(GDVN) - Theo ông
Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc chuyển
quyền sở hữu thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự thì nên để nó ở một
Nghị định khác hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự.
Về quy định xử phạt chủ phương tiện không sang tên đổi chủ
trong Nghị định 71/2012/NĐ-CP, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam,
ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói:
“Ý kiến của một số luật sư cho rằng quy định xử phạt các chủ
phương tiện không sang tên đổi chủ khi mua bán không thuộc phạm vi điều chỉnh của
luật Giao thông mà thuộc phạm vi điều chỉnh của luật dân sự, tôi thấy cũng có
cái đúng.
Đúng vì đó là quyền về tài sản mà quyền về tài sản thì liên
quan đến Bộ luật Dân sự. Tôi cũng không hiểu tại sao lại đưa quy định đó vào Luật
Giao thông đường bộ và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này”.
Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ảnh: TPO) |
Ông Nguyễn Sỹ Cương nói tiếp: “Tuy nhiên cũng cần khẳng định
rằng quy định xử phạt chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu là không có gì
sai bởi vì khi đã là chủ sở hữu của phương tiện thì bất kỳ một vấn đề gì liên
quan đến phương tiện đó thì chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm trước nhất. Đó là
lý do tại sao ở các nước khác, khi mua bán phương tiện thì người ta yêu cầu phải
sang tên đổi chủ ngay chứ không có tình trạng như ở nước ta.
Ở Việt Nam, tình trạng người dân vì trốn thuế nên không thực
hiện thủ tục sang tên đổi chủ rất nhiều. Quy định xử phạt chủ phương tiện không
sang tên đổi chủ đã có từ rất lâu rồi nhưng vì trước đây mức phạt rất thấp chưa
đủ sức răn đe nên việc thực hiện chưa triệt để”.
“Nên có một giải pháp là đơn giản hóa thủ tục để người dân
làm thủ tục sang tên đổi chủ dễ dàng. Thứ hai là nên giảm lệ phí trước bạ xuống
mức tối thiểu và đối với xe máy thì có thể miễn trong một thời gian nhất định.
Sau thời gian nhất định đó thì nâng trở lại và kiên quyết xử phạt những người
vi phạm”, ông Cương hiến kế.
Theo ông Cương, “việc loại bỏ quy định xử phạt chủ phương tiện
không sang tên đổi chủ khi mua bán xe ra khỏi Luật Giao thông và các Nghị định
hướng dẫn thi hành là có lý. Bởi vì quy định về quyền tài sản thuộc phạm vi điều
chỉnh của Luật Dân sự lại đưa vào Luật Giao thông đường bộ thì có điểm không ổn
lắm.
Nhưng vì quy định về chuyển quyền sở hữu khi mua bán xe máy,
ô tô không sai nên bắt buộc phải thực hiện. Có chăng chỉ là chuyển sang Nghị định
khác để cho phù hợp hơn với các bộ luật và cho đến khi chưa tìm ra được văn bản
phù hợp để đưa quy định này vào thì chưa nên loại bỏ nó khỏi Nghị định
71/2012/NĐ-CP. Nếu không có quy định xử phạt như vậy đối với các chủ phương tiện
giao thông thì tình hình sẽ rất lộn xộn”.
Qua việc người dân tỏ ra hoang mang khi Nghị định
71/2012/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật, ông Cương cho rằng: “Chúng ta cần rút kinh
nghiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vì công tác phổ
biến giáo dục pháp luật hiện nay của chúng ta còn chưa tốt. Mặc dù Luật đã có
Nghị định hướng dẫn nhưng trước khi có hiệu lực nên có thời gian để tuyên truyền
một cách rộng rãi để cho người dân ý thức được việc chấp hành”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét