Pages

21 thg 4, 2013

Trong tay có mấy nghìn đô, làm gì?


(TuanVietNam) - 1.000 đô-la: cơ hội “chạy” suất lớp 1 trường điểm; 2.000: đủ “thuê” bác sĩ tầm cỡ đi dự sự kiện; còn với 5.000: có thể lọt cửa công chức.

1. Lâu nay chúng ta vẫn hay chăm chắm săm soi thông tin giá dự sự kiện của giới showbiz, mà quên rằng có một số đối tượng khác cũng khá đắt duyên với nghề phụ này. Bác sĩ chẳng hạn.

“Thảm đỏ” của các bác sĩ trong trường hợp này là các hội thảo tư vấn, giới thiệu sữa, thực phẩm chức năng, thuốc,… Công việc của họ, vất vả hơn các người đẹp showbiz đôi chút, là đọc tham luận, phát biểu chia sẻ sao cho càng nhiều người tin vào các công dụng thần kỳ của sản phẩm càng tốt.
Cụ tỷ “giá rổ” thì vô cùng, tùy theo độ mạnh gạo bạo tiền của đơn vị tổ chức sự kiện, theo tầm ảnh hưởng của bác sĩ được mời, v.v… Nhưng đại khái, theo thông tin của một bài báo mới đây, mức này có thể dao động từ vài ba triệu đến 2.000 USD - đối với đẳng cấp giáo sư đầu ngành.
Xuất hiện đôi tiếng, phát biểu dăm trang, chụp hình vài kiểu, tiền triệu bỏ túi. Đó quả thực là một cơ hội hấp dẫn, chưa kể rủi ro đi kèm gần như bằng không, đâu căng thẳng như khi điều trị, phẫu thuật cho bệnh nhân.
Chỉ phân tích riêng chuyện quảng bá sữa, hãy xem “tai nạn” tệ nhất là gì? Khả năng quảng cáo phải loại sữa nhiễm melamine khiến 300.000 người ốm, 6 người chết như từng xảy ra tại Trung Quốc chắc rất hi hữu. Còn lại, có chăng cũng chỉ đến như trường hợp “hồn Việt, da Pháp” như loại sữa Danlait gây ầm ĩ gần đây là cùng.
Mà kể cả như thế thì đã sao? Năm ngoái, chuyện phòng khám có yếu tố nước ngoài gây chết người, hoạt động trái phép náo loạn một phen. Nhưng rồi bao nhiêu cơ quan truyền thông từng hết lời quảng bá “nàng Maria” nào ai động đến.
Thế nên cứ ung dung mà nhận cát-xê, rồi khiến các bà mẹ phải tin không có sữa này, con họ sẽ đời đời kém con thiên hạ về đủ mặt. Thế nên mới có chuyện mấy hôm nay báo chí khui ra sự thật một loại sữa được thổi phồng chữa bách bệnh, với giá trên giời, cũng được bác sĩ nhiệt tình tư vấn cho bệnh nhân.
Xét cho cho cùng, giá và chất lượng sữa ở Việt Nam vốn xưa nay đã có tiếng loạn, năm nào cũng có đôi ba dịp rủ nhau “điều chỉnh”, với đủ thứ lý do trên đời. Lạ cái là giá sữa cũng y như giá điện, chỉ có điều chỉnh lên, chưa từng biết đi xuống mặt mũi thế nào.
Trong cái tình hình ấy, khoản tiền dự sự kiện, hoa hồng từ ngành sữa mà bác sĩ nhận cùng lắm cũng chỉ là góp nước cho mưa chứ thấm vào đâu. Cũng nhờ thế mà có thể tự hào, vì VN tuy còn nghèo, nhưng giá sữa lại vượt mặt nhiều nước.
Mà thời bây giờ, có ai không chạy chân trong chân ngoài, nhiều khi chân phụ còn dài hơn chân chính. Chẳng phải vừa có khảo sát chỉ ra đến hơn 80% công chức có thu nhập phụ, mà đâu như 55% đến từ họp hành. (Đành rằng xứ ta vốn nổi tiếng thích hội họp, nhưng hội họp mà ra tài sản phát sinh đến hàng chục tỷ chỉ trong 1 năm như một cán bộ sở mới đây thì thật đáng nghi).
Sữa đắt, lên giá vùn vụt, với nhà giàu cũng chỉ như “muỗi đốt xe tăng”. Giới công chức trung lưu có phải nghiến răng thêm cũng còn răng mà nghiến. Chỉ thương trẻ em nhà nghèo, nhỏ không có sữa ngoài để uống, lớn thêm ít nữa thì “cơm không thịt”. Rồi ra trưởng thành, đừng nói mơ thành phi công, người mẫu, không khéo tiêu chuẩn chiều cao cân nặng để được lái xe máy ra đường cũng còn chưa đủ.

2. Một – ba nghìn USD là khung giá ngầm mà các phụ huynh cần nắm rõ nếu đang “rắp tâm” chạy cho con vào lớp 1 các trường tốt, trường điểm.

Rẻ, chưa bằng một nửa số tiền cần bỏ ra để mời ca sĩ Mỹ Tâm về Đã Nẵng hát đúng một bài. Chúng ta có thể nói thế.
Nhưng tại sao lại phải bỏ hàng chục triệu chạy vào một cấp học đã được quy định miễn phí trong Hiến pháp. Lý do chủ yếu nhất có lẽ vẫn là phụ huynh không có nhiều lựa chọn.
Giáo dục VN vốn chẳng nổi tiếng ưu việt. Nhưng so bó đũa chọn, đành chọn… cái đũa dài hơn. Số trường tiểu học được coi là có chất lượng tốt quả là hiếm hoi, đến nỗi các phụ huynh phải phừng phừng lao vào bằng mọi giá, kể cả xô đổ cổng trường như năm vừa rồi.
Trong 2 trên 3 quyền cơ bản của các “búp trên cành”, quyền ăn thì đã phần nào được thể hiện trong câu chuyện về sữa ở trên. Còn quyền học, cũng chẳng dễ gì mà đảm bảo.
Trò chạy vào trường để học, thì phía ngược lại, các kỹ sư tâm hồn cũng phải chạy đến kiệt quệ để có suất biên chế. Tiền chạy cũng từ dăm chục, đến vài trăm triệu, ngay cả với những suất dạy học nơi “rừng xanh núi đỏ”, với mức lương vỏn vẹn quanh 1 triệu/ tháng.
Thật không hay gì khi bắt đầu cho bọn trẻ bước vào nền giáo dục theo cách thức “chạy” thiếu trung thực – ai cũng có thể thấy vậy. Nhưng cứ theo tình hình hiện nay, có khi cần đưa môn “chạy” vào trường học.
Quả vậy. Chạy vào lớp 1 mới chỉ là khởi động. Tiếp theo là cấp 2, cấp 3, đã đâm lao lại phải theo lao.
Học xong, muốn mon men vào cửa công chức lại một cuộc chạy khác, mà nghe đâu ít cũng khoảng 5 nghìn tiền Mỹ quốc trở lên. Tất nhiên, thanh tra, điều tra đã bảo không hề có chuyện đó. Và công luận cũng chẳng mấy người tin, nhưng là vì cho rằng giá đấy thì… rẻ quá, sao mà đủ.
Vào nhà nước rồi, không thể mòn đít làm công chức quèn mãi. Lại phải chạy làm quan chức. Quan chức nhỏ lại chạy lên quan chức to…
Cuộc chạy ngày càng tinh vi, khi đến một mức nào đó, sẽ có những thế lực đứng ra “chống lưng” cho cuộc đua – các doanh nghiệp giàu tiền lực nhưng cần quan hệ. Vậy là “quyền lực đang bị thương mại hóa, đã trở thành một đối tượng để mua bán, có giá hẳn hoi. Từng vị trí, chỗ nào, ở cấp nào đều có giá cả.” – một chuyên gia kinh tế đã chỉ ra.

3. Vẫn có tiếng là giáo dục mắc bệnh thành tích, nhưng Việt Nam lại mất tăm trong các bảng xếp hạng như top 100 trường đại học hàng đầu châu Á (chứ chưa nói đến thế giới). Một vị GS, nguyên giảng viên tại một đại học lớn, còn bi quan nhận định rằng, đến top 300 cũng còn khó.
Chỉ tiếc thế giới chưa xếp hạng kỹ nghệ “chạy”, chứ không ắt VN phải vào hàng cường quốc. Sao lại không, ở một nơi mà đâu đâu cũng chạy: Công chức đua nhau chạy “chân trong, chân ngoài” làm thêm. Rồi học cũng chạy, công chức: chạy.

Dù sao, trong khi chờ được thế giới công nhận, đã có một vị PGS-TS, viện phó một viện về khoa học quản lý, đi tắt đón đầu, mạnh dạn đề nghị “luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền”!
Cái lý mà vị PGS-TS này đưa ra là: “Trên thế giới này, chạy chức, chạy quyền nhiều chứ (?!). Vậy thì việc chạy vào chức, quyền của Việt Nam cũng là dễ hiểu”. Và rằng: “Nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường thì chính những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định cho nó chạy. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được”.
Dẫn lại tích cũ, một nhà báo đề nghị, chạy cũng được, nhưng phàm là công chức “chạy” thì phải làm như người xưa, cho chặt… ngón chân đánh dấu.
Làm thế ở các cơ quan nhà nước, không khéo lại thu về một núi ngón chân vô ích. Sao ta không biến thế mạnh thành sức mạnh: dốc hết lực lượng vào các cuộc thi chạy lớn nhỏ, ở đủ mọi quy mô của thế giới. Thế cũng là góp phần gỡ gạc thể diện cho nền thể thao đang bi bét của ta chăng!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons