(http://tuanvietnam.vietnamnet.vn)
Giữa những tòa nhà cao tầng của Dubai bỗng
hiện ra một vầng trăng. Trăng thượng tuần sắc như lưỡi liềm trong một bầu trời
sa mạc không mây, sáng chói lọi.
Sáu giờ chiều, trời
đen thẫm. Bên nhà chín giờ tối, hẳn ánh trăng này cũng đang soi chiếu mọi hang
cùng ngõ hẻm. Giờ này người ta mới bắt đầu chơi tennis trong xứ nóng này. Gió mạnh
từ biển thổi vào, anh nói về thú trượt ván trên biển của mình và mong sẽ có
ngày đến Mũi Né. Mũi Né nhiều sóng, lý tưởng cho môn trượt ván của anh.
Tòa nhà Burj-Khalifa nổi bật trên bầu trời Dubai |
“Cô nói tiếng Việt?”,
tôi hỏi bằng tiếng Anh. “Thưa ông, không”. Cô gái phục vụ trong tiệm Hanoi tại
Dubai không nói tiếng Việt. Chị chủ quán người Việt tươi cười chạy ra. “Dạ, tiệm
mới mở khoảng sáu tháng”. “Có khách nhiều không?”, “Dạ, anh thấy đấy, khá”.
Tôi nhìn quanh,
quả nhiên khách đông, ngồi rải rác. Hai cây chuối, một cây đu đủ xanh tươi, cao
đến trần nằm trong phòng ăn. Tôi đến sờ thử, thì ra cây giả bằng nylon. “Chị
mua từ Việt Nam à?”, “Dạ không, mua bên này, hàng Trung Quốc mà”. Tiệm ăn Việt
Nam này nằm tại Jumeriah Lakes Tower khang trang nhưng có lẽ tiền thuê tương đối
rẻ vì khá xa Marina, một khu vực hào nhoáng nhất của Dubai.
Chúng tôi gọi món
gỏi đu đủ, nhân tiện giới thiệu với người bạn chơi tennis chiều nay, papaya là
cây này đây. Đời anh chưa thấy cây đu đủ, cây chuối xem ra cũng chưa. Anh lớn
lên tại Cộng hòa Dân chủ Đức ngày xưa, nước được xem là giàu mạnh nhất Đông Âu
thuở đó.
Chúng tôi kể hơn
40 năm trước đã qua thăm Đông Berlin của xứ xã hội chủ nghĩa nọ. Ngày đó, chúng
tôi sắp hàng cả nửa tiếng mới mua được cây kem. Anh đỡ lời, nhưng cây kem chỉ
có 20 xu. Đúng thế. Hỏi anh, ngày xưa anh có được ăn kem thường không.
“Có chứ, thực ra
chúng tôi không thiếu cái gì, chỉ thiếu hàng xa xỉ”. Rồi anh nói thêm “Dĩ nhiên
là thiếu tự do. Và cái đó mới là cơ bản”. Vì cái “cơ bản” đó mà mẹ anh – anh chỉ
còn bà mẹ – xin xuất cảnh chính thức.
Sau khi nộp đơn,
chưa ra đi, bà mẹ đã mất việc làm, nhà cửa bị trưng dụng. Năm 1988 gia đình anh
xuất cảnh. Năm sau bức tường sụp đổ, nước Đức thống nhất, lúc đó anh vừa lên 17
tuổi. Hỏi anh có tiếc ra đi sớm quá, nếu sau một năm đã giữ được cái nhà.
Không, mẹ anh không tiếc. “Đi trước hưởng trước”. Ngày nay anh sống thong thả tại
Dubai, sắp đón mẹ qua chơi.
Cô ấy không biết
tiếng Việt nhưng nói món ăn tiếng Việt nào cô cũng đều hiểu cả. Ở đây mà cũng
có Chả cá Lã Vọng. “Where are you from?”, câu hỏi thường tình trên xứ Dubai thập
phương. Thì ra cô là người Philippines.
Người Philippines
giỏi Anh ngữ, làm việc trên khắp thế giới, kể cả làm công cho một quán Việt Nam
mới mở tại đây. Họ đem về cho gia đình một lượng kiều hối đáng kể. Hơn ba triệu
kiều dân người mình gửi về khoảng gần 10 tỉ USD một năm, đứng hàng thứ tư trên
thế giới về kiều hối.
Người Philippines
hơn hẳn chúng ta, chiếm vị trí thứ ba. Tôi nghĩ về các thứ hạng đó, không rõ
mình nên vui hay nên buồn.
“Trước khi mở
quán ở Dubai, chị ở đâu?”, “Dạ, ở bên Anh”, chị nói giọng Bắc, răng trắng bóng.
Mở tiệm Việt Nam ở Dubai là quyết định sáng suốt, ở đây còn quá ít quán người
Việt. Dĩ nhiên không ai hỏi thêm về quãng đời trước đó của những con người lưu
lạc, mà thực ra bản thân chúng tôi cũng vậy thôi.
Đường phố Dubai |
Nhưng ai mà chẳng
“lưu lạc” trên đất Dubai này. Trong thế giới nay đã toàn cầu hóa, hiện tượng di
dân đã thành thường tình. Thế nhưng nói gì thì nói, “tha phương cầu thực” là một
số phận không vui của người Việt. Ngày xưa lúc rời lũy tre làng ra đi đã là tha
phương. Niềm tha thiết trở về cố hương là nỗi buồn truyền kiếp của người Việt.
Trên tường tiệm
ăn treo nhiều bức hình khổ lớn về Việt Nam có tính nghệ thuật cao. Một bức hình
chụp cảnh xe máy đi chật đường, khói bay mù mịt giữa những hàng cây cổ trăm
năm. Hình này hẳn đã chụp mươi năm trước, người đi xe không đội mũ bảo hiểm.
Xe máy chen chúc
tại Việt Nam tuy là một hình ảnh thường nhật nhưng lại là “đặc sản” cảnh quan đối
với khách du lịch nước ngoài. Thăm Việt Nam về nhà, ai cũng kể về hình ảnh này
cả.
Ai dám mong chi xuân về,
Nào ngờ vườn đêm có bông hoa kề.
Tiếng hát Thái
Thanh – lại một trường hợp tha hương cổ điển – tưởng đã quên trong một bài hát
đã mất hút trong ký ức bỗng ập về với người xa tổ quốc, làm lòng khách nhói
đau. “Người về” (Bài hát và ca từ của Phạm Duy) trong mơ gặp mẹ già, vợ hiền,
con thơ. Giấc mơ hồi hương vẫn chưa thành sự thực.
Ngược lại, số người
tha phương ngày cành đông. Kiều hối có tăng thực nhưng lòng người ngày càng ly
tán. Vì lên đường ra đi không phải ai cũng vì đồng tiền kiều hối cho gia đình.
Có, có chứ, ai
cũng mong xuân về. Thực ra là vậy. Hơn nửa thế kỷ, sau khi chịu đựng một trận
chiến tranh tàn khốc, tưởng chừng sớm hưởng được “bông hoa kề” của hội đoàn
viên hòa hợp thì xã hội Việt Nam sa vào một cuộc ly tán của cải tạo, của lý lịch,
của phân biệt. Tiếc thay, một cơ may to lớn chưa từng có của dân tộc đã bị bỏ lỡ
cách đây gần 40 năm.
Quán ăn Việt ở Dubai |
“Trong phở có nhiều
mì chính không?”, tôi ra vẻ thành thạo hỏi về bột ngọt, thứ gia vị đáng ngại
hay có nhiều trong phở Bắc. “Ít thôi ạ”, chị tươi cười, hình như chị cũng không
ưa lắm thói nêm nếm còn sót lại từ thời bao cấp.
Cô gái người
Philippines vừa mang Chả cá Lã Vọng ra. Tôi ái ngại khi thấy anh bạn người Đức
nâng chén mắm tôm lên mũi ngửi, thứ gia vị mà tôi chỉ ăn chứ không muốn ngửi. Lạ
thay anh gật gù chấp nhận.
Thấy anh ăn ngon
miệng, tôi khuyên anh khi nào về Việt Nam, sau khi trượt sóng tại Mũi Né, hãy
đi Hà Nội, tìm một quán ăn từ 60, 70 năm nay chỉ bán một món chả cá. Anh háo hức
muốn đi Việt Nam.
Cảnh đẹp, sóng to
và món ăn ngon đang đợi anh. Anh cũng như hàng ngàn người nước ngoài đến thăm
Việt Nam, thậm chí sống nhiều năm tại đó, thực ra vì những niềm vui tạm thời,
những thương vụ ngắn hạn.
Liệu những người
nước ngoài đó có biết người dân của đất nước xinh đẹp này đang có những mối lo
khác. Họ đang lo buồn về việc làm bấp bênh, nền kinh tế u ám, về đạo đức xã hội
suy thoái.
Như anh sẽ khéo
léo lướt trên những ngọn sóng to tại Mũi Né thì người dân Việt Nam đang cần những
nhà kinh bang tế thế lèo lái đất nước này qua những cơn sóng dữ.
… Trời làm cơn mưa bão, tình nồng như tơ liễu…
Tiếng hát Thái
Thanh vẫn vang vọng theo khi chúng tôi rời quán.
(NGUYỄN
TƯỜNG BÁCH/DNSGCT) - 11/2012
0 nhận xét:
Đăng nhận xét