1. Carlos Slim Helú - 74 tỷ USD
Quốc tịch: Mexico
Lần thứ hai liên tiếp, trùm truyền thông Mexico đứng đầu thế giới về mặt
tài sản. Sau một năm, Carlos Slim có thêm 20,5 tỷ USD. Nếu như năm ngoái, khoảng
cách giữa ông và người về nhì - Bill Gates chỉ là 300 triệu USD thì năm nay
tăng lên 18 tỷ USD. Carlos Slim phải cảm ơn thị trường chứng khoán Mexico, với
mức tăng ấn tượng 19% trong năm vừa rồi, đồng thời nhờ vào cả những khoản đầu
tư đúng đắn vào ngành khai mỏ và bất động sản.
2. Bill Gates - 56 tỷ USD
Quốc tịch: Mỹ
Trong năm vừa rồi, tài sản của Bill Gates hao hụt đáng kể vì những hoạt
động từ thiện khắp nơi trên thế giới. Cùng với người bạn lâu năm Warren
Buffett, ông đã thuyết phục được gần 60 đại gia hàng đầu thế giới hiến phần lớn
tài sản để giúp đỡ xã hội.
Bill Gates hiện "nghèo" hơn người đứng đầu 18 tỷ USD, nhưng
tính tổng cộng từ trước đến nay, ông đã cho đi gần 30 tỷ USD để làm từ thiện.
Quỹ Gates Foundation của vợ chồng ông chú trọng vào cuộc chiến chống bệnh lao,
bại liệt, AIDS và đói nghèo tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện vốn đầu tư của
Bill Gates không chỉ nằm trong Microsoft mà còn trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ
xe hơi đến quỹ đầu cơ. Ông cũng không bỏ qua sự phát triển nhanh nhạy của
Mexico và đã rót tiền vào công ty đóng chai Femsa tại nước này.
3. Warren Buffett - 50 tỷ USD
Quốc tịch: Mỹ
Tuy đã qua tuổi 80 nhưng nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffett vẫn hăng hái
làm việc, kiếm được thêm 3 tỷ USD trong năm vừa rồi. Không những đặt kế hoạch
làm việc đến 100 tuổi, ông còn hăng hái với hàng loạt mục tiêu mới: "Khẩu
súng bắn voi của tôi đã được nạp đạn và ngón tay bóp cò thì đang ngứa
ngáy", ông tuyên bố. Cũng như Bill Gates, Warren Buffett đã cam kết sẽ hiến
nửa gia sản để làm từ thiện.
4. Bernard Arnault - 41 tỷ USD
Quốc tịch: Pháp
Ông chủ của thế giới xa xỉ Bernard Arnault tiếp tục giữ vững danh hiệu
người giàu nhất châu Âu, với tài sản tăng 13,5 tỷ USD trong năm vừa rồi. Cổ phiếu
LVMH vừa có một năm leo thang nhờ nhu cầu những sản phẩm xa xỉ như champagne
Dom Perignon, rượu Cognac Hennessy, đồng hồ Tag Heuer và sản phẩm thời trang
Louis Vuitton. Nhu cầu đặc biệt tăng mạnh tại các thành phố châu Á như Thượng Hải
(Trung Quốc) và TP HCM của Việt Nam.
2010 là năm chứng kiến hàng loạt sự kiện lớn của LVMH, tập đoàn sở hữu
hàng loạt thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Marc Jacobs, Fendi, Hennessy,
Donna Karan, Dior Watches, Kenzo Parfums... Năm ngoái, hãng đã thâu tóm 20% cổ
phần của hãng thời trang Hermes. Tháng ba vừa rồi, thương hiệu đắt đỏ Bulgari
cũng đã chuyển phần lớn cổ phần sang cho LVMH để đổi lấy ghế trong hội đồng quản
trị. LVMH vừa sa thải nhà thiết kế lừng danh của Christian Dior là John
Galliano sau khi ông này có những bình luận thiếu thiện cảm.
5. Larry Ellison - 39,5 tỷ USD
Quốc tịch: Mỹ
Ông chủ của hãng công nghệ danh tiếng thế giới Oracle cũng bỏ túi thêm
11,5 tỷ USD nhờ cổ phiếu của hãng tăng 30% sau một năm. Larry Ellison cũng là một
trong những CEO được trả lương cao nhất nước Mỹ. Trong 5 năm vừa rồi, riêng tiền
thưởng của Ellison đạt con số 960 triệu USD, chủ yếu là quyền chọn chứng khoán.
Còn tiền lương của ông chỉ là con số danh nghĩa 1 USD mỗi năm.
6. Lakshmi Mittal - 31,2 tỷ USD
Quốc tịch: Ấn Độ
Lợi nhuận ròng của tập đoàn thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal do đại
gia gốc Ấn sở hữu đã tăng tới 18 lần, lên con số 2,9 tỷ USD trong năm 2010, nhờ
vào sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu thép.
Ông chuyển đến London sống từ lâu và hiện sở hữu hàng loạt bất động sản
đắt giá nhất nhì nước Anh. Mới đây, ông bỏ tiền ra mua Alderbrook Park, một
nông trang rộng 138 hecta và dự định xây lâu đài 40 triệu USD ở trên đó.
7. Amancio Ortega - 31 tỷ USD
Quốc tịch: Tây Ban Nha
Hồi tháng một, Amancio Ortega từ chức Chủ tịch Inditex, một tập đoàn thời
trang có doanh thu 15,8 tỷ USD trong năm ngoái. Tập đoàn này sở hữu nhiều
thương hiệu phổ biến như Zara, Massimo Dutti và Stradivarius với 5.000 cửa hàng
ở 77 quốc gia.
Amancio Ortega là một trong những tấm gương tiêu biểu về tinh thần làm
giàu từ tay trắng. Sinh ra trong một gia đình công nhân đường sắt, ông khởi
nghiệp tại một cửa hàng áo phông nhỏ. Sau khi lập gia đình, ông cùng vợ bắt đầu
nghiệp may mặc với việc may áo cưới, đồ lót, dần dần xây dựng nên tập đoàn may
mặc Inditex rồi trở thành tỷ phú như ngày nay. Hiện ông sở hữu hàng loạt bất động
sản khắp thế giới từ Florida, Madrid đến London và Lisbon.
8. Eike Batista - 30 tỷ USD
Quốc tịch: Brazil
Người giàu nhất Brazil đang ngày càng vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới. Hồi
đầu năm, ông tuyên bố đã mở văn phòng tại New York và đang chuẩn bị chuẩn bị
niêm yết vài công ty lên sàn chứng khoán London.
Thông qua công ty EBX do ông sở hữu, Batista nắm trong tay hàng loạt khoản
đầu tư lớn vào các ngành khai mỏ, đóng tàu, năng lượng, du lịch và giải trí.
Hai phần ba tài sản của ông đến từ OGX, công ty khai thác dầu và khí gas do ông
sáng lập hồi 2007 và niêm yết cách đây một năm.
9. Mukesh Ambani - 27 tỷ USD
Quốc tịch: Ấn Độ
Người giàu nhất Ấn Độ sở hữu tập đoàn dầu và khí gas Reliance
Industries, cũng là công ty có giá trị thị trường lớn nhất nước này. Mới đây, tập
đoàn của ông bán 30% cổ phần tại 23 khu khai thác dầu ở Ấn Độ cho hãng BP lấy
7,2 tỷ USD. Hợp đồng này cho đến nay là một trong những khoản đầu tư nước ngoài
lớn nhất tại nước này. Ngoài ra, ông cũng vừa mua cổ phần của 3 hãng năng lượng
Mỹ với giá 3,3 tỷ USD. Cách đây không lâu, ông cùng người vợ Nita đã làm lễ
khánh thành căn nhà riêng cao 27 tầng trị giá 2 tỷ USD tại Mumbai, Ấn Độ.
10. Christy Walton - 26,5 tỷ USD
Quốc tịch: Mỹ
Hiện nay, thành viên đến từ gia đình Walton danh tiếng này là người phụ
nữ giàu nhất thế giới. Dù chồng bà, người thừa kế trực tiếp của nhà Walton qua
đời đã lâu nhưng tài sản của bà quả phụ vẫn tăng lên đều đều nhờ các ngành kinh
doanh của gia đình vẫn liên tục sinh lãi. Khoản đầu tư của người chồng tại hãng
năng lượng First Solar đã tăng 500% giá trị kể từ khi niêm yết lần đầu hồi
2006.
Còn chuỗi siêu thị Wal-mart của gia đình, do bố của chồng bà là Sam
Walton và người anh trai James sáng lập hồi 1962, tiếp tục cho doanh thu 405 tỷ
USD trong năm ngoái.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét