Những quyết định của
người mẹ táo bạo và quyết đoán giúp cậu bé Obama trưởng thành và hoàn thiện
mình hơn trong những năm tháng sống và học tập tại Indonesia.
Cuộc sống vốn là một chuỗi dài những mâu thuẫn. Và cuộc đời
của Thân mẫu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng là sự tổng hợp của rất nhiều điều
trái ngược. Bà S. Ann Soetoro, người mẹ trẻ mang học vị tiến sĩ nhân chủng học,
là một phụ nữ da trắng đến từ Mỹ nhưng lại yêu tha thiết cuộc sống ở Indonesia.
Là con người thực tế nhưng lại đa sầu, đa cảm, ở bà người ta tìm thấy những điều
khác biệt, một người mẹ đã nuôi dạy con trai, Tổng thống Mỹ Barak Obama, thành
tài.
Cậu bé Obama và Mẹ |
Cuộc đời bà tuy ngắn ngủi nhưng phải trải qua không ít sóng
gió. Hai lần yêu, hai lần kết hôn là hai lần bà phải đau nỗi đau tan vỡ. Những
người đàn ông đến nhưng không đem cho bà cuộc sống hạnh phúc không phải bởi họ
không tốt mà do bà vốn là người phụ nữ nhiều tham vọng.
Với bà, cuộc sống không phải là mơ và nhiều lần bà phải tự
đưa ra những quyết định ảnh hưởng tới cả cuộc đời và không ít trong số đó thất
bại. Là con người đa sầu đa cảm, tuy dễ dàng rơi lệ song người phụ nữ ấy lại cứng
cỏi khác thường khi vượt qua bao giông tố cuộc đời, quyết đoán và táo bạo trong
công việc.
Tổng thống Mỹ Obama khẳng định, ông ảnh hưởng rất nhiều từ
người mẹ quá cố và bà thật sự là một người rất đặc biệt, đặc biệt tới mức khi
con trai bà lên nhậm chức, có hẳn một bộ phim tái hiện lại cuộc đời của bà được
dựng lên.
Obama và Cha |
Có một điều thú vị là bà có tới 4 cái tên, mỗi tên gắn với một
chặng cuộc đời bà.
Cô bé Stanley Ann
Dunham.
Cái tên Stanley, một cái tên đậm chất nam tính, đã phản ánh
được ước vọng có được đứa con trai của cha mẹ bà. Cũng vì cái tên Stanley mà suốt
thời thơ ấu bà bị bạn bè châm chọc rất nhiều.
Sinh ra trong một gia đình buôn bán nội thất, cha lại là người
ưa dịch chuyển, lúc nhỏ bà chuyển nhà tận 5 lần, từ Kansas tới California, đến
Texas và cả Washington và ở cho tới trước khi Stanley tròn 18 tuổi.
Sinh sống tại một hòn đảo nhỏ ở Washington suốt mấy năm
trung học, từ nhỏ bà đã ham học hỏi và đặc biệt yêu triết học. Bà tham gia một
khóa học cao cấp về triết học và thường xuyên lui tới quán cà phê Seattle để
nghe luận bàn. “Stanley là một cô gái thông minh, nhưng có vẻ hơi trầm”, một
người bạn trung học của bà nhận xét, tuy nhiên, bà rất quan tâm tới bạn bè và
không bỏ qua bất cứ sự kiện nào thời đó.
Sau đó, dù bà đỗ vào Đại học Chicago nhưng cha đẻ bà lại
không đồng ý vì lo bà còn quá trẻ để tự xoay sở cuộc sống tự lập. Khi bà tốt
nghiệp cấp 3, một lần nữa bà phải miễn cưỡng theo gia đình tới lập nghiệp tại
Honolulu, Hawaii, và ở đây, nhiều biến động mới xảy đến với cuộc đời bà.
Trở thành bà Barack H
Obama.
Gặp gỡ và yêu Barack Obama Sr., cha đẻ của Tổng thống Mỹ
Obama, sau này là một bước ngoặt đối với bà Stanley. Chuyển tới nơi mới, bà
cũng quyết định đổi tên thành Ann cho mềm mại và dễ nghe hơn. Cũng ở đó, bà gặp
Obama Sr. trong một lớp học tiếng Nga. Người gốc Phi đầu tiên đi học ở đấy gây ấn
tượng vô cùng đặc biệt đối với bà. Khác với bà khi đó, một thiếu nữ khá khép
mình thì ông lại là một người vô cùng sôi nổi. Luôn là tâm điểm của đám đông, cậu
học sinh da đen thường xuyên được phát biểu trong các cuộc tọa đàm tôn giáo, được
một số tờ báo địa phương phỏng vấn và viết bài.
Cha Mẹ của Obama |
“Ở cậu ấy có một sức lôi cuốn kỳ lạ”, Neil Abercrombie, đại
biểu quốc hội Hawaii, từng là bạn đại học của Obama (cha) kể lại “tài hùng biện
của cậu ta thu phục được tất cả mọi người, kể cả những người kỹ tính nhất”.
Ông thường là tâm điểm trong những cuộc trò chuyện, luận bàn
chính trị, bàn về chiến tranh, về vấn đề bình đẳng... Trong khi mọi người lắng
nghe và rôm rả cùng cậu bạn Obama (cha) thì Ann lại chọn cho mình một góc khuất,
lắng nghe những câu chuyện của họ từ xa. Hiếm khi Ann phát biểu, mà thường chỉ
lặng im quan sát.
Mọi người biết Obama đang qua lại với một phụ nữ da trắng,
nhưng họ không quá bận tâm hay soi sét điều đó. Bởi đây là Hawaii, một vùng đất
“pha tạp”, có nghĩa là không có sự cấm đoán một người da trắng yêu một người da
màu. Và nếu như ở các bang khác, việc kết hôn với người da màu khi đó là một điều
cấm kị thì ở đây luật pháp hoàn toàn chấp thuận điều đó.
Và ngày 2/2/1961, vài tháng sau ngày quen nhau, cha mẹ Obama
đã chính thức kết hôn tại Maui. Khi đó, Ann đã mang bầu Obama 3 tháng. Bạn bè
không ai biết về đám cưới của họ cho đến tận sau này. Không ai hiểu vì sao hôn
lễ lại được bí mật tổ chức như vậy, thậm chí cả Obama sau này cũng không được mẹ
kể về điều đó. “Nếu bà chưa qua đời, có thể tôi sẽ hỏi rõ bà về điều này”, ông
Obama từng chia sẻ.
Và cậu bé Obama ra đời, mang trong mình hai dòng máu Mỹ và
Kenya. Khi con trai vừa tròn 1 năm tuổi, cha ông quyết định tới Harvard để tham
gia khóa học tiến sĩ kinh tế. Và rồi, cha của Obama muốn quay trở lại Kenya để
xây dựng quê hương và ông muốn đưa vợ con theo. Tuy nhiên, biết ông đã có một
người vợ trước ở đó, bà Ann không theo ông. Bất đồng quan điểm đã khiến cuộc
hôn nhân tan vỡ.
Cha của Obama trở về Kenya,
chỉ gặp con mình một lần duy nhất trước khi mất vì tai nạn xe hơi năm 1982.
Điều mà bà làm là điều vô cùng mới mẻ thời đó, chưa có một
phụ nữ da trắng nào kết hôn với một người da màu, sinh con và ly hôn như bà.
Quyết định táo bạo khiến cuộc sống của Ann khó khăn hơn. Người phụ nữ thiệt
thòi này phải gồng mình để trang trải tiền thuê nhà và nuôi con một mình. Đáng
lẽ, cô gái trẻ ấy hoàn toàn có thể nhồi nhét vào đứa con trai đầu lòng là Obama
lòng hận thù người cha. Nhưng không, Ann vẫn dạy con yêu người cha ở xa và thường
xuyên giữ liên lạc với ông.
Trở thành S. Ann
Dunham Soetoro.
Khi cậu con trai lên 2 tuổi, khát khao học lại trỗi dậy, bà
quay lại trường đại học. Cuộc sống càng nhọc nhằn và thiếu thốn hơn, cô phải sống
dựa vào vào bố mẹ đẻ. Nhưng đó cũng là lúc cô gặp và thương mến một sinh viên
ngoại quốc tên Lolo Soetoro. Và lời câu hôn Lolo đề nghị năm 1967 đã được bà chấp
thuận bởi thấy ông là người đàn ông hiền lành, vui vẻ và rất thương yêu con
trai bà (lúc đó Obama lên 6 tuổi).
Gia đình mới của Mẹ Obama |
Mất hàng tháng trời để hai mẹ con thu xếp và theo ông về
Indonesia. Sau một hành trình dài, ba người đặt chân tới quê hương của Lolo, thật
ngoài sức tưởng tượng của hai mẹ con “bước xuống máy bay, đường băng như bị
tróc lên bởi cái nóng và nắng gắt như trong hỏa lò”, Obama ghi lại hồi ức của
mình “tôi nắm chặt lấy tay mẹ, và tự nhủ sẽ bảo vệ bà”.
Nhà của Lolo lại nằm ở ngoại ô Jakarta, nơi không có điện,
đường phố cũng chưa được trải nhựa, lại đang là thời kỳ chuyển giao chế độ ở
Indonesia và lạm phát tăng cao tới 600% khiến mọi thứ đều khan hiếm. Ann và con
trai là những người ngoại quốc đầu tiên đến sống ở khu ổ chuột này. Cậu bé
Obama lúc đó, muốn chơi với lũ nhóc hàng xóm liền leo lên bức tường rào đập đập
tay giả bộ làm chú chim lớn, tạo ra âm thanh vui tai. “Điều này khiến bọn trẻ
nghèo bật cười”, cô Ikranagara hàng xóm của họ kể lại, và rồi chúng chơi với
nhau như thân quen.
Obama được gửi tới học một trường công giáo gọi là trường tiểu
học Franciscus Assisi tại đây. Là người ngoại quốc, lại thông minh, sáng dạ hơn
lũ trẻ ở đó, Obama nhanh chóng thành tâm điểm. Bị gọi là “thằng da đen”, nhưng
cậu bé không để bụng, trái lại còn tỏ ra thích thú khi được chơi với bọn trẻ.
Còn bà Ann không kìm được lòng trước hoàn cảnh của những con
người khốn khổ nơi đây, cứ liên tục cho tiền những người ăn mày tới trước cửa,
đến nỗi mà ông Lolo phải nói với Obama rằng “mẹ con có trái tìm yếu mềm quá”.
Nhưng khi hai mẹ con bà dần thích nghi và yêu cuộc sống của
người dân nghèo Indonesia thì cha dượng Lolo lại ngày càng tây hóa. Ông được
thăng chức cao tại một công ty dầu khí của Mỹ và chuyển cả gia đình tới một khu
phố sạch đẹp hơn. Bà Ann phát chán với những cuộc tiệc tùng bù khú và lối sống
nhà giàu của chồng mình. Bà tự thu mình lại.
Dù những đồng tiền chồng kiếm được đủ cho bà sống cuộc sống
dư dả, bà vẫn quyết định đi dạy tiếng Anh tại một đại sứ quán Mỹ. Bà dậy từ sớm
tinh mơ, 4h sáng đã vào phòng gọi Obama dậy và dạy tiếng Anh cho cậu.
Lúc đầu, Obama được gửi vào một trường quốc tế dành cho giới
nhà giàu, nhưng Ann lo con trai mình sẽ không được thử thách đầy đủ trong môi
trường đó. Sau hai năm, bà chuyển con sang học ở một trường công gần nhà. Để
giúp con trai có ý niệm rõ ràng hơn về thế giới của những người da màu ở Mỹ, bà
thường mang sách về phong trào quyền công dân sang phòng con đọc vào buổi đêm.
Bằng cách rất riêng, để cho con hiểu hơn về những người da
màu ở Mỹ, mỗi tối đi làm về, bà mang theo một cuốn sách về các phong trào dân
quyền cho con đọc. Chính bà là người dạy cho Obama biết thế nào là sự hòa hợp sắc
tộc, là bình đẳng giới và chính khát khao ấy đã theo ông đến tận bây giờ. Obama
vẫn nhớ lời bà nói “Mẹ tin rằng dưới lớp da kia, con người ai cũng giống nhau”.
Khi Obama lên 10, bà Ann gửi cậu về Hawaii sống cùng với ông
bà ngoại và tham gia khóa học tài năng Punahou mà cậu bé được học bổng. Quyết định
này đã cho thấy được bà đánh giá cáo giá trị của giáo dục đối với các con. Chấp
nhận xa con để cậu được chăm sóc và có nền giáo dục tốt hơn là một sự hy sinh lớn
của một người mẹ vĩ đại.
Một năm sau, bà mang theo cô con gái út trở lại Hawaii, bỏ lại
Indonesia và người chồng thứ 2. Bà tiếp tục ghi tên vào một chương trình thạc
sĩ nhân chủng học Đại học Hawaii để nghiên cứu về nhân học Indonesia - nỗi niềm
trăn trở bấy lâu của bà.
Thời gian này, bà bắt đầu khẳng định được mình và có tiếng
nói riêng, những người quen biết trước nói bà thông minh và trầm tính, còn những
người sau này biết bà, nhận xét bà là một người thẳng thắn và đầy đam mê. Bà tốt
nghiệp loại ưu.
Bố dượng của Obama vẫn thường xuyên tới Hawaii thăm vợ con,
nhưng họ không quay lại với nhau nữa. Ann cũng lại một lần nữa gửi đơn ly hôn
vào năm 19....? mà
không đòi hỏi bất cứ trợ cấp nào từ phía người chồng.
Tiến sĩ Ann Dunham
Sutoro.
Ba năm sống với con tại một căn hộ nhỏ ở Honolulu chỉ với
nguồn học bổng của mình, bà Ann quyết định quay trở lại Indonesia để nghiên cứu
thực địa cho luận án tiến sĩ của mình.
Chàng thanh niên Barack Obama và ông bà Ngoại |
Nhưng Obama khi đó không theo bà, cậu bé 14 tuổi quyết định
sẽ ở lại với ông bà vì mệt mỏi với sự thay đổi và cậu cảm thấy thoải mái với cuộc
sống ở đây. Đứng trước quyết định của cậu con trai, bà dù rất khó nhưng vẫn tôn
trọng ý kiến của con.
Trở lại Indonesia, bà lại đổi một cái tên nghe hiện đại hơn
“Sutoro”. Ở đây, bà được giữ một vai trò quan trọng trong một chương trình thuộc
hỗ trợ phụ nữ và người lao động thuộc quỹ Ford Foundation. Không giống với các
phụ nữ da trắng khác, bà dành nhiều thời gian để gặp gỡ và lắng nghe những khó
khăn của dân làng, đặc biệt là những vấn đề của người phụ nữ.
Thấy nhiều phụ nữ mang những chiếc giỏ nặng nề trên lưng đi
bộ đến chợ vào lúc 3h sáng, bà thấy động lòng và thuyết phục Ford Foundation
cùng Chính phủ Indonesia hỗ trợ xe đẩy cho đối tượng này. Và ngôi nhà của bà trở
thành nơi tụ tập của những nhân vật có nhiều ảnh hưởng trong xã hội: chính
khách, nhà làm phim, nhạc sĩ, hoạt động công đoàn. Và bà trở thành mối duyên
đưa những người họ gần gũi, lắng nghe nhau hơn.
Bà đã đóng góp cho người dân Indonesia một chương trình tín
dụng vi mô mà bà mất hơn 4 năm gây dựng. Trong suốt quãng thời gian ở
Indonesia, bà không ngừng chung sức giúp đỡ cải thiện cuộc sống của người
nghèo. Bà còn không ngần ngại sang tận Pakistan để tham gia hỗ trợ dự án tín dụng
cho đất nước Nam Á nghèo này.
Sau gần hai thập kỷ theo đuổi, nghiên cứu, đến năm 1992 bà
đã hoàn thành luận văn tiến sĩ về những người nghèo ở Indonesia . Trong phần
chú thích, bà đặc biệt gửi lời cảm ơn hai người con Barack và Maya vì chẳng bao
giờ phàn nàn khi mẹ thường xuyên lặn lội tới những nơi nghèo khó và hẻo lánh.
Mùa thu năm 1994, bà quay trở lại Hawaii, và nữ tiến sĩ nhân
chủng học, người mẹ đặc biệt của tổng thống Mỹ đã qua đời vào tháng 10 năm 1995
ở tuổi 52 vì chứng ung thu buồng trứng và cổ từ cung.
Việc ra đi của bà là một điều hối tiếc lớn với Tổng thống
Obama khi ông không được ở gần bà lúc lâm chung. Tuy nhiên, tinh thần và phong
thái của bà, Tổng Thống Obama vẫn giữ lại bên mình, bài học mà bà dạy, hy vọng
sẽ được vị tổng thống nước Mỹ áp dụng.
Trịnh Duy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét