Diễn đàn Quốc hội (QH) tuần qua nóng lên khi thảo luận dự thảo Luật Cư
trú sửa đổi vì nó liên quan đến quyền tự do cư trú của công dân đã được Hiến định.
Nhiều đại biểu (ĐB) QH bức xúc nêu
lên hiện tượng hộ khẩu đã biến tướng thành một “giấy phép” vô hình làm khổ công
dân, từ việc xin đi học cho con đến xin định mức điện, nước, vay vốn, kinh
doanh… ĐB Trần Du Lịch cho rằng thực chất hộ khẩu chỉ là một cách để quản lý
công dân. Vì sao nhiều năm qua, người dân phải khổ vì các thủ tục quan liêu
liên quan đến cái hộ khẩu?
Theo
Wikipedia, Hộ khẩu là một phương thức quản lý nhân khẩu của một số quốc gia tại
Á Đông. Trong phương thức này, đơn vị quản lý xã hội là hộ gia đình, tập thể do
một chủ hộ chịu trách nhiệm. Sổ hộ khẩu do cơ quan công an cấp. Khi sinh ra,
con được nhập theo hộ khẩu của cha mẹ.
Hộ
khẩu có liên quan đến các quyền lợi khác như: phân chia ruộng đất, nhà ở, lương
thực, thực phẩm, việc làm, giấy tờ, tiêu chuẩn điện nước, trường học...
Khi
thay đổi chỗ ở, người dân phải thực hiện thủ tục thay đổi hộ khẩu. Với người
dân nhập cư vào thành phố, việc thay đổi hộ khẩu này còn được gọi là nhập hộ khẩu.
Hệ
thống hộ khẩu hiện nay chỉ tồn tại ở 3 nước: Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt
Nam.
Tìm hiểu lịch sử hộ khẩu, một nhà
nghiên cứu của Trung Quốc chỉ ra rằng hộ
khẩu có từ thời Xuân thu Chiến quốc. Lúc đó đã có chế độ “tam gia
liên bảo”, là cách để nhà nước phong kiến buộc các gia đình ở nông thôn kiểm
soát lẫn nhau. Các triều đại phong kiến Trung Quốc tiếp theo cũng áp dụng hình
thức tương tự. Hình thức đó đến đời nhà Thanh mới gọi là “hộ khẩu”. Nhà nước
Trung Quốc hiện đại áp dụng chế độ hộ khẩu từ năm 1958 cho đến nay.
Tiến trình công nghiệp hóa ở Trung
Quốc đã đưa gần 250 triệu người từ nông thôn đến thành thị kiếm việc làm và họ
đã có những đóng góp rất quan trọng để nước này phát triển vượt bậc nhưng họ lại
là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi không được hưởng đầy đủ các chế độ,
phúc lợi xã hội. Tháng 3-2013, đồng loạt 13 nhật báo lớn ở Trung Quốc đăng xã
luận kêu gọi bỏ chế độ hộ khẩu để đem lại công bằng cho mọi công dân. Thủ tướng
Trung Quốc lúc đó là ông Ôn Gia Bảo cũng đã hứa sẽ thay đổi cách quản lý hộ tịch.
Thực tế cho đến nay, hơn 10 TP lớn ở Trung Quốc đã thay chế độ hộ khẩu bằng chế độ thường trú.
Nước ta vẫn thực hiện chế độ quản
lý công dân bằng hộ khẩu và không ít công dân vẫn bị thiệt thòi vì chính sách
này. Hộ khẩu đã làm khổ dân đến nỗi có một
thời dân nhập cư ta thán là “thời hậu khổ”!
Chắc chắn các ĐBQH biết dân nhập cư vào các TP lớn vất vả như thế nào, không chỉ
quyền lợi thiệt thòi mà còn phải tốn kém cho việc đăng ký tạm trú, “chạy” hộ khẩu…
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng sửa LCT là nhằm thực hiện
quyền tự do cư trú của công dân và trách nhiệm của Nhà nước là bảo đảm cho nhân
dân thực hiện quyền tự do đó một cách thuận lợi. Do đó, sửa luật để làm sao ít
thủ tục, không rườm rà. “Tôi thấy luật hiện
nay còn nhiều quy định thủ tục rườm rà. Tôi đi nhiều nước không đâu rườm rà như
ta. Chúng ta chọn cách thủ công, ghi chép, hành người dân chạy lên chạy xuống
khai báo. Ở nước ngoài người ta có phải khai báo nhiều như vậy đâu mà khi vi phạm
gì người ta đều biết. Còn ở ta cái gì cũng đăng ký, cũng khai báo nhưng kẻ gian dối thì vẫn qua mặt còn người chân
thật thì hở tí lại bị phạt. Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Công an cố gắng
nghiên cứu lại cách quản lý cư trú chứ như hiện nay phiền toái cho dân lắm!”
- ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa nói thẳng: “Hiện cả thế giới chỉ có 3 nước còn áp dụng
hộ khẩu là Việt Nam, Trung Quốc và Triều
Tiên. Luật nhằm thực hiện quyền tự do cư trú của nhân dân chứ không phải
xâm phạm quyền này và cần đơn giản, ít thủ tục, tránh gây phiền hà cho dân”.
ĐB Lê Đông Phong, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, bày tỏ: “Đăng ký cư trú là một biện pháp quản lý, đừng
biến nó thành một dạng giấy phép. Đừng để hộ khẩu lạm dụng, nhập trường cũng hộ
khẩu, điện, nước… cũng hộ khẩu. Chính điều này đã biến hộ khẩu tự nhiên thành một
thứ giấy phép gây phiền hà cho người dân và tạo nghịch lý bắt tay ăn gian, chạy
chọt với nhau để được vào trường này, lớp kia”.
ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) thì chỉ ra Chính phủ cần nghiên cứu một
cách căn cơ cách quản lý dân cư, “đừng để
dân đi ra đường phải đem theo một túi hồ sơ”, cần đơn giản về thủ tục, đảm
bảo quyền tự do của công dân nhưng quản lý có hiệu quả, tránh lãng phí cho cả
công dân và nhà nước.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) lưu ý: "Dân đổ về các thành phố lớn, sống trong những điều kiện tồi tàn,
là vì kế sinh nhai chứ không phải vì cái hộ khẩu, không cho đăng ký thì họ vẫn
cứ đổ về, vẫn cứ ở".
ĐB Lê Việt Trường chỉ ra: “Không
thể xây dựng đô thị rồi không cho ai đến ở, thành nhà hoang. Đó là yếu tố tự
nhiên, nhà nước thò tay vào quản lý thì quản lý thế nào?”.
Nếu lấy cớ về sự mất cân bằng dân
cư, sự quá tải ở các TP lớn để hạn chế dân nhập cư thì trách nhiệm đó không thuộc
về công dân mà thuộc về các nhà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Quyền tự do cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp, công dân đã bắt
đầu làm CMND điện tử, đa số các quốc gia khác không quản lý công dân bằng hộ khẩu,
vậy tại sao chúng ta vẫn sử dụng cách quản lý đã quá lỗi thời này?.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật cư trú quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố
trực thuộc trung ương theo hướng công dân có một trong các điều kiện:
-
Có chỗ ở hợp pháp;
- Trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc TP trực thuộc trung ương phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ 2 năm trở lên.
- Trường hợp đăng ký vào huyện, thị xã thuộc TP trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ 1 năm trở lên.
- Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
- Công dân đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thì phải thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô.
- Trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc TP trực thuộc trung ương phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ 2 năm trở lên.
- Trường hợp đăng ký vào huyện, thị xã thuộc TP trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ 1 năm trở lên.
- Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
- Công dân đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thì phải thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét