Pages

14 thg 6, 2012

Nhìn lại những ngộ nhận để sửa mình



         (TuanVietNam) -
Tại Diễn đàn Kinh doanh châu Á, các diễn giả cho rằng đây là thời điểm để Việt Nam lựa chọn. Cụ thể cơ hội chọn lựa đó là gì và chọn lựa ra sao? Ông Trần Sĩ Chương luận bàn.
Ông Chương nguyên là trợ lý lập pháp ngoại giao, ngoại thương của Quốc hội Mỹ, chuyên gia kinh tế ngân hàng của Quốc hội Mỹ những năm 80. Hiện ông đang đầu tư và tư vấn chiến lược phát triển cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Nhìn lại những ngộ nhận
Trong khủng hoảng, cái may mắn không phải chỉ là những cơ hội mới phát sinh từ khủng hoảng đó, mà khủng hoảng còn là cơ hội lớn để Việt Nam nhìn ra mình là ai, mình đang ở đâu và soi lại chặng đường mình đã đi qua.
Biết mình luôn là một điều kiện cần khi phải đối đầu với thách thức. Trong quá khứ, Việt Nam đã có không ít những ngộ nhận về mình.
Đó trước hết là ngộ nhận cho rằng Việt Nam đã tăng trưởng tốt vì ta đã làm tốt. Thực tế, tăng trưởng của Việt Nam có được phần nhiều là nhờ đầu tư cao, không phải do tăng nội lực.
Bằng chứng là bao năm nay chỉ số hiệu suất đầu tư của Việt Nam không tăng. Tăng trưởng của ta lệ thuộc quá nhiều vào đầu tư và những điều kiện (như FDI, ODA, thị trường xuất khẩu...) mà ta không có độ chủ động cao. Vì thế, khi có biến động thì ta dễ bị động.
Óai oăm thay, trong những năm đầu của thế kỉ 21, Việt Nam có được những câu chuyện đẹp như những nốt nhạc hay trong một bản nhạc, để những nhà môi giới đầu tư có thể đem đi "hót", kêu gọi đầu tư vào Việt Nam: Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, Việt Nam gia nhập WTO, những hứa hẹn của Chính phủ Việt Nam và sự dư thừa tín dụng của thế giới. Cái may của họ đã đem đến cái rủi cho mình: tình trạng lạm phát cao, đầu cơ, làm suy giảm nội lực phát triển.
Những cơ may đó khiến không ít người môi giới đầu tư chuyên nghiệp có thể dễ dàng kiếm được vốn đầu tư đem vào Việt Nam. Ưu tiên của họ là chỉ để lấy phần trăm mà không quá quan tâm đến hiệu quả đầu tư, đầu ra ở đâu. Điển hình là hàng chục dự án đầu tư với hàng tỷ đôla vào các khu đô thị, thương mại, resort ở Đà Nẵng, hay cả chục sân golf ở Long An.
Điều này dẫn đến ngộ nhận thứ hai là đầu tư lớn vào Việt Nam là của các nhà đầu tư có sự cân nhắc thận trọng về kết quả đầu tư của họ. Trong khi thực tế, đó là quyết định của những người "buôn" tiền, ít trách nhiệm về kết quả đầu tư. Cộng với nó là sự hồ hởi của Việt Nam, ai đưa gì Việt Nam cũng nhận, không có chiến lược lựa chọn nên nhận tiền để làm gì, ở đâu, khi nào và cho mục đích gì trong mỗi đầu tư.
Khủng hoảng là cơ hội để Việt Nam nhìn ra tất cả các vấn đề đó một cách đúng đắn. Thay vì ngộ nhận và ru nhau ngủ, chúng ta có cơ hội cùng ngồi nhìn lại và sòng phẳng với nhau.
Tăng trưởng dương nhưng lại phát triển âm
Khác với tăng trưởng nhờ tăng nội lực, tăng trưởng do tăng đầu tư thì chỉ là cơ thể ăn nhiều thì tăng cân. Trong khi đó, nếu có chế độ dinh dưỡng phù hợp và cơ chế tập luyện tốt, xác định cần phát triển cơ bắp gì, để phục vụ mục đích gì, thì cơ thể mới thực khỏe mạnh, có năng suất cao, và mới "vực được đạo".
Chúng ta đang có sự ngộ nhận giữa tăng trưởng và phát triển. Phát triển cần phải tăng trưởng nhưng có tăng trưởng chưa hẳn là có phát triển - đó là tăng trưởng chất lượng, đạt mục tiêu.
Ngoài vấn đề của hiệu suất đầu tư còn thấp, từ tăng trưởng tới phát triển lại còn chi phối bởi nhiều chuyện khác. Việt Nam còn rất nhiều vấn đề trong chặng này.
Chúng ta đều biết, hôm nay xây một cây cầu sẽ làm tăng GDP, nhưng ngày mai, chúng ta phá cây cầu đó cũng làm GDP tăng. Có rất nhiều những khoản tăng GDP vô bổ, thậm chí có giá trị âm như vậy.
Đơn cử, muốn làm một con đường, thông thường, bên điện, nước, viễn thông và xây dựng phải ngồi lại với nhau, cùng tính toán phương án phối hợp. Chúng ta thì không thường làm vậy. Thế mới có chuyện, đường vào làm xong, thì lại đào lên lắp hệ thống nước, hệ thống cáp viễn thông…
Làm một con đường, mục tiêu là giải quyết nhu cầu giao thông, thế nhưng, thiếu phối hợp, chi phí bỏ ra gấp nhiều lần mà không giải quyết được, vấn đề tắc nghẽn càng trầm trọng hơn.
Nói cách khác, GDP tăng lên nhưng lại tạo giá trị âm trong vận chuyển hàng hóa và con người, thậm chí là âm theo cấp số nhân. Bề ngoài là tăng trưởng nhưng bên trong lại không đạt nội lực.
Có lẽ, điều mà cựu Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt Virginia Foote nói trong Diễn đàn Kinh doanh châu Á: “Việt Nam cần dọn dẹp bên trong ngôi nhà của mình” là theo nghĩa đó.
Những thuận lợi của hội nhập, của BTA, PNTR, WTO… và số tiền đầu tư lớn từ ngoài trong thời gian qua cho phép Việt Nam lấp liếm những vấn đề cơ bản của mình. Vào thời điểm đó, nước dâng nên mọi thuyền đều dâng. Chúng ta quên đi con thuyền Việt Nam còn có những vấn đề cần gia cố, để thuyền tốt hơn, có thể đi xa hơn, chuyên chở được nhiều hơn và hiệu quả kinh tế tốt hơn.
Định hướng lại chiến lược của ngành huyết mạch kinh tế
Một trong những vấn đề quan trọng nhất cần gia cố chính là hệ thống tài chính và ngân hàng Việt Nam. Không chỉ giám sát chưa chặt, Việt Nam còn chưa phân biệt rõ hoạt động của ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Điều này đang cho phép các ngân hàng thương mại huy động vốn của dân, những người gửi ngân hàng với kì vọng không có rủi ro, để rồi ngân hàng lại có thể dùng vốn đó đầu tư tràn lan vào các hoạt động rủi ro như chứng khoán, bất động sản… Đây cũng là lí do làm sụp đổ hệ thống tài chính ngân hàng của Mỹ.
Nếu không có sự phân biệt rõ giữa hai dạng ngân hàng này, khi nền kinh tế phát triển hơn, tiền quỹ tín dụng bơm vào hoạt động đầu tư tăng rất nhanh thông qua lực đòn bẩy, làm tăng đầu cơ và gây lạm phát. Lúc bấy giờ, Việt Nam sẽ quay lại vòng luẩn quẩn thắt chặt tín dụng để giải quyết vấn đề lạm phát, đầu cơ, ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế như chúng ta đã trải qua năm ngoái.
Đã đến lúc, ngân hàng thương mại nhận tiền kí gửi của dân không được dùng vào hoạt động đầu tư rủi ro cao. Và không thể để một ngân hàng thương mại là công ty mẹ, cấp vốn cho cả tập đoàn tài chính với hàng chục công ty con, lấy vốn dân kí gửi để đầu tư tràn lan.
Cái gọi là tập đoàn tài chính như vậy ẩn chứa quá nhiều rủi ro: đầu tư đa ngành, thiếu tập trung, không chiến lược, thiếu nhân sự chuyên môn và không đảm bảo hiệu suất đầu tư.
Đây là vấn đề cơ bản của sự xung đột quyền lợi trong hoạt động ngân hàng khi dùng tiền dân kí gửi tránh rủi ro để đầu tư rủi ro.
Chúng ta cần nhìn rõ hơn vấn đề và định hướng chiến lược phát triển của ngành mang tính huyết mạch của nền kinh tế. Bài học của Mỹ đã rõ ràng. Nhân lúc khủng hoảng, Việt Nam cần tranh thủ để xử lý. Đến một hệ thống tài chính như của Mỹ, khi phạm lỗi hệ thống còn sụp, huống hồ Việt Nam.
Trần Sĩ Chương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons