Đối với mỗi cư dân Việt, tết là một phong tục
không thể thiếu trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần. Phong tục tết Việt
vô cùng phong phú và đa dạng với nhiều nghi lễ quan trọng, một trong những
phong tục đó là tục cúng Ông Táo.
Sự tích Táo Quân
Tục cúng Ông Táo
đã có từ rất lâu; có lẽ từ thủa còn chế độ mẫu hệ, khi tổ tiên người Việt đã biết
làm nông nghiệp và sử dụng lửa trong việc nấu nướng món ăn thức uống. Sở dĩ khẳng
định là vậy bởi theo tích xưa truyền lại thì:
Có hai vợ chồng
tiều phu nghèo không con nên hay buồn phiên, cãi cọ. Một hôm, người chồng giận
quá, đánh vợ. Quá buồn tủi, người vợ bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ
của một chàng thợ săn miền ngược.
Sau khi người vợ
bỏ đi, người chồng cũ ân hận, bỏ công ăn việc làm đi khắp mọi nơi tìm vợ và trở
thành người hành khất sống qua ngày.
Một lần vào xin
ăn gia đình nọ, được bà chủ mang cơm ra đãi, người chồng nhận ra bà chủ là vợ
mình, người vợ cũng nhận ra chồng cũ. Hai người ân hận, hàn huyên, tâm tình.
Sợ người chồng mới
về bắt gặp nên người vợ bảo người chồng cũ ẩn vào đống rơm ngoài vườn để nàng
tìm cách thu xếp cho êm đẹp. Người chồng cũ đi đường xa mệt mỏi nên ngủ thiếp
trong đống rơm.
Lúc người chồng mới
về, nhớ đến việc thiếu tro bón ruộng, liền châm lửa đốt đống rơm và đốt luôn người
chồng cũ. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, người vợ chạy ra thấy vậy ân hận liền nhảy
vào đống lửa chết theo chồng cũ. Thấy vợ chết cháy, ngươi chồng mới cũng thương
xót tiếp tục nhảy vào đống lửa đang cháy đỏ và cả ba đều chết cháy.
Thượng đế thương
tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi
là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn
người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ
búa. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn
cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.
Mâm cỗ ngày 23 tháng chạp
Phong tục thờ
cúng Táo Công cũng từ đấy mà có. Thường thì bắt đầu từ chiều 22 hoặc sáng 23
tháng Chạp, các gia đình làm lễ để ông Táo lên chầu trời (Tiễn Táo) để tấu
trình mọi việc của gia chủ với Ngọc hoàng thượng đế, đến trưa 30 Tết thì ông
Táo lại có mặt ở hạ giới để tiếp tục công việc.
Lễ vật cúng Ông
Táo được chuẩn bị vô cùng chu đáo và trang trọng thể hiện sự thành kính của các
gia chủ. Lễ vật gồm có: mũ Táo Quân thường có 3 cỗ (chiếc) gồm một của nữ thần
không có cánh chuồn, 2 của nam thần có cánh chuồn, kèm theo áo quan, hia (hài),
tiền vàng, tiền bạc cùng bệ bằng giấy. Nhưng để giản tiện, cũng có khi người ta
chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) kèm theo một chiếc
áo và một đôi hia.
Ngoài những đồ
“vàng mã” sẽ được hóa vàng sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với
bài vị cũ để lập bài vị mới thì lễ vật còn có hoa quả (chuối, bưởi, quất vàng,
hoa cúc…), trầu cau, hương đèn, cỗ mặn (xôi, thịt, rượu), và cá chép sống ở miền
Bắc, ngựa với đầy đủ dây cương, yên ở miền Trung. Theo quan niệm của người miền
Bắc thì ông Công, ông Táo khi đi lên thiên đình phải cưỡi cá chép vì chỉ có cá
chép mới có thể vượt vũ môn hóa rồng bay lên trời. Cá chép được mua thường là
chép nhỏ màu đen tuyền hoặc vàng đỏ khỏe mạnh, sau đó được bỏ vào trong chậu
xinh xinh để lên trên bàn thờ cúng cùng các lễ vật khác. Đến chiều thì phóng
sinh cá ra ao hồ, sông suối…
Cùng với các lễ vật
chay thì mâm cỗ mặn để cúng tiễn ông Táo đi nhanh về sớm cũng được các gia chủ
chuẩn bị rất chu đáo. Dù khó khăn hay khá giả, các gia đình vẫn cố gắng sắm một
mâm cỗ với đầy đủ các món ăn truyền thống để tỏ lòng biết ơn với các vị Định
phúc Táo Quân. Mâm cỗ cúng ông Táo truyền thống gồm có: Xôi gấc, thịt nấu đông,
nem rán, giò nạc, cá chép rán, thịt lợn luộc, lòng gà nấu măng, món xào, dưa cải,
rượu trắng, chè sen ở miền Bắc còn trong Nam có thêm xôi chè, trám hoặc thịt
kho tàu, giò xào, dưa kiệu….Đặc biệt, theo tục xưa còn truyền thì mâm cỗ cúng
không thể thiếu một con gà luộc ngậm hoa hồng, nhưng gà cúng ông Táo phải là gà
cồ mới gáy bởi các gia chủ muốn cầu xin
Táo Quân lên tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho con trẻ sau này lớn lên có nhiều
nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy!
Lễ vật:
Mâm cỗ mặn, bánh
kẹo, trầu cau, rượu. Hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi. Ba bộ mũ
áo, hia hài Táo Quân cùng tiền vàng. Ba con cá chép sống.
Sau khi bày lễ,
thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ
tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo
lên chầu Trời.
Bài khấn:
Con kính lạy ngài
Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
Tín chủ chúng con
là: …………
Ngụ tại:
………………………….
Hôm nay là ngày
23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sắp sửa hương hoa vật phẩm, xiêm
hài áo mũ, kính dâng Tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính
bái. Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước
án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ,
ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm,
các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ
toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Dãi tấm lòng
thành cúi xin chứng giám.
- Phục duy cẩn
cáo!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét