- Bác có nhớ một thời chúng ta hay
nói câu “Trồng cây gì? Nuôi con gì?”.
- Nhớ chứ, đó là lần đầu tiên chúng
ta chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mục đích để tìm ra những sản phẩm
nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Thấm thoắt đã ngót hai chục năm.
- Thế mà đến nay vẫn loay hoay tìm
chưa ra.
- Thực ra tìm được rồi, nhưng như
ca dao có câu: “Tìm em như thể tìm chim. Chim ăn bể Bắc đi tìm bể Đông”. Mọi sự
tìm tòi bây giờ phải tìm lại.
- Tức là “tái cơ cấu” đấy nhỉ”?
- Lạy trời lạy phật, cũng may là đã
tìm ra cách này. Nước mình ba phần tư là nông dân, thế mà đến năm nay mới thấy
nói cần giảm diện tích trồng lúa từ 7 triệu hécta (2-3 vụ) xuống còn 5 triệu là
đủ ăn đủ bán, còn lại trồng các loại cây siêu lợi nhuận hay chăn nuôi, làm dịch
vụ, nông dân mới giàu được.
- Nuôi tôm, tôm chết, nuôi cá, cá ế,
mới nuôi được ít cá tầm thì cá TQ nhập lậu vào đến đâu cá ta thua tới đó.
- Nuôi chim yến thì sao?
- Bác ơi, dân ta chưa đến tầm ăn yến,
không đói nữa, nhưng vẫn lo ăn sạch.
- Sạch hay độc hại đều do mình. Người
dân, nhất là vùng còn chậm phát triển biết nghe ai, chỉ thấy nói phun thuốc
này, bón phân nọ cây quả củ lớn nhanh là làm theo. Thời chúng tớ còn đi học,
cán bộ kỹ thuật của hợp tác xã hướng dẫn gì làm theo đó, không theo bị phạt.
Bây giờ làm gì còn ai bảo nông dân hằng ngày phải làm gì.
- Bác nói thế, có cả bộ máy quốc
gia về nông nghiệp, đủ các cục, vụ, viện, các hội nhà nông, báo đài ngày nào
cũng hướng dẫn từng li từng tí.
- Nhiều thế, lắm “nhà” thế mới “cha
chung không ai khóc”. Mình ở thành phố qua truyền thông biết hết cách làm ăn.
Còn nông dân mấy ai nghe đài, đọc báo mà làm ruộng. Thượng tầng xã hội cứ bay
trên mây, còn hạ tầng dân cày vẫn chân lấm, tay bùn ngoi ngóp trên đồng. Người
giàu thì ăn gạo ngoại, thực phẩm nhập. Hai lớp người đang “ly thân” trong một
ngôi nhà…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét