(Kienthuc.net.vn) - Nhiều ý kiến cho rằng, trở lại với tên gọi đánh dấu
sự ra đời của nền độc lập, của chế độ dân chủ và gắn liền với tên tuổi Chủ tịch
Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn.
Ngày 12/4, Ủy ban dự thảo sửa đổi
Hiến pháp 1992 trình Thường vụ Quốc hội dự thảo Hiến pháp mới và báo cáo giải
trình việc tiếp thu ý kiến nhân dân. Trong đó có thêm phương án mới là lấy lại
tên nước thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập.
Phương án này thể hiện ý kiến nhiều
tầng lớp nhân dân cho rằng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tên gọi gắn liền với sự
ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở Việt Nam, là thành quả của Cách mạng
Tháng Tám, đã được long trọng tuyên bố với nhân dân và toàn thế giới qua bản
tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2/9/1945. Tên gọi ấy
được khẳng định trong Hiến pháp 1946, 1959 và chỉ được thay đổi bởi Hiến pháp
1980. Về mặt pháp lý, đến thời điểm này, tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được
sử dụng nhiều hơn so với tên nước hiện nay.
Trả lời phỏng vấn trên báo Giáo dục
Việt Nam ngày 15/4, GS Nguyễn Minh Thuyết
ủng hộ đề nghị của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về việc lấy lại tên nước
lúc mới giành được độc lập, đồng thời cho rằng theo đúng ngữ pháp tiếng Việt,
phải gọi là “Cộng hòa Dân chủ Việt Nam".
“Tôi
cho rằng đây là một phương án đúng, bởi cái tên này thể hiện đúng bản chất của
chế độ chính trị nước ta: Cộng hòa Dân chủ - chế độ do dân làm chủ, mọi việc thực
hiện theo bản Hiến pháp do toàn dân nhất trí thông qua và hệ thống pháp luật do
những đại diện mà dân bầu ra ban hành.
Trở
lại với tên gọi thiêng liêng, đánh dấu sự ra đời của nền độc lập, của chế độ
dân chủ và gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn,
phù hợp với nguyện vọng của người dân. Do đó, chúng ta không có gì phải e ngại
khi quyết định trở lại với tên gọi này”, GS Thuyết nói.
Trước một số ý kiến lo ngại rằng, đổi
tên nước thì sẽ xa rời con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, GS Nguyễn Minh Thuyết
cho rằng, đó là lo ngại không chính đáng. "Từ năm 1945 đến tận năm 1976,
tên nước ta không có cụm từ xã hội chủ nghĩa, nhưng đâu có phải vì vậy mà ta
không xây dựng chủ nghĩa xã hội! Nếu chỉ lấy một cái tên thể hiện mơ ước mà đạt
ngay được mơ ước của mình thì các nước người ta đã làm trước mình lâu rồi”.
Trên Vnexpress ngày 15/4, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, trở
lại với tên gọi đầu tiên, giống như nhiều nền dân chủ khác trên thế giới, Việt
Nam sẽ tranh thủ được sự đồng tình, thiện cảm của bạn bè quốc tế hơn. Những ai
muốn đến với Việt Nam nhưng cảm thấy xa lạ vì cái tên thì nay sẽ không e dè nữa.
Đối với đông đảo kiều bào nước
ngoài, kể cả những người đã ra đi trước năm 1945 thì cái tên Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa vẫn là một tên gọi quen thuộc, gần gũi. Nó cũng sẽ tạo điều kiện để nhiều
kiều bào xích lại gần hơn với đất nước.
Trên Dân Trí ngày 16/4, nguyên Chủ
nhiệm VPQH Vũ Mão cũng chia sẻ quan
điểm tán thành phương án lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cho rằng
việc thực sự hợp lòng dân.
“Đổi
tên nước, thực chất là lấy lại tên nước thời Bác Hồ, tất nhiên sẽ có tốn kém một
chút nhưng cái được sẽ lớn hơn rất nhiều. Cái được lớn nhất là được lòng dân và
tạo thế đi lên vững chắc cho đất nước”, ông Mão nói.
Cũng theo ông Mão, lấy lại tên nước
như vậy sẽ rất có lợi cho nhân dân, để người dân hiểu thực chất chế độ chính trị
của mình, hiểu thực chất mức độ phát triển hiện tại của đất nước mình, để mỗi
người dân không ngạo mạn, chủ quan rằng mình đang ở “mốc” xã hội chủ nghĩa. Thực
chất là mình đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ. Nhân dân là người chủ, là
nền tảng và là động lực để phát triển đất nước. Lãnh đạo định hướng đúng thì
nhân dân cũng sẽ nhận thức đúng. Và như thế người dân sẽ nhận rõ trách nhiệm của
mình phải làm gì để để xây dựng đất nước giàu mạnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét