Tình hình kinh tế gay go lắm rồi!
Đó là nhận xét của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại phiên họp ngày
14-5-2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi nghe các báo cáo của Chính phủ và Ủy
ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - ngân sách về tình hình kinh tế - xã hội và thu
ngân sách những tháng đầu năm 2013.
Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh
Hùng cho rằng: “Tình hình doanh nghiệp bi đát, tôi nghĩ có tới 100.000 doanh
nghiệp chết chứ không phải chỉ mấy chục nghìn, tỉ lệ doanh nghiệp lỗ có thể còn
hơn 65%”.
Bà Doan đề nghị: “Phải nhìn thẳng
vào tình hình khó khăn của đất nước để giải quyết vấn đề. Nếu kỳ họp Quốc hội
này mà không đưa ra được giải pháp đủ mạnh thì những khó khăn sẽ thêm trầm trọng”.
Khó khăn ngày càng lớn
“Dấu hiệu suy giảm kinh tế ngày
càng rõ nét hơn, tổng cầu nền kinh tế sụt giảm mạnh, thu ngân sách gặp nhiều
khó khăn; nợ xấu, tồn kho, khó khăn thị trường bất động sản và khả năng hấp thụ
đầu vào của khu vực sản xuất chưa được cải thiện” - Ủy ban Kinh tế đánh giá.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế
hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: sức mua của nền kinh tế khó có thể
tăng mạnh trở lại trong thời gian ngắn khi việc làm và thu nhập của người lao động
giảm sút, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp
thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản nhiều, tồn kho vẫn ở mức cao.
Ông Nguyễn Xuân Cường - phó trưởng
Ban Kinh tế trung ương - nói: “Tình hình đúng là hết sức đáng lo ngại, tăng trưởng
sản xuất giảm ở cả lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, bức tranh vô
cùng ảm đạm. Chỉ cần nhìn số lượng hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, phần
còn lại thì đến 65% báo lỗ thì biết khả năng phục hồi kinh tế khó khăn đến mức nào”.
Các con số chưa đáng tin cậy
Lấy con số dư nợ tín dụng ngân hàng
từ đầu năm chỉ tăng hơn 1%, trong khi huy động tiền gửi tăng 5,5%, Phó chủ tịch
nước Nguyễn Thị Doan khẳng định “tiền tệ đã đóng băng, tình hình như thế này là
nguy lắm rồi”.
Bà nói: “Doanh nghiệp không tiếp cận
được nguồn vốn thì không giải quyết được vấn đề gì đâu. Bây giờ doanh nghiệp nợ
như thế thì có khoanh nợ, giãn nợ, cho vay tiếp không? Phải tập trung bàn về
chính sách tiền tệ, giải quyết dòng vốn ra vào, đây là nút thắt”.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Văn phòng
Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề cập đến thực trạng “ngân hàng lúc nào cũng tuyên bố
là sẵn sàng cho vay, nhưng doanh nghiệp nói là muốn vay đâu có dễ, đang nợ thì
không thể vay được mà lãi suất cho vay vẫn cao nên chỉ có nước phá sản”.
Ngoài việc khai thông nút thắt tiền
tệ, Phó chủ tịch nước đề nghị tập trung vào giải pháp thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí: “Phải mạnh dạn cắt giảm, thậm chí xóa bỏ những chương trình không cần
thiết. Tôi thấy tình trạng chồng chéo, lãng phí, cái gì cũng dang dở, bộ nào
cũng muốn nắm một tí tiền. Chúng ta cần nhìn thẳng vào những khó khăn của đất
nước, tiết kiệm chi tiêu công, dừng mua sắm xe công, phương tiện đắt tiền, giảm
đi nước ngoài...”.
Một số thành viên Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đề nghị Chính phủ “nghiêm túc và thật thà” trong các con số báo cáo. “Báo cáo của Chính phủ cho thấy tỉ lệ nghèo
vẫn giảm nhanh. Tại sao kinh tế khó khăn như vậy, doanh nghiệp đình đốn, công
nhân mất việc, sản xuất ra không bán được hàng hóa mà lại giảm nghèo tốt như vậy?
Tôi xuống thực tế thấy nghèo tăng lên chứ không có giảm” - Phó chủ tịch Quốc
hội Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Ông Nguyễn Văn Giàu kể thêm: “Hoàn
thuế VAT hôm trước nói 20.000 tỉ, mới có vài ngày mà hôm nay nói là 33.000 tỉ.
Không thể tưởng tượng được!”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị các
bộ, ngành hãy nhìn vào khó khăn của đất nước mà báo cáo đúng tình hình, đừng đưa ra các con số báo cáo “vì cái ghế
của mình”.
Kết thúc cuộc thảo luận, Phó chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo để
trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới. “Chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu
tăng trưởng, thu ngân sách..., nhưng nên lường trước tình huống cho kịch bản xấu
nhất để xử lý tình hình” - bà Ngân gợi ý.
(Theo Tuoitre)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét