Theo Wikipedia, sét hay tia sét là hiện tượng phóng điện
trong khí quyển giữa các đám mây và đất, hay giữa các đám mây mang các điện
tích khác dấu, đôi khi còn xuất hiện trong các trận phun trào núi lửa hay bão bụi
(cát).
Sét cũng có thể được tạo ra bởi những cột tro trong những vụ
phun trào núi lửa hoặc trong những trận cháy rừng dữ dội tạo ra một làn khói đặc
đủ để dẫn điện.
Khi phóng điện trong khí quyển, tia sét có thể di chuyển với
tốc độ 36.000 km/h. Sét đạt tới nhiệt độ 30.000 °C, gấp 20 lần nhiệt độ cần thiết
để biến cát silica thành thủy tinh.
Lý do sét hình thành và nguồn gốc của nó vẫn là một vần đề
còn đang tranh luận. Các nhà khoa học đã nghiên cứu các nguồn gốc khác nhau như
gió, độ ẩm, ma sát và áp thấp khí quyển cho đến ảnh hưởng của gió mặt trời và
các hạt tích điện trong năng lượng mặt trời.
Khi hai đám mây tích điện trái dấu lại gần nhau, hiệu điện
thế giữa chúng có thể lên tới hàng triệu von. Giữa hai đám mây có hiện tượng
phóng tia lửa điện và ta trông thấy một tia chớp, vài giây sau mới nghe thấy tiếng
nổ, đó là “sấm”. Nếu có đám mây dông tích điện đi gần mặt đất tới những khu vực
trống trải, gặp một vật có độ cao như cây cối, người cầm cuốc xẻng... thì sẽ có
hiện tượng phóng tia lửa điện giữa đám mây và mặt đất. Đó là hiện tượng sét
đánh.
Có nhiều loại sét khác nhau. Loại thường xuất hiện nhất là vệt
sét.
Sét là hiện tượng phóng điện trong không khí vì thế nó không
thể xảy ra trong môi trường chân không ngoài vũ trụ. Nhưng nó lại xuất hiện nhiều
trên các hành tinh bằng khí như sao Kim, sao Mộc và sao Thổ. Sét trên sao Kim vẫn
là chủ đề gây nhiều tranh cãi kể từ khi nó được nhìn thấy.
Sét có thể gây thương tích bằng những hình thức như đánh thẳng
vào vị trí nạn nhân từ trên đám mây xuống, hay khi nạn nhân đứng cạnh vật bị
sét đánh. Sét có thể phóng qua khoảng cách không khí giữa người và vật. Trong
trường hợp này gọi là sét đánh tạt ngang. Sét có thể lan truyền qua đường dây
cáp tới các vật như điện thoại, tivi, ổ cắm.
Theo giới khoa học, sét đánh thẳng là nguy hiểm nhất, cứ 10
người bị sét đánh thẳng thì 8 người chết. Ở Mỹ, ngoài 40% nạn nhân bị sét đánh
không được biết rõ nguyên nhân, 27 % là khi họ đang ở khu vực trống trải, 19% ở
gần cây, 8% đang bơi hay ở khu vực gần nước, 3% khi đúng gần máy móc, 2,4% khi
đang nói điện thoại, 0,7% liên quan đến đài, tivi, anten...
Tại Việt Nam, thời kỳ mưa dông kèm sấm sét hoạt động mạnh nhất
từ tháng 4 đến tháng 10. Sét thường xuất hiện chủ yếu vào buổi chiều từ 14h đến
20h, và hằng năm nhiều người bị tử vong do sét đánh, nhất là những người đi làm
đồng.
Các chuyên gia khuyên, khi có sét, ta phải tránh xa các vật
dụng kim loại, tìm nơi khô ráo để đứng, nhón chân để giảm diện tích tiếp xúc với
mặt đất.
Sét có thể tàn phá cơ sở hạ tầng một quốc gia và gây chết
người. Tuy nhiên, mỗi khi xuất hiện, hiện tượng thiên nhiên này tạo nên hình ảnh
sáng rực trên bầu trời, khiến nhiều người thích thú.
Theo Vnexpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét