1. Tuyên ngôn Độc lập nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Ngày 02 tháng 09 năm 1945.
Hỡi đồng bào cả nước,
"Tất cả mọi người
đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm
phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu
hạnh phúc".
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước
Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều
sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự
do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp
năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải
luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự
do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của
chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút
tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ
khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để
ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay
chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa
của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy
nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho
dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng
đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất
là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột
công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.
Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở
thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước
ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta
càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng
Trị đến Bắc kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội
Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những
chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước
ta hai lần cho Nhật.
Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người
Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng lại thẳng tay
khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết
nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.
Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ
khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp
cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi
nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.
Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của
Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân
dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa.
Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ
không phải từ tay Pháp.
Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ
các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập.
Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng
hòa.
Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt
Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với
Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi
đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại
âm mưu của bọn thực dân Pháp.
Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những
nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết
không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm
nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay,
dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã
thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh
thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
Hồ Chí Minh
2. Tuyên ngôn độc lập, Hoa Kỳ, 1776
Tại Quốc hội, ngày 4 tháng Bảy năm 1776.
Bản Tuyên ngôn nhất trí của mười ba Hợp bang châu Mỹ
Trong tiến trình phát triển của nhân loại, khi một dân tộc
nào đó cần thiết phải xóa bỏ những mối liên kết chính trị giữa họ với một dân tộc
khác và khẳng định trước các lực lượng trên toàn trái đất vị thế độc lập và
bình đẳng mà các quy luật của tự nhiên và thượng đế đã ban cho họ, thì sự tôn trọng
đầy đủ đối với các quan điểm của nhân loại đòi hỏi họ phải tuyên bố những
nguyên do dẫn họ đến sự biệt lập đó.
Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều
bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm,
trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc - Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính
phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở
sự nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó
phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính
quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc
cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất
đối với an ninh và hạnh phúc của họ. Thật vậy, sự thận trọng sẽ buộc người ta
hiểu rõ rằng một chính quyền đã được thiết lập qua một thời gian dài thì không
nên thay đổi chỉ vì những lý do đơn giản, nhất thời. Mọi kinh nghiệm đều đã chứng
tỏ điều đó, rằng khi cái xấu còn trong chừng mực chịu đựng nổi, thì nhân loại dễ
cam chịu nó, hơn là dám tự trao cho mình quyền loại bỏ những thể chế mà họ đã
quen thuộc. Nhưng khi hàng loạt các hành vi lạm quyền và chiếm đoạt theo đuổi
những mục tiêu giống nhau, lộ rõ ý đồ áp chế họ dưới ách chuyên quyền độc đoán,
thì họ có quyền và có bổn phận phải lật đổ chính quyền đó và bổ nhiệm những chiến
sĩ mới để bảo vệ nền an ninh của họ trong tương lai. Những thuộc địa này đã từng
phải cắn răng chịu đựng, nhưng bây giờ đã đến lúc buộc họ phải xóa bỏ thể chế
chính quyền cũ. Lịch sử của vua nước Anh hiện nay là lịch sử của những nỗi đau
thương và sự tước đoạt triền miên, tất cả đều nhằm mục đích trực tiếp là thiết
lập ách chuyên chế bạo ngược ở những bang này. Ðể chứng minh cho điều này, ta
hãy để cho các sự việc tự nó lên tiếng với cả thế gian ngay thẳng.
Ông ta đã từ chối không phê chuẩn một số đạo luật, tốt đẹp
và cần thiết nhất đối với lợi ích của công chúng.
Ông ta đã cấm đoán không cho các viên thống đốc thông qua những
đạo luật mang tính cấp bách và bức xúc, hoặc đình chỉ việc thực thi những đạo
luật này để chờ được ông phê chuẩn và trong khi đình chỉ như vậy, ông đã hoàn
toàn bỏ mặc, không còn bận tâm về chúng nữa.
Ông ta đã từ chối không thông qua những đạo luật về cư trú của
những vùng dân cư lớn, trừ phi đám dân này từ bỏ quyền đại diện trong cơ quan lập
pháp, một quyền vô cùng quí giá đối với họ nhưng lại rất đáng sợ đối với những
tên bạo chúa.
Ông ta đã triệu họp các cơ quan lập pháp ở những địa điểm
không bình thường, không tiện nghi, cách xa những kho lưu giữ hồ sơ công cộng
và chỉ nhằm mục đích duy nhất là làm cho họ do mệt mỏi mà phải tuân theo các chủ
trương của ông ta.
Ông ta đã nhiều lần giải tán các hạ nghị viện vì đã cương
quyết chống lại sự xâm phạm của ông đối với các quyền của nhân dân.
Rồi sau khi giải tán, một thời gian dài ông ta đã từ chối
không cho bầu lại những cơ quan này, do đó những quyền lập pháp không gì xóa bỏ
được đã được trao lại cho dân chúng thực thi. Cùng lúc đó, nhà nước đứng trước
các nguy cơ về ngoại xâm và nội loạn.
Ông ta đã ra sức ngăn cản việc tăng dân số ở các bang này. Với
mục đích đó, ông ngăn cản việc thực hiện luật nhập quốc tịch cho người nước
ngoài, từ chối không thông qua những đạo luật khác khuyến khích nhập cư và tăng
thêm các điều kiện đối với quyền sở hữu đất đai.
Ông ta đã ngăn cản việc thực thi công lý bằng cách từ chối
không thông qua những đạo luật thiết lập các cơ quan tư pháp.
Ông ta đã buộc các quan tòa phải lệ thuộc vào ý chí của ông
bằng những qui định về nhiệm kỳ cũng như các khoản lương bổng trả cho họ.
Ông ta đã lập ra rất nhiều cơ quan mới và bổ nhiệm vào đó vô
số những quan lại mới để xách nhiễu dân chúng và vơ vét tài sản của họ.
Trong những thời kỳ hòa bình ông ta vẫn duy trì những đội
quân thường trực trên đất nước ta mà không được sự đồng ý của các cơ quan lập
pháp của chúng ta.
Ông ta đã tác động để cho ngành quân sự độc lập và vượt lên
trên quyền lực dân sự.
Ông ta đã cùng với một số đối tượng khác buộc chúng ta phải
tuân theo nền pháp quyền xa lạ với hiến pháp của chúng ta và không được luật
pháp của chúng ta công nhận. Rồi ông ta phê chuẩn những đạo luật giả dối sau
đây:
Cho phép những đội quân có võ trang đông đảo đồn trú trên đất
nước ta:
Qua những phiên tòa giả hiệu, che chở cho chúng khỏi bị trừng
phạt trước hậu quả của những vụ sát hại dân cư ở các bang này:
Cắt đứt những quan hệ thương mại giữa chúng ta với các khu vực
khác trên thế giới:
Đặt các khoản thuế khóa mà không được chúng ta đồng ý:
Trong nhiều trường hợp, tước đoạt của chúng ta quyền được
xét xử trước đoàn hội thẩm:
Đưa chúng ta sang phía bên kia đại dương để xét xử về các tội
trạng không có thật:
Xóa bỏ thể chế tự do của luật pháp nước Anh ở một tỉnh lân cận
và thiết lập ở đó một chính quyền độc đoán; rồi mở rộng ranh giới, coi đó là mẫu
mực và công cụ thích hợp để du nhập ách cai trị chuyên chế vào các thuộc địa
này:
Tước đoạt hiến chương của chúng ta, huỷ bỏ những bộ luật giá
trị của chúng ta và thay đổi một cách căn bản những thể chế chính quyền của
chúng ta:
Đình chỉ các cơ quan lập pháp của chúng ta rồi tự tuyên bố
là có quyền lập pháp cho chúng ta trong mọi trường hợp.
Ông ta đã từ bỏ chính phủ ở đây và tuyên bố rằng chúng ta
không còn được ông che chở và bảo vệ, rồi tiến hành cuộc chiến tranh chống lại
chúng ta.
Ông ta đã vơ vét biển cả, tàn phá các bờ biển, thiêu đốt các
thị trấn, huỷ hoại sinh mạng của nhân dân chúng ta.
Trong thời gian này, ông ta đang đưa sang những đội quân lớn
gồm các lính đánh thuê nước ngoài để thực thi các công việc giết tróc, tàn phá
và bạo ngược đã được bắt đầu với những cảnh tượng tàn ác và xảo trá mà ngay cả
trong thời đại dã man nhất cũng khó mà sánh được, ông ta hoàn toàn không xứng
đáng với người đứng đầu của một quốc gia văn minh.
Ông ta đã cưỡng ép các công dân của chúng ta bị bắt ngoài biển
khơi phải cầm súng chống lại đất nước mình, trở thành những đao phủ giết hại bạn
bè và anh em mình, hoặc buộc họ phải tự giết hại mình.
Ông ta đã kích động những cuộc phiến loạn trong nội bộ chúng
ta và cố công đưa vào vùng dân cư ở các miền biên cương nước ta sự man rợ tàn bạo
kiểu Indian mà các hình thức chiến trận khét tiếng của nó chính là sự huỷ diệt
không phân biệt lứa tuổi, giới tính và điều kiện sinh sống.
Trong các giai đoạn xảy ra tình trạng áp bức như vậy, chúng
ta đều có kiến nghị yêu cầu bồi thường với lời lẽ hết sức khiêm nhường, nhưng
những kiến nghị lặp đi lặp lại của chúng ta chỉ được đáp lại bằng những nỗi đau
xót liên tiếp. Một ông hoàng với tính cách được thể hiện qua các hành vi mà ta
chỉ có thể gọi đúng tên là bạo chúa, thì không xứng đáng là người cai trị của một
dân tộc tự do.
Không phải chúng ta không muốn lưu ý các bạn của chúng ta ở
nước Anh. Ðã nhiều lần chúng ta cảnh báo họ về những ý đồ của các cơ quan lập
pháp của họ muốn bành trướng quyền tài phán không thích hợp sang đất nước chúng
ta. Chúng ta đã nhắc nhở họ về tình trạng nhập cư và cư trú của chúng ta ở nơi
đây. Chúng ta đã dựa vào ý thức công bằng, lòng hào hiệp và cả những mối liên hệ
ruột thịt giữa đôi bên để kêu gọi họ từ bỏ những cuộc chiếm đoạt đã gây cản trở
cho mối quan hệ và giao tiếp giữa hai phía. Họ đã không thèm lắng nghe tiếng
nói của chính nghĩa lẫn tình máu mủ. Vì vậy, chúng ta phải đi tới một kết luận
tất yếu là tuyên bố cắt đứt quan hệ với họ và đối xử với họ giống như mọi người
khác trong nhân loại: trong hoà bình là bè bạn, trong chiến tranh là kẻ thù.
Vì vậy, chúng ta, những đại biểu dự Ðại hội của HỢP CHỦNG QUỐC
HOA KỲ yêu cầu các trọng tài tối cao của thế giới hãy công nhận những ý đồ
chính đáng của chúng ta trong việc nhân danh và thực thi quyền lực của nhân dân
có thiện chí ở các thuộc địa này, trịnh trọng công khai và tuyên bố rằng các
thuộc địa liên minh với nhau này đã và có quyền phải là Quốc gia Tự do và Ðộc lập;
rằng họ từ bỏ mọi sự trung thành đối với vương miện của Anh Quốc, rằng những
liên hệ chính trị giữa họ với nước Anh đã và phải hoàn toàn bị xóa bỏ, rằng với
tư cách là Quốc gia Tự do và Ðộc lập, họ hoàn toàn có quyền tiến hành chiến
tranh, ký kết hiệp ước hòa bình, xây dựng liên minh, thiết lập quan hệ thương mại
và thực thi mọi công việc thuộc quyền của những Quốc gia Ðộc lập.
Đại diện 13 bang đồng ký tên:
Georgia:
Button Gwinnett
Lyman Hall
Geo.Walton
North-Carolina:
Wm. Hooper
Joseph Hewes
John Penn
South-Carolina:
Edward Rutledge
Thos Heyward. Junr
Thomas Lynch . Junr
Arthur Middleton
Maryland:
Samuel Chase
Wm. Paca
Thos Stone
Charles Carroll
Virginia:
George Wythe
Richard Henry Lee
Ths. Jefferson
Benja. Harrison
Thos. Nelson, jr
Francis Lightfood Lee
Carter Braxton
Pennsylvania:
Robt. Morris
Benjamin Rush
Benja Franklin
John Morton
Geo. Clymer
Jas. Smith
Geo Taylor
James Wilson
Geo. Ross
Delaware:
Caesar Rodney
Geo. Read
New York
Wm. Floyd
Phil. Livingston
Frank. Lewis
Lewis Morris
New Jersey:
Richd. Stockton
Jno. Witherspoon
Fras. Hopkinson
John Hart
Abra Clark
New Hampshire:
Josiah Bartlett
Wm. Whipple
Matthew Thornton
Massachusetts Bay:
Saml. Adams
John Adams
Robt. Treat Paine
Elbridge Gerry
Rhode-Island &
Providence:
C. Step. Hopkins
William Ellery
Connecticut:
Roger Sherman
Saml. Huntington
Wm. Williams
Oliver Wolcott
New York:
Wm. Floyd
Phil. Livingston
Frans. Lewis
Lewis Morris
3. Tuyên ngôn Nhân
quyền và Dân quyền, Pháp, 1789
Ngày 26/8/1789
Được chấp thuận bởi Quốc hội Pháp, 26 tháng Tám năm 1789, những
người đại diện cho Nhân dân Pháp được tổ chức thành một Quốc Hội, tin rằng sự
thiếu hiểu biết, hờ hững hoặc coi thường những quyền của con người chính là
nguyên nhân duy nhất dẫn đến những tai họa của cộng đồng, và dẫn đến sự thối
nát của các chính quyền, đã quyết định xác lập, trong một tuyên ngôn chính thức,
các quyền tự nhiên, không thể chuyển nhượng và bất khả xâm phạm của con người,
để bản tuyên ngôn này, xuất hiện thường xuyên trước tất cả các thành viên của
xã hội, liên tục nhắc nhở họ về quyền và nghĩa vụ của họ, để hoạt động của quyền
lập pháp, cũng như hành động của quyền hành pháp, có thể được so sánh mọi lúc với
các mục tiêu và chủ đích của toàn bộ thể chế chính trị, và như thế sẽ tôn trọng
các mục tiêu và chủ đích đó hơn, và cuối cùng, để những đòi hỏi của các công
dân, dựa trên các nguyên tắc đơn giản và không thể chối cãi sau đây, sẽ luôn hướng
tới duy trì Hiến Pháp và góp phần tạo hạnh phúc cho tất cả mọi người. Và như thế,
Quốc Hội công nhận và tuyên bố, trong sự hiện diện và dưới sự che chở của Đấng
Tối Cao, những quyền sau đây của con người và của công dân:
Các điều khoản
1. Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải
luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Sự phân biệt xã hội chỉ được
phép thành lập trên cơ sở nó đem lại lợi ích chung cho cả cộng đồng.
2. Mục đích của tất cả
các tổ chức chính trị là bảo vệ các quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm của con
người. Những quyền này là tự do, sở hữu tài sản, an ninh và chống lại sự áp bức.
3. Nguyên tắc chủ yếu
đặt ở chủ quyền quốc gia. Không một tổ chức, không một cá nhân nào có thể sử dụng
quyền hành mà không xuất phát từ nguyên tắc đó.
4. Tự do bao gồm khả năng làm bất cứ điều gì mà không gây hại
cho người khác. Như thế, việc thực hiện các quyền tự nhiên của mỗi cá nhân chỉ
bị giới hạn sao cho các cá nhân khác trong xã hội cũng được hưởng những quyền
tương tự. Những giới hạn này được quy định duy nhất bằng luật pháp.
5. Luật chỉ có quyền cấm những hành vi gây bất lợi cho xã hội.
Bất cứ hành vi nào không bị pháp luật cấm thì cũng không được phép ngăn cản, và
không ai bị bắt buộc phải làm điều mà pháp luật không yêu cầu. Luật pháp phải
thể hiện mong ước chung của cộng đồng. Tất cả các công dân đều có quyền đóng
góp, trực tiếp hay qua đại diện của họ, để tạo ra luật pháp. Luật pháp phải giống
nhau với mọi đối tượng, cho dù nó bảo vệ hay trừng phạt.
6. Luật pháp phải thể hiện mong ước chung của cộng đồng. Tất
cả các công dân đều có quyền đóng góp, trực tiếp hay qua đại diện của họ, để tạo
ra luật pháp. Luật pháp phải giống nhau với mọi đối tượng, cho dù nó bảo vệ hay
trừng phạt. Tất cả các công dân, bình đẳng trước con mắt của luật pháp, phải có
quyền ngang nhau trong việc tham gia vào tất cả các văn phòng quan trọng, các vị
trí và chức vụ công, theo khả năng của họ và không có gì phân biệt ngoại trừ phẩm
chất và tài năng.
7. Không ai có thể bị truy tố, bắt giữ hay giam cầm ngoại trừ
trường hợp được quyết định bởi pháp luật, tuân thủ theo nguyên tắc mà pháp luật
đã quy định. Những người theo đuổi, phát tán, thực thi hoặc gây áp lực thực thi
các mệnh lệnh tùy tiện phải bị trừng phạt; nhưng bất kỳ công dân nào được gọi,
bị bắt giữ theo quy đinh pháp luật, phải tuân thủ ngay tức khắc; anh / chị ta sẽ
bị coi là có tội nếu chống lại.
8. Luật pháp chỉ được phép đưa ra những hình phạt cần thiết
thực sự và không thể tranh cãi; và không ai bị trừng phạt nếu không có một điều
luật đã được thành lập và công bố trước khi người đó phạm tội, và có thể áp dụng
hợp pháp.
9. Bởi vì mọi con người đều được coi là vô tội cho tới khi
anh / chị ta bị tuyên bố có tội, nên khi cần thiết phải bắt giữ, mọi hành vi sử
dụng vũ lực quá mức tốit thiểu cần thiết để bắt và giam giữ người đó sẽ bị xử
lý thích đáng.
10. Không ai bị đối xử tàn tệ vì quan điểm của người đó,
ngay cả các quan điểm tôn giáo, miễn là việc trình bày các quan điểm đó không
gây ra đổ vỡ hòa bình được thiết lập bởi luật pháp.
11. Tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền
quý giá nhất của con người. Vì thế, bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết
và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do
này theo quy định của pháp luật.
12. Đảm bảo các quyền con người và của công dân cần tới các
lực lượng công [cảnh sát, quân đội v.v..]. Những lực lượng này, do đó, được
thành lập để phục vụ mục đích chung, và không phải để sử dụng riêng cho mục
đích của những người mà công chúng tín nhiệm giao phó quyền lãnh đạo lực lượng.
13. Để duy trì các lực lượng công, và để chi trả chi phí quản
lý, một [hệ thống] thuế chung là điều cần thiết. Thuế phải được chia sẻ một
cách tương tự theo đầu các công dân, với tỷ lệ tương ứng với khả năng của họ.
14. Mọi công dân đều có quyền, tự mình hoặc qua đại diện của
mình, kiểm tra tính cần thiết của thuế công. Họ cũng có quyền tự do chấp nhận
thuế, giám sát thuế được sử dụng như thế nào, và quyết định mức thuế, các điều
khoản cơ bản để đánh giá và thu thuế, cũng như khoảng thời gian mà mức thuế có
hiệu lực. Bất kỳ xã hội nào mà các quyền [của con người và của công dân] này
không được đảm bảo, và sự tản quyền không được thực hiện, sẽ không có Hiến
Pháp.
15. Xã hội có quyền yêu cầu công chức giải thích rõ công việc
quản lý và giám sát của mình.
16. Bất kỳ xã hội nào mà các quyền (của con người và của
công dân) này không được đảm bảo, và sự tản quyền không được thực hiện, sẽ
không có Hiến Pháp.
17. Tài sản, là một quyền thiêng liêng và không thể xâm phạm,
không ai có thể bị tước đoạt tài sản; ngoại trừ điều đó là cần thiết cho cộng đồng,
được điều tra hợp pháp, rõ ràng cần thiết, và bồi thường công bằng và đưa trước
đã được trả cho người có tài sản bị tước đoạt.
Ghi chú: Hai năm sau
(1791) bản Tuyên ngôn mới được công bố và có hiệu lực.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét