Pages

15 thg 4, 2013

Đọc “Bách khoa toàn thư Việt Nam” về CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Xem tại đây.



CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
Những năm 40 thế kỉ 19, Mac (K. Marx) và Enghen (F. Engels) đã tiếp thu những yếu tố lí luận của CNXH không tưởng, xây dựng học thuyết xã hội chủ nghĩa trên quan điểm duy vật lịch sử và lí luận về giá trị thặng dư, từ đó xác lập học thuyết về CNXH khoa học.
Theo nghĩa rộng, CNXH khoa học cũng đồng nghĩa với chủ nghĩa Mac. Theo nghĩa hẹp, CNXH khoa học chỉ là một trong ba bộ phận hợp thành của chủ nghĩa Mac. Theo Mac và Enghen, CNXH khoa học trước hết là một trào lưu tư tưởng, trên cơ sở đó xây dựng thành chế độ xã hội. Xuất phát từ sự phân tích chế độ tư bản chủ nghĩa tại các nước phát triển nhất ở Châu Âu giữa thế kỉ 19, Mac và Enghen cho rằng mâu thuẫn giữa tình hình xã hội hoá sản xuất và sự hạn chế của chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất tất yếu đưa đến sự bùng nổ xã hội, xoá bỏ chủ nghĩa tư bản, chuyển lên CNXH.
Giai cấp vô sản là lực lượng có tổ chức nhất, tiên tiến nhất, đại biểu cho phương thức sản xuất mới, là người tiến hành cuộc cách mạng xã hội và xây dựng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa, trong đó đặc trưng cơ bản là xoá bỏ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, giai cấp vô sản nắm lấy toàn bộ công cụ sản xuất dưới hình thức sở hữu công cộng, xoá bỏ giai cấp và bóc lột giai cấp, thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển lực lượng sản xuất.
CNXH khoa học cũng đồng nghĩa với chủ nghĩa cộng sản khoa học. Chủ nghĩa cộng sản khoa học vạch rõ chủ nghĩa cộng sản có hai giai đoạn: giai đoạn thấp là xã hội xã hội chủ nghĩa, giai đoạn cao là xã hội cộng sản chủ nghĩa. Sự khác nhau cơ bản là trong giai đoạn thấp vẫn còn những tàn dư của pháp quyền tư sản, vẫn cần nhà nước để bảo vệ chế độ công hữu và sự phân phối sản phẩm, vẫn còn phân phối theo lao động. Đến giai đoạn cao, lực lượng sản xuất được phát triển ở mức cao nhất, của cải dồi dào nhất, thực hiện phân phối theo nhu cầu, làm theo nặng lực. Những người sáng lập CNXH khoa học còn tiên đoán rằng đến giai đoạn cao của CNXH con người được phát triển toàn diện, xã hội lúc đó là một cộng đồng tự do, bình đẳng, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người, không còn nhà nước, không còn giai cấp.
Đó thật sự là một xã hội lí tưởng, cao đẹp nhất trong lịch sử loài người. Theo chủ nghĩa Mac, từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH phải trải qua một thời kì quá độ, trong thời kì đó tất yếu phải thực hiện chuyên chính vô sản. Thời kì đó dài hay ngắn là tuỳ thuộc ở trình độ trưởng thành của giai cấp vô sản - sự phát triển của lực lượng sản xuất. Về sau Lênin cho rằng điều kiện quan trọng nhất để CNXH có thể thắng chủ nghĩa tư bản là CNXH phải có năng suất lao động cao hơn hẳn chủ nghĩa tư bản.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga (1917) đã biến CNXH từ học thuyết lí luận thành hiện thực. Khái niệm CNXH hiện thực xuất hiện từ những năm 70 thế kỉ 20, là để nói về xã hội xã hội chủ nghĩa được xây dựng trong thực tế ở Liên Xô và Đông Âu. Những người khởi xướng quan niệm "chủ nghĩa xã hội hiện thực" cho rằng đó là mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa tốt nhất, kiểu mẫu nhất, trong khi "chủ nghĩa cộng sản Châu Âu" do một số đảng cộng sản tại các nước tư bản phát triển Tây Âu khởi xướng lại cho rằng "chủ nghĩa xã hội hiện thực" có nhiều khuyết tật, do vậy "chủ nghĩa cộng sản Châu Âu" chủ trương tìm kiếm một mô hình chủ nghĩa xã hội khác dân chủ hơn, độc lập hơn, có hiệu lực hơn. Giới lãnh đạo Liên Xô cho rằng kể từ thập kỉ 70, Liên Xô đã chuyển sang "chủ nghĩa xã hội phát triển", tức là giai đoạn phát triển cao hơn, chín muồi hơn, tiếp cận hơn với giai đoạn của chủ nghĩa cộng sản. Thực tế chứng tỏ lí thuyết về "chủ nghĩa xã hội phát triển" là một quan niệm chủ quan duy ý chí, đốt cháy giai đoạn, sai lầm về đường lối cải tổ kể từ 1985 đã đưa đến sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Tuy nhiên, mục tiêu lí tưởng của CNXH khoa học vẫn được những nước xã hội chủ nghĩa, những người xã hội chủ nghĩa chân chính ở nhiều nước tiếp tục phấn đấu thực hiện.
THỜI KÌ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
Thời kì cải tạo cách mạng xã hội tư bản chủ nghĩa thành xã hội xã hội chủ nghĩa, bắt đầu từ khi giai cấp công nhân giành được chính quyền và kết thúc khi xây dựng xong các cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Đặc trưng kinh tế của TKQĐLCNXH là cơ cấu kinh tế nhiều thành phần.
Nhiệm vụ cơ bản của nhà nước trong thời kì quá độ, một mặt là phát huy đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân lao động, chuyên chính với mọi hoạt động chống chủ nghĩa xã hội, mặt khác từng bước cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.
Nhiệm vụ này bao gồm:
1) Cải tạo những thành phần kinh tế không xã hội chủ nghĩa theo hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từng bước phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
2) Tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực văn hoá và tư tưởng, làm cho hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa chiếm địa vị chủ đạo trong xã hội, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa.
3) Đối với những nước kém phát triển, còn phải phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hoá đất nước, xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật mà thiếu nó thì không thể có chủ nghĩa xã hội.
Thời kì quá độ dài hay ngắn tuỳ thuộc vào tình hình lịch sử cụ thể của mỗi nước, nhất là vào trình độ xuất phát ban đầu. Trong thời kì đó, việc tiến hành cải tạo xã hội ở từng nước có thể sử dụng những hình thức và phương pháp cụ thể riêng biệt phù hợp với những điều kiện lịch sử, dân tộc, kinh tế, chính trị và văn hoá của mỗi nước.
Ở Việt Nam, sau 1975, cả nước bước vào TKQĐLCNXH. Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam (6.1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ. Cương lĩnh đã khẳng định tính tất yếu của thời kì quá độ, đề ra những phương hướng cơ bản và những định hướng lớn về chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại trong thời kì đó. Cương lĩnh cũng chỉ rõ, TKQĐLCNXH ở Việt Nam là quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường. Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kì quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hoá… phù hợp làm cho Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons