(LĐ) - Vấn đề thu hồi đất, đặc biệt cho các dự án phát triển kinh tế -
xã hội nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi trong phiên họp thứ 9 ngày 11.3 của Ủy
ban Pháp luật của Quốc hội góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Cưỡng chế thu hồi đất |
Theo khoản 3 điều 58
dự thảo, “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo
quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an
ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã
hội”. So với điều 18 Hiến pháp 1992, rõ ràng, mở rộng thêm rất nhiều quyền của
Nhà nước trong việc thu hồi.
Hôm qua, rất nhiều
ĐBQH đề nghị nên bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất phục vụ cho dự án phát triển
kinh tế - xã hội. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH Đặng Đình Luyến cho rằng,
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã quy định hai cách thức tính đền bù đất đai rất
khác nhau: Khoản 3, Điều 56 quy định: “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do
quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống
thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá
nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”.
Trong khi đó, khoản 3, Điều 58 lại quy định cả trường hợp thu hồi cho các dự án
phát triển kinh tế - xã hội”.
“Trưng mua, trưng dụng
thì bản chất cũng là thu hồi đất, nhưng Nhà nước bồi thường”. Nhưng sự bồi thường
có điểm khác. Chẳng hạn bồi thường đối với những trường hợp vì lý do quốc
phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên
tai thì bồi thường theo cơ chế thị trường. Trong khi đó, các trường hợp theo Điều
58, đặc biệt đối với việc thu hồi cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội,
thì “theo quy định pháp luật”, tức Nhà nước định giá đất. “Giá đất Nhà nước định
giá thì không thể bằng giá thị trường nên người dân rất thiệt thòi” - ông Luyến
nói, đồng thời đề nghị nên nghiên cứu quy định lại sao cho hợp lý để không có sự
khác biệt với cùng một việc là Nhà nước bồi thường.
Trưởng đoàn ĐBQH Đồng
Nai Trần Văn Tư cũng cho rằng: “Các lợi ích kinh tế khác thì phải theo luật định,
chứ Nhà nước lại tiến hành cả việc thu hồi đất phục vụ cho các dự án kinh tế là
không phù hợp”.
Đến phần mình, Viện
trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo chỉ ra mâu thuẫn: Hiến pháp hiện
hành không quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản. Nay quy định như thế
này thì không còn khái niệm là thu hồi nữa mà chỉ trưng mua, trưng dụng. Còn nếu
muốn tiếp tục thu hồi thì bỏ khái niệm quyền sử dụng đất cũng là tài sản.
Trung tướng Trần Văn
Độ - Chánh án Tòa án quân sự T.Ư - phân tích theo dự thảo, đối với đất đai, Nhà
nước vừa là chủ thể quản lý vừa là đối tượng quản lý. Như vậy rơi vào vòng luẩn
quẩn và một người làm hai vai. Mà hai vai đó thì rất khó quản lý. Trung tướng
Trần Văn Độ đề nghị dự thảo phải “phân biệt” rõ ràng, bởi “nếu không rạch ròi
được việc này thì vấn đề đất đai sẽ còn vướng”.
Cùng với việc sửa đổi
Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang được tiến hành soạn thảo với
mục tiêu bám sát các quy định về đất đai trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Vì vậy,
những sửa đổi trong Hiến pháp có ý nghĩa chìa khóa cho vấn đề đất đai đang gây
ra những bức xúc hiện nay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét