Tự dưng y buột miệng giả tiếng ghi ta hòa giọng: tằng... tằng...tằng...
ta rá ta răng tằng tằng... Xin em đừng để dạ nghi ngờ... dẫu đèn đô thị ngọn
xanh ngọn đỏ anh vẫn một lòng thương nhớ mảnh trăng khuya...
Đến lượt thằng kia tròn mắt. Hắn
cúi xuống gãi đùi, rồi gãi cái đầu trọc và nhìn y ngưỡng mộ. Tuyệt. Ông anh tuyệt
thật đấy. Y không nói gì hất hàm ra hiệu bảo ca tiếp đi. Thằng kia lại khép mắt
hát tiếp...
Đàn mồm và ca xong ba câu vọng cổ
thì y và thằng kia đã là đôi tri âm tri kỉ. Thằng kia bảo đệ bái phục huynh đấy.
Huynh vừa ở trại ra à? Y ngớ người: Sao thằng này biết? Cứ như ma xó. Thì rõ
ràng y vừa ở trại sáng tác ra thật còn gì. Y gật đầu. Thằng kia bảo chỉ có ở trại
mới có người tài hoa như vậy... đệ cũng vừa ở trại ra. Vậy huynh đệ mình đồng cảnh
ngộ. Huynh cứ đứng đây đợi đệ tí nhé! Và hắn mất hút trong biển người nơi bến
xe.
Y kiểm điểm trong trại viết của y
làm gì có ai lại quái gở như cái thằng này. Thôi chết rồi. Thằng này ở trại
giam mới ra. Kiếm chỗ khác đứng thôi. Dính với bọn này mệt lắm.
Nhưng y chẳng thể lảng đi đâu được
vì thằng kia đã quay trở lại. Hắn kéo y vào một cái hàng nước gần đó. Huynh
dùng gì? Bia nhá! Hay Bò húc... Y bảo cho tớ chén nước chè. Uống gì nước chè,
xót ruột bỏ mẹ! Và hắn với tay lấy hai lon Bò húc giật nắp lốp bốp gọi cốc và
đá. Cẩn thận rót ra hai cốc và bưng hai tay một cốc nước đang sủi bọt: mời đại
ca uống cho mát. Y miễn cưỡng cầm cốc nước. Kể cũng buồn cười, gặp nhau giữa đường
giữa chợ mà có vẻ quý hóa ra phết. Chà... ngọt quá, mát quá! Tỉnh cả người...
Thằng kia thấy bộ dạng của y vậy thì khoái, hắn nhe răng cười. Đại ca đàn mồm
chuẩn vậy chắc chơi ghi ta khá lắm nhẩy? Y bảo còn phải nói, tớ chơi được mấy
loại đàn, riêng dòng ghi ta phím lõm thì cứ gọi là mê li...
- Thằng này! Mày vừa làm gì ở đám đằng
kia?
Thằng kia giật nảy mình, y cũng giật
mình quay lại. Một ông áo xanh mũ kê pi đeo băng đỏ đang đứng đối diện với hai
người. Ông này túm lấy cổ áo thằng kia. Thằng này giằng ra: Ơ hay em có làm gì
đâu. Từ nãy đến giờ em có làm gì đâu. Em với anh kia cùng ngồi đây uống nước.
Không tin anh hỏi anh ấy xem.
Tay bảo vệ nhìn sang phía y: Cũng mắt
láo liên, tóc húi cua, áo quần xộc xệch... Khả nghi lắm. Bộ dạng của y đang phản
bội chính y. Người giữ trật tự hất hàm: Đồng bọn hả? Đi! Đi vào trong này giải
quyết.
Y thanh minh. Nhưng không ăn thua.
Người ta bảo cứ vào trong này đã rồi hẵng hay. Y đành phải theo vào phòng trực
ban của bến xe. Cả một đám đông người tò mò kéo theo. Tự dưng tự lành mình lại
trở thành đồng bọn của kẻ bất hảo. Thật chả ra làm sao. Nhục thật! Cũng may ở
đây không gặp người quen.
Vừa vào tớ phòng trực ban thì điện
thoại gừ... rừ... rừ... trong túi quần. Y móc điện thoại ra định nghe. Nhưng
tay bảo vệ giằng lấy. Anh ta nhìn cái tên người gọi rồi hỏi Xuân Phú CA là ai
mà gọi cho anh? Ông ấy là nhà văn ở tỉnh này đấy- Y miễn cưỡng trả lời. Ông ấy
quan hệ với anh như thế nào? Chúng tôi cùng dự trại. Trại gì? Trại viết văn. Vậy
anh cũng là nhà văn? Y gật đầu.
Tay bảo vệ trả cho y cái điện thoại
và bảo: xin lỗi nhá.
Bị bắt rất nhanh và được trả tự do
cũng rất nhanh với những cái cớ rất vớ vẩn. Y cáu, định làm ầm lên. Nhưng nghĩ
lại mình có làm to chuyện lên cũng chẳng giải quyết được gì. Y nghe điện thoại
và trả lời mình đang ngoài bến xe. Biết đang ở bến xe rồi nhưng đứng ở chỗ nào
mà chúng tớ không nhìn thấy. À tôi đang ở chỗ phòng trực ban. Chưa đầy phút sau
một cái xe con trờ tới. Cửa xe bật mở, mấy người hối hả xuống xe. Y biết cái xe
này là của ông đầu hói, người đã tặng cho hắn cái đập vai và câu hỏi có biết viết
không đấy, có viết được gì không đấy. Ông ta là cán bộ có cỡ nhưng cũng thích
văn chương, ông tự cầm lái chở ông nhà văn cùng phòng và một bà nhà thơ. Họ ào
đến chỗ y đang đứng.
Ông bạn cùng phòng đến nắm lấy tay:
Này đừng về nữa. Ở lại cho vui. Cả đời mới gặp nhau. Y trình bày việc mình phải
về. Ông đầu hói vỗ vai hắn.
- Khó khăn lắm hả. Giá ở lại được với
anh em thì tốt quá. Chị Hà ơi. Bàn với Long xem.
Nhà thơ nữ lấy trong túi xắc ra mấy
cái bánh nếp: Chắc cậu chưa ăn gì. Ăn cho đỡ đói cái đã. Rồi chị lại đưa tay
vào túi lấy một cái gói nhỏ đưa cho y: Anh em mỗi người một tí... cậu nhận lấy
đi...
Y cầm cái gói, hồn nhiên mở ra. Tiền. Có dễ đến
ba bốn triệu. Y rưng rưng cúi mặt. Rồi y thong thả gói lại như cũ:
- Cảm ơn các anh các chị nhưng...
nhưng tôi không thế nhận. Không phải tôi sĩ đâu! Làm gì có nhiều trại để được
giúp đỡ liên tục thế này. Còn việc ở nhà tôi đã có kế hoạch rồi. Xin các anh
các chị thông cảm nhận lại hộ. Dù sao tôi cũng không thể từ chối trách nhiệm chính
của mình.
- Vậy cậu bỏ viết văn thật à.
Y mỉm cười: Thành nghiện rồi, khó bỏ
lắm. Mà làm sao có thể chạy trốn khỏi những buồn vui của cuộc đời. Chỉ có điều
phải sắp xếp lại.
Mấy người cũng không nài thêm. Vừa
lúc ấy bến xe thông báo xe chuẩn bị xuất bến. Y bắt chặt tay mọi người tạm biệt.
Cả ba người quàng vai y đến tận cửa xe.
Khi y bước lên xe thì ông nhà văn
cùng phòng nháy mắt: cho gửi lời hỏi thăm đến bà xã. Này... khó khăn đến mấy
cũng đừng bán lợn. Để mà nuôi nhé!
Y ngớ người sao lại nói chuyện lợn
gà vào lúc này? Và chợt nhớ ra: Đồ quỷ già! Thì ra đêm qua lão đã xem tin nhắn
của mình.
Xe chạy ra đến cửa bến, y chợt thấy
nhấp nhô một cái đầu trọc bị kèm bởi hai cái mũ kê pi xanh. Người bị kèm nhìn y
bằng cái nhìn với ánh mắt hấp háy, có lẽ do chói mặt trời vì thấy khuôn mặt hắn
loang lổ ánh nắng, cặp môi mỏng hơi hé cười, gật gật...
MTN - Tháng 6/2011
0 nhận xét:
Đăng nhận xét