Pages

29 thg 6, 2013

Nhiều nghịch lý quá!

(PetroTimes) - Có lẽ trên thế giới, ít có quốc gia nào đang tồn tại những nghịch lý lạ lùng như ở Việt Nam ta. Hiện trạng của nghịch lý này lan rộng, phổ cập khắp nơi, trong mọi thời gian và mọi tầng lớp xã hội…
Hãy bắt đầu câu chuyện của chúng ta tại một ngã tư, ngã năm hay ngã sáu nào đó ngay giữa thủ đô Hà Nội. Đèn đỏ đã bật lên nhưng những chiếc xe máy loại đắt tiền thản nhiên lao qua. Người điều khiển những chiếc xe đó là những cô, cậu thanh niên có hình thức bề ngoài lộ rõ là con nhà giàu đang sùng bái các loại mốt. Đầu trần, áo quần, giày dép, túi xách, kính mát... toàn thuộc loại hàng hiệu, tóc nhuộm xanh đỏ hay cắt theo kiểu tóc đang thịnh hành của các siêu sao. Người vượt đèn đỏ không chỉ là thanh niên mà ngay cả những người đứng tuổi, càng tỏ ra sành điệu bao nhiêu càng thích vượt đèn đỏ bấy nhiêu. Xe họ lao vun vút ngay dưới biểu ngữ: “Mỗi người sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật” căng trên phố. Nỗi khiếp sợ nhất của người nước ngoài đến Việt Nam khi qua đường ở Hà Nội chính là sự hỗn tạp này.
Hà Nội - thành phố được mệnh danh là thành phố “hòa bình, xanh, sạch, đẹp” nhưng quanh Hồ Gươm, trước tòa thị chính, người ta thoải mái vứt rác; còn trong những ngày lễ, ngày hội thì rác ngập tràn trên đường, trên bãi cỏ. Quốc hoa anh đào xứ Phù Tang vượt nghìn trùng đến Hà Nội khoe sắc cũng bị dân lao vào xâu xé, vặt nát. Đường Hoàng Hoa Thám kề bên Hồ Tây, từng tốp người xách những con chim gọi là sâm cầm (loài chim quý mang biểu trưng của Hồ Tây một thuở) bị vặt trụi lông rao bán. Ngay ngã năm Cửa Nam, một trong những nơi sầm uất của Hà Thành, người ta ngang nhiên treo băng rôn “lẩu chim rừng, vịt trời”. Không chỉ thủ đô Hà Nội, ở thành phố Bắc Giang cũng nổi tiếng với hàng loạt nhà hàng cùng các món ăn chế biến từ chim trời.
Tại chùa Hương, ngôi chùa nổi tiếng của đạo Phật với nguyên lý kinh điển “cấm sát sinh” nhưng từ cửa Thiên Trù đến cửa động Hương Tích nhan nhản hàng quán kinh doanh thịt thú rừng với những cảnh nai rừng, khỉ, voọc bạc má…, những loài nằm trong sách đỏ, bị phanh thây còn tươi màu máu. Tiếng hót của chim khuyên, chào mào, chim sáo, chim gáy… ngày càng vắng nơi núi rừng, làng quê Việt Nam vì mạng lưới vây bắt, tận diệt để biến những con chim tội nghiệp thành món hàng cung cấp cho chợ chim mở ra hằng ngày ở đường Kim Ngưu, chợ Hàng Da, chợ Đồng Xuân… Để rồi trong mỗi căn nhà ống, nhà tầng, chung cư lại có vài ba lồng chim phủ vải thỉnh thoảng vang lên đôi ba tiếng hót đơn lẻ cho ông, bà chủ nhà hoài niệm về làng quê, về thời thơ ấu phóng khoáng.
Nghịch lý thay, khi bị Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới xếp hạng Việt Nam là quốc gia kém nhất trong bảo vệ động vật hoang dã thì tổ chức cùng chức năng này của Việt Nam lại lên tiếng phản đối. Song, đáng buồn là năm 2011, Hội Sinh vật quý hiếm nước ta buộc lòng phải ra tuyên bố cá thể tê giác cuối cùng ở vườn quốc gia Cát Tiên đã chết. Voi rừng quốc gia Bản Đôn cũng mất dần những cá thể cuối cùng.

Cảnh chen lấn cả đêm để mua hồ sơ ở một trường mầm non Hà Nội
Lại cũng xin cung cấp thêm một nghịch lý xung quanh việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở nước ta. Chúng ta luôn khẳng định về các chính sách ưu tiên chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Vậy mà mỗi khi vào mùa khai giảng, để con cháu được vào trường mẫu giáo công lập, ông bà, cha mẹ phải dậy từ 2-3 giờ sáng đi xếp hàng ghi tên cho con cháu mình. Quy định mỗi lớp 1, 2, 3... ở cấp phổ thông cơ sở chỉ có 40-45 học sinh… nhưng hiện nay đa phần các lớp này đều nhồi nhét 60-65. Cá biệt có lớp lên đến 70 em. Lý do của sự quá tải này vì thiếu trường, lớp. Chỗ vui chơi của trẻ em ngay tại thủ đô Hà Nội cũng không có. Hơn nửa thế kỷ nay, cung văn hóa dành cho thiếu nhi duy nhất ở Hà Nội năm nào vào hè cũng lâm vào tình trạng quá tải đơn xin cho các cháu vào các lớp vui chơi hè.
Tiếp quản thủ đô, Nhà nước dạo đó còn nghèo nhưng vẫn xây rạp chiếu bóng Kim Đồng dành cho trẻ. Nay rạp này bị phá để xây trung tâm văn hóa, thương mại để cho thuê hội họp và đám cưới. Vậy là điểm văn hóa cuối cùng dành cho trẻ em Hà Nội đã mất. Trong khi riêng Bắc Kinh, Tokyo, mỗi thành phố có tới 7 rạp chiếu bóng dành cho thiếu niên, nhi đồng. Việt Nam ta với gần 90 triệu dân mà không có một nhà hát nào dành riêng cho thiếu nhi. Từ thành phố đến nông thôn, trẻ em bị mất dần chỗ vui chơi được tổ chức và quản lý. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân khiến mỗi dịp hè, số trẻ em bị chết đuối ngày một tăng?!
Trong tiêu dùng, cách sống của người xứ ta càng thấy nghịch lý. Nước ta đang khó khăn về kinh tế, bình quân thu nhập người dân vẫn thuộc hàng thấp so với mặt bằng của thế giới. Nhưng kỳ lạ thay, bất kỳ một thứ hàng tiêu dùng nào mới nhất, hiện đại nhất cũng được người Việt nhanh chóng biết và khao khát bằng mọi giá để được sở hữu. Iphone 5, một loại điện thoại di động hiện đại nhất thế giới của Hãng Apple vừa tung ra thị trường làm xôn xao thị trường nước Mỹ (chỉ trong vòng 24 giờ tung ra đã bán được 2 triệu cái, bình quân 1 phút bán được 1.400 chiếc) với giá 700USD. Sang Việt Nam, giá mỗi chiếc lên đến 15-20 triệu đồng. Vậy mà các nam thanh, nữ tú tuổi teen, kể cả các cô cậu đang ăn nhờ bố mẹ, những chàng thanh niên lương một tháng chưa đến 3 triệu đồng cũng đặt mục tiêu bằng mọi giá để được sử dụng sản phẩm “quả táo cắn dở”, kể cả bán thân, bán nội tạng của mình. Có Iphone 5 nhưng đa phần dân Việt ta chỉ sử dụng chưa đầy 20% tính năng của vật dụng đắt tiền này. Iphone 5 trong tay họ chỉ là vật để khoe mẽ, tỏ sự sành điệu hơn người…
Cũng cần kể thêm một nghịch lý nữa. Nước ta là nước nông nghiệp mà nhiều nơi, nông dân phải nhìn những bờ xôi ruộng mật của mình đang biến mất sau những dự án treo, sau những sân golf, những khu công nghiệp làm ăn thất bát. Người nông dân trở thành kẻ làm thuê trên chính mảnh đất của mình, thành món hàng lao động, sống bất đắc dĩ trên hè đường các thành phố…
Những nghịch lý này bắt đầu nảy sinh từ khi nền kinh tế nước ta nước ta chuyển sang cơ chế thị trường. Bên cạnh những ưu điểm của sự năng động, sáng tạo và nhạy bén để hội nhập, thúc đẩy cuộc sống đi lên thì đồng thời cũng phát sinh những yếu kém tiêu cực. Một lối sống xô bồ, chụp giật và tư tưởng cuốn hút theo đồng tiền đã làm mất đi nhiều thuần phong mỹ tục vốn có lâu đời. Vì lợi nhuận, người ta quên cả kỷ cương, phép tắc, phá vỡ những nền nếp trật tự. Người này làm được, người kia muốn làm được nhiều hơn thế, không ai chịu lép về trước ai.
Phải chăng cuộc sống người Việt Nam ngày càng căng thẳng với nhiều bức xúc và trở thành căn bệnh trầm kha bởi nghịch lý ngày càng nhiều, càng dày và bủa vây chúng ta ngày một gia tăng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons