Phạm Xuân Cần
Về vụ án Đoàn Văn Vươn đang xét xử đã có quá nhiều bài viết nghiên cứu
và bình luận. Bản thân tôi cũng đã viết nhiều bài về vụ này khi nó mới xẩy ra.
Nay nhân chuyện vụ án được đưa ra xét xử, tôi chỉ muốn nói thêm một điều thôi:
các cơ quan chức năng đang xử lý ngược quy trình cần thiết.
Từ năm 1997, 1998 tôi đã chủ trì một
đề tài khoa học cấp bộ nghiên cứu về xung đột xã hội và xử lý xung đột xã hội
phát sinh trong quá trình đổi mới. Đề tài đã vận dụng lý thuyết xã hội học xung
đột để tiếp cận hiện trạng mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột dẫn đến tình trạng
mà người ta vẫn quen gọi là “điểm nóng” về an ninh xã hội. Theo đó chúng tôi đã
thống kê, phân tích và phân loại các loại hình xung đột, đặc biệt nghiên cứu
sâu về các đặc điểm pháp lý của các vụ án liên quan đến xung đột.
Trong nghiên cứu của mình, chúng
tôi đã đề xuất hai khái niệm mới là “vụ việc nguyên thủy” và “vụ gây rối”.
Vụ việc nguyên thủy là vụ việc xẩy
ra trước, là nguyên nhân hoặc nguyên cớ làm phát sinh các vụ việc xung đột sau
đó, như: chống người thi hành công vụ; hủy hoại tài sản; bắt giữ người trái
pháp luật...Ví dụ vụ anh thanh niên chết bất thường dưới mương nước là vụ việc
nguyên thủy, dẫn đến vụ gây rối là “vụ quan tài diễu phố” ở Vĩnh Phúc vừa qua.
Trong vụ án Đoàn Văn Vươn vụ việc
nguyên thủy chính là chủ trương thu hồi và tổ chức cưỡng chế đầm tôm một cách
sai pháp luật của chính quyền huyện Tiên Lãng.
Để đảm bảo ổn định chính trị xã hội
khi có xung đột xẩy ra việc trước tiên bao giờ chính quyền cũng phải làm là “hạ
nhiệt” điểm nóng, tìm mọi cách an dân, đồng thời điều tra xử lý cả vụ việc
nguyên thủy và vụ gây rối. Sau bước “hạ nhiệt” ban đầu, cần tập trung điều tra
xử lý cả hai loại vụ việc, nhưng ưu tiên trước hết cho việc điều tra, xác minh
xử lý dứt điểm vụ việc nguyên thủy. Chính các động thái điều tra khẩn trương,
khách quan, xử lý nghiêm minh của chính quyền đối với vụ việc nguyên thủy là biện
pháp an dân tốt nhất, là tiền đề thuận lợi cho việc điều tra, xử lý vụ gây rối.
Ngay đến khâu xét xử là khâu gần
như cuối cùng của tố tụng thì cũng không nên đưa vụ gây rối ra xử trước, mà phải
đưa vụ việc nguyên thủy ra xét xử trước, hoặc đồng thời.
Với một vụ án lớn, phức tạp như vụ
Đoàn Văn Vươn việc tách thành hai vụ án để điều tra, xử lý không hẳn đã là sự
“lách luật” như rất nhiều người bình luận. Vấn đề quan trọng, cốt tử nhất là: Một,
cả hai vụ án đó có được điều tra, xử lý nghiêm minh hay không; và Hai là phải
đưa ra xét xử vụ cố ý làm sai trong việc thu hồi và cưỡng chế đầm tôm trước. Nếu
vụ này được điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật thì sẽ là tiền đề pháp
lý và chính trị quan trọng, hết sức quan trọng cho việc xét xử vụ “gây rối” của
anh em nhà họ Đoàn. Làm được như thế thì không những sẽ đảm bảo được ổn định xã
hội mà lòng dân cũng an hơn.
Rất tiếc người ta đã làm ngược quy
trình. Có phải đây chỉ là sự non yếu về nghiệp vụ, hay thực sự người ta có mục
đích khác?
(Blog
faxuca)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét