Nhân dân cần một lời giải trình thuyết phục
(Dân trí) - Những ngày qua, việc thay đổi tên nước trở thành vấn đề sôi
động trên nghị trường. Nhiều ý kiến muốn lấy lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng
hòa song cũng không ít ý kiến giữ nguyên tên nước hiện nay. Tuy nhiên, cả hai
luồng ý kiến đều có một điểm chung, đó là cần có lời giải trình thỏa đáng với
dân.
Khi đề xuất hai phương án trình Quốc
hội cách đây chưa lâu, đối với phương án lấy lại tên Việt Nam dân chủ cộng hòa,
UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lập luận tên
này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên, được long trọng
công bố qua Bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch, được thể hiện qua 2 bản Hiến
pháp (1946 và 1980), phản ánh đúng trình độ phát triển của Việt Nam trong
giai đoạn hiện nay, có khả năng lôi cuốn, tập hợp đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự
đồng thuận chung trong xã hội, đồng thời thuận lợi hơn trong quan hệ hợp tác với
các nước khác trên thế giới…
Trả
lời về lý do vẫn giữ nguyên tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa qua, ông
Phan Trung Lý - Trưởng Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp cho biết việc thay đổi
tên nước trong thời điểm này sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí bị
xuyên tạc là đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và làm phát
sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp… Phương án này cũng tránh
việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ.
Lời giải trình trên đã không được
nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri chấp nhận.
Trước hết, nói về việc “lợi dụng”,
“xuyên tạc”, “xa rời mục tiêu”… Xin thưa, đối với một số người cố tình xuyên tạc,
bóp méo thì dù thay hay không thay hoặc thay bằng bất cứ tên nào khác, họ cũng
sẽ bóp méo và xuyên tạc. Tuy nhiên, đây là số ít, không nhất thiết phải quan
tâm.
Cũng xin không đề cập ý kiến “ngộ
nghĩnh” đến khó hiểu như việc đổi tên nước “…
chỉ một số tiểu thương quan tâm" của đại biểu Phạm Trường Dân, Phó
giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam.
Xin chỉ đề cập đến một số lý do còn lại.
Về lý do phức tạp trong các thủ tục
hành chính như thay đổi quốc huy, con dấu, quốc hiệu… có lẽ không khó khăn cho
lắm đối với thời đại khoa học và công nghệ hiện nay. Vả lại, việc thay con dấu
chẳng hạn, có thể chúng ta tiến hành từng bước trên tinh thần ưu tiên những con
dấu mang tính đối ngoại còn trên các văn bản khác, chúng ta có thể hạn định một
thời gian thích hợp để thay đổi dần.
Lý do gây tốn kém cũng chưa thuyết
phục bởi nếu là việc cần làm, dù tốn kém vẫn phải làm. Vào thời điểm năm 1980,
khi đó kinh tế đất nước rất khó khăn, chúng ta cũng đã từng thực hiện việc này.
Hiện nay, tuy kinh tế có một số khó khăn nhưng so với thời điểm đó, chúng ta có
tiềm lực hơn ngàn vạn lần.
Có lẽ điều mà gây lo ngại nhất là
việc thay đổi trên tiền đồng Việt Nam. Trước hết, phải xác định đây không phải
là “đổi tiền” mà thực chất chỉ là thay tên quốc huy trên tiền đồng Việt Nam, có
cùng mệnh giá không đổi. Vì vậy, việc thay đổi này tương tự như thay tiền cũ bằng
tiền mới nên có thể thay dần trong một khoảng thời gian nào đó theo lịch trình.
Tóm lại, với những yếu tố như “gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng
hòa đầu tiên, được long trọng công bố qua Bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch,
có khả năng lôi cuốn, tập hợp đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận chung
trong xã hội, đồng thời thuận lợi hơn trong quan hệ hợp tác với các nước khác
trên thế giới…” của Quốc hiệu Việt Nam dân chủ cộng hòa thì những lời giải
thích của UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa thuyết phục được nhiều đại biểu và
cử tri là có cơ sở.
Việc thay đổi tên nước hay không là
do ý nguyện của nhân dân mà Quốc hội là người đại diện. Tuy nhiên, dù thay đổi
hay không thay đổi, đại biểu Quốc hội và cử tri đều cần một lời giải trình thuyết
phục bởi “phải giải thích thỏa đáng, thuyết phục, người dân mới chấp nhận” như
ý kiến của đại biểu Đỗ Thị Thủy (Vĩnh Phúc).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét