Pages

15 thg 7, 2012

Trong lạm phát, chính phủ được lợi nhiều nhất


Ngày 22-6 vừa qua tại Hà Nội, Giáo sư Ken Schoolland người Mỹ đã có cuộc nói chuyện với độc giả Việt Nam nhân dịp Quỹ Friedrich Naumann (Đức) và NXB Tri Thức ra mắt cuốn sách Gullible du ký - Trường ca Odyssey về thị trường tự do của ông.

Ông Ken Schoolland hiện là giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học Hawaii Thái Bình Dương và là một người nhiệt thành ủng hộ tư tưởng kinh tế thị trường tự do với càng ít sự can thiệp từ nhà nước càng tốt.
. Phóng viên: Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, xu hướng chung của thế giới hiện nay là nền kinh tế cần vận hành có sự quản lý của nhà nước, phải vậy không thưa ông?
+ Giáo sư Ken Schoolland: Nền kinh tế nào cũng có sự quản lý từ phía nhà nước, chỉ khác nhau ở mức độ. Mỗi nền kinh tế đều là một sự hỗn hợp giữa tự do thị trường và quản lý của nhà nước, ngay cả ở Mỹ và Hong Kong cũng vậy. Tuy nhiên, số nước nhà nước quản lý tuyệt đối, như Bắc Triều Tiên chẳng hạn, bây giờ còn rất ít, đa số đều ngả theo hướng thị trường tự do.
Đó là xu thế chung. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng thì một quốc gia có tiếng là tự do như Mỹ cũng đang muốn đẩy mạnh quản lý nhà nước: kiểm soát ngân hàng và các định chế tài chính, rồi thì chi tiêu công nhiều hơn… Chính phủ nào cũng vậy cả, thế lực cầm quyền luôn luôn muốn có thêm quyền, chứ không bao giờ muốn bỏ bớt quyền lực.
Cá nhân tôi cho rằng mọi hình thức quản lý đều chỉ mang lại lợi ích cho một số nhóm. Tất cả mọi người sẽ chỉ có được lợi ích lớn nhất khi xã hội loại bỏ được tất cả các đặc quyền đặc lợi đó.

Ông căn cứ vào đâu để đánh giá mức độ tự do và can thiệp ở một nền kinh tế?
+ Các nhà kinh tế xác lập năm tiêu chuẩn:
Thứ nhất là quy mô, kích thước của chi tiêu công và thuế. Ở đây tôi muốn nói rõ là kể cả thuế vô hình như lạm phát.
Thứ hai là độ mở của nền kinh tế trong thương mại quốc tế. Riêng cá nhân tôi muốn thêm vào đây một yếu tố nữa rất quan trọng, là tự do di trú, hay là quyền tự do di chuyển của lao động. Tôi đặc biệt ủng hộ thị trường lao động mở.
Thứ ba là hợp đồng và tài sản. Về nguyên tắc, bạn làm ra cái gì, bạn phải được giữ nó, thụ hưởng từ nó, thì từ đó bạn mới có động lực để sản xuất nhiều hơn, lao động nhiều hơn.
Thứ tư là tiền tệ ổn định. Lạm phát là một loại thuế bí mật, trong đó tiền bị phân phối lại, chuyển từ những người đang sống bằng tiền ấy sang những người đang nắm giữ các tài sản khác như đất đai, nhà cửa. Khi lạm phát xảy ra và tiền mất giá, nếu bạn là người sống nhờ tiền tiết kiệm, bạn mất hết. Còn nếu bạn là kẻ in tiền, hay là con nợ, thì bạn được lợi. Ở mọi nước trên thế giới, con nợ lớn nhất đều là chính phủ. Kẻ sở hữu nhiều đất nhất cũng là chính phủ. Kẻ sở hữu nhiều vàng nhất, kẻ in tiền và chi tiền đầu tiên cũng là chính phủ. Cho nên họ có lợi từ lạm phát. Cho nên chính phủ nào cũng vậy, thích can thiệp vào tiền tệ, gây lạm phát.
Thứ năm là luật lệ, ví dụ luật lệ về tín dụng, kinh doanh, lao động.
Ở đâu trên thế giới, chính phủ cũng nói nghĩa vụ của họ là bảo vệ người dân. Nhưng ở nước nào cũng thế, thực thể lớn nhất lấy của cải từ người dân là chính phủ. Có một ảo tưởng là chính phủ giúp đỡ, chăm sóc người nghèo. Nhầm. Tay này họ cung cấp phúc lợi, thì tay kia họ bòn rút của người nghèo, ví dụ bằng lạm phát. Phúc lợi thì ai cũng thấy rõ, còn cái họ lấy mất thì không ai trông thấy được.

Nhưng có một số ngành mà chính phủ nên đứng ra làm, vì lẽ tư nhân không đủ năng lực hoặc không muốn tham gia ngành đó…
+ Theo tôi, trong thị trường có sự tự do lựa chọn thì việc gì tư nhân làm cũng hiệu quả hơn là nhà nước. Ở Mỹ, một nửa dịch vụ an ninh là do tư nhân cung cấp. Một nửa số vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng cũng được giải quyết bởi trọng tài tư nhân thay vì thông qua hệ thống tòa án.
Vào những năm đầu thế kỷ 20, đa số thành phố ở Mỹ có nhiều công ty điện cạnh tranh nhau và giá tiền điện ở đó đều thấp hơn 1/3 so với thành phố nào chỉ có một công ty điện.

. Xin cảm ơn ông.
Theo ĐOAN TRANG - Phapluat TP.HCM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons