Ngay cả đức Phật cũng từng nói: “Ta
không có khả năng ban bố phước lành, và cũng không có khả năng giáng họa cho bất
kỳ ai, tất cả việc xấu tốt là do nghiệp báo và nhân quả của các con mà thôi”.
Những ngày đầu xuân
Quý Tỵ, bên cạnh ý nghĩa lễ bái, vãn cảnh đầu năm ở những ngôi chùa thờ Phật,
không ít một số bà con còn có những thói quen bói quẻ, xin xăm, cúng sao, giải
hạn, xem vận mạng tốt xấu qua tuổi, tử vi... Khi khả năng nhận thức của người
dân về giáo lý nhà Phật còn hạn chế, tình trạng trên làm cho người tu Phật ở
chùa rất lấy làm trăn trở.
Như chúng ta đã biết,
tất cả mọi người học Phật ai cũng hiểu giáo lý nhà Phật đều dựa trên căn bản là
Nhân Quả, nếu nói cho đủ là Nhân Duyên Quả.
Nhân là hạt giống, nhờ
Duyên (thời tiết, chăm sóc, kỹ thuật...), Quả là kết quả do gieo Nhân mà được.
Đời sống của một cá nhân hay cộng đồng đều do nhân quả mà ra. Khi một người
gieo nhân dù tốt hay xấu thì nhất định người đó phải nhận lấy kết quả tốt hoặc
xấu mà mình đã gieo. Nếu muốn hóa giải quả xấu, thì phải nỗ lực tu tập, trì
chay, giữ giới, gieo nhiều việc thiện.
Hiểu được vậy nên
ngay từ khi bắt đầu gieo nhân chúng ta nên chọn lựa giống tốt xấu. Khi phát hiện
là nhân xấu, chúng ta có thể nhờ Duyên trợ giúp để chuyển hướng quả đến mục
đích tốt hơn. Ví dụ: Chúng ta gieo Nhân sát sanh nhiều thì biết chắc hậu Quả của
nó sẽ đến với mình là bệnh tật, thọ yểu, hay thường gặp những tai nạn phạm
thân, thậm chí phải đền mạng. Khi biết được thế, chúng ta nỗ lực sám hối hành
trì tụng kinh, bố thí cúng dường, phóng sanh...(Duyên) thì Quả trổ đến sẽ chuyển
hướng khác, hoặc bị triệt tiêu.
Trong đời sống hằng
ngày, chúng ta thọ nhận những điều tốt xấu là đều do chúng ta tạo nhân cả, nên
khi quả đến tốt thì chúng ta hạnh phúc, ngược lại quả xấu chúng ta đành phải chấp
nhận và bình tĩnh để hóa giải nó, hướng nó đến một kết quả tốt đẹp hơn, mà
trong Phật ngữ gọi là Giải nghiệp.
Đầu năm nhiều người đến
chùa để xin quẻ, bói toán, cúng sao giải hạn... là đi ngược lại giáo lý nhà Phật.
Bởi khi nhờ nhà chùa cúng sao cho tuổi của mình, thì có khẳng định rằng trong
năm không gặp một rủi ro nào? Chắc không ai dám khẳng định điều đó. Nếu có xảy
ra tai nạn rủi ro, vậy số tiền mà mình bỏ ra cúng sao giải hạn là vô ích, dù ít
hay nhiều. Biết thế nhưng hằng năm, những ngày đầu năm mới vẫn có rất nhiều người
tìm đến chùa chiền, miếu phủ... để lặp đi lặp lại những sự việc nêu trên.
Một giả định khác,
nhiều người cứ đinh ninh rằng nếu đem tiền vào chùa cúng sao, giải hạn thì tật
bệnh sẽ qua, tai nạn sẽ không đến. Điều này giống như là việc đút lót tiền cho
thần thánh để được một hồng ân nào đó phía sau, sẽ được thần thánh hỗ trợ hoặc ban
bố phước lành. Suy nghĩ như thế thật có tội, vô tình đưa các vị ấy vào những
người nhận “đút lót”, ra tay nâng đỡ những ai biết điều, còn những ai không biết
điều, không cúng kiến thì các vị sẽ “hững hờ”, nếu làm vậy thì các vị ấy đâu
còn gọi là từ bi, thương chúng sanh bốn loài?
Ngay cả đức Phật cũng
từng nói: “Ta không có khả năng ban bố
phước lành, và cũng không có khả năng giáng họa cho bất kỳ ai, tất cả việc xấu
tốt là do nghiệp báo và nhân quả của các con mà thôi”. (Đức Phật và Phật
Pháp, tác giả Narada Thera, NXB Chùa Giác Ngộ).
Nếu cho rằng số phận
con người nằm trong vận mệnh của trời đất, theo quy luật tuần hoàn của vũ trụ?
Nếu vậy, ví dụ như năm nay, theo quan niệm những người ở tuổi 31 đang bị sao xấu,
có tam tai lớn trong năm, vậy thì tất cả những người năm nay 31 tuổi không đi
cúng sao đều gặp tai ương lớn trong năm, và sẽ không qua khỏi? Vậy thì năm sau,
số người 32 tuổi sẽ không còn bao nhiêu nữa. Và dân số đất nước sẽ giảm mạnh vì
cứ đến 31 tuổi thì có hàng loạt người không qua khỏi. Thực tế thấy rằng, dân số
vẫn tăng nhanh, và tai nạn thì không trừ bất kỳ lứa tuổi nào.
Những nhận thức mang
tính hủ tục lâu dài ấy, không phải một sớm một chiều có thể làm thay đổi thói
quen trong suy nghĩ của số người đến chùa cầu sao giải hạn. Hơn nữa nhiều chùa ở
Việt Nam nói chung đang nằm trong thực trạng này, ảnh hưởng bởi Phật giáo bắc
truyền, và dường như đã trở thành một truyền thống, kế tục từ nhiều đời. Mạnh dạn
bỏ hủ tục này thì khó tiếp cận được với nhiều người, vì cúng giải hạn đầu năm lại
là biện pháp tâm lý để tìm lấy sự bình yên, nhưng nếu giữ thì lại thì thật sự
không ổn.
Trăn trở đầu năm mới,
cũng là cầu nguyện tất cả mọi người đều vượt qua những quả khổ, và hướng về lời
dạy của Đức Thế Tôn, ứng dụng vào trong đời sống thường ngày để được an lạc, hạnh
phúc hiện tại và tương lai.
Thích Lệ Nhật
0 nhận xét:
Đăng nhận xét