(ĐVO) - Kết thúc phiên thảo luận
về tình hình kinh tế - xã hội tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/5/2013,
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không giấu quan ngại: ‘Tình hình tài chính
thế này là tôi thấy xấu lắm’.
Tiền đâu mà tạm ứng?
Tại phiên họp chiều 14/5/2013, báo
cáo Thẩm tra về giải pháp bảo đảm cân đối ngân sách các cấp năm 2012 Chủ nhiệm Ủy
ban tài chính – ngân sách cho biết, ngân
sách trung ương tính đến hết năm 2012 còn 5.874,4 tỷ đồng.
Trong đó: nguồn vốn đầu tư xây dựng
cơ bản chưa giải ngân thuộc kế hoạch năm 2011 của các bộ, ngành và cơ quan
Trung ương được chuyển nguồn sang năm 2012 còn lại sau khi đã thực hiện các nhiệm
vụ là 1.874,4 tỷ đồng.
Thường trực Ủy ban TCNS có ý kiến đối
với số vốn chuyển nguồn theo Báo cáo quyết toán NSNN năm 2011 là 1.874,4 tỷ đồng
đã được UBTVQH thống nhất chủ trương cho phép chuyển nguồn và Chính phủ báo cáo
phương án phân bổ sử dụng cho 3 nhiệm vụ chi cụ thể: bổ sung 438,1 tỷ đồng để
thu hồi chưa giải ngân thuộc kế hoạch đầu
tư xây dựng cơ bản năm 2010 của các bộ, cơ quan trung ương; bổ sung 301,6 tỷ đồng
cho Bộ NN và PTNN; bổ sung 419,8 tỷ đồng hoàn trả vốn ứng trước cho Bộ GTVT.
Đa số ý kiến tán thành với đề nghị
của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc tạm ứng sau đó bố trí vốn để
hoàn trả là chưa hợp lý.
Trước câu chuyện hoàn ứng – tạm ứng,
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ sự phản ứng gay gắt. Ông cho rằng tình trạng tạm ứng dẫn đến nợ xây dựng cơ bản
địa phương lên đến gần 100 nghìn tỷ đồng.
Soi vào tập báo cáo về ngân sách,
ông sốt ruột, “như vậy là điều hành ngân sách kiểu gì, tiền đâu mà tạm ứng hàng đống
gây ra nợ và tạo ra mất cân đối, anh lấy tiền đâu mà ứng, ứng thế mà sập quỹ à.
Mình làm ăn phải có của ăn của để, chứ tiêu thế này có mà chết à?”.
Nhìn tổng thể, Chủ tịch Quốc hội
cho rằng cả báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra dày và dàn trải, thiếu điểm
nhấn.
Ông yêu cầu cả báo cáo của Chính phủ
và báo cáo thẩm tra đều phải nói rõ các chỉ tiêu nào so với năm ngoái là tốt
hơn hay bằng hay chưa đạt và tại sao.
Tất cả đều nằm ở ngân hàng và bất động sản
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, lạm
phát khoảng 7-8% là được, còn 6,81% cũng là tốt, nhưng là "tốt quá"
nên ảnh hưởng đến tăng trưởng.
"Điều hành như vậy là dở, nếu CPI trên 7% thì bây giờ tăng trưởng
không thấp thế, cái này là do điều hành", ông quả quyết.
Đặt câu hỏi tại sao tăng trưởng
không hợp lý, Chủ tịch cho rằng không phải tất cả mọi chuyện đều nằm ở ngân
hàng, mà còn liên quan đến tồn kho, bất động sản…
Trước đó, phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị
Kim Ngân, cho rằng ngân hàng huy động được dòng tiền nhưng không cho vay được
vì tình trạng đình trệ của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không đồng tình với quan
điểm này, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc lại cho rằng chuyện vay vốn từ
ngân hàng khó không chỉ từ phía doanh nghiệp. Thực tế, rất nhiều ngân hàng tuy
lúc nào cũng nói sẵn sàng mở cửa, sẵn sàng cho vay, không hề thiếu tiền song để
doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tiền không dễ.
Nhiều ĐB cũng tán thành cần tập
trung nguồn lực gỡ bằng được điểm nghẽn về dòng vốn, như vậy mới hy vọng giải
quyết phần nào khó khăn.
Ngoài ra, các ủy viên Thường vụ
cũng đề xuất Thống đốc Ngân hàng sớm soạn báo cáo riêng gửi QH về hoạt động điều
hành của Ngân hàng Nhà nước.
Các giải pháp điều hành về kinh tế
- ngân sách của Chính phủ đề ra từ nay đến cuối năm 2013:
(1)
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện hành vi gian lận về thuế,
hoàn thuế, tích cực chống buôn lậu, chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế, góp phần
tăng thu cho NSNN. Cân nhắc thận trọng việc điều chỉnh chính sách thu NSNN,
tránh dẫn đến giảm thu quá lớn. Đồng thời, đánh giá lại về cơ cấu thu NSNN,
tính hợp lý của chính sách thu hiện hành.
(2)
Triệt để tiết kiệm, không ban hành chính sách chế độ mới làm tăng chi NSNN. Rà
soát, cắt, giảm những khoản chi NSNN chưa thật cần thiết. Cơ cấu lại chi NSNN hợp
lý theo hướng hạn chế hoặc tạm dừng việc mua sắm xe công, các thiết bị đắt tiền
chưa cần thiết; chú trọng tinh giảm biên chế; tăng cường xã hội hóa để giảm
gánh nặng cho NSNN. Có chế tài mạnh mẽ, gắn trách nhiệm của người quyết định đầu
tư, phê duyệt dự án với hiệu quả dự án.
(3)
Rà soát lại các khoản nợ đọng, có phương án đề xuất xử lý. Hạn chế tối đa việc ứng
vốn đầu tư; đối với các công trình, dự án ứng vốn không hoàn trả trong năm phải
được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
(4)
Đề nghị Chính phủ dự báo sát tình hình kinh tế, số thu NSNN và có phương án xử
lý trường hợp hụt thu NSNN; nếu cần thiết phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh dự
toán NSNN theo quy định của Luật NSNN.
(Thẩm
tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2012, triển khai dự toán
NSNN năm 2013)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét