Chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979
Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia
Thời gian 17 tháng 2 – 18 tháng 3 năm 1979
Địa điểm Toàn tuyến biên giới phía bắc của Việt Nam.
Chiến tranh Việt Nam - Trung Quốc, 1979 hay thường được gọi là Chiến
tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt giữa
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nổ ra vào
ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc xua quân tấn công Việt Nam trên toàn
tuyến biên giới trên bộ giữa hai nước.
Chiến tranh biên giới
Việt - Trung xuất phát từ quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia và ý đồ
"dạy cho Việt Nam một bài học" của Đặng Tiểu Bình, kéo dài trong chừng
một tháng với thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả hai phía. Cuộc chiến
kết thúc khi Trung Quốc hoàn thành rút quân vào ngày 18 tháng 3 năm 1979, sau
khi chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn vùng
biên. Mục tiêu của Trung Quốc buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia không
thành, nhưng cuộc chiến để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và
quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Xung đột vũ trang tại biên giới còn tiếp diễn
thêm 10 năm. Hơn 13 năm sau, quan hệ ngoại giao Việt-Trung chính thức được bình
thường hóa.
Mục đích và mục tiêu của Trung Quốc
Tuyên bố chiến tranh
của Bắc Kinh nói rằng đây là cuộc chiến để quân Trung Quốc "phản
công" chống lại các khiêu khích của Việt Nam. Phát ngôn viên của Tân Hoa
xã nói: "Các lực lượng biên phòng Trung Quốc đã hành động khi tình hình trở
nên không thể chấp nhận được và không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi không muốn
một tấc đất nào của Việt Nam. Cái chúng tôi muốn là một đường biên giới ổn định
và hòa bình. Sau khi đánh trả các thế lực hiếu chiến đủ mức cần thiết, các lực
lượng biên phòng của chúng tôi sẽ quay lại bảo vệ chặt chẽ biên giới của tổ quốc."
Nhiều nhà sử học
phương Tây cho rằng cuộc chiến có những mục đích không rõ ràng, trong đó dễ thấy
nhất là mục đích trừng phạt Việt Nam vì đã lật đổ chế độ Khmer Đỏ tại Campuchia
- một đồng minh của Trung Quốc và là một trong những chế độ tàn bạo nhất của thế
kỉ 20. Về sau, một số nhà sử học suy đoán rằng cuộc chiến có vẻ là một phần
trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Đặng Tiểu Bình khi nó thể hiện rõ các
khiếm khuyết của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Những người khác cho rằng
Đặng Tiểu Bình gây ra chiến tranh để giữ cho quân đội bận rộn trong khi ông củng
cố quyền lực và loại bỏ các đối thủ cánh tả từ thời Mao Trạch Đông.
Theo Carl Thayer,
trong mắt Trung Quốc, Hà Nội đã vô ơn với Bắc Kinh: sau khi được giúp đỡ trong
cuộc chiến chống Mỹ thì quay sang bạc đãi cộng đồng người Hoa, quan hệ nồng ấm
với Liên Xô mà khi đó Trung Quốc coi là kẻ thù, rồi lại tấn công quân sự lật đổ
đồng minh Khmer Đỏ của Bắc Kinh. Trung Quốc muốn "dạy cho Việt Nam một bài
học" vì đã thách thức uy quyền và ảnh hưởng của Trung Quốc tại vùng Đông
Dương. Bên cạnh việc xâm lấn Việt Nam để "bình định vùng biên giới"
sau nhiều năm căng thẳng với các xung đột ngày càng nhiều, Trung Quốc phải hành
động để chứng tỏ uy tín của mình trong việc bảo vệ đồng minh Khmer Đỏ.
Đối với Việt Nam, cuộc
chiến là một phần trong kế hoạch bành trướng về phía Nam của Trung Quốc. Trước
khi có xung đột, Việt Nam đã đề phòng những kế hoạch tiến xuống Đông Dương (bao
gồm biển Đông). Trung Quốc đã viện trợ vũ khí, thuốc men và các nhu yếu phẩm
khác cho Campuchia và xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, đồng thời xúi giục Khmer Đỏ
tấn công Việt Nam. Sau khi khống chế Campuchia rồi sẽ dùng bàn đạp để phối hợp
với quân Trung Quốc ở phía Bắc làm thế gọng kìm bao vây, nếu cần sẽ tấn công để
buộc Việt Nam khuất phục. Theo phân tích của phía Việt Nam, mục tiêu chính của
Trung Quốc trong hành động quân sự lần này gồm:
- Nhanh chóng chiếm
đóng vùng biên giới Việt-Trung, đặc biệt là các thị xã trọng yếu gồm Lạng Sơn
(chốt chặn nối Quốc lộ 1A của Việt Nam với Trung Quốc), Cao Bằng và Lào Cai.
Vùng chiếm đóng dự kiến với bề sâu chừng vài chục km sẽ được Trung Quốc sử dụng
làm bàn đạp cho các cuộc tấn công vào sâu nội địa Việt Nam.
- Tiêu hao lực lượng
chủ lực và làm suy yếu khả năng phòng ngự phía Việt Nam bằng việc quét sạch các
đồn biên phòng, tiêu diệt một phần lực lượng quân địa phương và các đơn vị quân
độc lập khác của Việt Nam.
- Hủy diệt cơ sở hạ tầng
và nền kinh tế ở các vùng chiếm đóng để đưa nền kinh tế Việt Nam tới chỗ sụp đổ.
Tương quan lực lượng tham chiến
Để tấn công Việt Nam,
Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng
cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo
binh, phòng không. Lực lượng được huy động khoảng trên 30 vạn binh sĩ, 550 xe
tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn, chưa kể hơn 200 tàu chiến
của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay sẵn sàng phía sau. Tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh
Đại Quân khu Quảng Châu chỉ huy hướng tiến công vào đông bắc Việt Nam với trọng
điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng. Tướng
Dương Đắc Chí, tư lệnh Đại Quân khu Côn Minh đảm nhiệm hướng tây bắc với trọng
điểm là Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai). Đây là đợt huy động quân sự lớn nhất của
Trung Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên. Ngoài lực lượng quân chính qui, Trung
Quốc còn huy động hàng chục vạn dân công và lực lượng dân binh ở các tỉnh biên
giới để tải đồ tiếp tế, phục vụ, tải thương, hỗ trợ quân chính qui phục vụ cho
chiến dịch. Chỉ riêng tại Quảng Tây đã có đến 215.000 dân công được huy động. Về
phân phối lực lượng của Trung Quốc: hướng Lạng Sơn có quân đoàn 43, 54, 55; hướng
Cao Bằng có quân đoàn 41, 42, 50; hướng Hoàng Liên Sơn có quân đoàn 13, 14; hướng
Lai Châu có quân đoàn 11; hướng Quảng Ninh, Hà Tuyên (nay là Hà Giang) mỗi nơi
cũng có từ 1-2 sư đoàn.
Về phía Việt Nam, do
phần lớn các quân đoàn chính quy (3 trong số 4 quân đoàn) đang chiến đấu ở
Campuchia nên phòng thủ ở biên giới với Trung Quốc chỉ có một số sư đoàn chủ lực
quân khu (chủ yếu là tân binh) của Quân khu I và II cùng các đơn vị bộ đội địa
phương tỉnh, huyện, công an vũ trang (biên phòng) và dân quân tự vệ. Lực lượng
tinh nhuệ nhất của phía Việt Nam đóng ở biên giới Việt-Trung là Sư đoàn 3 (đóng
tại Lạng Sơn) và sư đoàn 316A (đóng tại Sa Pa), ngoài ra còn có các sư đoàn 346
ở Cao Bằng, 325B ở Quảng Ninh, 345 ở Lào Cai, 326 ở Phong Thổ, Lai Châu. Sư
đoàn 346 đóng tại Cao Bằng nhiều năm chủ yếu làm nhiệm vụ kinh tế, thời gian huấn
luyện sẵn sàng chiến đấu trở lại chưa nhiều. Lực lượng biên giới có khoảng
70.000 quân, sau được hai sư đoàn (327 và 337) từ tuyến sau lên Lạng Sơn tiếp
viện. Lực lượng độc lập gồm các trung đoàn 141, 147, 148, 197, trung đoàn pháo
binh 68, các trung đoàn quân địa phương 95, 121, 192, 254 và 741. Quân đoàn 1 vẫn
đóng quanh Hà Nội đề phòng Trung Quốc đổi ý tiến sâu vào trung châu. Ngày 27
tháng 2, Quân đoàn 2 là chủ lực của Bộ quốc phòng được lệnh cơ động về để bảo vệ
miền Bắc, đến ngày 5 tháng 3 bắt đầu triển khai trên hướng Lạng Sơn, nhưng chưa
kịp tham chiến thì Trung Quốc tuyên bố rút quân.
Thương vong và thiệt hại
Theo tướng Ngũ Tu Quyền
, phó tổng tư lệnh Quân giải phóng Trung Quốc, số quân Việt Nam bị chết và bị
thương là 50.000, trong khi con số tương ứng của Trung Quốc là 20.000. Theo nhà
sử học Gilles Férier thì có khoảng 25.000 lính Trung Quốc thiệt mạng và gần 500
xe bọc thép hoặc pháo bị phá hủy, con số này phía Việt Nam cũng là gần tương tự
nhưng thấp hơn một chút. Russell D. Howard cho rằng quân Trung Quốc thương vong
60.000 người, trong đó số chết là 26.000, một số nguồn khác cũng đồng ý với con
số thương vong ít nhất khoảng 50.000 của phía Trung Quốc. Nguồn của King Chen
nói rằng riêng tại các bệnh viện lớn ở Quảng Tây đã có ít nhất 30.000 thương
binh Trung Quốc. Tháng 4 năm 1979, Báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam ước lượng
tổng thương vong của quân Trung Quốc là 62.500 người. Phía Việt Nam có hàng
nghìn dân thường chết và bị thương, theo tạp chí Time thì có khoảng dưới 10.000
lính Việt Nam thiệt mạng (con số này phía Trung Quốc là trên 20.000). Phía
Trung Quốc bắt được khoảng 1.600 tù binh trong tổng số hơn 50.000 quân Việt Nam
tham chiến tại mặt trận Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Theo tuyên bố của Việt
Nam, kết quả chiến đấu của họ như sau:
- Mặt trận Lạng Sơn:
diệt 19.000 lính TQ, phá hủy 76 xe tăng, thiết giáp và 52 xe quân sự, 95 khẩu
pháo-cối và giàn phóng hoả tiễn, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn,
4 tiểu đoàn (có hơi khác biệt so với kí sự Sư đoàn Sao Vàng).
- Mặt trận Cao Bằng:
diệt 18.000 lính TQ, phá hủy 134 xe tăng, thiết giáp và 23 xe quân sự, tiêu diệt
và đánh thiệt hại nặng 7 tiểu đoàn.
- Mặt trận Hoàng Liên
Sơn (Lào Cai): diệt 11.500 lính TQ, phá hủy 66 xe tăng, thiết giáp và 189 xe
quân sự, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn.
- Mặt trận Quảng
Ninh, Lai Châu và Hà Tuyên: diệt 14.000 lính TQ, phá hủy 4 xe tăng, thiết giáp,
6 xe quân sự, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn.
Cuộc chiến cũng đã
gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế cho Việt Nam: các thị xã Lạng Sơn,
Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn, 320/320 xã, 735/904 trường
học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí
nghiệp, hầm mỏ và 80.000 ha hoa màu bị tàn phá, 400.000 gia súc bị giết và bị
cướp. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân bị mất nhà cửa, tài sản và phương
tiện sinh sống. Để nhận được tăng cường viện trợ từ phía Liên Xô, từ 27 tháng 3
năm 1979, Việt Nam quyết định cho tàu quân sự Liên Xô đóng ở cảng Cam Ranh.
Về phía Bắc Kinh, cuộc
chiến ngắn ngày đã tiêu tốn của nước này khoảng 1,3 tỷ USD và làm ảnh hưởng lớn
tới quá trình cải tổ kinh tế.
Về lâu dài, nó mở đầu
cho hơn 10 năm căng thẳng trong quan hệ và xung đột vũ trang dọc biên giới giữa
hai quốc gia, buộc Việt Nam phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự khổng
lồ dọc biên giới, gây hậu quả xấu đến nền kinh tế. Sinh hoạt và sản xuất của
người dân vùng biên giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiều cột mốc
biên giới cũng bị quân Trung Quốc phá hủy, gây khó khăn cho việc hoạch định
biên giới sau này.
Hậu chiến
Khi quân Trung Quốc
rút khỏi Việt Nam tháng 3 năm 1979, Trung Quốc tuyên bố họ không tham vọng dù
"chỉ một tấc đất lãnh thổ Việt Nam". Trên thực tế, quân Trung Quốc
chiếm đóng khoảng 60 km2 lãnh thổ có tranh chấp mà Việt Nam kiểm soát trước khi
chiến sự nổ ra. Tại một số nơi như khu vực quanh Hữu Nghị Quan gần Lạng Sơn,
quân Trung Quốc chiếm đóng các lãnh thổ không có giá trị quân sự nhưng có giá
trị biểu tượng quan trọng. Tại các nơi khác, quân Trung Quốc chiếm giữ các vị
trí chiến lược quân sự làm bàn đạp để từ đó có thể tiến đánh Việt Nam.
Việc Trung Quốc chiếm
đóng các lãnh thổ biên giới làm cho Việt Nam căm giận, và giữa hai phía nổ ra một
loạt trận giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát các khu vực đó. Xung đột biên
giới giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiếp diễn cho đến năm 1988, lên cao vào
các năm 1984-1985. Trong tháng 5-6 năm 1981, quân Trung Quốc mở cuộc tấn công
vào đồi 400 (mà Trung Quốc gọi là Pháp Tạp Sơn - 法卡山) ở huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, xa hơn
về phía tây, quân Trung Quốc cũng vượt biên giới đánh vào các vị trí quanh đồi
1688 ở tỉnh Hà Tuyên. Giao tranh diễn ra hết sức đẫm máu với hàng trăm người
thuộc cả hai bên thiệt mạng. Tới năm 1984, quân Trung Quốc lại dùng nhiều tiểu
đoàn mở các đợt tấn công lớn vào Lạng Sơn. Đặc biệt tại Hà Tuyên, trong tháng
4-tháng 7 năm 1984, quân Trung Quốc đánh vào dải đồi thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh
Hà Giang mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn. Quân Trung Quốc chiếm một số ngọn đồi
thuộc dải đồi này, giao tranh kéo dài dằng dai, nhưng không có nơi nào quân
Trung Quốc tiến sâu được hơn vào lãnh thổ Việt Nam quá 5 km, dù quân đông hơn
nhiều.
Cuộc chiến năm 1979
cho Trung Quốc thấy sự lạc hậu của vũ khí cũng như chiến thuật mà quân đội nước
này sử dụng, do đó, sau cuộc chiến là bắt đầu của một cuộc cải cách và hiện đại
hóa mạnh đối với Quân giải phóng Trung Quốc, ngày nay công cuộc hiện đại hóa
này vẫn tiếp tục. Ảnh hưởng trực tiếp có thể thấy là ngân sách dành cho quốc
phòng của Trung Quốc tăng từ 15% năm 1978 lên 18% năm 1979.
Quan hệ xấu với Trung
Quốc đã làm Việt Nam đã phải trả một cái giá rất đắt. Việc Trung Quốc duy trì
áp lực quân sự tại vùng biên giới trong suốt mười năm sau đó buộc Việt Nam cũng
phải duy trì lực lượng phòng thủ lớn ở biên giới và miền Bắc. Cùng với việc bị
sa lầy với chiến sự dai dẳng ở Campuchia mà Trung Quốc muốn kéo dài, Việt Nam bị
cô lập trong mười năm đó trên trường quốc tế. Nền kinh tế yếu kém và bị Mỹ cấm
vận phải căng ra duy trì một lực lượng quân đội lớn, và phải phụ thuộc vào sự
giúp đỡ của Liên Xô. Sau năm 1979, tình hình kinh tế miền Bắc Việt Nam tệ hại
đi rất nhiều so với thời kỳ trước đó. Trong khi đó, Trung Quốc phát triển mạnh
từ năm 1978 do công cuộc cải tổ kinh tế của Đặng Tiểu Bình. 7 năm sau chiến
tranh biên giới, Việt Nam mới bắt đầu thời kì Đổi Mới, khi đó đã chậm hơn Trung
Quốc 8 năm.
Sau khi Liên Xô tan
rã và Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, đến năm 1992 quan hệ giữa hai nước mới
được bình thường hóa chính thức.
Từ khi quan hệ ngoại
giao giữa hai nước được cải thiện, cuộc chiến hầu như không còn được nhắc đến
trong các phương tiện truyền thông đại chúng, không được nói đến trong sách
giáo khoa lịch sử ở Trung Quốc và một cách hạn chế tại SGK của Việt Nam. Tại
Trung Quốc, các phương tiện truyền thông gần như lãng quên nó, các tuyển tập
bài hát không còn in các ca khúc nói về cuộc chiến, sách nghiên cứu viết về cuộc
chiến bị từ chối xuất bản, đa số cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến không
muốn nhắc đến nó. Ở Việt Nam, một số ca khúc có nội dung về cuộc chiến, ví dụ
"Chiến đấu vì độc lập tự do" của Phạm Tuyên, không còn được lưu hành
trên các phương tiện truyền thông chính thống, đó là theo một thỏa thuận giữa
Việt Nam và Trung Quốc nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước.
Chính phủ Việt Nam để ý chặt chẽ các nội dung báo chí liên quan đến quan hệ Việt
- Trung, và báo chí hầu như không nhắc đến cuộc chiến. Theo giải thích của ông
Dương Danh Dy, cựu Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, thì Việt
Nam "không nói lại chuyện cũ là vì nghĩa lớn, chứ không phải vì chúng ta
không có lý, không phải vì người Việt Nam sợ hãi hay chóng quên". Khi được
hỏi về cuộc chiến từ 30 năm trước, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói
rằng từ nhiều năm trước lãnh đạo hai nước đã "thỏa thuận gác lại quá khứ
và mở ra tương lai".
Năm 2009, 30 năm sau
cuộc chiến, Việt Nam và Trung Quốc hoàn thành việc cắm 1971 mốc phân định biên
giới sau khi hai chính phủ kí kết hiệp định biên giới, kết thúc đàm phán về các
khu vực tranh chấp dọc biên giới.
Tuy nhiên, các vấn đề
về biên giới lãnh thổ giữa hai nước vẫn tiếp tục căng thẳng, đặc biệt là vấn đề
lãnh hải.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét