(Nguoiduatin) - Quy định
sẽ xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm của ngành giao thông dường như đã không
xét đến khía cạnh người đội mũ bảo hiểm rởm chính là người tiêu dùng, là nạn
nhân cần được pháp luật bảo vệ, cần được hỗ trợ, giúp đỡ.
Chuyện không mới,
nhưng chưa bao giờ cũ: Đội mũ bảo hiểm rởm khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt.
Xử phạt người tham gia giao thông, chuyện tưởng như đã quá quen “trong ngành”,
tham gia giao thông mà vi phạm các quy định pháp luật dĩ nhiên sẽ bị phạt: miễn
bàn, khỏi cãi.
Thế nhưng đội mũ bảo
hiểm rởm không giống như hành vi lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, đi sai làn
đường, đi quá tốc độ, đi vào đường một chiều, đường cấm… Đội mũ bảo hiểm rởm
xét ở một góc cạnh nào đó không nằm trong nhóm các trường hợp “không thuộc” Luật
giao thông đường bộ. Bởi lẽ nó là tại cái mũ bảo hiểm, cái mũ nó kém chất lượng,
mũ rởm chứ không phải tại người tham gia giao thông.
Quy định sẽ xử phạt
người đội mũ bảo hiểm rởm của ngành giao thông dường như đã không xét đến khía
cạnh người đội mũ bảo hiểm rởm chính là người tiêu dùng, là nạn nhân cần được
pháp luật bảo vệ, cần được hỗ trợ, giúp đỡ.
Luật Bảo vệ người
tiêu dùng tại Điều 4 đã quy định rất rõ: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là
trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Và quyền lợi của người tiêu dùng
được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Chưa biết việc bảo vệ
người tiêu dùng trong vấn đề mua và sử dụng phải mũ bảo hiểm rởm đến đâu chỉ biết
trước mắt họ phải gánh thêm chế tài xử phạt nếu như đội mũ bảo hiểm kém chất lượng
đi ra đường.
Bản thân người tham
gia giao thông trong vấn đề này cũng là người tiêu dùng, khi mua mũ bảo hiểm
khó có thể phân biệt được đâu là mũ bảo hiểm đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật,
đâu là mũ kém chất lượng. Không ít người
tiêu dùng bỏ tiền ra mua mũ bảo hiểm “xịn” nhưng lại dính mũ bảo hiểm rởm.
Họ đang trông mong
vào việc cơ quản lý vào cuộc ngăn chặn hành sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm rởm,
họ kỳ vọng và đòi hỏi trách nhiệm từ các cấp quản lý chứ không phải là mang người
tiêu dùng ra để “lĩnh án” thay cho những kẻ vi phạm pháp luật.
Có lẽ không ở đâu người tiêu
dùng lại vừa là nạn nhân khi sử dụng phải hàng hóa kém chất lượng lại vừa bị phạt
vì việc sử dụng hàng hóa đó. Và nếu quy định này của ngành giao thông được nhân
rộng và được các ngành khác “học tập” áp dụng, rất có thể sẽ có chuyện mặc áo rởm
bị phạt, ăn bát phở rởm cũng bị phạt…
Điều này đi ngược lại
với quyền lợi của người tiêu dùng được ghi nhận trong Luật bảo vệ người tiêu
dùng năm 2010. Trong đó nhấn mạnh: người tiêu dùng “được bảo đảm an toàn tính mạng,
sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng
hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.”
(Khoản 1, Điều 8)
Luật bảo vệ người tiêu dùng
Điều 8. Quyền của người tiêu dùng
1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp
pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân
kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh
doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất
xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch
và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử
dụng.
3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch
vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không
tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức,
cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá
cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và
nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân
kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng.
6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu
chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả
hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố,
niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để
bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của
pháp luật có liên quan.
8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch
vụ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét