Google
là một trong những công ty sinh lời nhất nước Mỹ. Họ đã kiếm được rất nhiều tiền
mà không bắt người khác phải trả tiền. Miễn phí nhưng vẫn kiếm đủ để căn bản tạo
nên một nền kinh tế với quy mô của một quốc gia khá lớn. Chuyện này xảy ra như
thế nào và sẽ đi về đâu?
Nguyên tác: Free - Tác giả: Chris
Anderson
Người dịch: Phan Triều Anh - Nhà xuất bản trẻ phát hành
Về
tác giả
Chris Anderson
sinh năm 1961, hiện đang sinh sống ở California, USA. Ông từng làm việc cho các
tạp chí nổi tiếng như Nature, Science và The Economist.
Năm 2001, ông
lãnh đạo tờ Wired - một tạp chí đã giành nhiều giải thưởng lớn ở Hoa Kỳ. Năm
2006, ông xuất bản cuốn “Cái đuôi dài” (Long Tail) - best seller thời điểm ấy.
Năm 2009, ông
được đưa vào danh sách 50 nhà tư tưởng lớn của thế giới, cùng với những nhân vật
như Steve Johs, Jack Welch, Bill Gate, Paul Krugman, Joseph Stiglitz, Michael
Porter, Daniel Goleman, Thomas Freedman…
Nội dung chính
LỜI GIỚI THIỆU
Với chiếc máy
tính xách tay, ở quán cafe wifi, ta có thể ngồi làm việc một cách thoải mái. Mọi
cái ta thực hiện trên máy tính từ thư điện tử cho đến lời nhắn tin trên
Twitter, chạy chương trình duyệt Firefox, Google… đều hoàn toàn miễn phí (trừ
café).
Miễn phí của thế
kỷ XXI khác với thế kỷ XX như thế nào? Miễn phí không có gì mới, nhưng nó đang
thay đổi, phải thấu hiểu miễn phí kiểu mới để chi phối thị trường ngày mai.
SỰ RA ĐỜI CỦA
MIỄN PHÍ
Cuối thế kỷ
XIX, Pearle Wait chiết xuất chất Glatin từ thịt và xương để tạo ra một gia vị
thực phẩm mới rất hấp dẫn là Joll_0. Nhưng ông không thể bán được hàng vì sản
phẩm còn rất xa lạ với người tiêu dùng. Cuối cùng ông phải bán nhãn hiệu này
cho Frank Woodward với giá 450 USD. Nhưng rồi tình hình thật ảm đảm, hàng tồn
kho ngày càng nhiều, Woodward nản chí, bán lại cho Nico với giá 35 USD nhưng
Nico từ chối.
Năm 1902,
Woodward cùng người phụ tá của mình thử cách khác: Trước hết họ đăng một mẫu quảng
cáo trên Ladies’Home journal với giá 336 USD, rồi in hàng ngàn quyển sách mỏng
giới thiệu Joll_0 với những công thức chế biến thực phẩm phát miễn phí cho các
bà nội trợ.
Đến 1904 chiến
dịch bán hàng đã thành công rực rỡ, doanh số đạt đến 1 triệu USD. Woodward hiểu
rằng “miễn phí là một từ có quyền năng siêu việt”, miễn phí không có nghĩa là
phi lợi nhuận mà có nghĩa rằng sản phẩm phải đi trên con đường gián tiếp đến với
thị trường.
King
Gillette
Cùng khoảng thời
gian đó, tại Boston, một ngày nọ, King Gillette đang cạo râu bằng con dao xếp
đã mòn đến mức không còn mài được nữa, ông nảy ra ý tưởng làm lưỡi dao bằng một
băng kim loại mỏng, để thay vì phải mất thời gian mài dao, người ta chỉ cần vứt
đi khi dao cùn. Lưỡi dao cạo dùng xong rồi bỏ đã ra đời từ đó.
Trong năm đầu
1903, Gillette chỉ bán được tổng cộng 51 con dao và 168 lưỡi dao. Những năm tiếp
theo, Gillette đã thử mọi mẹo marketing, như: cho in hình mình trên bao bì, bán
hàng triệu dao cạo cho quân đội với giá rẻ, bán từng lô dao cạo cho ngân hàng để
họ tặng khách hàng, dao cạo được bán kèm với mọi thứ từ kẹo cao su đến các gói
café, trà, hương liệu, thậm chí phát không cho khách hàng.
Bằng những cách
ấy, Gillette đã tạo ra nhu cầu lưỡi dao cạo dùng xong rồi bỏ. Gillette đã bán
dao cạo với giá rất rẻ, nhưng lưỡi dao thì có giá tương đối cao.
Sau này, người
ta áp dụng mô hình của Gillette trong tất cả các ngành: cho không điện thoại di
động, thu phí sử dụng hàng tháng; bán máy chơi game với giá rẻ nhưng bán các
trò chơi với giá đắt; lắp đặt các máy pha café tại các văn phòng không thu phí
để rồi bán café gói cho các chủ văn phòng.
Vào buổi bình
minh của thế kỷ XX, miễn phí tiếp thêm sức sống cho cuộc cách mạng của người
tiêu dùng. Miễn phí là lời hiệu triệu của những nhà tiếp thị hiện đại và luôn
được người tiêu dùng đáp lại.
Miễn
phí của thế kỷ XXI
Miễn phí của thế
kỷ XXI không phải là thứ mẹo, mà là một khả năng mới phi thường làm giá thành của
sản phẩm và dịch vụ giảm xuống gần bằng không. Hình thức miễn phí dựa trên kinh
tế học của những con số nhị phân chứ không phải là nguyên tử. Đó là phẩm chất độc
nhất vô nhị của thời đại số khi mà một thứ nào đó trở thành phần mềm thì nó
không tránh khỏi trở thành miễn phí.
MIỄN PHÍ LÀ GÌ?
Miễn
phí nhập môn.
Miễn phí gốc là
một từ ghép trong tiếng Latin bao gồm từ Liber (tự do) và Grastis (để cảm ơn).
Ý nghĩa “tự do” tích cực đôi lúc cũng gây ra sự mơ hồ nên phải dùng từ Gratis để
nhấn mạnh thực sự miễn phí. Nhưng rồi kết cục người ta lại dùng một từ free duy
nhất. Từ free, miễn phí hay tự do có gốc từ tiếng Anh cổ freon, freogan (tự do,
tình yêu). Như vậy, free - miễn phí xuất phát từ ý niệm xã hội của sự giải
thoát, cả khỏi ách nô lệ lẫn chi phí.
Muôn
hình vạn trạng của chi phí.
"Miễn phí”
có rất nhiều ý nghĩa. Đôi lúc “free” không thực sự miễn phí: mua một tặng một,
miễn phí giao hàng (có nghĩa phí giao hàng đã tính trong giá bán), hàng mẫu miễn
phí (free sample), dùng thử miễn phí (free trial) - tạo tâm lý mắc nợ, khuyến
khích người tiêu dùng mua sản phẩm nguyên giá…
Đôi khi miễn
phí thực sự là miễn phí và đây là mô hình mới, hầu hết số này có tính trực tuyến,
nơi mà kinh tế số thống trị với mức phí tiến dần bằng không.
Các dạng miễn
phí nói trên đều chỉ là biến thiên của một mô hình chung: điều chuyển tiền vòng
quanh từ sản phẩm này sang sản phẩm khác, từ người này sang người khác, giữa hiện
tại và tương lai, hoặc vào thị trường phí tiền tệ rồi trở ra. Các nhà kinh tế học
gọi chúng là “hỗ trợ qua lại”.
Cả
thế gian đều hỗ trợ qua lại.
Hỗ trợ qua lại
là tinh thần của thành ngữ “Không có gì là miễn phí” (There’s no such thing as
a free luch – đừng hòng có bữa trưa mà không phải trả tiền). Điều đó có nghĩa
là cách này hay cách khác sẽ có người trả tiền cho bữa trưa.
Hỗ
trợ qua lại có thể diễn ra theo một vài hình thức khác nhau:
- Sản phẩm có
chi phí bù cho sản phẩm miễn phí.
- Trả tiền sau,
tài trợ cho miễn phí hiện tại, tiền sử dụng điện thoại hàng tháng trả cho chiếc
điện thoại miễn phí ban đầu.
- Những người
trả tiền, tài trợ cho những người miễn phí, đàn ông mua vé vào hộp đêm, có thể
dẫn theo phụ nữ không phải trả tiền. Người lớn dẫn trẻ em vào vườn bách thú miễn
phí nhưng rồi người lớn phải trả tiền cho những trò chơi của trẻ…
Mô
hình miễn phí rơi vào một trong bốn loại sau:
1/ Hỗ trợ chéo
trực tiếp:
Cho không sản
phẩm hoặc dịch vụ để khuếch trương và thu lợi các sản phẩm và dịch vụ khác (ví
dụ về King Gillette, về điện thoại miễn phí).
2/ Thị trường
ba bên:
Đài phát thanh,
truyền hình phủ sóng miễn phí, mạng internet, các đối tượng khách hàng dùng các
phương tiện đó miễn phí nhưng các nhà quảng cáo sẽ trả tiền cho mọi thứ. Người
tiêu dùng có cảm giác mặt hàng chính yếu mình đang quan tâm là miễn phí, nhưng
cuối cùng họ cũng sẽ mất tiền một cách gián tiếp, qua mức giá sản phẩm cao hơn.
3/ Miễn phí giá
cao:
Năm 2009, Chris
Anderson được đưa vào danh sách 50 nhà tư tưởng lớn của thế giới, cùng với những
nhân vật như Steve Johs, Jack Welch, Bill Gate, Paul Krugman, Joseph Stiglitz,
Michael Porter, Daniel Goleman, Thomas Freedman…
Với sản phẩm số,
5% khách hàng sẽ trả tiền cho 95% khách hàng còn lại, điều này có nghĩa là mỗi
khách hàng trả tiền sử dụng phiên bản giá cao đầy đủ chức năng thì mười chín
người khác được sử dụng phiên bản miễn phí ít chức năng hơn.
4/ Thị trường
phi tiền tệ. Dạng này có vài hình thức:
Nền
kinh tế quà tặng: Mười hai triệu bài viết trên wikipedia, hàng triệu món đồ
đã qua sử dụng được rao trên Freecyete chỉ để cho tặng, bạn cho Google thông
tin khi bạn sở hữu một website mở, bạn cho một kẻ vô gia cư những vật dụng mà
anh ta nhặt từ thùng rác nhà bạn… Phương thức phân phối với chi phí bằng không
đã biến việc chia sẻ trở thành một ngành kinh doanh, theo đó bạn sẽ được những
giá trị như niềm vui, sự thỏa mãn, danh tiếng, và internet cung cấp một nền tảng
cho phép hành động của từng cá nhân có thể gây ảnh hưởng toàn cầu.
Đổi
công:
Mỗi lần bạn tìm kiếm trên Google, bạn đã giúp Google cải thiện các thuật toán
nhằm mục tiêu quảng cáo của họ. Dù bạn có nhận thức được hay không, bạn đã trả
bằng công lao động của mình cho một thứ hàng miễn phí.
Vi
phạm bản quyền: Âm nhạc trực tuyến thể hiện bằng việc chuyển đổi nhạc sang dạng
số và chia sẻ chúng qua mạng, chi phí cho phổ biến âm nhạc thực sự chạm đáy, mọi
biện pháp chống lại sự vi phạm bản quyền đã chào thua. Người nghệ sĩ phải chấp
nhận thực tế đó, đối với họ, âm nhạc như một phương tiện tiếp thị, là niềm vui,
xây dựng hình ảnh và danh tiếng.
Ba
mức giá:
Hầu như ta chỉ nói về hai mức giá trị: có phí và miễn phí, nhưng còn một mức
giá thứ ba thấp hơn cả miễn phí, đó là mức giá âm: bạn được trả tiền để sử dụng
một sản phẩm hoặc dịch vụ thay vì ngược lại. Trong hầu hết các trường hợp thì
trước sau gì rồi bạn cũng bỏ tiền ra. Ví dụ: phần tiền được thưởng sau khi
thanh toán đầy đủ tạo ra một tâm lý hoàn toàn khác so với việc phải trả một số
tiền ít hơn ngay từ đầu.
LỊCH SỬ MIỄN
PHÍ
Số
0
Khi người Ấn Độ
phát minh ra môn đại số, họ mở rộng thêm số âm và số 0 từ thế kỷ IX. Từ “zero”
trong ngôn ngữ Ấn là Sunya, có nghĩa là trống rỗng, người Ả Rập chuyển thành
sifr, phương Tây Latin hóa nó thành zephirus, chính là gốc của từ zero.
Rắc
rối của miễn phí
Đến năm 900, đã
có đủ ký hiệu lẫn cơ sở đại số cho khái niệm “không” thì nó đã cùng tồn tại
song song với khái niệm “economics”. Từ nguồn gốc Hy Lạp cổ, oikos (nhà) và
nomos (tập quán hay luật lệ) do đó nó có ý nghĩa là “luật gia đình” và miễn phí
luôn là luật trong nhà.
Từ khi nền kinh
tế trên cơ sở tiền tệ hình thành, các giao dịch hầu như không liên quan đến giá
cả mà dựa trên sự hào phóng, tin tưởng, thiện chí giữa các láng giềng và các
nhóm xã hội. Vào thế kỷ XVII, khái niệm thuế lũy tiến ra đời, việc thành lập
các thể chế nhà nước tạo ra một dạng miễn phí đặc biệt: bạn có thể không trả
phí cho dịch vụ của chính quyền, nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ biết chính xác bao
nhiêu tiền thuế của mình được dùng để phục vụ trực tiếp cho bạn.
Bữa
trưa miễn phí đầu tiên
Đến cuối thế kỷ
XIX, nền kinh tế thị trường đã được thiết lập vững vàng, đồng tiền đã chứng tỏ
mình là xúc tác cho tăng trưởng và là chìa khóa để đến với thịnh vượng. Đến thời
kỳ mà King Gillette và Pearle Wait tạo dựng được cả gia sản từ miễn phí, khách
hàng đã quen thuộc với câu “làm gì có bữa trưa miễn phí”.
Hàng
mẫu, quà tặng và dùng thử
Vào đầu thế kỷ
XX, miễn phí đã trở thành một mẹo bán hàng. Xà phòng Babbitt’s Soap trở nên nổi
tiếng toàn quốc nhờ các chiến dịch quảng cáo và khuyến mãi, trong đó có đợt
phân phối hàng dùng thử miễn phí trên quy mô lớn đầu tiên.
Free
như một vũ khí cạnh tranh
Ngày nay, chúng
ta biết rằng cách hủy diệt nhất để xâm nhập thị trường là phá hủy tính kinh tế
của những mô hình kinh doanh đang tồn tại. Chẳng hạn không tính tiền sản phẩm
đang là nguồn lợi nhuận chủ yếu của đối thủ.
Vụ
đánh cược sai lầm của Ehrlick
Ý tưởng hàng
hóa sẽ trở thành rẻ hơn chứ không đắt hơn theo thời gian là ngược với trực
giác. Thực phẩm có thể tái tạo chứ khoáng sản thì không, chúng ta khai quặng
càng nhiều thì còn lại càng ít, đó là điển hình của khan hiếm trong lúc dân số
thế giới ngày càng gia tăng. Nhưng tháng 9/1980, Paul Ehrlick, một nhà sinh học
dân số, và Julian Simon, một nhà kinh tế học, đã đánh cược với nhau một cách
công khai với số tiền là 10.000 USD.
Simon tuyên bố:
“Giá của các nguyên liệu khô mà nhà nước không kiểm soát sẽ không tăng trong
dài hạn”. Ehrlick chọn năm kim loại là đồng, chrome, nickel, thiếc và tungsten.
Mười năm sau, giá các kim loại đó đã giảm hơn một nửa - Simon đã thắng cược. Vì
sao Simon thắng cược? Vì ông là một nhà kinh tế tài ba, hiểu được tác động của
hàng hóa thay thế: Nếu một mặt hàng trở nên quá khan hiếm và đắt đỏ, đó sẽ là động
cơ để tìm kiếm mặt hàng thay thế có nhiều hơn. Óc sáng tạo của loài người và khả
năng rút kinh nghiệm trong khoa học và công nghệ sẽ có xu hướng tạo ra các nguồn
lực mới nhanh hơn tốc độ sử dụng.
Mù
lòa trước dư dả
Điều hiển nhiên
là Simon có nhiều cơ hội thắng cuộc hơn. Nhưng khuynh hướng để ý đến những thứ
khan hiếm hơn là thừa thãi xuất hiện. Ví dụ tiêu biểu nhất là plastic: người ta
bán thế hệ chất dẻo plastic đầu tiên không phải như chất dùng xong rồi bỏ,
nhưng thế hệ thứ hai của plastic với Vinyl và Polystyrene thì rẻ đến nỗi người
ta có thể dùng xong rồi vứt đi mà không phải bận tâm chút nào.
Sau thập niên
70, thái độ đối với siêu thừa thãi như vậy đã bắt đầu thay đổi. Chi phí xử lý
môi trường phải trả cho văn hóa tiêu dùng một lần rồi bỏ đã trở nên rõ ràng
hơn. Cho nên, một thế hệ mới bắt đầu công việc tái chế đồ bỏ đi.
Sự
thừa thãi lên ngôi
Câu chuyện của
thế kỷ XX là câu chuyện sự thay đổi ghê gớm về mặt xã hội và kinh tế do sự dư dả
dẫn dắt. Tương tự như việc nước luôn luôn chảy xuôi, tính kinh tế chảy về phía
có sự dư thừa. Những công ty tìm kiếm lợi nhuận phải ngược dòng tìm kiếm sự khan
hiếm mới, điều đó Tim O’Reilly gọi là “ định luật bảo toàn mức lợi nhuận hấp dẫn”.
Ngày nay, chỉ còn 32% công ty chế tạo ra sản phẩm cầm nắm được. Các công ty còn
lại chuyển qua cung cấp dịch vụ, tạo ra sản phẩm sở hữu trí tuệ, tạo ra thị trường
cho sản phẩm của những người khác.
Một vài thập kỷ
trước, giá trị lớn nhất nằm trong sản xuất. Sau đó toàn cầu hóa nằm trong sản
xuất. Ngày nay mức lợi nhuận cao nhất thường thấy ở những nơi chất xám kết hợp
với vật chất. Sự kết hợp giữa kiến thức, kỹ năng và tư duy trừu tượng là điều
làm nên một người lao động tri thức có hiệu quả.
KHOA HỌC TÂM LÝ
VỀ MIỄN PHÍ
Nếu có thứ gì
đó trước đây phải mất tiền mua, còn nay thì không, chúng ta có xu hướng đồng
hóa hiện tượng đó với suy giảm chất lượng. Nhưng đối với những thứ chưa bao giờ
phải mất tiền mua, chúng ta không suy nghĩ tương tự.
Kẽ
hở tí hon
Trong hầu hết
các trường hợp, chỉ một xu - một mức giá thường được coi như vô nghĩa - cũng có
thể ngăn đại đa số người tiêu dùng lại. Vì bộ não của chúng ta được thiết kế để
báo động mỗi khi chúng ta gặp phải một cái giá, lời báo động là “có đáng không
nhỉ?”. Và chúng ta có xu hướng lựa chọn những thứ đòi hỏi ít phải suy nghĩ nhất.
Theo cách nhìn của khách hàng, giữa rẻ và miễn phí có một khoảng cách vô cùng lớn.
Giá
của miễn phí
Hầu hết các
giao dịch có ưu điểm lẫn nhược điểm, nhưng khi có thứ gì cung cấp miễn phí,
chúng ta sẽ quên mất nhược điểm của nó. Đó là vì người ta có bản chất sợ thiệt
thòi. Khi nhận được cái gì đó miễn phí, bạn không hề phải đối diện với một khả
năng bị mất mát nào cả, nhưng khi bạn chấp nhận một thứ không miễn phí, xác xuất
chịu mất mát xuất hiện.
Không
chi phí, không cam kết
Miễn phí có thể
khuyến khích thói tham ăn, vơ vét, tiêu dùng thiếu suy nghĩ, tội lỗi và lòng
tham. Chúng ta lấy đồ vì chúng có sẵn đó chứ không phải vì chúng ta cần. Cứ áp
một mức giá, dù rất thấp chăng nữa, cũng sẽ khuyến khích hành vi có trách nhiệm
hơn. Miễn phí là cách tốt nhất để tối đa hóa số người có thể tiếp cận với sản
phẩm, dịch vụ, nhưng không phải đó là cái đích cuối cùng bạn nhắm tới, nó có thể
gây ảnh hưởng tiêu cực. Như một công cụ mạnh khác, miễn phí phải được sử dụng cẩn
thận bằng không thì lợi bất cập hại.
Phương
trình thời gian / tiền bạc
Tại một thời điểm
nào đó trong đời, bạn có thể tỉnh dậy và nhận ra rằng bạn có nhiều tiền hơn thời
gian, rồi bạn cũng nhận ra rằng mình cần bắt đầu làm khác đi. Bạn trả tiền cho
thứ gì đó để giảm bớt rủi ro vì giá cả đi liền với đảm bảo, trong khi miễn phí
thì không.
Miễn phí lại có
tác dụng tuyệt vời khi đi cùng với trả tiền. Nó có chỗ cho những tâm lý thay đổi
của những khách hàng khác nhau, từ những người có nhiều tiền hơn thời gian cho
đến những người nhiều thời gian hơn tiền bạc.
Đầu
óc vi phạm bản quyền
Vi phạm bản quyền
là một hình thức trộm cắp đặc biệt, thường bị những kẻ vi phạm cũng như những
người tiêu thụ hàng hóa vi phạm bản quyền coi hành vi vi phạm nhưng không có nạn
nhân.
Lập luận của họ
là hàng hóa vi phạm hiếm khi thay thế được hàng hóa hợp pháp. Thay vào đó, nó
cho phép sản phẩm tiếp cận với những người không đủ tiền mua hàng hợp pháp hoặc
có tiền nhưng không chịu mua hàng hóa hợp pháp.
Cliff Harris tạo
ra các trò chơi điện tử với mức giá 20 dollar nhưng lập tức các trò chơi của
ông vi phạm bản quyền. Ông nghiên cứu, tìm hiểu và nhận ra rằng, người sử dụng
đánh giá sản phẩm của ông thấp hơn ông tưởng, ông nghĩ mọi nỗ lực đảo ngược vấn
đề là vô ích. Harris giảm giá các trò chơi của mình còn một nửa, nâng cao chất
lượng trò chơi, làm gian hàng trên mạng của mình dễ sử dụng hơn để cạnh tranh với
miễn phí.
MIỄN PHÍ KỸ THUẬT
SỐ
Quá
rẻ nên chẳng đáng quan tâm
Vào năm 1954,
Lewis Strauss dự đoán những điều vĩ đại sẽ đến: bệnh tật sẽ bị khuất phục, con
người di chuyển vượt đại dương, du hành trên không với vận tốc khổng lồ, chúng
ta sẽ dùng điện với giá rất rẻ đến nỗi không phải mất công đo đếm… sẽ thay đổi
thế giới .
Và thực sự khi
khoa học và kỹ thuật bùng nổ sau chiến tranh, kinh tế tăng trưởng với mức độ
chưa từng thấy, nhưng điện năng thì không rẻ đến mức có thể bỏ qua không cần đo
đếm. Ngày nay có 3 công nghệ khác cũng có ý nghĩa đối với nền kinh tế với mức độ
tương đương điện năng, đó năng lực xử lý của máy tính, lưu trữ kỹ thuật số và
băng thông. Cả ba đang ngày càng rẻ đến nỗi người ta không phải bận tâm.
Đón
rẻ
Khi chi phí mặt
hàng bạn sản xuất giảm đều đặn, bạn có thể áp dụng cơ chế giá mà thoạt nhìn có
thể coi là điên rồ. Thay vì bán nó với mức phí ngày hôm nay, bạn có thể bán nó
với mức phí của ngày mai. Kevin Kelly gọi đó là “đón rẻ”. Chẳng hạn đầu thập
niên 1960, hãng Fairchild Semiconductor đang bán những con transistor đầu tiên
với mức giá 100 USD. Họ hiểu rằng sản lượng tăng chi phí sẽ giảm nhanh chóng, họ
dùng chiến thuật đi trước triển vọng giảm giá, họ đặt mục tiêu với mức giá 1,05
USD, sau đó 50 cent mà vẫn thu được lợi nhuận, họ bảo “chúng tôi bán vào tương
lai”.
Tại
sao định luật Moore phù hợp với thực tế?
Hầu hết các quy
trình sản xuất công nghiệp ngày càng cải thiện và diễn tiếp theo hiện ứng được
biết đến với tên gọi là đường học tập (Learning curve), nhưng chỉ các quy trình
đặt nền tảng trên chất bán dẫn là cải thiện nhanh hơn và duy trì lâu hơn. Về mặt
kinh tế, đầu vào của sản phẩm bán dẫn hầu như tuyệt đối là trí tuệ thay vì vật
chất. Ý tưởng là thứ hàng hóa thừa thãi sau cùng, có thể phát tán với mức chi
phí biên bằng không, ý tưởng tự nó muốn được truyền bá rộng rãi, làm sung túc
thêm cho mọi thứ khi nó chạm đến. Bản quyền được đặt ra như nỗ lực ngăn cản
dòng chảy tự nhiên của ý tưởng, nhưng rồi bằng phát minh sáng chế cũng hết hạn,
ý tưởng không thể che giấu mãi mãi.
Sản phẩm được tạo
ra từ ý tưởng thay vì từ vật chất rẻ đi nhanh chóng hơn. Đây là gốc rễ của sự
thừa thãi, điều dẫn tới miễn phí trong thế giới kỹ thuật số mà ngày nay chúng
ta nói ngắn gọn là định luật Moore.
Định
luật Mead
Gordon Moore
nói rằng: “Nếu năng lực của máy tính ở một mức giá nhất định tăng gấp đôi sau mỗi
hai năm, thì chi phí cho mỗi đơn vị năng lực tính toán phải giảm đi một nửa
trong cùng khoảng thời gian đó”. Giống như Moore, Mead thấy rằng việc năng lực
tăng gấp đôi sau mỗi mười tám tháng sẽ còn tiếp tục lâu dài vì nó được dẫn dắt
bởi đường học hỏi và đường kinh nghiệm mà ông gọi là “đường kinh nghiệm kép”.
Điều mà Mead nhận ra là hiệu ứng kinh tế này mang theo nó một mệnh lệnh tinh thần.
Nếu Transistor đã trở nên quá rẻ, ông bảo các lập trình viên hãy phí phạm nó
đi.
Con
chuột cất tiếng rống
Kỹ sư Alan Kay
phát triển một mẫu máy tính - Dynabook - có thể tận dụng các mạch silicon làm
những chuyện vui vẻ trên màn hình như vẽ, định hướng con trỏ bằng chuột… Điều
Kay nhận ra là làm cho công nghệ thật rẻ, dễ sử dụng và phổ biến để ai cũng có
thể dùng được, để rồi nó có mặt khắp thế giới. Nhờ phí phạm transistor như vậy
mà thế giới đã thay đổi.
Sắt
và kính
Câu chuyện về
chất bán dẫn đã trở thành huyền thoại của nền kinh tế kỹ thuật số. Sự thật là
hai công nghệ có liên quan là không gian lưu trữ và băng thông đã vượt qua nó trong
cuộc đua xuống đáy. Chiếc đĩa lưu trữ làm bằng sắt có thể giữ được từ trường mạnh,
và ngành khoa học trung tâm ở đây là quang học. Tuy nhiên, tỷ lệ chất xám trên
vật chất là mức cao, do đó các sáng kiến đổi mới thường xuất hiện để tái khởi động
chu kỳ cải tiến kỹ thuật.
Điều
thừa thãi có thể tạo ra
Băng thông rẻ đến
mức không phải bận tâm nữa mang lại cho chúng ta Youtube. Nó nhanh chóng cách mạng
hóa ngành truyền thông. Không gian lưu trữ rẻ đến mức không còn đo đếm đã mang
đến cho chúng ta Gmail với dung lượng hộp thư không giới hạn, chưa nói đến
Tivo, Flicks, Myspace và Ipod. Apple gia tăng dung lượng của đĩa cứng mà vẫn giữ
nguyên giá và tốc độ nhanh hơn cho nhu cầu lưu trữ âm nhạc. Toshiba sẽ sớm sản
xuất loại đĩa cứng cỡ 1,8inch lưu trữ được 5 gigabyte.
Giờ thì sự kết
hợp cả ba công nghệ - xử lý, lưu trữ và băng thông - đã tạo ra web, sự thừa
thãi đã nhân gấp bội.
“THÔNG TIN MUỐN
TRỞ THÀNH MIỄN PHÍ”
Lịch sử một
tuyên ngôn của thời đại số Steven Levy liệt kê bảy “triết lý của hacker”:
1. Việc tiếp cận
với máy tính - và mọi thứ có thể dạy bạn chút gì đó về cách thức vận hành của
thế giới - là không hạn chế và toàn diện.
2. Luôn luôn
tuân theo niềm thôi thúc tự mình làm lấy!
3. Mọi thông
tin cần được tự do.
4. Nghi ngờ quyền
lực - cổ vũ cho phân quyền.
5. Đánh giá một
hacker dựa trên khả năng thâm nhập như bằng cấp, tuổi tác, chủng tộc hoặc địa vị.
6. Chúng ta có
thể tạo ra nghệ thuật và cái đẹp từ một chiếc máy tính.
7. Máy tính có
thể làm cuộc đời ta tốt đẹp hơn.
CẠNH TRANH VỚI
MIỄN PHÍ
Ngày 3/3/1975,
Bill Gates của Microsoft viết “Thư ngỏ gửi những kẻ đánh cắp phần mềm”. Ông cảnh
báo nếu việc này còn tiếp diễn, ông sẽ không thể viết phần mềm mới và mọi người
sẽ cùng chịu thiệt.
Nhưng việc sao
chép bất hợp pháp không bao giờ biến mất hoàn toàn, khi phần mềm chuyển từ các
đĩa mềm khó sao chép sang CD, việc sao chép bất hợp pháp bùng nổ. Microsoft
thêm mã an ninh trên gói sản phẩm với tem có hình ảnh ba chiều, kiện tụng,
tuyên truyền đánh động, ngoại giao. Nhưng tình hình vẫn không thể kiểm soát nổi,
nhất là ở các nước đang phát triển. Gates nói: “Dù sao thì một ngày nào đó họ sẽ
trả, và khi họ còn ăn cắp thì chúng tôi muốn họ ăn cắp phần mềm của mình, họ sẽ
trở nên nghiện và rồi chúng tôi sẽ tìm ra cách nào đó thu tiền vào thập kỷ tới”.
Dùng
thử miễn phí
Trong thập niên
1990, các đối thủ cạnh tranh với Microsoft như WordPerfect office và Lotus
Smartsuite chỉ yêu cầu các nhà sản xuất máy tính cá nhân phải trả một mức phí rất
thấp để phần mềm của họ được đóng gói bán chung với máy tính mới. Gates quyết định
đáp trả. Microsoft phát triển phiên bản giảm bớt tính năng của bộ office, được
gọi là Microsoft works, và chỉ thu 10 dollar từ nhà sản xuất máy tính để bán
kèm với bộ máy tính mới. Mức giá này cạnh tranh có hiệu quả, bởi vì works tương
thích về định dạng file với bộ office đầy đủ, đây là cách để giữ người tiêu
dùng trong phạm vi ảnh hưởng của Microsoftt. Công ty nhanh chóng phát triển
trình duyệt miễn phí của riêng mình, internet explorer và gộp nó vào cùng mọi
phiên bản hệ điều hành của công ty. Chiến lược này đã đạt kết quả mong muốn.
Các viên chức chống độc quyền đã tố cáo công ty đã “trói” một sản phẩm miễn phí
vào một sản phẩm mới trả tiền. Microsoft đã phải trả giá bằng hàng thập kỷ bị
kiện cáo độc quyền và phải nộp phạt bởi hành vi chống lại tự do cạnh tranh.
Cuộc
tấn công của chim cánh cụt
Lim Torvalds thực
hiện một dự án khiêm tốn để tạo ra một biến thể đơn giản của hệ điều hành Unix
mà ông gọi là Linux. Nhờ có mã lệnh tốt, tính cách lôi cuốn và kỹ năng tổ chức
của người đứng đầu và quan trọng nhất là web đã trở thành phương tiện cho hợp
tác toàn cầu, Linux đã cất cánh.
Từ cuối những
năm 1990, trong nội bộ Microsofl thì Linux chỉ được coi như thêm một con muỗi
quấy rầy nữa, không nghiêm trọng đến mức phải điều chỉnh chiến lược. Tại sao
Microsofl phải mất rất nhiều thời gian mới nhận ra mối đe dọa? Năm giai đoạn
đau đớn được Elisabeth Kybles-Ross kể như sau:
Giai
đoạn 1: Chối bỏ
Microsoft làm
gì trong thập kỷ đầu tiên của Linux? Chủ yếu là hy vọng hệ điều hành miễn phí
này sẽ biến mất như hầu hết các phần mềm miễn phí trước đó. Microsoft thấy bối
rối là tại sao khách hàng lại muốn dùng phần mềm miễn phí và rước mọi rắc rối
đi cùng sản phẩm đó? Những người điều hành Microsoft coi nguồn mở chỉ là một thứ
bị thổi phồng quá đáng. Các dự án phức tạp trong tương lai sẽ đòi hỏi các nhóm
lớn và vốn đầu tư lớn mà đối thủ sẽ không thể nào thích hợp.
Giai
đoạn 2: Tức giận
Microsoft quyết
định lấy kinh tế làm chiến lược tấn công. Chi phí thực sự của phần mềm không phải
là giá mua mà là chi phí duy trì. Microsoft công bố tài liệu “Năm chuyện hoang
đường của Linux”, liệt kê những khuyết điểm kỹ thuật, tính năng, miễn phí thì
không thực sự miễn phí, các nhà quản trị hệ thống Linux phải bỏ rất nhiều thời
gian để hiểu những lỗi kỹ thuật đó. Tuy nhiên, những cáo buộc của Microsoft
không có tác dụng. Giám đốc quan hệ công chúng tuyệt vọng: “Chúng ta phải phản ứng
có hiệu quả hơn trước những thông tin báo chí về việc chính phủ và các tổ chức
lớn đang xem xét các lựa chọn (nguồn mở) khác thay vì sản phẩm của chúng ta…”.
Giai
đoạn 3: Mặc cả
Đến thời điểm của
Linux world 2002, Microsoft đã rõ là họ cần có một chiến lược mới. Một cán bộ của
Microsoft phát biểu: “Như thực tế trong quá khứ, mọi thứ chúng tôi nói chỉ đào
huyệt chôn mình sâu hơn…”. Tại Linux world, các đại diện của Microsoft mặc áo
có dòng chữ “Hãy đối thoại”.
Giai
đoạn 4: Suy sụp
Năm 2003, họ
thuê Bill Hilf, người từng điều hành chiến lược Linux thành công của IBM. Khi
nói chuyện với các kỹ sư, Hilf nhận ra: “Rõ ràng là họ chẳng biết gì về nguyên
lý vận hành nguồn mở, có một sự hiểu nhầm khủng khiếp - họ chỉ thấy nó như một
đe dọa”.
Hilf muốn xây dựng
một phòng thí nghiệm nguồn mở tại Microsoft, nó bị coi như một cơ sở có nguy cơ
rủi ro sinh học. Những ai làm việc với nguồn mở không thể làm việc trong bất kỳ
dự án nào khác của Microsoft.
Giai
đoạn 5: Chấp nhận
Phòng thí nghiệm
của Hilf hoạt động. Điều gì đã thay đổi? Đó là tính thực tế của cấp lãnh đạo,
Gates và Ballmer. Đã đến lúc Microsoft phải thích nghi đảm bảo rằng phần mềm của
họ chạy được với nguồn mở và ngược lại.
Thị trường đã
quyết định rằng, có chỗ cho cả ba mô hình: hoàn toàn miễn phí, miễn phí phần mềm
nhưng phải trả tiền cho hỗ trợ, và trả tiền cho mọi thứ.
Yahoo
đấu với Google
Yahoo là nhà
cung cấp dịch vụ thư điện tử trên web lớn nhất, với khoảng 125 triệu người sử dụng.
Đó là một công việc béo bở.
Ngày 1/4/2004,
Google thông báo về một dịch vụ thư điện tử mới trên web gọi là Gmail với dung
lượng lưu trữ 1 Gigabyte miễn phí - gấp 100 lần con số của Yahoo. Google chưa
có khách hàng dùng thư điện tử, nên họ đề xuất dịch vụ với dung lượng lớn như vậy
thì chỉ cần vài máy chủ có thể chăm lo được cho vài ngàn khách hàng đầu tiên.
Muốn giữ vị trí
hàng đầu, Yahoo phải đưa ra đề nghị hấp dẫn hơn nữa. Đến năm 2007, Yahoo tung hết
chiêu, công bố không giới hạn hộp thư điện tử miễn phí. Cuối cùng chiến lược đã
phát huy hiệu quả. Yahoo không mất đi thị phần quan trọng. Nhưng Google vẫn chưa
bó tay, họ chỉ mới bắt đầu cuộc đua.
LOẠI TIỀN RA KHỎI
CUỘC CHƠI
Google
và sự ra đời của một mô hình kinh tế thế kỷ XXI
Ngày nay,
Google có gần 100 sản phẩm từ phần mềm chỉnh sửa ảnh cho đến chương trình xử lý
văn bản và bảng tính, và hầu hết là miễn phí. Miễn phí thực sự, không thủ đoạn
gì hết. Google thực hiện theo cách mà bất kỳ công ty số hiện đại nào cũng nên
làm: cho không thật nhiều sản phẩm để kiếm tiền từ một số ít.
Google kiếm được
rất nhiều tiền từ quảng cáo trên một vài sản phẩm then chốt. Google luôn đặt
câu hỏi về chất lượng chứ không phải về tiền. Miễn phí không chỉ là một bước đệm
trên con đường đi đến một mô hình kinh doanh mà là cốt lõi trong triết lý sản
phẩm của công ty.
Năm 1999-2001,
Google phát minh ra cách tìm kiếm cho kết quả ngày càng tốt hơn. Cho phép khách
hàng “tự phục vụ” bằng cách tự tạo ra các quảng cáo thích hợp, tạo ra vô số sản
phẩm phục vụ, đưa ngày càng nhiều chức năng trước đây chạy trên máy để bàn lên
“đám mây” (cloud). Đó là trung tâm dữ liệu của Google - một tòa nhà khổng lồ với
hàng chục ngàn bảng mạch công nghệ kết hợp lại - xử lý, băng thông và lưu trữ.
Ngày nay, ước tính Google có khoảng nửa triệu máy chủ trải trên hơn 36 trung
tâm dữ liệu.
Chiến
lược tối đa
Tại sao Google
coi miễn phí là mặc định? Bởi vì, đó là cách tốt nhất để tiếp cận một thị trường
lớn nhất có thể và được số đông chấp nhận. Schmidt gọi đó là “chiến lược tối
đa” của Google.
Mỗi bài viết
trên blog xuất hiện là chương trình quét của Google sẽ tạo chỉ mục để giúp
Google xuất ra kết quả tìm kiếm tốt hơn. Đại đa số nhân viên của Google đang
trăn trở tìm ra những sản phẩm mới để cho đi.
Google muốn
thông tin được tự do bởi vì khi chi phí cho thông tin giảm xuống thì họ kiếm được
nhiều tiền hơn.
CÁC MÔ HÌNH
TRUYỀN THÔNG MỚI
Năm 1925 - buổi
bình minh của ngành kinh doanh radio cho mục đích thương mại - là khởi đầu của
văn hóa đại chúng thế kỷ XX. Chỉ có một vấn đề: không ai biết trả tiền cho những
nội dung đó bằng cách nào, hoặc do những nhà sản xuất máy thu sóng radio trả tiền,
hoặc khán thính giả phải đóng thuế hàng năm cho radio và TV họ sử dụng. Đã có một
số gợi ý là quảng cáo là giải pháp.
Một vài thập kỷ
sau, cả truyền thanh và truyền hình đều có những chương trình không thu phí và
được tài trợ nhờ quảng cáo.
Quảng
cáo vượt lên trên các phương tiện
Khi hình thành
các trang báo in, chúng tôi không để những mẫu quảng cáo gần nội dung biên tập
để tránh những xung đột tai hại giữa các câu chuyện hoặc yếu tố nghệ thuật,
chúng tôi còn phải xây dựng lòng tin nơi độc giả. Google làm chính điều ngược lại,
thành công của Google nhờ ở chỗ nó kết hợp quảng cáo với nội dung. Điều đó rõ
ràng là bản chất của quảng cáo là khác biệt trên môi trường trực tuyến.
Đoạn
kết của nội dung phải trả tiền
Mạng băng thông
rộng là dạng “phát sóng” mới và các mạng truyền hình cáp giá cao giam hãm người
xem ngày nay dường như đang tàn lụi. Đó là do thị hiếu của thế hệ mới và do xu
thế công nghệ. Lý do dẫn đến việc giới kinh doanh chuyển sang mô hình miễn phí
là:
1. Cung và cầu
(cung tăng rất nhiều lần mà cầu thì không, số trang của Faceboook tăng nhiều
hơn số trang của Times và chúng được tạo ra không hề với ý định thu tiền người
đọc).
2. Không còn dạng
cụ thể nữa.
3. Tiếp cận dễ
dàng.
4. Bước chuyển
sang nội dung do quảng cáo trả tiền.
5. Ngành kỹ nghệ
máy tính mong muốn nội dung trở nên miễn phí.
6. Thế hệ miễn
phí.
Đó là lý do tại
sao các mô hình tài trợ bằng quảng cáo chiến thắng trong môi trường trực tuyến
và là nguyên nhân làm chúng tiếp tục chiến thắng.
Chiến
thắng của mô hình phương tiện truyền thống
Chúng ta coi “thông
tin truyền thống” bao gồm phát thanh, truyền hình, tạp chí, báo và các trang
web. Cách tốt nhất đo lường ảnh hưởng của nó đối với xã hội là thông qua thời
gian người ta dành cho nó. Đo theo cách này, ít loại nào có thể sánh được với
trò chơi trực tuyến.
Các
loại hình thành công nhất:
1. Bán các món
đồ ảo
2. Đăng ký
thành viên
3. Quảng cáo
4. Bất động sản
ảo
5. Hàng lưu niệm.
Sách
miễn phí
Cũng giống như
mọi thứ áp dụng mô hình miễn phí khác. Sách miễn phí không phải là không gây
tranh cãi. Nhưng thị trường cho sách kỹ thuật số - sách nói, ebook và bản tải
xuống từ web - đang phát triển nhanh chóng, phần nhiều để thỏa mãn nhu cầu mà
sách in không làm được.
Đối với những
sách về đề tài kinh doanh, sách miễn phí thường theo mô hình như nhạc miễn phí
có tác dụng như tiếp thị cho bài nói chuyện hoặc phiên tư vấn với chi phí cao.
QUI MÔ CỦA NỀN
KINH TẾ MIỄN PHÍ
Miễn
phí đâu phải là tiền bạc
Bỏ qua việc sử
dụng miễn phí như một mẹo tiếp thị, miễn phí bao trùm toàn bộ nền kinh tế. Hãy
điểm qua một vài dạng miễn phí: Toàn bộ nội dung và dịch vụ trực tuyến và phi
trực tuyến có quảng cáo tài trợ tại Hoa Kỳ ước từ 80 đến 100 tỷ dollar; loại
hình một vài khách hàng có trả tiền trợ giá cho khách hàng miễn phí ước khoảng
800 triệu dollar vào 2008; thị trường trò chơi không thường xuyên có giá trị
khoảng 3 tỷ dollar; nền kinh tế quà tặng không thể ước lượng giá chính xác...
Tóm lại, miễn phí của một nền kinh tế quốc gia không hề nhỏ.
KINH
TẾ HỌC MIỄN PHÍ VÀ THẾ GIỚI MIỄN PHÍ
Econ
000
Năm 1838,
Antoine Cournot xuất bản quyền Rechers. Trong đó nói rằng, nếu một nhà máy sản
xuất đĩa và một công ty khác cũng muốn mở ra nhà máy sản xuất đĩa thì hai công
ty này sẽ điều chỉnh sản lượng để giữ giá bán càng cao càng tốt. Quyển sách của
ông không được đánh giá cao.
Sau này
Bertrand nhận định khác hơn, thay vì hạn chế sản lượng để tăng giá và lợi nhuận,
các công ty sẽ giảm giá để tăng thị phần. Bertrand nói: “Trong một thị trường cạnh
tranh, giá sẽ giảm xuống bằng với chi phí biên”.
Sau này các nhà
kinh tế học mới kết luận rằng: các thị trường thừa thãi có thể dễ dàng tăng sản
lượng, giá cả thường xuống bằng chi phí biên.
Nếu qui luật là
“giá giảm xuống mức chi phí biên" thì miễn phí không còn là một phương án,
nó là điều kết thúc không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, yếu tố quyết định giá cả
không phải chỉ là chi phí biên mà là lợi ích biên”.
Độc
quyền không còn như xưa nữa
Mô hình của
Bertrand chỉ nhắm tới chi phí vật chất. Trong ngành sản xuất phần mềm và nhiều
ngành khác nữa, giá trị của sản phẩm hầu hết nằm ở mặt trí tuệ và ngành công
nghiệp này hưởng lợi từ cái gọi là “lợi nhuận gia tăng”. Chiến lược bóp chết cạnh
tranh không còn hiệu quả như trước nữa, tệ sao chép đã trở nên phổ biến. Ở bất
kỳ thị trường nào thì miễn phí luôn là điều hấp dẫn, nhưng kiếm được tiền từ miễn
phí là vấn đề của tư duy, sáng tạo và thử nghiệm liên tục.
Miễn
phí chỉ là một phiên bản khác
Ý tưởng cơ bản
đằng sau việc tạo ra các phiên bản là bán sản phẩm giống nhau cho khách hàng
khác nhau ở các mức giá khác nhau. Vào giờ vàng, người ta bán bia với giá rẻ hy
vọng rằng một số khách hàng sẽ ngồi lại và tiếp tục uống khi bia được bán với
giá bình thường.
Những
kẻ bám càng không còn là mối bận tâm
Nếu hỏi liệu
Wikipedia có sống sót được không? Người ta sẽ trả lời: “Không được, vì không có
lợi nhuận. Ai cũng muốn hưởng mà không phải đóng góp. Họ sẽ dùng nếu nó có, những
sẽ không ai tạo ra nó bởi vì vấn đề bám càng (xài chùa)”.
Trong môi trường
trực tuyến, chỉ cần 1% người tham gia đóng góp, số đông người tiêu dùng thụ động
chính là phần thưởng cho những người đóng góp, chứ không còn là vấn nạn. Số lượng
độc giả khổng lồ là một trong những điều có sức thuyết phục nhất để một người
quyết định trở thành biên tập viên cho Wikipedia.
CÁC KHU VỰC
KINH TẾ PHI THỊ TRƯỜNG
“Mọi sự thừa
thãi đều tạo ra một khan hiếm mới”. Chúng ta có khuynh hướng coi trọng những thứ
chúng ta không thật dồi dào. Nhưng khát vọng của loài người sẽ ra sao nếu có thật
nhiều bánh mì và dạ dày của hắn luôn được chèn chặt? Câu trả lời là “lập tức
các nhu cầu khác (cao hơn) xuất hiện và chúng chế ngự cơ thể thay cho những cơn
đói sinh lý”.
Một khi nỗi
khát khao thông tin và giải trí cơ bản đã được thỏa mãn, người tiêu dùng thụ động
biến thành người sản xuất chủ động.
Trong môi trường
trực tuyến, sản phẩm được mã hóa thành phần mềm, mời gọi sử dụng miễn phí thì
tiền bạc không còn là tín hiệu quan trọng nhất nữa. Thay vào đó, hai yếu tố phi
tiền tệ nổi lên thế chỗ là “nền kinh tế của sự quan tâm” và “nền kinh tế của
danh tiếng”. Điều gì định nghĩa một “nền kinh tế”? Khái niệm dùng hiện nay là
“khoa học về lựa chọn trong điều kiện khan hiếm”.
Ngày nay khi bạn
kết nối với ai đó qua blog của mình thực tế bạn đã cho họ một ít danh tiếng của
mình, sự chuyển giao danh tiếng này làm hai bên giàu có hơn. Có một thị trường
danh tiếng thực sự - đó là Google. Đơn vị tiền tệ của danh tiếng trên môi trường
trực tuyến chính là số lượng kết nối đến trang web. Và còn gì đo lường mức độ
quan tâm tốt hơn là chỉ số về độ tấp nập của web?
Nền
kinh tế quà tặng
Kinh tế quà tặng
trở nên sống động và có thể đo đếm được khi nó xuất hiện trên môi trường trực
tuyến dưới hình thức các hành vi, điều ta làm cho người khác mà không yêu cầu
được đền đáp. Nguyên nhân không hẳn do bản tính vị tha. Lòng vị kỷ được thấu
triệt là động lực mạnh mẽ nhất của nhân loại. Người ta làm việc miễn phí có thể
vì nhiều lý do: cho vui, có điều gì đó cần thể hiện, muốn được người khác quan
tâm, để phát triển cá nhân, vì cộng đồng. Nghĩa là khi người ta cảm thấy là một
phần của cộng đồng và muốn cống hiến cho sự tồn tại và phát triển của nó.
(ĐÔI KHI) LÃNG
PHÍ LÀ HAY
Khi
tự nhiên phung phí sự sống
Bộ não chúng ta
dường như được lập trình để cưỡng lại lãng phí. Chúng ta quan tâm bảo vệ từng hậu
duệ của mình, chúng ta áy náy với một món đồ chơi không thích hoặc thức ăn
không dùng hết.
Tuy nhiên, phần
còn lại của tự nhiên không như vậy. Một con cá ngừ đại dương có thể phát tán mười
triệu trứng đã thụ tinh trong mùa đẻ trứng, có lẽ chỉ mười con sống đến lúc trưởng
thành. Một triệu con chết mới có một con sống. Thiên nhiên phí phạm sự sống để
có cuộc sống tốt hơn. Nguyên nhân tự nhiên lãng phí như vậy là vì chiến lược
tàn sát là cách tốt nhất để làm điều mà các nhà toán học gọi là “khảo sát toàn
bộ không gian tiềm năng”. Đó là cách chấp nhận lãng phí. Vứt đi quá nhiều có vẻ
không hay, thậm chí quái lạ, nhưng đó là cách thích hợp để tận dụng sự thừa
thãi.
Video
về mèo cũng có chỗ của nó
Người ta thường
kêu ca rằng Youtube không phải là mối đe dọa đối với truyền hình vì trên đó
toàn những thứ “rác rưởi”. Rác rưởi hay không là trong con mắt của người xem. Tất
cả các đoạn phim ngẫu nhiên trên Youtube chính là các hạt của hoa bồ công anh
bay trong không gian và tìm kiếm một mảnh đất màu mỡ để đáp xuống. Theo cách
nhìn đó, chúng ta đang “phung phí video” để tìm ra đoạn video tốt hơn, khám phá
cái không gian tiềm tàng trong phim ảnh. Điều này dẫn đến sự khác biệt giữa lối
tư duy về thừa thãi và khan hiếm.
Quản
lý sự khan hiếm
Mô hình Youtube
là hoàn toàn miễn phí, nhưng nó không làm ra tiền. Huhu thì cho xem miễn phí và
bạn phải trả giá theo cách cổ điển khi xem các đoạn quảng cáo, dù bạn muốn hay
không. Tuy nhiên, nó lại tạo ra doanh thu khá. Hai trường hợp này minh họa sự đối
đầu giữa các mô hình miễn phí thực sự trăm phần trăm, nhưng chút khan hiếm giả
tạo lại là cách làm ra tiền tốt nhất.
THẾ
GIỚI MIỄN PHÍ
Trung
Quốc là chốn miễn phí tung hoành
Trung Quốc là
nơi vấn đề vi phạm tác quyền thắng thế. Hàng năm qua, các cuộc truy quét thiếu
nhiệt tình dưới sức ép ngoại giao của phương Tây không có một ảnh hưởng nào rõ
rệt đối với những người bán hàng trên phố hay một số trang web. Ở Trung Quốc, bạn
có thể có được hầu hết những thứ mình muốn mà chẳng mất tiền.
Thay vì chống lại
nạn vi phạm tác quyền, thế hệ nhạc sĩ mới của Trung Quốc chấp nhận nó, vi phạm
tác quyền là hình thức tiếp thị miễn phí, nhờ nó mà họ nổi tiếng và họ chuyển sự
nổi tiếng thành tiền thế nào tùy ý. Sản phẩm vi phạm tác quyền ước tính chiếm đến
95% mức tiêu thụ ở Trung Quốc.
Nền
kinh tế của nước hoa Chanel nhái
Hàng nhái và vô
số đồ công nghệ giả liệu nhan nhản trong các cửa hàng, đường phố Trung Quốc.
Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ được miễn phí, bạn chỉ phải trả tiền (rất rẻ) cho
các nguyên tử vật chất. Gốc rễ và hậu quả của việc vi phạm tác quyền lại sâu sắc
hơn vẻ bề ngoài. Cái túi Gucci nhái vẫn thể hiện như một túi Gucci thật và nó
hiện diện khắp nơi. Hệ quả có hai mặt: “tác động thay thế” - tiêu cực và “tác động
kích thích” - tích cực. Người tiêu dùng hiểu rõ sự khác biệt giữa hàng thật và
hàng nhái, và sẽ chọn hàng thật khi họ đủ tiền. Một phụ nữ trẻ nhận định: “Nếu
bạn mặc thật nhiều hàng nhái hoặc có nhiều túi xách hàng giả, những người bạn của
bạn sẽ biết, do đó bạn chẳng lừa được ai cả. Thế thì mua hàng thật còn hơn”.
Vi phạm tác quyền
không hủy diệt thị trường, nó kích thích thị trường bùng nổ phục vụ làn sóng
người tiêu dùng trung lưu đang xuất hiện. Hai sản phẩm, thật và giả, đơn giản
là nhằm vào các phân khúc thị trường khác nhau.
Quyền
lực của những người bán rong Brazil
Giống như ở
Trung Quốc, trên các đường phố Brazil, những người bán hàng rong giới thiệu những
đĩa CD không phải là hàng chính thức của một hãng đĩa nổi tiếng nào mà là những
sản phẩm do nhóm họ sản xuất, tuy nhiên, lại hợp pháp.
Khi có buổi biểu
diễn của một ca sĩ hoặc ban nhạc nổi tiếng nào đó đến địa phương, thì những người
bán hàng rong là nhóm tiền trạm, tiếp thị, tổ chức, quảng cáo đầu tiên. Họ ghi
hình, sản xuất đĩa CD, DVD bán ngay tại chỗ. Chín mươi phần trăm số ban nhạc
không có hợp đồng ghi âm và cũng không đầu quân cho nhãn đĩa nào cả, họ không cần
điều đó. Cho người khác nhạc của mình miễn phí tạo ra một ngành kinh doanh lớn
đến mức mô hình thu phí không thể nào đạt được.
HÌNH DUNG VỀ THỪA
THÃI
Mọi tác giả tiểu
thuyết khoa học viễn tưởng đều biết luật bất thành văn: bạn chỉ có thể phá vỡ
những định luật vật lý một hoặc hai lần trong mỗi câu chuyện. Triết thuyết khoa
học viễn tưởng là thứ mà nhà văn Clive Thompson gọi là “cứ điểm cuối cùng của
triết lý”. Tình yêu sẽ thay đổi ra sao nếu chúng ta sống đến 500 tuổi? Nếu
chúng ta có thể du hành trở về quá khứ để đảo ngược những quyết định trước đây,
bạn có làm không? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đối đầu nói chuyện hoặc giết chết
Thượng đế? Khi máy móc làm hết mọi việc, điều gì là động lực của chúng ta? Khan
hiếm khi kết thúc sẽ làm chúng ta lười nhác, suy đồi, ngu ngốc và tầm thường.
Tôn giáo là
lĩnh vực có những ví dụ vĩ đại nhất về các tình thế cực đoan do thừa thãi hoặc
khan hiếm tạo ra. Thiên đường là hình ảnh tuyệt vời về thừa thãi: Thiên thần lướt
trên những đám mây mịn màng, chơi đàn hạc và không màng đến nhu cầu về vật chất;
người chết trở nên thanh khiết, huy hoàng và hoàn hảo; mọi khiếm khuyết về cơ
thể được rũ bỏ… Phải chăng kết cuộc không thể tránh khỏi là khi khan hiếm biến
mất thì động lực cũng bị triệt tiêu?
Về mặt kinh tế,
thừa thãi là động lực cho đổi mới và tăng trưởng. Nhưng về mặt tâm lý, khan hiếm
chính là thứ chúng ta thực sự thấu hiểu.
TIỀN NÀO CỦA NẤY
Những
nghi ngờ về miễn phí
Mười bốn điều
phản bác lại kinh tế dựa trên miễn phí thường nghe nhất:
1. Làm gì có bữa
trưa miễn phí: Quan niệm này khẳng định một cá nhân hay một xã hội không thể nhận
được thứ gì đó mà không phải trả tiền. Kinh tế học ít nhất ở dạng lý tưởng,
tuân theo qui luật bảo toàn vật chất: có vào thì phải có ra.
2. Miễn phí
luôn đi kèm với những chi phí ẩn/miễn phí là một trò lừa đảo. Miễn phí đôi khi
có ràng buộc. Hình ảnh quảng cáo làm trong web trở nên bừa bộn, chúng ta bị mồi
chài rồi trở thành khách hàng trả tiền. Thực tế: Miễn phí của thế kỷ XXI cũng tốt
như thu phí, hoặc tốt hơn nữa: không lừa, không bẫy, không ràng buộc.
3. Internet
không thực sự là miễn phí vì bạn phải trả phí truy cập. Đây là một nhầm lẫn phổ
biến. Hàng tháng chúng ta phải trả một món tiền để truy cập internet. Thực tế,
số tiền này trả cho hạ tầng truyền dẫn, nó chẳng liên quan gì đến những thứ được
truyền đi trên hạ tầng đó.
4. Miễn phí chỉ
là trò quảng cáo. Thực tế: Thị trường phần mềm dùng thử miễn phí và trả phí để
dùng phiên bản hoàn chỉnh đã tồn tại hàng thập kỷ, không dựa vào quảng cáo.
5. Miễn phí
nghĩa là phải chịu quảng cáo nhiều hơn, cũng có nghĩa là tính riêng tư giảm xuống.
Thực tế, hầu hết các trang web do quảng cáo dẫn dắt đều có chính sách đảm bảo sự
riêng tư, ngăn cấm chuyển thông tin về người sử dụng cho người đăng quảng cáo.
6. Không chi
phí = vô giá trị. Người ta cho rằng tiền là cách duy nhất đo lường giá trị.
Nhưng người ta dựng trang web chủ yếu dựa trên hai đơn vị phi tiền tệ là sự
quan tâm và danh tiếng. Cả hai có được là nhờ các nội dung và dịch vụ miễn phí.
7. Miễn phí hủy
hoại cách tân. Người ta cho rằng miễn phí vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nên người
ta sẽ chẳng muốn sáng tạo nếu chẳng được gì. Giai đoạn bảo hộ sáng chế kéo dài
17 năm. Nhưng khi thời kỳ bảo hộ đã qua, sản phẩm trí tuệ đó trở thành thứ miễn
phí.
8. Đại dương cạn
kiệt, nhà vệ sinh công cộng tởm lợm và trái đất nóng lên là cái giá thực sự của
miễn phí. Trong thế giới của các bit thông tin, chi phí môi trường còn lâu mới
là vấn đề quan trọng. Hoang phí về năng lượng xử lý, lưu trữ và băng thông về
cơ bản sẽ qui về chi phí điện năng. Nhưng cuối cùng họ đã đặt các trung tâm dữ
liệu gần nguồn năng lượng mặt trời, phong điện và địa nhiệt năng để đảm bảo
không gây hậu quả môi trường như các nguyên tử vật chất phí phạm.
9. Miễn phí sẽ
khuyến khích chuyện vi phạm bản quyền. Ngược lại, chính vi phạm bản quyền thúc
đẩy miễn phí.
10. Miễn phí
nuôi dưỡng một thế hệ không trân trọng bất cứ điều gì. Thực tế, giới trẻ có thể
phân biệt được giữa thực và ảo, và chúng ứng xử khác biệt phù hợp trong từng
hoàn cảnh.
11. Không thể địch
lại miễn phí. Thực tế, chúng ta có thể dễ dàng cạnh tranh với miễn phí, đơn giản
là đưa ra được sản phẩm tốt hơn hay chí ít là khác biệt so với phiên bản miễn
phí.
12. Cho không sản
phẩm của mình mà chẳng kiếm được tiền. Trường hợp Paulo Coelho, ông đưa tác phẩm
nổi tiếng của mình lên dịch vụ trao đổi tập tin ngang hàng miễn phí như Bit
Torrent. Nhờ vậy ông bán được rất nhiều sách .
13. Miễn phí chỉ
tuyệt diệu nếu có ai đó đang trả tiền. Thực tế, người khác trả tiền, nhưng họ
trả tiền cho phiên bản cao cấp so với phiên bản bạn nhận được miễn phí.
14. Miễn phí hy
sinh chất lượng. Nếu nhà báo chuyên nghiệp chứng kiến công việc của mình biến mất
thì họ phải sáng tạo lại chính mình một cách mạnh mẽ hơn, từ đó có thể xuất hiện
nhiều nhà báo hơn chứ không phải ít đi vì khả năng tham gia làm báo đã mở rộng
ra ngoài. Báo chí chuyên nghiệp sẽ chia sẻ sân chơi với loại hình báo chí như
thú tiêu khiển.
KẾT
Năm 2001, thị
trường chứng khoán sụp đổ. Một vài năm sau thị trường hồi phục và chúng ta nhìn
lại, chúng ta ngạc nhiên phát hiện rằng trên thực tế không thể tìm thấy ảnh hưởng
của sự sụp đổ ấy đối với sự phát triển của internet, nó còn vẫn tiếp tục vươn rộng
giống hệt trước đây. Web vẫn có tầm quan trọng như dự báo của những người lạc
quan nhất. Chỉ có điều nó mất nhiều thời gian hơn để đạt được tới tầm vóc mà thị
trường chứng khoán tính toán. Từ góc nhìn của người tiêu dùng, miễn phí hấp dẫn
hơn nhiều trong một nền kinh tế đi xuống.
Miễn phí vẫn có
tác động lên tâm lý người dùng. Nhưng miễn phí không thôi chưa đủ. Nó cần phải
được song hành với “trả tiền”. Tương tự như con dao cạo miễn phí của King
Gillette chỉ có nghĩa kinh tế khi đi cùng với lưỡi dao đắt tiền. Các nhà kinh
doanh trên web ngày nay cũng phải tạo ra không chỉ sản phẩm người ta ưa chuộng
mà còn có cả sản phẩm người ta sẽ trả tiền để mua. Miễn phí có thể là mức giá tốt
nhất, nhưng nó không thể là mức giá duy nhất.
Người
tóm tắt: TRẦN PHÚ AN (nhuongquyenvietnam.com)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét