(Daidoanket – 23/09/2012)
- Các quan chức Chính phủ Singapore không được nhận lời mời dự yến tiệc khi lời
mời đó không được phê duyệt. Dương Bang Hiếu là quan tòa cao nhất ở Singapore
đi dự tiệc nhân Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc sang thăm Singapore.
Khi được hỏi tại sao ông đảm nhiệm là quan tòa tối cao của
Singapore đã hai năm mới đi dự tiệc lần đầu tiên, Dương Bang Hiếu trả lời:
"Đại sứ Trung Quốc mời dự tiệc nhân có Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc sang
thăm Singapore tôi nhận lời vì Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa
không chịu sự quản trị pháp luật của chúng tôi”. Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc
xúc động nói: "Trung Quốc chúng tôi có một số quan tòa, công an ăn uống,
nhậu nhẹt khắp nơi. Quả thật, chúng tôi phải học tập các ông”.
- Các quan chức Singapore không sống hoang phí nhờ tiền Nhà
nước vì có người đứng đầu biết nêu gương, Bố Thủ tướng Lý Quang Diệu vẫn làm
nghề sửa chữa đồng hồ ở cửa hiệu riêng, em trai Thủ tướng vẫn làm nghề buôn bán
nhỏ.
- Thủ tướng Pháp muốn đổi xe công đã cũ, Văn phòng ông phải
báo cho Cục Quản lý Công sản Pháp biết. Cục có một bộ phận chuyên khám xe công,
chứng nhận xe của Thủ tướng đi không còn đảm bảo an toàn thì Thủ tướng mới có
xe mới. Xe công cấp cho quan chức Sở Cảnh sát chỉ căn cứ vào chứng nhận của Cục
Quản lý Công sản. Như vậy quan chức nào đổi xe mới lại không qua Cục Quản lý
Công sản không thể có xe công mới. Cơ quan nhà nước được tự mua xe mới nhưng
kinh phí mua xe do nhà nước duyệt, phải mua xe đúng giá Nhà nước quy định và chỉ
được mua theo tiêu chuẩn loại xe Nhà nước quy định.
- Thủ tướng Israel, ông Nestanyahu hút thuốc lá thanh toán bằng
tiền Nhà nước. Báo Yediot Ahronot phát hiện. Văn phòng của ông cho biết: Thủ tướng
tiền nhiệm hút thuốc lá cũng bằng tiền Nhà nước. Khi tìm hiểu ngay việc này thấy
cố Thủ tướng tiền nhiệm, ông Rabin nghiện thuốc lá nhưng ông hút và đãi khách đều
bỏ tiền túi. Từ đó ông Netanyahu hút thuốc lá và đãi khách cũng bỏ tiền túi.
Ở Pháp, Singapore và Israel khi đụng chạm đến tiền và của cải
nhà nước, lãnh đạo cấp cao đều phải chấp hành mọi tiêu chuẩn, định mức cụ thể,
chi li, một điếu thuốc lá cũng không thể lẫn lộn công và tư.
Việt Nam còn nghèo so
với Singapore, Israel và Pháp nhưng không thiếu lãnh đạo ta trưa tiệc, tối lại
tiệc, lại có những ông một tháng cơm nhà vài bữa, còn toàn ăn tiệc ở nhà hàng
do các nơi mời. Tiệc đã thành nếp quen suốt mấy chục năm nay đều do ngân sách
gánh chịu; bia và rượu uống thỏa sức, người không muốn nghiện bia, rượu rồi
cũng nghiện.
Xe công lãng phí đến nỗi
xe công mua vượt giá Nhà nước quy định phải bãi sông Hồng mới chứa hết.
Kinh tế thế giới khủng hoảng, nhiều nước đời sống khó khăn
đã có những sáng kiến theo hướng tiết kiệm đối phó với giá cả đắt đỏ, thất nghiệp
lại tăng.
- Thủ tướng Nhật Kudumi mặc áo sơ mi ngắn tay xuất hiện trên
tivi kêu gọi công chức nhà nước đi làm không mặc comple, ca vát, chỉ mặc sơ mi
như Thủ tướng để đỡ nóng, mát mẻ hơn, chưa cần phải tăng thêm điện cho máy điều
hòa nhiệt độ. Một mũi tên trúng hai đích: tiết kiệm điện và đỡ tốn tiền may
comple, ca vát.
- Chính phủ Anh phát động "chiến dịch đạp xe đi làm”,
công chức đi làm bằng xe đạp được giảm thuế cá nhân 45%. Hãng xe đạp Halfords đến
năm 2009 bán hơn một triệu xe đạp. Các hãng thời trang đã có ngay các kiểu thời
trang phụ nữ đi xe đạp. Giảm bớt hẳn số ô tô, đỡ ùn tắc giao thông, không khí lại
trong lành hơn. Thái tử Charles sẽ kế nhiệm ngai vàng ở Anh đã khuyên mọi người
bỏ bồn tắm tốn nước chuyển sang tắm vòi hoa sen trong 5 phút, mặc dù cha ông là
ông hoàng Philip chỉ thích tắm trong bồn. Hàng năm Nữ hoàng Anh vẫn mở đại tiệc
mời khách, hưởng ứng lời kêu gọi tiết kiệm dùng ngân sách của Chính phủ Anh, Nữ
hoàng đã bãi bỏ một đại tiệc.
- Tổng thống Hugo Chaves cũng khuyên nhân dân Veneguela nên
tắm vòi sen tiết kiệm nước và nên tắm 3 phút là đủ.
Lạm phát ở Việt Nam nặng
nề hơn mọi nước, hai con số, Việt Nam cũng tích cực kêu gọi toàn dân tiết kiệm
nhưng lại thiếu hẳn những hành động cụ thể tham gia thiết thực vào giảm chi
tiêu cho mỗi gia đình và cho ngân sách nhà nước. Ngược lại, bội chi ngân sách
tăng vọt đi đôi với xa hoa, hoang phí hơn hẳn trước. Năm 2001, nhập siêu từ
Trung Quốc có 200 triệu đôla Mỹ, năm 2009 nhập siêu từ Trung Quốc 11,5 tỷ đôla
Mỹ, năm 2010 nhập siêu 12,6 tỷ đôla Mỹ (trong đó đã dành tới 9 tỷ đôla Mỹ để nhập
bia, rượu, thuốc lá, đồ trang sức, điện thoại di động). Riêng bia ngoại nhập
tăng đến chóng mặt xuất xứ từ Mehico, Đức, Hà Lan, giá bán cao gấp hai, ba lần
bia nội nhưng lại bán chạy hơn bia nội vì tiền nhà nước thanh toán là chủ yếu
nên chủ và khách đều uống bằng say, nôn thốc nôn tháo xong lại uống. Chỉ riêng
năm 2010 bia ngoại nhập đã tăng hơn 2009 đến 50%. Chủ sở hữu hãng bia Heineken
đã tỏ ra ngạc nhiên về tốc độ tiêu thụ nhãn bia này tại Việt Nam. Năm 2010 người
Việt Nam đã uống hơn 200 triệu lít chỉ sau Mỹ và Pháp trong danh sách 170 thị
trường trên thế giới mà dòng bia này có mặt. Ông này tin chắc đến năm 2012 Việt
Nam sẽ chiếm vị trí thứ hai của Pháp và với tốc độ tiêu thụ bia Heineken như hiện
nay thì đến năm 2015 là cùng, Việt Nam sẽ chiếm vị trí thứ nhất của Mỹ. Rượu
ngoại loại "xịn” nhất ở Việt Nam giá 10 triệu đồng một chai cũng bán được
vì nơi mua đều dựa vào ngân sách nhà nước, một số doanh nghiệp nhà nước rất
"bạo miệng” uống loại rượu thượng hảo hạng này. Tết Tân Mão đầu năm 2011,
Tổ chức MasterCard World Wide công bố một khảo sát tiêu dùng trên 10.502 người ở
24 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Phi, Trung
Đông về ưu tiên số 1 cho ăn chơi, giải trí thì Việt Nam dẫn đầu với 86%, thứ
nhì Hàn Quốc 78% rồi đến Hồng Kông 75%. Ngoài ra, tỷ lệ tiêu dùng một cách tùy
nghi không toan tính cũng do MasterCard World Wide tính điểm cho thấy Việt Nam
cũng dẫn đầu với 62%, còn Úc và Hàn Quốc chỉ đạt 59%.
Đất nước ta còn nghèo,
đặc biệt nền kinh tế vẫn chỉ tăng trưởng trên bề rộng và nếu còn tiếp tục sẽ
triệt tiêu những thành quả đã đạt được nhưng đầu tư để hiện đại hóa nền kinh tế
vẫn quá ít, trong khi đó đổ quá nhiều tiền của vào nhập nhiều thứ chưa cần thiết,
chỉ thỏa mãn tiêu dùng giới siêu giàu, tiền kiếm được chủ yếu không bằng mồ
hôi, công sức nên chi tiêu như "đốt tiền”. Lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu
năm 2011 tăng đột biến tới 10.600 xe, trong đó nguồn ôtô cao cấp nhập chủ yếu từ
Mỹ, Đức, Nhật với các nhãn hiệu siêu sang: Mercedes, Lexus, Maybach, Ferrari… Mỗi
chiếc Rolls-Royce có giá trước thuế 400.000 đôla Mỹ.
Năm, bảy năm gần đây, thế giới đi vào hướng dè sẻn, bớt ăn,
bớt tiêu, vua chúa cũng nghĩ tới tắm sao đỡ tốn nước, cho phù hợp với nền kinh
tế toàn cầu còn nhiều bất trắc. Chỉ có ở Việt Nam năm bảy năm ấy lại là thời
gian phung phí tiền của, tài sản chưa từng thấy, dùng hàng xa xỉ nhiều nhất,
riêng năm 2010 đã dành 9 tỷ đôla Mỹ nhập bia, rượu, thuốc lá, đồ trang sức, điện
thoại di động…, bằng ba năm thu nhập từ gạo xuất khẩu. Tài nguyên ta đang cạn
kiệt, ta đang bóc những vỉa than cuối cùng, rừng bị thu hẹp, kỹ nghệ đồ gỗ của
ta phải nhập hơn 90% gỗ, cát được khai thác nhiều đến nỗi lở cả các bờ sông,
trong khi ta đầu tư cho khoa học – công nghệ rất ít. Trí tuệ vốn là tài nguyên
vô tận lại bị coi nhẹ quá mức trong một thế giới đang giương cao khẩu hiệu:
"Tài nguyên có hạn – Trí tuệ vô hạn”. Vào lúc ta nhập siêu đã đến mức kỷ lục,
ta đang làm ta nghèo với các "xe xịn, rượu xịn, bia xịn, nước hoa, son phấn
xịn”, Báo cáo khoa học của UNESCO khẳng định một điều nhiều người đã biết từ
lâu: Khoa học Việt Nam đang thật sự yếu kém, chi phí cho nghiên cứu khoa học ở
Việt Nam tính trên đầu dân số chỉ bằng 1/10 Trung Quốc, 1/150 Hàn Quốc, 1/250
Singapore. 10 năm từ 1998 đến 2008, Việt Nam đăng ký được 19 bằng sáng chế tức
mỗi năm 2 bằng sáng chế, có năm như 2002 chẳng đăng ký được bằng sáng chế nào.
Còn một số nước cùng khu vực cũng 10 năm ấy: Philippines đăng ký được 256 bằng
sáng chế, Malaysia có 901 bằng sáng chế, riêng Singapore bỏ ta rất xa, dân số
kém ta hơn 10 lần nhưng đăng ký 3.644 bằng sáng chế, cao hơn Việt Nam đến 192 lần.
Gần đây nhất, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ toàn cầu thuộc Liên Hợp
Quốc công bố: trí tuệ quốc gia Việt Nam đang ở nửa dưới của thế giới và với xu
hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi xa so với láng giềng. Trí tuệ của một quốc
gia không phải đơn thuần là phép cộng của trí tuệ từng con người, nó là do cả một
hệ thống tạo lập nên. Đó chính là hệ thống đổi mới/sáng tạo của quốc gia, trong
đó trí tuệ của từng con người là một thành tố. Đổi mới/sáng tạo là động lực
quan trọng cho sự tiến bộ kinh tế và sức cạnh tranh đối với các nước đã phát
triển cũng như đang phát triển. Báo Tia sáng đã đến phỏng vấn Giáo sư Hoàng Tụy
về việc thứ bậc Việt Nam trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu của Tổ chức Sở hữu
Trí tuệ Toàn cầu, Giáo sư Hoàng Tụy đã trả lời, trong số báo ngày 20-8-2012,
xin trích:
"Thực ra chẳng cần phải nghiên cứu kỹ ai cũng thấy rõ
điều này, ít nhất từ 20 năm nay rồi. Mọi người làm khoa học kỹ thuật, làm giáo
dục ở Việt Nam đều ý thức rõ sự lạc hậu, sự yếu kém của chúng ta so với thế giới.
Trừ một số ít người vì những lý do dễ hiểu cứ cố tình nhắm mắt trước thực trạng
đó, còn có ai có chút lương tâm với đất nước, thì đều hết sức lo lắng vì thời
nay một đất nước thua kém trí tuệ mà cứ dửng dưng vô tư thì coi như đang…
"chết lâm sàng”, như có người đã dùng từ rất xác đáng”.
Không thể không hổ thẹn với tổ tiên khi đất nước ngàn năm
văn hiến, hào kiệt không bao giờ thiếu nhưng tới thời chúng ta ngày nay trí tuệ
lại chưa phát huy được tiềm năng trong khi trí tuệ mới là kho tài nguyên vô tận.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét