Pages

26 thg 4, 2013

Cầu vượt hứng thì làm, cầu tạm thích thì phá?

(Kienthuc.net.vn) - "Phá cầu đi bộ để xây cầu vượt tốn kém hàng tỷ đồng tiền ngân sách. Điều này thể hiện sự yếu kém trong tầm nhìn, quy hoạch cũng như tài năng của người lãnh đạo... ".


Cầu vượt dành cho người đi bộ tại nút giao thông Kim Mã - Daewoo
mới hoàn thành đã phải phá bỏ để xây cầu vượt. 
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Kiến Thức xung quanh câu chuyện "xây cầu vượt, phá cầu tạm" ở thủ đô Hà Nội.
Cầu tạm, thích thì phá!
Hai cầu vượt dành cho người đi bộ tại nút giao thông Bạch Mai - Đại Cồ Việt và Kim Mã - Daewoo mới hoàn thành đã phải phá bỏ để xây cầu vượt. Vậy là cầu bộ hành trị giá hàng chục tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã tháo dỡ. Theo ông thì người ta có tính toán đến điều này trước khi xây dựng cầu vượt đi bộ?
Việc xây dựng cầu vượt cho người đi bộ và việc dỡ bỏ đi là luật không cấm. Mà cái gì luật không cấm thì người ta được làm. Việc xây dựng cầu vượt cho người đi bộ là giải pháp cấp bách tạm thời giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông chứ nó không nằm trong quy hoạch xây dựng Thủ đô, không nằm trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông.
Nghĩa là vì chỉ là cầu tạm, nên người ta được quyền phá bỏ?
Thì "cầu tạm" mà! Người ta thích thì để, không thích thì phá thôi. Cầu vượt cho người đi bộ là cầu tạm, mà cầu tạm thì có thể lắp hay tháo dỡ lúc nào cũng là điều bình thường. Cầu vượt cho người đi bộ cũng là một trong những giải pháp chống ùn tắc. Sau đó ùn tắc vẫn xảy ra liên tiếp, các giải pháp đưa ra là hạn chế phương tiện cá nhân, tăng thuế trước bạ, nâng phí cấp biển số xe, đổi giờ học giờ làm... không có hiệu quả. Người ta bắt đầu làm cầu vượt tạm cho các phương tiện ô tô - xe máy. Vì phải ưu tiên cầu vượt nên phải di chuyển cầu đi bộ.
Dù không bỏ đi, nhưng việc tháo dỡ này hẳn cũng gây tốn kém?
Tốn kém là xây 2 mấu trụ ở hai bên đầu cầu. Mỗi chiếc cầu sẽ mất vài tỷ đồng. Từ đó rút ra bài học là khi làm các công trình giao thông thì phải tính đến kế hoạch dài hơi. Cầu vượt cho người đi bộ ấy, hay cái cầu vượt vừa khánh thành 1 năm đã phải bỏ ra mấy chục tỷ đồng nâng cấp là không được. Từng đồng tiền ngân sách là tiền thuế của dân, không sử dụng bừa bãi được.
Cấp trên hứng lên thì làm thôi!
Ai cũng biết ta không thiếu các nhà khoa học, những người làm quy hoạch giỏi, vì sao những lỗi như vậy lại vẫn xảy ra thưa ông?
Chúng ta làm việc có tính chất mệnh lệnh nhất thời của lãnh đạo chứ chưa tôn trọng khoa học kỹ thuật. Người Việt Nam không yếu kém, nhiều người được đào tạo rất tốt, có trình độ rất cao. Chúng ta có tri thức, có nhân lực tốt, có khoa học, nhưng lại không ứng dụng được. Ấy thế nhưng ta lại quen làm việc theo mệnh lệnh. Cấp trên bảo thế nào thì phải làm thế. Các nhà khoa học có thể tính toán được, nghiên cứu được, nhưng họ không có tiếng nói. 
Làm việc thì đương nhiên phải theo mệnh lệnh, chỉ đạo cấp trên chứ?
Bản thân nhà khoa học chưa được tham gia ý kiến đầy đủ vào các dự án mà chỉ làm theo mệnh lệnh cấp trên. Mà cấp trên thì đôi khi chỉ là hứng lên, thấy hay hay thì quyết định làm thôi. Còn nghiên cứu sâu sắc các yếu tố tác động trước khi xây dựng một công trình thì ta chưa làm nổi.
Tôn trọng khoa học sẽ đỡ lãng phí
Thực tế là những giải pháp, công trình giao thông lớn, họ có lấy ý kiến của các nhà khoa học không?
Các giải pháp an toàn giao thông, lãnh đạo Hà Nội chưa bao giờ hỏi ý kiến người dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học. Tôi phải nói rằng từ khi xảy ra tình trạng ách tắc giao thông, chưa bao giờ lãnh đạo Hà Nội hỏi ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân. 
Theo ông vì đâu nên nỗi!
Thực ra tất cả đều là dự án, mà dự án thì phải có tiền. Mà tiền thì không thể chia sẻ cho người khác được. 
Tôi thì lại nghĩ chắc vì họ chính là người chuyên môn có trình độ rồi, tự họ làm được việc đó, không cần phải hỏi ý kiến ai cả?
Trình độ thì chắc là họ phải cao hơn dân rồi. Nhưng tôi cũng phải nói là họ thiếu kiến thức thực tế. Chính tôi cũng nói với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, "có nằm trong chăn mới biết chăn có rận". Những người làm chính sách phải đi ra đường đi, phải sống giữa các điểm ùn tắc ấy. Xe máy dầm mưa dãi nắng, khói bụi, chen lấn, tắc nghẽn... thì mới hiểu cần phải làm gì. Còn cứ ngồi trong xe ô tô máy lạnh thì không thể đưa ra những quyết sách đúng được đâu.
Phải chăng một trong những nguyên nhân của lãng phí trên là do nhà khoa học không có tiếng nói?
Nhà nước ít xin ý kiến của các nhà khoa học, hiệp hội ngành nghề... nên mới dẫn tới sự lãng phí như vậy. Giá như trước khi xây dựng những công trình này, họ lấy ý kiến của các nhà khoa học, tính toán kỹ lưỡng hơn thì sẽ không gây tốn kém, thất thoát lãng phí như vậy.
Lãnh đạo không được lèo lá
Rõ ràng ở góc độ người dân thì sự bức xúc là có lý. Phải có ai đó nhận trách nhiệm cho lãng phí này?
Việc đóng thuế, đóng phí, tôi nghĩ người dân không ngại. Nhưng tiền đó phải là để đầu tư vào các công trình giao thông, để sự đi lại của người dân được thuận tiện. Mà để làm được các công trình đó thì phải đầu tư, nghiên cứu tâm huyết, tầm nhìn dài. Chứ còn xây xong lại phải phá đi làm lại, tốn tiền ngân sách, tốn tiền dân thì phải có người nhận trách nhiệm.
Nhưng nhận trách nhiệm phải đi cùng chế tài xử lý?
Đương nhiên là thế. Khi gây ra lãng phí tiền của dân thì người chịu trách nhiệm về những công trình đó cũng phải có ý kiến giải thích và nhận trách nhiệm. Chứ không chỉ giải thích xong là xong. Lãnh đạo thì không được lèo lá như vậy. 
Thế nhưng từ trước đến giờ, để xử lý một người ra quyết định sai là rất hiếm?
Giờ xử án khó nhất là xử người có chức có quyền. Chứ còn dân thì ra tòa án bao nhiêu, nhận bấy nhiêu thôi. Đó là thực tế đáng buồn, cũng là năng lực lãnh đạo có vấn đề.
Cụ thể trong việc này, xây cầu đi bộ rồi lại phá đi, tốn tiền dân. Lỗi ở đâu, ai sẽ phải chịu?
Lỗi là khâu khảo sát chưa đến nơi đến chốn. Ví dụ như xây cầu hay hầm cho người đi bộ. Đáng lẽ phải khảo sát chỗ đó người ta có đi bộ hay không. Rồi khâu thiết kế, đánh giá về mặt xã hội học, tâm lý của người dân có phù hợp với những công trình đó không. Chứ giờ dân thích đi chợ cóc hơn siêu thị, thích gửi xe ở vỉa hè hơn là đưa xe vào bãi hay vào hầm. Người Việt Nam thích nhảy qua cầu đi qua đường chứ không muốn đi vòng qua cầu hay qua hầm. Vì thế có cầu, hầm xây xong, chẳng ai đi.
Nhưng tiêu tiền ngân sách thì một đồng cũng phải tính, chứ chưa nói gì đến hàng tỷ đồng. Mà ở những công trình này thì ta nhìn thấy bằng mắt những sai phạm đó?
Gần đây có ông Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nhận kỷ luật vì để xảy ra nhiều tai nạn giao thông. Những trường hợp như vậy là rất hiếm. Trong khi là lãnh đạo thì nói sai đã phải xin từ chức chứ chưa nói gì đến việc làm sai hàng tỷ đồng của Nhà nước. Chẳng ai đứng ra xin lỗi hay nhận trách nhiệm, nhưng khi bỏ phiếu tín nhiệm thì phiếu lại đều cao cả.
Ở góc độ người dân thì đây thực sự là một thực tế đáng buồn!
Người dân tự hỏi lãng phí như vậy thì ai là người phải chịu trách nhiệm. Không thể giải thích là xong, vì tiền của dân, chứ không phải tiền từ trên trời rơi xuống. 
Xin cảm ơn ông!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons