(Laodong) - 12 năm trước,
một cuộc “kiểm tra, thanh tra các đoàn thanh tra, kiểm tra” do Thanh tra Chính
phủ và VCCI tiến hành đã công bố bao điều tréo ngoe.
Chẳng hạn trường hợp doanh nghiệp Lê Kháng (Cần Thơ). Doanh
nghiệp khốn khổ này cho biết trong chỉ 365 ngày của năm 2000, họ phải “tiếp”
đúng 10 đoàn thanh kiểm tra các loại, trong đó có 5 đoàn là của ngành công an.
Nhắc lại, năm 2000 là thời điểm Nghị định 61 về thanh kiểm
tra Doanh nghiệp có hiệu lực với quy định rành rành tại điều 3, rằng “Không được
tiến hành trùng lặp, không quá một lần về cùng một nội dung trong một năm đối với
một Doanh nghiệp”. Có tới 4 chữ “một” trong một câu.
Nhưng thực tế lại là 10. Lý do, ngành công an thì có an
ninh kinh tế, rồi cũng ngạch kinh tế lại có cảnh sát kinh tế, trong ngạch cảnh
sát ngoài kinh tế còn có cảnh sát điều tra, cảnh sát PCCC, thậm chí cả cảnh sát
khu vực…, mà lực lượng nào thì cũng có quyền kiểm tra.
Cuộc kiểm tra các cuộc kiểm tra cho biết lực lượng công an
hầu như không có quyết định mà chỉ chủ yếu dùng giấy giới thiệu hoặc thẻ ngành.
Và các cuộc kiểm tra không có giấy tờ gì rơi đúng vào lực lượng này.
Nhưng Lê Kháng chỉ là trường hợp cá biệt, phản ánh một thực
tế không hề cá biệt là Doanh nghiệp bị hành hạ khốn khổ bởi thanh-kiểm tra, và
nỗi thống khổ này không chỉ mới bắt đầu từ năm 2000, cũng chưa hề có dấu hiệu dừng
lại. Chẳng qua, Doanh nghiệp bất đắc dĩ chỉ dám nói, dám phản ánh theo kiểu
“con giun” bị xéo đến mức không thể chịu nổi.
Tháng 4 năm ngoái, một kỷ lục mới được lập khi Phó Chủ tịch
Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa cho biết, Doanh nghiệp của ông phải tiếp 15 đoàn
thanh tra trong một năm. Tình hình “bĩ” đến mức thanh tra thuế moi lại chuyện của
7-8 năm về trước- một vụ việc đã được thanh tra kết luận.
Và đến hôm qua, kỷ lục 10 lần thanh kiểm tra của Lê Kháng bị
phá sâu. Kỷ lục 15 lần ở Khánh Hòa cũng chẳng còn đứng vững khi Chủ tịch Hiệp hội
Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước - TS Hoàng Mạnh Bình “nói thẳng” với
các quan chức tỉnh nhà trước tình trạng một Doanh nghiệp là Công ty Hùng Nhơn
phải “tiếp” 17 đoàn thanh tra của đủ các ban, ngành từ huyện đến tỉnh. Mở ngoặc
nói thêm, 17 đoàn thanh tra vào trong chỉ 1 tháng, chỉ thanh tra đúng… 1 nội
dung và nội dung này kéo dài từ tháng 6.2011 đến tháng 5.2013 vẫn chưa xong.
Hóa ra, luật là luật, còn thực thi pháp luật là thực thi
pháp luật.
Hóa ra nói giúp đỡ Doanh nghiệp mà một chuyện, có điều giúp
đỡ Doanh nghiệp theo cách của những nhà chức trách.
Không cần hỏi cũng biết, việc chính của Hùng Nhơn giờ chỉ
là “tiếp” các đoàn thanh tra. Và cũng chẳng khó đoán về tình hình của Doanh
nghiệp này sau khi được các đoàn thanh-kiểm tra vào “giúp đỡ”.
200.000 DN phải ngừng hoạt động, phải phá sản. Và ngoài những
nỗi khốn khổ có thể ghi trong báo cáo về tiếp cận vốn, về tồn kho hàng hóa, về
giá cả vật tư đầu vào, về sức ép xăng, dầu, điện, về… Còn có biết bao nhiêu điều
họ không dám hoặc chưa dám nói ra. “Những khoản thực chi nhưng không được khấu
trừ” - lời ĐBQH Trần Du Lịch, khiến khoản thuế thu nhập doanh nghiệp họ đóng
trong thực tế không phải chỉ 25%. Chẳng hạn, “chi phí không chính thức” mà các Doanh
nghiệp vận tải phải “rải đường” phải mua hóa đơn để tính vào giá thành. Và giờ
thì là liên miên các cuộc thanh tra, kiểm tra.
Nhớ trong buổi nói chuyện với các doanh nhân, chàng trai kỳ
diệu Nick Vujicic đã khuyên họ: ''Bạn có thể không cần can đảm để chiến thắng;
nhưng chắc chắn bạn cần can đảm để thất bại. Nếu tôi thất bại, tôi cố gắng lần
nữa, lần nữa và lần nữa...''.
Còn PCT Bình Phước - sau khi nghe câu chuyện 17 lần thanh
tra - đã lên tiếng xin lỗi các Doanh nghiệp.
Liệu người ta có thể can đảm để thất bại đến lần thứ 17
trong một năm! Có thể can đảm thất bại cho đến khi phá sản (?!) khi mà những lời
xin lỗi - giống y những quy định trong luật - chỉ là một câu chuyện không giống
tí ti thực tế (?!).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét