Pages

2 thg 7, 2013

Thủy điện Ea Súp 3 – ông nói gà bà nói vịt

Bác bỏ thông tin thủy điện Ea Súp 3 bị vỡ bể áp lực

Ngày 1/7, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk và ông Phạm Hồng Văn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Nhật Hà - đơn vị chủ đầu tư công trình thủy điện Ea Súp 3 đã khẳng định không có chuyện bể áp lực của Nhà máy thủy điện Ea Súp 3 bị vỡ.
Trước đó, một số báo, đài đã đưa tin cuối tháng 5 vừa qua, khi vận hành chạy thử thì bất ngờ vách của bể áp lực của Nhà máy thủy điện Ea Súp 3 dài hơn 50m bị đổ vỡ.
Cũng theo các nguồn tin nói trên thì nguyên nhân là do đóng nước đột ngột tại Nhà máy khiến nước từ ống dẫn nước dồn lên bể áp lực và nước trong máng dồn về tạo ra áp lực khiến bể áp lực bị vỡ toang.
Bác bỏ thông tin trên, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết ngày 25/5, Nhà máy đi vào vận hành thử nghiệm với công suất 25%, 50%, 75%.
Khi phát ở chế độ 75% thì dây chì trong FCO (cầu chì tự rơi) tại trụ điện số 96/198/1 đường dây 471E47 bị rơi do không chịu được ampe lớn, dẫn đến máy cắt đầu tuyến đường dây đấu nối bị nhảy để bảo vệ an toàn Nhà máy thủy điện Ea Súp 3.
Ngày 14/6, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã thay thế FCO và tiếp tục cho Nhà máy chạy thử 72 giờ theo đúng quy định và đảm bảo an toàn.
Hiện nay, Nhà máy thủy điện Ea Súp 3 đã phát điện thương mại lên lưới quốc gia. Nhà máy cũng đã xử lý các vết thấm trên kênh cũng như phần bể lắng cát nhằm bảo đảm an toàn cho nhà máy hoạt động.
Nhà máy thủy điện Ea Súp 3 nằm trên địa bàn xã vùng sâu Ea Tir (huyện Ea H’Leo) và xã Ea Kuêch (huyện Cư M’Gar), có hai tổ máy với tổng công suất 6,4 MW do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Nhật Hà làm chủ đầu tư.
Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2009, gồm các hạng mục như đập dâng tạo hồ chứa nước, tràn xả lũ, hệ thống kênh hở, bể lắng cát, ống áp lực.../.
Quang Huy (TTXVN)
  

Thủy điện vỡ bể áp lực do lỗi thi công

18/06/2013 09:09 (GMT + 7)
TT - Ngày 17-6, ông Phạm Hồng Văn - GĐ CTy TNHH xây dựng Nhật Hà (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Ea Súp 3 (xã Ea Tir, Ea H’Leo, Đắk Lắk) - đã thông tin chính thức vụ vỡ bể áp lực khi nhà máy chạy thử.
Theo ông Văn, sự cố do lỗi thi công, không làm theo đúng thiết kế. Về những nghi ngại bể áp lực quá mỏng manh có nguy cơ sẽ tiếp tục vỡ khi nhà máy chạy hết công suất, ông Văn khẳng định bể sẽ an toàn vì đã được điều chỉnh để áp lực nước tác động lên bể ở mức thấp nhất... Ông Văn cho biết Nhà máy thủy điện Ea Súp 3 đang chạy thử 50% công suất trong 72 giờ để kiểm tra trước khi làm các thủ tục tiếp theo để hoạt động.
Về những đoạn rò rỉ nước dọc máng dẫn nước về nhà máy, ông Văn cho biết đó cũng là do lỗi trong quá trình thi công và công ty sẽ cho khắc phục ngay.

Thủy điện Ea Súp 3: Mới chạy thử đã vỡ bể áp lực

14/06/2013 09:17 (GMT + 7)  
TT - Theo kế hoạch, Nhà máy thủy điện Ea Súp 3 (xã Ea Tir, Ea H’Leo, Đắk Lắk) sẽ vận hành hòa lưới điện quốc gia vào cuối năm 2012. Vậy mà khi mới vận hành chạy thử thì bể áp lực của nhà máy thủy điện này đã bị vỡ...
Dự án thủy điện Ea Súp 3 được khởi công xây dựng từ năm 2009, công suất thiết kế 6,4 MW, với tổng kinh phí khoảng 68 tỉ đồng, do Công ty TNHH xây dựng Nhật Hà (31 Lê Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) làm chủ đầu tư. Dự án thủy điện Ea Súp 3 được thiết kế gồm hồ chứa nước và hệ thống máng dẫn nước, bể áp lực và ống dẫn nước vào tuôcbin. Cuối tháng 5 vừa qua, khi thử vận hành nhà máy thì bất ngờ vách của bể áp lực dài hơn 50m bị đổ vỡ.
Bể áp lực không chịu được... áp lực
Ngày 13-6, các công nhân, kỹ sư Nhà máy thủy điện Ea Súp 3 gấp rút khắc phục sự cố vỡ bể áp lực để chuẩn bị cho đợt chạy thử tiếp theo. Một công nhân làm việc tại đây cho biết ngày 26-5 vừa qua, nhà máy đang chạy thử thì 50m thành bể áp lực đột ngột đổ sụp, nước tràn lênh láng. Công nhân này cho biết thêm trước đó bể áp lực này cũng từng vỡ một lần nhưng nhanh chóng được vá lại.
Ông Lê Ngọc Quý, chỉ huy trưởng đội xây dựng cơ bản của Công ty TNHH xây dựng Nhật Hà, cho biết khi nhà máy chạy thử 75% công suất, đưa điện lên lưới điện quốc gia thì gặp sự cố: “Việc vỡ bể áp lực là do đóng nước đột ngột tại nhà máy khiến nước từ ống dẫn nước dồn lên bể áp lực và nước trong máng dẫn vẫn dồn về tạo ra một áp lực rất lớn khiến bể áp lực vỡ toang”. Ông Quý nói thêm: “Việc vỡ bể áp lực là do trước bể áp lực được xây quá cao (hơn 7m) và lượng đất đổ vào giữ chân bể (phía ngoài) quá lớn, trong khi đó áp lực nước phía trong rất mạnh”. Khi được hỏi tại sao bể áp lực mới được sửa vẫn rất mỏng manh, chỉ bằng hai vách bê tông dày 20cm/vách liệu có chịu được áp lực nước, ông Quý khẳng định tường bêtông này chịu được áp lực của nước, có độ an toàn cao. “Đúng thiết kế thì bể áp lực có bờ dày, phía trong lòng bể có hình thang, phía ngoài đắp thêm đất, nhưng để rút ngắn tiến độ, chúng tôi mới đổ bê tông thẳng đứng và độ dày bể mỏng như vậy” - ông Quý nói...
Không báo cáo sự cố
Ngoài bể áp lực đang được khắc phục sự cố thì hệ thống máng dẫn nước của nhà máy này cũng đang gặp... sự cố. Đi dọc hệ thống máng dẫn nước dài 2,1km này, chúng tôi phát hiện nhiều đoạn bị rò rỉ nước rất mạnh. Có những đoạn hàng trăm mét đều có điểm rò rỉ, nước chảy thành dòng và gây xói mòn từng mảng bêtông. Đáng chú ý nhiều đoạn tường của kênh dẫn nước bị nứt, rò rỉ đã được trám lại bằng ximăng nhưng vẫn xuất hiện thêm nhiều điểm nứt, rò rỉ mới. Một số đoạn máng dẫn nước lộ thiên bị rò rỉ đã được dùng cát, đá đắp lại để tránh xói mòn nhưng nước vẫn chảy thành vũng, thành dòng... Khi chúng tôi muốn được thăm nhà máy thì ông Quý không đồng ý vì phải được sự đồng ý của giám đốc công ty. Đến công ty thì giám đốc đi vắng, điện thoại không liên lạc được.
Một chuyên gia ngành điện cho biết: đối với các nhà máy thủy điện sử dụng hệ thống máng dẫn nước về để chạy máy thì thường phải xây một bể áp lực phía trên ống dẫn nước vào tuôcbin. Việc xây bể áp lực nhằm tạo ra áp lực nước và đề phòng sự cố rã lưới điện đột ngột. Chuyên gia này giải thích thêm: nếu sự cố rã lưới xảy ra, van nước trước tuôcbin phải đóng ngay để đảm bảo an toàn, nước từ ống dẫn nước sẽ bị đẩy ngược lên bể áp lực thoát ra ngoài để đảm bảo an toàn cho đường ống và nhà máy. Việc vỡ bể áp lực của Nhà máy thủy điện Ea Súp 3 có thể do chủ đầu tư chưa tính toán hết độ an toàn khi vận hành mà gặp sự cố... Ông Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk, cho biết Công ty TNHH xây dựng Nhật Hà chưa có báo cáo về sự cố vỡ bể áp lực của nhà máy thủy điện Ea Súp 3 và sở sẽ cho kiểm tra ngay.

Nguy cơ sự cố thủy điện Ea Súp 3

Thứ sáu, 14/06/2013, 07:50 (GMT+7)
(SGGP) - Nhà máy thủy điện Ea Súp 3 (đặt tại xã Ea Tir, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) do Công ty TNHH Xây dựng Nhật Hà (trụ sở tại số 31 Lê Lợi, TP Buôn Ma Thuột) làm chủ đầu tư, có công suất 6,4MW, được khởi công xây dựng vào tháng 12-2009. Nhưng từ khi vận hành chạy thử vào tháng 5 đến nay, thủy điện này đã hai lần vỡ bể áp lực và hiện kênh dẫn dòng đang rò rỉ nước nghiêm trọng.
Hai lần vỡ bể áp lực
Có mặt tại công trình thủy điện Ea Súp 3 vào ngày 13-6, chúng tôi thấy có khoảng 10 công nhân và 1 máy xúc đất đang khắc phục sự cố vỡ bể áp lực cuối kênh dẫn dòng. Một công nhân (đề nghị giấu tên) cho biết: Vào ngày 26-5, khi nhà máy đang thử nghiệm vận hành hết công suất, đột nhiên một đoạn tường bê tông của bể áp lực vỡ toang, nước bắn tung tóe. Rất may không có công nhân nào bị thương vì không ai đứng gần đó. Trước đó, đoạn tường bê tông bể áp lực này cũng đã một lần bị vỡ một khoảng nhỏ khi nhà máy vận hành thử. Khi mới tích nước vào năm 2011, thủy điện Ea Súp 3 cũng đã nhấn chìm hoa màu, cây cối của hàng chục hộ dân ở xã Ea Tir.
Kênh dẫn dòng của nhà máy thủy điện này dài khoảng 2,1km, chạy dọc giữa sườn núi và một con suối của xã Ea Tir. Bể áp lực nằm cuối kênh dẫn dòng có chiều rộng hơn 2m và dài hơn 90m. Theo ông Lê Ngọc Quý (Đội trưởng Đội xây dựng Nhà máy thủy điện Ea Súp 3), đoạn tường bê tông bể áp lực bị vỡ có chiều dài khoảng 40m, sau 4 ngày bị vỡ đã khắc phục xong và thiệt hại ước khoảng 20 triệu đồng. Khi chúng tôi có mặt, công nhân máy xúc vẫn đang đắp đất vào tường bê tông bể áp lực để gia cố sức chịu lực. Trong khi đó, đoạn tường bị vỡ đã được đổ bê tông xây thành hình thang chứ không làm thành thẳng đứng như cũ. Theo quan sát của chúng tôi, những bức tường bê tông của bể áp lực này chỉ dày khoảng 0,2m, mỏng manh, yếu ớt. Không biết có sức chịu đựng bao lâu khi nhà máy đi vào hoạt động chính thức?
Rò rỉ nước lênh láng
Từ bể áp lực, chúng tôi tiếp tục đi ngược kênh dẫn dòng về phía đập chứa nước Nhà máy thủy điện Ea Súp 3. Trong khoảng 400m đầu, kênh dẫn dòng nằm giữa lòng đất không có gì bất thường. Nhưng khi đi thêm khoảng 10m, chúng tôi bắt đầu phát hiện nước rò rỉ từ kênh ra ngoài. Càng đi càng phát hiện nhiều chỗ nước chảy lênh láng từ chân tường bê tông kênh dẫn dòng. Còn tường bê tông nhiều nơi bị nứt nẻ và được vá xi măng loang lổ. Tại một số đoạn chân tường nước chảy, đơn vị thi công đổ cát, đổ đá lấp lại một cách sơ sài nhưng nước vẫn rò ra ngoài. Có khoảng 300m tường bê tông kênh dẫn dòng bị sự cố nghiêm trọng này.
Để tìm hiểu nguyên nhân sự cố, chúng tôi đã đến trụ sở Công ty TNHH Xây dựng Nhật Hà liên hệ làm việc, nhưng nhân viên kế toán nói rằng giám đốc công ty đi công tác. Liên hệ qua điện thoại di động, giám đốc công ty tắt máy. Còn ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk, cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo của Công ty TNHH Nhật Hà về hai sự cố nói trên. “Khi nhận được thông tin từ báo chí, chúng tôi đã cho anh em kỹ thuật kiểm tra lại sự việc. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin cho báo chí”, ông Nguyễn Anh Dũng cho hay.

Đoạn tường bê tông bể áp lực thuỷ điện Ea Súp 3 bị vỡ đã được khắc phục làm thành hình thang.

Công nhân máy xúc đắp đất gia cố sức chịu lực cho tường bể áp lực thuỷ điện Ea Súp 3.

Nước rò rỉ lênh láng tại chân tường kênh dẫn dòng thuỷ điện Ea Súp 3.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ông Lê Ngọc Quý nói tầm bậy, để rút ngắn tiến độ thi công lại cắt chiều dày bê tông tường bể áp lực mỏng đi so với thiết kế là phản khoa học. Không xứng tầm là một đội trưởng thi công một công trình có tầm cỡ là một nhà máy thủy điện

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons