Pages

11 thg 4, 2013

Hà Thủ Ô thuốc bổ Can - Thận


Hà thủ ô là vị thuốc từ thân rễ cây hà thủ ô đỏ có tên khoa học là Polygonum multiforrum, Thumb. Cây mọc hoang nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc nước ta như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình. Là loại dây leo sống nhiều năm, thân rễ phát triển thành củ.


Tương truyền có ông già họ Hà thấy loại cây ban đêm thân cuốn mọc xoắn vào nhau đào về lấy củ để uống thấy râu tóc xanh trở lại cho nên mới có tên gọi là thủ ô. Dùng nhiều thấy sinh lý cường thịnh, hăng hái, sinh nhiều con trai mà đổi tên thành năng tự, người đời còn gọi tên là dạ hợp.
Hà thủ ô vị đắng, chát, tính ấm, quy vào hai kinh can, thận.
Thành phần hóa học có chứa lecithin 3,7%, các dẫn chất oxymethylanthraquynone 1,1-1,8%, ngoài ra có các chất bột 45%, chất béo 3,1%, chất đạm 1,1%, các chất vô cơ 4,5%.
Về tác dụng sách Bản thảo cương mục Trung Quốc nói rằng thủ ô trắng đi vào phần khí, thủ ô đỏ nhập vào phần huyết, thuốc khi ôn, vị đắng, sáp, đắng bổ thận, ôn bổ can, thu liễm tinh khí, dưỡng huyết, ích can, cố tinh, ích thận, kiện gân cốt, đen râu tóc là vị thuốc tư bổ tốt.
Tiên sư Phùng Thị cho rằng hà thủ ô bổ âm mà không trệ, không hàn, cường dương mà không táo, không nhiệt, bẩm thụ khí xung hòa được khí thuần túy của trời đất. Thục địa và thủ ô đều là thuốc bổ âm nhưng thục địa bẩm thụ khí của giữa mùa Đông để sinh ra chưng sái cho tới màu đen thì chuyên vào thận mà tư nhuận cho chân thủy của Tiên thiên sinh ra, lại bổ cả can và vì tư nhuận cho thận mà liên cập tới. Thủ ô bẩm thụ khí mùa xuân để sinh, lại do phong mộc hóa ra, thông với can là dương ở trong âm dược cho nên chuyên đi về kinh can mà có tác dụng ích huyết, trừ phong, bổ can thận.
Một bên là thuốc bổ mạnh cho chân âm tiên thiên cho nên có công năng cứu ngay được bệnh nguy do cô dương lấn lên thái quá. Một bên thì cần dùng cho dinh huyết hậu thiên, là thuốc uống thường để nuôi khỏe tinh thần, trừ bệnh tật, điều nguyên khí. Chân âm của tiên thiên và hậu thiên không giống nhau thì công hiệu cũng có nhanh, chậm, nặng, nhẹ khác nhau. Hơn nữa gọi tên là dạ hợp, năng tự thì trong bổ huyết lại có cả bổ dương, không phải như địa hoàng công năng chỉ chuyên về tư nhuận cho thủy.
Một số bài thuốc có hà thủ ô:
Bài 1: Trị chứng huyết hư cơ thể suy nhược lưng gối đau, nhức mỏi, váng đầu hoa mắt, tóc bạc sớm, di tinh, huyết trắng dùng hà thủ ô 20g, thỏ ty tử 12g, đương quy 12g, ngưu tất 12g, bổ cốt chi 12g, tán bột mịn hoàn với mật ong, mỗi lần uống 8-12g, ngày 2 lần với nước sôi hoặc nước muối nhạt.
Bài 2: Trường hợp khí huyết đều hư, cơ thể mệt mỏi, thiếu máu, da xanh, chóng mặt, nhức đầu, râu tóc bạc sớm dùng hà thủ ô 20g, thục địa 16g, long nhãn 12g, phòng đảng sâm 12g, xích thược 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: Trị thận yếu, đau lưng, mỏi gối, di tinh nặng hoặc băng lậu đới hạ, sinh dục yếu, bổ thận khí, đen râu tóc, sống lâu khỏe mạnh, dùng bài “thất bảo mỹ nhiệm đơn”: chế thủ ô 20g, bạch phục linh 12g, ngưu tất 12g, đương quy 12g, thỏ ty tử 12g, phá cố chỉ 12g. Luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 12g, ngày 2 lần.
Bài 4: Trường hợp chức năng thận âm kém dẫn đến lưng đau, gối mỏi, di tinh, liệt dương, phụ nữ bạch đới, kinh nguyệt không đều dùng hà thủ ô 20g, hương phụ 20g, ngải cứu 8g, trữ ma căn 10g, lá sung 20g, ích mẫu 10g, đậu đen 20g. Sắc uống.
Bài 5: Chữa chứng tóc bạc ở tuổi thanh niên, dùng hà thủ ô 120g, sinh địa 120g, hắc chi ma 120g, nữ trinh tử 60g, hoàng cầm 50g, đương quy 120g, hy thiêm thảo 90g, đan bì 60g, hạn liên thảo 60g. Các vị tán thành bột, dùng mật hoàn viên, mỗi viên nặng 9g, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên với nước chín.
Bài 6: Trị mất ngủ do huyết hư dùng chế hà thủ ô 12g, sa sâm 12g, quy bản 12g, long cốt 12g, bạch thược 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 7: Trị suy nhược thần kinh, mất ngủ: hà thủ ô 12g, đan sâm 12g, ngũ vị tử 8g, toan táo nhân 16g, xuyên khung 6g. Sắc uống.
Bài 8: Trường hợp mỡ máu tăng cao, xơ cứng động mạch dùng hà thủ ô 20g, lá ngân hạnh 12g, câu đằng 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 9: Với bệnh nhân bị tăng huyết áp dùng hà thủ ô 12g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, hy thiêm thảo 12g, tang ký sinh 12g, ngưu tất 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần.
Bài 10: Trị táo bón do huyết hư, tân dịch hao tổn dùng hà thủ ô 20-40g sắc uống.
Bài 11: Trị can huyết bất túc, huyết áp hơi cao, đau đầu, chóng mặt tay chân tê dùng hà thủ ô 12g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g.
Bài 12: Để tăng cường chức năng sinh lý dùng hà thủ ô 40g, sắc uống độc vị hằng ngày chữa nam giới tinh trùng yếu, tinh dịch loãng.
Bài 13: Chữa chứng rụng tóc, mỏi lưng, tai ù do âm huyết bất túc, can thận hư tổn nghiêm trọng dùng hà thủ ô 25g, thục địa hoàng 15g, sinh địa hoàng 15g, đương quy 20g, hắc chi ma 20g, trắc bá diệp 15g, câu kỷ tử 20g, thỏ ty tử 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 14: Trường hợp rụng tóc, da đầu ngứa ngáy toàn bộ tóc ở đầu rụng hết, đau đầu, lưỡi sạm đỏ là có kèm nội phong huyết ứ phải dưỡng huyết, ích thận, khử phong hoạt huyết dùng hà thủ ô 12g, đương quy 12g, xích thược 12g, hồng hoa 6g, xuyên khung 12g, sinh dịa 12g, đào nhân 10g, hạn liên thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons