Vẫn tư duy “đứng trên nhân dân”!
(Dân Việt) - Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi vẫn còn chưa thực sự tiếp cận
được với tư duy khai phóng, tiến bộ về nhân quyền đang là chủ đạo trên thế giới.
So với Chương 5 Hiến
pháp 1992, Chương 2 Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2013 có một số ưu điểm nổi
bật, cụ thể như đã khắc phục được nhiều hạn chế về kỹ thuật lập hiến; cân bằng
được cấu trúc giữa các nhóm quyền; nỗ lực sửa đổi tư duy cũ về chủ thể của quyền.
Tuy nhiên, bên cạnh
những điểm mạnh, dự thảo vẫn còn một số hạn chế, tiêu biểu:
Thứ nhất, cách viết và nội dung của nhiều quy định trong chương này
cho thấy việc biên soạn vẫn chưa thoát hẳn được tư duy cũ về một Nhà
nước “đứng trên nhân dân”, “ban phát”, “kiểm soát” các quyền cho nhân dân và
luôn “sợ hãi”, “đề phòng” nhân dân đấu tranh đòi hỏi sự tôn trọng và bảo đảm
các quyền và tự do hiến định. Minh chứng là việc nêu quy định về giới hạn
quyền ở điều đầu tiên của chương này.
Đồng thời ngay sau đó
bổ sung một điều mới (Điều 16, quy định cấm lợi dụng quyền con người, quyền
công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp
của người khác) mà nội dung toát lên tính “răn đe” rất rõ trong khi về thực chất
đã bao hàm trong khoản 2 Điều 15. Tiếp theo, dự thảo còn có Điều 20 (sửa đổi, bổ
sung Điều 15) cũng nhằm “nhắc nhở” người dân là “quyền đi liền
với nghĩa vụ với Nhà nước” và những quyền của họ là do Hiến pháp, luật pháp (tức
Nhà nước) quy định, cho dù nội dung của điều này không thực sự chính xác về mặt
thực tế và có khía cạnh đi ngược lại với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra, việc “quyết giữ” các cụm từ “theo pháp luật”, “do pháp luật quy định”
hoặc “theo quy định của pháp luật” trong nhiều quy định về các quyền quan trọng
đã nêu ở trên và một số quy định khác cũng phản ánh tâm thế “đề
phòng” nhân dân và “dự phòng” khả năng có thể “rộng
tay” hành động để kiểm soát, giới hạn các quyền hiến định về sau này.
Sự lạm dụng các quy định
mang tính “răn đe” và “phòng ngừa” nhân dân trong Chương
II dự thảo như đã nêu ở trên là rất ít có trong chế định về quyền con người,
quyền công dân của hiến pháp các quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, tương tự
như Chương 5 Hiến pháp 1992, Chương II dự thảo thiếu hẳn những quy định tuyên bố
một cách rõ ràng, cụ thể, trực tiếp về nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm quyền con
người, quyền công dân của các cơ quan, viên chức nhà nước – điều luôn được nhắc
đến trong các điều ước quốc tế về quyền con người và được nhấn mạnh trong hiến
pháp của nhiều quốc gia.
Từ những phân tích
trên, có thể thấy rằng, tuy đã có khá nhiều cải tiến, việc hiến định các quyền
con người, quyền công dân trong Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi vẫn còn chưa thực
sự tiếp cận được với tư duy khai phóng, tiến bộ về nhân quyền đang là chủ đạo
trên thế giới.
Thứ hai, khá nhiều quy định trong Chương II dự thảo còn thiếu hợp
lý, thiếu đầy đủ hoặc chưa chặt chẽ. Ví dụ quyền sống (Điều 21) quy định quá ngắn
gọn (chỉ vọn vẹn 5 từ) không nêu được sự liên hệ của quyền này với vấn đề hình
phạt tử hình, điều cần được làm rõ giống như trong hiến pháp của nhiều quốc
gia… Việc sửa đổi một số quyền học tập, quyền được chăm sóc sức khỏe, các quyền
về hôn nhân – gia đình… vô hình trung làm suy yếu cơ chế bảo đảm các quyền này,
trong khi lẽ ra cần phải tăng cường hoặc ít nhất là duy trì nguyên trạng…
TS Vũ Công Giao (khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét