(Chinhphu.vn) – Một trong những nội dung quan trọng nêu trong dự thảo
Luật đất đai (sửa đổi) được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào hôm
nay, 17/4, là điều chỉnh quy định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển
kinh tế, xã hội...
Theo báo cáo Tổng hợp kết quả lấy ý
kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Chính phủ, đã có tổng
cộng 6.958.848 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân vào tất cả các nội dung của
dự thảo Luật. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của nhân dân, cơ quan soạn thảo đã
tiếp thu một số ý kiến để đưa vào dự thảo này.
Cụ thể, về ý kiến đề nghị Nhà nước
không thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội,
cơ quan soạn thảo tiếp thu và chỉnh lý vào dự thảo Luật theo hướng rà soát để
chuyển các dự án phát triển kinh tế, xã hội mà trong đó có lợi ích quốc gia, lợi
ích công cộng vào nhóm các dự án được Nhà nước thu hồi vì lợi ích quốc gia, lợi
ích công cộng.
Bên cạnh đó, để kiểm soát chặt chẽ
việc thu hồi đất, các dự án này cần phải được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp
thuận chủ trương đầu tư, HĐND cấp tỉnh thông qua.
Cụ thể, dự thảo quy định việc thu hồi
đất để thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia phải do Quốc hội quyết
định chủ trương đầu tư; thu hồi đất để xây các khu công nghiệp, khu chế xuất,
khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng
Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với việc thu hồi đất thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị mới,
khu dân cư nông thôn mới, xây dựng các công trình để chỉnh trang đô thị, chỉnh
trang khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp dự thảo yêu cầu phải được Hội đồng
nhân dân cấp tỉnh thông qua; đối với các dự án tái định cư, nhà ở cho sinh
viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát
triển chính thức (ODA) thì Nhà nước phải thực hiện. Còn những dự án phát triển
kinh tế, xã hội khác thì nhà đầu tư phải thỏa thuận giá đất với người dân.
Một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo
này là quy định Nhà nước thu hồi đất để
tạo quỹ đất sạch và thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua hình thức
đấu giá. Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, quy định này sẽ giúp Nhà nước điều
tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra,
tạo nguồn thu để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất khi Nhà nước
thu hồi đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của
nhà đầu tư.
Làm rõ loại dự án KT-XH theo từng mục đích
Cho ý kiến đối với dự thảo, Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Nếu bỏ quy định nhà nước thu hồi đất đối với
các dự án phát triển KT-XH thì cần phải làm rõ dự án KT-XH nào đưa vào mục đích
quốc phòng an ninh; loại dự án KT-XH nào đưa vào lợi ích quốc gia; loại dự án
KT-XH nào thì đưa vào lợi ích công cộng...
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội
yêu cầu cơ quan soạn thảo phải làm rõ loại đất nào Nhà nước thu hồi, loại đất
nào Nhà nước trưng thu, trưng mua. Loại đất nào thì duy trì hình thức cho doanh
nghiệp thỏa thuận với người có quyền sử dụng đất. Tiếp đó, phải quy định rõ cơ
chế xác định các loại giá đất đối với trường hợp thu hồi, trưng thu, trưng mua
đất như thế nào?...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Nếu không làm rõ thì thu hồi đất của dân vẫn
rất phức tạp, không biết đất này thuộc lợi ích quốc phòng an ninh hay lợi ích
công cộng mà thu hồi. Không biết là đất để trưng thu, trưng mua hay là đất được
quyền thoả thuận”. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục đề nghị dự thảo Luật
quy định cụ thể hơn về giá đất trưng mua, giá thu hồi chung, giá thoả thuận. “Nếu không làm rõ thì luật chưa khả thi”,
ông khẳng định.
Đối với các nội dung cơ bản khác của
dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), đa số các ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
đánh giá ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp tiếp thu, giải trình thận
trọng các ý kiến đóng góp của nhân dân để xây dựng nhiều điểm tốt hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét