Pages

11 thg 3, 2013

Quần đảo Trường Sa

Xem thêm: 
>> Tổ quốc ở Trường Sa
>> Quần đảo Hoàng Sa


Quần đảo Trường Sa (tiếng Anh: Spratly Islands) là nhóm gần 150 đảo nhỏ và đảo đá ngầm ở Biển Đông.

Biển đông
Nằm trong Biển Đông, quần đảo Trường Sa được bao quanh bởi những vùng đánh cá trù phú và giàu có về tài nguyên dầu mỏ và khí đốt.

Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc, mỗi nước đều tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ quần đảo; trong khi Brunei, Malaysia và Philippines, mỗi nước tuyên bố chủ quyền nhiều phần.

Những nước tham gia tranh chấp này có quân đội đóng trên từng phần của quần đảo Trường Sa và kiểm soát nhiều căn cứ trên các đảo nhỏ và đảo đá ngầm khác nhau.

Bản đồ quần đảo Trường Sa - 01

Bản đồ quần đảo Trường Sa - 02
Đài Loan chiếm một trong những đảo lớn nhất, đảo Ba Bình.

Đảo Ba Bình
Tháng 2 năm 1995, Trung Quốc chiếm đảo đá ngầm Vành khăn (Mischief reef) từ tay Philippines, gây nên một cuộc khủng hoảng chính trị lớn ở Đông Nam Á, đặc biệt với Philippines.

Đầu năm 1999, những cuộc tranh cãi lại tăng lên khi Philippines tuyên bố rằng Trung Quốc đang xây dựng đồn bốt quân sự trên đảo đá ngầm này.

Mặc dầu những tranh cãi sau đó đã giảm bớt một chút, nhưng chúng vẫn là một trong những nguyên nhân có thể gây ra một cuộc chiến lớn ở Đông Nam Á với sự tham gia của Trung Quốc hay một cuộc chiến nhỏ hơn giữa các nước tuyên bố chủ quyền khác.

Địa lý và phát triển kinh tế


Tọa độ: 8°38′ Bắc 111°55′ Đông

Diện tích (đất liền): nhỏ hơn 5 km²

Ghi chú: gồm khoảng 148 đảo nhỏ, đảo san hô và đảo chìm rải rác trên một diện tích gần 410.000 km² ở giữa biển Đông

Đường bờ biển: 926 km

Khí hậu: nhiệt đới

Địa thế: phẳng

Cao độ:
-         Điểm thấp nhất: Biển Đông (0 m)
-         Điểm cao nhất: vị trí không đặt tên ở đảo Song Tử Tây (4 m)

Thảm hoạ thiên nhiên: bão; nguy hiểm cho giao thông đường biển bởi vì nhiều đảo đá ngầm và bãi cạn.

Quần đảo Trường Sa vốn không có đất trồng trọt và không có dân bản địa. Có khoảng hai mươi đảo, trong đó đảo Ba Bình có diện tích lớn nhất, được coi là nơi cư dân có thể sinh sống bình thường. Các nguồn lợi thiên nhiên gồm: cá, phân chim, tiềm năng dầu mỏ và khí đốt còn chưa được xác định. Ngoài nghề cá, các hoạt động kinh tế khác bị kiềm chế do tranh chấp chủ quyền. Do nằm gần khu vực lòng chảo trầm tích chứa nhiều dầu mỏ và khí đốt, quần đảo Trường Sa có tiềm năng lớn về dầu khí. Hiện địa chất vùng biển này vẫn chưa được khảo sát nhiều và chưa có các số liệu đánh giá đáng tin cậy về tiềm năng dầu khí và khoáng sản khác. Các khảo sát khác nhằm phục vụ kinh tế và thương mại còn ít thực hiện. Quần đảo Trường Sa hiện chưa có cảng hay bến tàu nhưng có bốn sân bay trên các đảo có vị trí chiến lược nằm gần tuyến đường vận chuyển tàu biển chính trên biển Đông.

Sự có mặt của con người

Dấu ấn sớm nhất ghi lại được của con người với quần đảo Trường Sa là từ khoảng năm thứ 3 trước Công nguyên. Điều này dựa trên một số phát hiện rằng những người đánh cá, đa số là cư dân từ Vương quốc Chăm Pa cổ của Việt Nam hoặc cư dân cổ xuất phát từ đảo Hải Nam và các vùng đất nay là các quận ở tỉnh Quảng Đông đã đến quần đảo Trường Sa, và các đảo khác ở vùng Biển Đông để đánh cá hàng năm. Vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, thỉnh thoảng có một số thuỷ thủ từ một số nước lớn châu Âu (gồm hoặc Richard Spratly hoặc William Spratly) đến quần đảo Trường Sa, từ đó quần đảo có tên tiếng Anh là Spratly và tên này được thừa nhận chung, nhưng các nước châu Âu hồi đó còn ít chú ý đến quần đảo này. Đa số các tên tiếng Anh của các đảo, đảo nhỏ và đảo chìm được những ngư dân Việt Nam đặt. Các tàu Đức đến nghiên cứu quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa năm 1883 nhưng cuối cùng đã rút lui sau khi có những phản ứng từ phía nhà Nguyễn của Việt Nam.

Các bản đồ địa lý Việt Nam cổ ghi nhận Bãi Cát Vàng (được dùng để chỉ chung cả Hoàng Sa và Trường Sa) là lãnh thổ Việt Nam từ đầu thế kỷ 17.

Trong cuốn "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn, Hoàng Sa và Trường Sa được xác định rõ thuộc về tỉnh Quảng Ngãi (dân binh 2 đội Bắc Hải và đội Hoàng Sa đều do đội Hoàng Sa ở xã An Vĩnh huyện Bình Sơn kiêm quản). Ông miêu tả đó là nơi người ta có thể khai thác các sản phẩm biển và những đồ vật sót lại từ các vụ đắm tàu. Lê Quý Đôn viết: "Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hóa nói rằng: năm Càn Long thứ 18 (1753), có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh tổng Cát Liềm huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam, một ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa (萬里長沙, tức quần đảo Trường Sa) tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán..." (10 người dân binh Việt này là đội Bắc Hải phụ trách các đảo từ xứ Bắc Hải (Đông Bắc Biển Đông), cù lao Côn Lôn, và các đảo ở Hà Tiên. Đội Hoàng Sa phụ trách chính ở Hoàng Sa).

Tài liệu ghi chép Việt Nam vào thế kỷ 17 nhắc đến các hoạt động kinh tế được tài trợ của chính phủ dưới triều nhà Lê từ 200 năm trước đó. Chúa Nguyễn (ở Đàng Trong) và nhà Nguyễn sau đó đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu địa lý về các đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 18 và thế kỷ 19.

Quần đảo Trường Sa (tức Vạn lý Trường Sa, 萬里長沙) được thể hiện trong Đại Nam nhất thống toàn đồ (năm 1834-1840).

Các bản đồ về địa lý cổ của Trung Quốc có vẽ quần đảo Trường Sa nhưng không tỏ rõ các đảo là lãnh thổ Trung Quốc.

Trong khi ấy, một nhà sư của đất nước này là Thích Đại Sán (1633 - 1704, hiệu Thạch Liêm, quê ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, đến Phú Xuân vào năm 1695 theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu) đã tỏ hoạt động thực thi chủ quyền của Đại Việt (Việt Nam) đối với quần đảo Trường Sa (và Hoàng Sa) trong tập sách Hải ngoại kỷ sự (quyển 3) của mình. Trích một đoạn sách liên quan: "Khách có người bảo: mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng vào độ nửa tháng trước và sau mùa lập thu. Chừng ấy gió Tây Nam thổi mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng 4, 5 ngày đêm có thể đến Hổ Môn. Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bấc dần dần nổi lên, nước chảy về hướng Đông, sức gió Nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về phía Đông, lúc đó sẽ khó giữ được sự yên ổn. Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng dọc biển, chạy từ Đông Bắc qua Tây Nam; đống cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển, mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền đụng phải hẳn tan tành; bãi cát rộng hàng trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể gọi là Vạn lý Trường Sa, mù tít chẳng có cây nhà cửa. Nếu thuyền bị trái gió, trái nước mà lạc vào, dẫu không tan nát cũng không gạo không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quãng ấy cách Đại Việt 7 ngày đường, chừng 700 dặm. Quốc Vương trước, hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc từng bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào. Mùa thu nước ròng cạn rút về phía Đông, bị một ngọn sóng đưa đi, thuyền có thể trôi xa hàng trăm dặm; sức gió chẳng mạnh sợ gặp hiểm họa Trường Sa".

Cuốn sách Hải ngoại kỷ sự là một tài liệu cổ đáng tin cậy. Nguyên bản in sách này hiện còn được lưu giữ tại Đông Dương Văn khố Nhật Bản và Quốc lập Trung ương đồ thư quán Trung Hoa.

Sang thập niên 1930, Pháp tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Chính phủ Bảo hộ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thay cho Việt Nam, lúc đó đang là nước thuộc địa của Pháp. Họ chiếm đóng một số đảo thuộc Trường Sa, gồm cả đảo Ba Bình, và xây các trạm khí tượng trên hai đảo, và sau đó quản lý chúng như một phần lãnh thổ của Đông Dương thuộc Pháp. Sự chiếm đóng này bị chính phủ quốc gia Trung Quốc phản đối bởi vì theo họ thì khi các tàu chiến của Pháp tới chín đảo thì trên biển có một số ngư dân gốc Trung Quốc đánh cá, theo họ thì các ngư dân này đã xé cờ Pháp sau khi tàu của Pháp rời khỏi đảo. Sau đó, Nhật Bản chiếm một số đảo trong Thế chiến thứ hai, và sử dụng các đảo này làm căn cứ tàu ngầm cho các chiến dịch ở Đông Nam Á. Dưới thời đó, những đảo này được gọi là Shinnan Shoto (新南諸島 - âm Hán Việt: Tân Nam chư đảo, nghĩa là "nhóm đảo mới phía Nam"), cùng với quần đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự cai trị của Chính quyền Nhật tại Đài Loan. Sau khi Nhật Bản bị đánh bại, Quốc Dân Đảng tuyên bố chủ quyền toàn bộ quần đảo Trường Sa (gồm cả đảo Ba Bình) và chấp nhận sự đầu hàng của người Nhật. Nhật Bản rút bỏ tất cả các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo vào năm 1951 theo Hiệp ước Hoà bình San Francisco. Trong hiệp ước với Trung Hoa Dân quốc, Nhật một lần nữa rút bỏ chủ quyền khỏi các đảo cùng với Hoàng Sa, Đông Sa (Pratas) và các đảo đã chiếm của Trung Quốc. Tuy nhiên, Quốc Dân Đảng đã rút khỏi Trường Sa và Hoàng Sa khi họ bị các lực lượng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối lập đánh bại năm 1949.

Tháng 7/1951, tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hoà bình với Nhật Bản Quốc gia Việt Nam tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã thuộc lãnh thổ Việt Nam. Tuyên bố này không bị bác bỏ hay bảo lưu ý kiến nào của 51 nước có mặt tại hội nghị. Tháng 4 năm 1950 Pháp trao lại quyền quản lý quần đảo Trường Sa (và Hoàng Sa) cho chính phủ Quốc gia Việt Nam thời quốc trưởng Bảo Đại nhưng việc đồn trú vẫn do quân đội Pháp đảm nhiệm, và khi người Pháp rời khỏi Việt Nam sau Hiệp định Genève, 1954, quyền kiểm soát thuộc về quân đội Quốc gia Việt Nam và kế tiếp là quân đội Việt Nam Cộng hòa thực hiện chủ quyền đóng giữ Trường Sa. Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975, các lực lượng hải quân của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp quản từ quân đội Việt Nam Cộng hòa cho đến nay.

(Theo wikipedia.org)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons