Pages

15 thg 5, 2013

Phải coi mình là dân!

Phải coi mình là dân!

(Petrotimes) - “Việc gì nếu mình không muốn thì chắc chắn người dân cũng không muốn, cho nên khi xử lý các vụ khiếu kiện phải nhớ lấy điều đó!”.


Ông là một vị tướng của lực lượng công an nay đã nghỉ hưu. Trong sự nghiệp của mình ông đã để lại rất nhiều dấu ấn trong việc giữ gìn an ninh quốc gia. Nhưng cái mà bây giờ ông nhớ nhất, sâu lắng nhất lại là những vụ ông trực tiếp chỉ đạo, giải quyết chuyện khiếu nại, tố cáo của dân. Ông không thể nhớ nổi đã tham gia bao nhiêu vụ nhưng ông luôn tự hào rằng, tất cả các vụ ông đã chỉ đạo giải quyết khiếu nại đông người đều không có đổ máu, không có người bị thương, bị chết, trong đó, có nhiều vụ đáng đưa vào biên niên sử của lực lượng.
Ông bảo rằng: “Vụ nào cũng để lại trong ông những bài học kinh nghiệm hay, những câu chuyện đáng nhớ về sự đối nhân xử thế, về đạo lý, tình người”. Có những vụ người dân khiếu kiện đông người rồi dẫn đến gây rối trật tự trị an, xông vào đập phá trụ sở cơ quan Nhà nước, đốt xe cảnh sát, hành hung người thi hành công vụ… là do bị những đối tượng xấu kích động và cũng không ít những vụ có bàn tay kẻ địch. Nhưng hầu hết các vụ khiếu kiện tập thể mà lỗi không nhỏ từ chính quyền cơ sở, đó là nạn tham nhũng, chính sách đền bù, giải tỏa không đúng, người dân bị mất đất, mất ruộng và vô vàn những chuyện quái quỷ khác. Nhưng tựu chung, đa phần là do lỗi của chính quyền, đặc biệt là sự vô cảm với nỗi khổ của dân, của những người được gọi là “công bộc”.


Có một vụ ông đã nổi nóng chỉ mặt một ông Chủ tịch tỉnh mà nói rằng: “Tại sao các anh không đặt cương vị mình là người dân. Các anh cũng xuất thân từ đồng ruộng, từ nhà máy nhưng khi có tí chức, tí quyền thì các anh quay lưng lại với dân”.
Có lần ở một thành phố lớn, người dân đã quây không cho xe vào đổ rác với lý do bãi rác bốc mùi quá hôi thối. Gió thổi thốc vào từng ngóc ngách của mọi ngôi nhà, lúa chết đằng lúa, gia súc chết đằng gia súc, người dân đội đơn đi kêu khắp nơi nhưng chính quyền và cơ quan chức năng lại cứ như câm, như điếc. Chịu không nổi nữa, người dân ở xã tổ chức quây khu vực bãi rác lại và chặn không cho xe vào đổ rác. Khi phong trào phản kháng người dân đã lên cao thì lại bị một số đối tượng kích động, thế là người dân trang bị gậy gộc, gạch đá… sẵn sàng chống lại sự can thiệp của chính quyền. Việc đàm phán bế tắc bởi chính quyền khăng khăng đổ diệt cho người dân có lỗi và không hề xem xét đến nguyện vọng của người dân, trong khi đó, mỗi ngày thành phố thải ra hàng ngàn tấn rác không biết đổ đi đâu. Và thế là, một phương án được chính quyền đặt ra là dùng công an, tấn công giải tỏa và bắt tất cả những người “cầm đầu”. Bên cạnh đó, chính quyền còn sử dụng những biện pháp cực đoan là cắt điện, cắt nước của người dân. Vị Giám đốc Công an thành phố đó không dám trái lệnh lãnh đạo thành phố nên đã phải cầu cứu lên Bộ.
Ông được cử về và sau khi nghe báo cáo tình hình cũng như những chủ trương, đối sách của thành phố đặt ra, trong đó có việc dùng lực lượng công an “dẹp loạn”, ông hỏi vị lãnh đạo thành phố: “Nếu dùng biện pháp mạnh thì dễ thôi, nhưng đề nghị anh ký vào lệnh và anh sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng nếu như để xảy ra người bị thương dù đó là dân hay cảnh sát”. Nghe nói thế vị lãnh đạo kia im bặt và thế là ông yêu cầu chính quyền cùng ông xuống đối thoại với nhân dân.
Khi xuống khu bãi rác ông thấy rằng, quả là người dân đã hết sức chịu đựng bởi mùi xú uế ở đây đã quá nặng nề và ông nói với cán bộ của chính quyền cơ sở: “Các anh thử đến ở cạnh khu vực này 1 ngày xem có chịu được không, vậy mà người dân đã phải chịu đựng bao nhiêu năm rồi. Nay quá mù ra mưa, họ quây chặn đường vào bãi rác thì bị cúp điện, cắt nước”. Cuối cùng, dưới sự chỉ đạo của ông, những biện pháp hết sức đơn giản đã được thực hiện như cấp lại điện nước cho dân, phun hóa chất tẩy mùi và làm cho người dân hiểu rằng chính quyền sẽ chuyển bãi rác đi chỗ khác nhưng muốn làm được thì cần phải có thời gian. Thế là người dân hiểu và tự giải tán.
Sau này khi về rút kinh nghiệm cách xử lý giải quyết, ông chỉ phát biểu ngắn gọn: “Các đồng chí hãy cứ nghĩ mình là dân thì khắc tìm ra cách xử lý!”.
Lại một vụ nữa. Tại một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, người dân kéo đi kiện cán bộ xã đã ăn chặn tiền thủy lợi phí, tiền đóng góp của dân, đồng thời vẽ ra rất nhiều những khoản phụ thu lạm bổ trái quy định. Đơn thư người dân gửi đi khắp nơi cả năm trời nhưng cứ gửi lên Trung ương, Trung ương lại chuyển về tỉnh, về tỉnh thì lại trả xuống huyện, rồi xuống xã. Chịu không nổi đám “cường hào” kiểu mới, người dân kéo lên huyện và khi một đám đông đang bừng bừng khí thế, cộng với sự uất ức dồn nén bao năm thì chỉ cần một hành động, một việc làm không đúng là sẽ giống như que diêm châm vào đống rơm khô. Đầu tiên chỉ là một nhóm nhỏ người nhưng cuối cùng đã lan ra cả huyện, bà con quây chặt công an huyện, vây trụ sở ủy ban, bắt cán bộ làm con tin. Tình hình căng như dây đàn và có nguy cơ bùng phát ra toàn tỉnh bởi theo thông tin mà lực lượng công an nắm được thì các huyện khác cũng đang tập họp lực lượng để “chia lửa”.
Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh quyết định dùng biện pháp mạnh là lấy lực lượng công an làm nòng cốt để giải tán những chỗ tụ họp đông người, bắt tất cả những người cầm đầu. Còn lực lượng quân đội của tỉnh thì được điều về để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Một số đoàn công tác của Bộ Công an về để tham gia giải quyết nhưng đều không thành bởi quan điểm của công an với ủy ban tỉnh khác nhau, thậm chí ở trên Trung ương có người cho rằng đây là âm mưu của địch, có bàn tay của bọn phản động lưu vong…
Ông được Bộ trưởng cử về để giải quyết và ngay từ đầu, ông đã phản đối việc chính quyền định dùng công an và quân đội dẹp khiếu kiện. Trong cuộc họp, ông hỏi: “Công an là lực lượng vũ trang của Đảng, là để đấu tranh với kẻ địch, bảo vệ an ninh quốc gia và độc lập chủ quyền lãnh thổ. Lực lượng vũ trang của Đảng mà lại định đi đàn áp dân thì đó là kiểu gì, các anh nói, việc khiếu kiện đông người này là có bàn tay của kẻ địch, vậy kẻ địch là ai? Danh sách đâu, đưa tôi xem. Công an đánh địch thì được chứ không được đánh dân”. Tất cả mọi người dự họp ngẩn ra không biết trả lời thế nào. Rồi ông lại hỏi lãnh đạo công an tỉnh, việc bà con tố cáo những kẻ tham nhũng ở xã, hồ sơ đã có tại sao lại không xử lý. Thế là ông ra lệnh cho khởi tố, bắt tạm giam ngay những cán bộ xã đã có đủ chứng cứ về hành vi tham nhũng, cố ý làm trái. Sau khi thấy những kẻ sâu mọt đó đã bị bắt, bà con tin tưởng và giải tán luôn. Tiếp đó, công an tìm ra những kẻ đã kích động bà con đi đập phá trụ sở, đốt phá xe và xử lý nghiêm…
Về sau này, khi đi giải quyết bất kỳ vụ việc nào liên quan đến việc khiếu nại đông người, điều đầu tiên ông cũng hỏi: “Dân sai hay cán bộ sai”. Nếu nơi nào cán bộ có những biểu hiện sai, hành vi nhũng nhiễu, áp bức dân thì bao giờ ông cũng ra lệnh xử lý cán bộ trước rồi việc của dân xử lý sau. Ông quan niệm rằng, người dân không bao giờ muốn gây rắc rối với chính quyền mà họ chỉ muốn yên thân để làm ăn, nhưng một khi cán bộ cơ sở có những hành vi sai trái, không tôn trọng quyền lợi của dân, vô cảm trước những nỗi khổ của dân, thậm chí có những hành động hà hiếp, áp bức dân thì “con giun xéo lắm cũng phải quằn” và người dân không bao giờ tự làm phản mà chính là “quan bức dân phản”. Từ xưa đã là như thế và bây giờ cũng là như thế.
Ông thường nói với cán bộ cấp dưới khi đi xử lý những vụ việc rằng: “Việc gì nếu mình không muốn thì chắc chắn người dân cũng không muốn, cho nên khi xử lý các vụ khiếu kiện phải nhớ lấy điều đó!”.
Ông là Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons