ANTĐ - Cà phê chỉ mới du nhập vào Việt Nam hơn 100 năm nay và đồn điền
đầu tiên trồng cà phê trên mảnh đất chữ S này cũng chỉ mới có từ năm 1888,
nhưng hiện nay Việt Nam đã là nước sản xuất và xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới và
hơn nữa cà phê đã là thứ nước uống thường dùng của dân ta, có lẽ chỉ có sau nước
chè.
Thói quen uống cà phê đã ăn sâu vào
nếp sinh hoạt của nhiều người Việt Nam, và các quán cà phê xuất hiện ở mọi hang
cùng ngỏ hẽm. Đến mức mọi quán giải khát bây giờ đều có thể gọi là quán cà phê.
Chỉ riêng hai điều kiện nguồn nguyên liệu sẵn có và sự phổ biến của thói quen
ngồi quán cà phê/ uống cà phê như vậy đã đủ để xác định Việt Nam đang là thị
trường lớn tiêu thụ cà phê. Chỉ tiếc một điều không ở đâu trên thế giới này
tiêu thụ một thứ cà phê giả, độc hại như ở Việt Nam.
Thế nào là cà phê giả?
Xét theo xu hướng tiêu dùng, trên
thế giới hiện có 3 loại cà phê: Loại thứ
nhất là cà phê 100% thiên nhiên. Loại
thứ hai là cà phê có sử dụng hương liệu, loại này các nhãn hiệu đa quốc gia
thường sản xuất. Loại thứ ba là cà
phê có sử dụng hương liệu và pha độn một số thành phần khác như chocolate, ca
cao, chicory, các chất thay thế cà phê khác. Nếu là một trong ba loại kể trên
và nhà sản xuất công bố rõ thành phần của loại đó trên bao bì sản phẩm có thể
coi đó là cà phê thật.
Vậy cà phê thế nào là giả (?) - Đó
là loại cà phê công bố là cà phê nhưng tỉ lệ cà phê thấp, độn nhiều chất lạ
không phải cà phê nhưng rang cháy và sử dụng các thủ đoạn để người tiêu dùng tưởng
là cà phê nguyên chất. Đặc trưng của loại cà phê được coi là giả khi các nhà sản
xuất, pha chế không công bố thành phần các chất độn trong cà phê thành phẩm.
Còn cà phê sản xuất không đảm bảo ATVSTP thì gọi là cà phê bẩn, sử dụng các hóa
chất độc hại, không rõ nguồn gốc để sản xuất và chế biến, pha chế cà phê là cà
phê độc. Rất cay đắng, không ít quán cà phê trên cả nước hiện nay đều sử dụng
loại cà phê giả, bẩn, độc này.
Ghê sợ cà phê giả, bẩn và độc
1 kg cà phê nhân rang, xay xong chỉ
còn 0,7 kg, 1 kg cà phê bột nguyên chất chỉ có thể pha được 25 ly cà phê là đã
rất cao tay rồi. Giá cà phê nhân khô trên thị trường giao động trong khoảng
45.000-50.000 đồng/kg, vậy giá thành tối thiểu cà phê bột phải là 100.000 đồng/kg.
Giá 1 ly cà phê tối thiểu cũng phải 10.000 đồng/ly. Vậy mà trên khắp các vỉa hè
TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam đang bán với giá 8.000 đồng/ly. Vậy đó là
cà phê gì? Tôi đã đến một cơ sở chế biến cà phê ở phường Bình Trưng Tây (Q.2
TP.HCM). Trong một gian xưởng thấp tè, nóng hừng hực, bốn công nhân chân đất
đang xả “cà phê” rang rồi xuống sàn xưởng, dùng xẻng đảo cho nguội trước khi
xúc đổ vào họng máy xay. Mùi hóa chất hăng nồng bốc lên. Nhìn kỹ cái đống gọi
là cà phê tôi thấy rõ chỉ khoảng 20% là
hạt cà phê mà chủ yếu là hạt méo mó, hạt lép, còn chủ yếu là hạt ngô, hạt đậu
nành. Những hạt này được rang cháy tẩm dầu mỡ và tinh dầu thơm mùi cà phê trông
bóng loáng và thơm nức.
Cái đống gọi là cà phê trong xưởng
kia có thành phần như sau: 20% cà phê xấu mua giá rẻ từ sàng sẩy ở các cơ sở xuất
khẩu tại Tây Nguyên, 60% là đậu nành Campuchia, 20% ngô hạt. Hương liệu là tinh
dầu hóa học cùng các loại mỡ hóa chất mua từ chợ Kim Biên. Giá thành làm ra là
35.000 đồng/kg bột, bán ra 60.000 đồng/kg. Đó là nguyên liệu chính để pha ra
cái nước uống gọi là cà phê đang có mặt trên mọi nẻo đường đất nước.
Thế đấy, ngay cả uống chất độc cũng
dễ trở thành một thói quen. Vẫn biết là cà phê rởm rồi, nhưng thấy thơm nhiều
người cứ uống đại. Thậm chí có người uống xong thấy nôn nao cả người giống như
say xe. Hóa chất trong cà phê giả ghê thật. Vậy mà thiên hạ cứ uống đều đều.
Tìm hiểu các “nhà sản xuất” cà phê
giả, bẩn, độc tôi được biết các hóa chất được tẩm ướp để biến ngô đậu thành cà
phê có tới 20 loại, trong đó chủ yếu có calamel tạo màu và vị ngọt, dầu ăn đông
cứng, đường hóa học và tinh dầu tạo mùi thơm.
Trung tâm Nghiên cứu khoa học vì lợi
ích của cộng đồng (CSPI) tại Mỹ vừa đưa ra báo cáo về nguy cơ gây ung thư của
các chất tạo màu caramel thường sử dụng
trong công nghiệp chế biến thực phẩm. Chất
tạo màu caramel có công thức hóa học là 4-methylimidazole (4-MI), được tạo
ra thông qua quá trình biến đổi hóa học có liên quan đến ammonia-sulfite. Độc
tính của 4-MI gây ra ung thư trên chuột. Đó là caramel được phép dùng trong
công nghiệp thực phẩm, còn cái thứ caramel trôi nổi mua ở chợ để chế cà phê giả
là caramel chế từ gỉ đường chứa đầy độc tố, kinh khủng gấp nhiều lần so với thứ
CSPI đã cảnh báo.
Mỗi một kg ngô đậu để biến thành cà
phê cần tới 0,15 kg caramel. Sau khi đổ caramel khoảng 4 phút, các chủ lò rang
tiếp tục rắc đường hóa học giá rẻ của Trung Quốc vào để tăng vị ngọt. Hỗn hợp
trên được trộn đều để caramel khô lại. Tiếp đến, sau khi hỗn hợp trên được làm
nguội, bơ công nghiệp và các loại dầu sẽ được các chuyên gia làm giả tẩm ướp.
Các loại dầu ăn không mùi là phụ gia không thể thiếu. Tùy theo lò, người ta có
thể dùng dầu cải, dầu dừa. Tuy nhiên,
nguy hiểm nhất trong giai đoạn này là sự có mặt của chất CNC trộn chung
với các loại dầu với mục đích cô đặc hỗn hợp. Được biết, chất này là một chất
hóa học dùng trong quá trình hồ vải. Khâu cuối cùng là thêm hương vị cà phê bằng
tinh dầu thơm không biết là tinh dầu gì và có được phép dùng trong thực phẩm
không. Đến khi pha chế, các quán cà phê thường thêm chất tạo bọt, vốn dùng trong
công nghệ tẩy rửa vào cốc cà phê nữa.
Theo quy định, việc chế biến thực
phẩm, thức uống sử dụng các chất như tạo
màu, tạo bọt, tạo thơm… phải được sự cho phép của Bộ Y tế. Chất nào không được
phép thì tuyệt đối không được cho vào. Tất cả sản phẩm đều phải công bố hàm lượng,
tiêu chuẩn sản phẩm trên nhãn mác, bao bì. Trong khi đó, chất caramel, nếu được
sản xuất từ đốt cháy đường thì cũng phát sinh những chất độc hại gây ung thư
như các loại thực phẩm bị đốt cháy khác. Chất CNC, nếu là loại được sử dụng
trong công nghiệp, có khả năng gây ung thư vì chứa nhiều tạp chất độc hại. Ngay
cả loại dùng trong thực phẩm, nếu dùng quá liều cũng độc hại.
Quản lý chất lượng cà phê bằng cách nào?
Cho đến nay việc quản lý chất lượng
cà phê chỉ quy định tỉ lệ caffeine mà không quan tâm tới nguồn gốc hoặc quá
trình chế biến. Việc kiểm tra kiểm soát cũng chỉ có ở các cơ sở sản xuất cà phê
gói bán trên thị trường. Còn cà phê trên thị trường pha chế giải khát thì thuộc
về các đơn vị kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng các đơn vị này không có
khả năng kiểm tra chất lượng cà phê, nhất là không thể kiểm tra hàng trăm nghìn
quán cà phê giải khát trên mọi nẻo đường đất nước. Từ trước tới nay việc quản
lý, kiểm tra, công nhận hoặc xử phạt các sản phẩm thực phẩm đều do Chi cục An
toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh chủ trì. Các đơn vị như quản lý thị trường, thanh
tra ngành Nông nghiệp… chỉ tham gia đoàn liên ngành. Chỉ từ năm 2012, chức năng
kiểm tra, quản lý chất lượng đối với sản phẩm nông - lâm - thủy sản mới được
giao cho Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản thuộc ngành NN&PTNT
quản lý. Sản phẩm từ ruộng về tới bếp, chế biến ra thức ăn là do ngành nông
nghiệp chịu trách nhiệm. Từ bếp, thực phẩm ra thị trường là do ngành công
thương quản lý. Còn khi lên bàn ăn thì trách nhiệm thuộc về ngành Y tế.
Như vậy, chức năng quản lý của các
ngành, đơn vị còn chồng chéo, chưa phân định trách nhiệm rạch ròi nên chất lượng
sản phẩm gần như không thể kiểm soát nổi.
Vậy là đến nay chất lượng cà phê đường
phố gần như bị buông thả và vì lợi nhuận
các “nhà sản xuất” vẫn tiếp tục đầu độc khách hàng. Cần sớm bắt buộc tất cả các
quán cà phê, các nhà hàng có bán cà phê công bố nguồn gốc, chất lượng, thành phần
cà phê mà mình pha chế. Tất cả các cơ sở sản xuất cà phê bột phải đăng ký chất
lượng VSATTP và chịu sự kiểm tra kiểm soát thường xuyên. Đó là con đường để bảo
vệ sức khỏe người tiêu dùng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét