Bài
viết này của Tác giả HIỆU MINH được đăng tải ngày 10/10/2010 nhưng thấy đến nay
vẫn còn nguyên giá trị nên xin được cóp nhặt vào đây.
(TuanVietnam) - Người thông minh phải biết tìm ra con đường phát triển
ngắn nhất và tối ưu nhất cho dân tộc mình, quê hương mình và gia đình mình. Người
thông minh không nên chỉ trông chờ một lý tưởng từ trên trời rơi xuống.
Người Việt thông minh? |
Bất kỳ một dân tộc nào khi được hỏi
là họ có thông minh thì câu trả lời luôn là "có", chẳng có ai thừa nhận
mình dốt. Nhưng tại sao có quốc gia này lại hơn quốc gia kia? Có người thông
minh làm nên nghiệp lớn, có kẻ chữ nghĩa đầy người nhưng suốt đời lận đận.
Nếu thông minh, tại sao, tại sao và tại sao...?
Viết bài này, tôi nhớ một bạn nước
ngoài khi qua đường ở Hà Nội. Thấy dân ta chen lấn xô đẩy, xe máy mạnh ai nấy
đi, chẳng có thứ tự, anh ta thốt lên: "Đây không phải là đất nước thông
minh như tôi đã từng biết như thời chiến tranh". Nghe mà nhói lòng.
Thời tôi là sinh viên lười học
nhưng thường mong ước, giá được như người Do Thái vì họ thông minh nhất thế giới.
Rồi chúng tôi xếp hạng người Đức vừa thông minh vừa có kỷ luật.
Người Mỹ không thông minh nhưng khi
một nhóm ngồi lại với nhau thì độ thông minh tăng lên gấp bội.
Việt Nam ta cũng giỏi giang, nhưng
cứ hai người trở lên là thì tiềm năng trí tuệ giảm đi một nửa. Chả hiểu có đúng
không?
Muốn nói gì thì nói, thực tế cho thấy,
dân tộc Việt Nam không được như chúng ta thường tự nhận: "Thông minh, cần
cù, chịu khó, có truyền thống hiếu học...", theo kiểu chúng ta không dốt
nhưng cũng chẳng thông minh.
Nếu thông minh thì tại sao GDP bình
quân mới đạt 1000$/người sau 35 năm hòa bình? Thử hỏi các quốc gia như Đức, Nhật,
Ba Lan, Tiệp Khắc bị tàn phá thảm hại sau chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng sau
35 năm họ đã thành cường quốc kinh tế, thu nhập bình quân đạt trên 10.000$/người/năm.
Người thông minh phải biết tìm ra
con đường phát triển ngắn nhất và tối ưu nhất cho dân tộc mình, quê hương mình
và gia đình mình. Người thông minh không nên chờ đợi một lý tưởng từ trên trời
rơi xuống.
Nếu dân tộc Việt thông minh thì tại
sao sau 35 năm vẫn còn đâu đó những chia rẽ vì cuộc chiến, vết thương vẫn chưa
lành hẳn, cho dù vài thế hệ đã được sinh ra và lớn lên.
Người Mỹ và người Nhật với chiến
tranh đẫm máu, nhưng ngay sau chiến tranh đã biết bỏ qua quá khứ đau thương, biến
kẻ thù thành đồng minh, hợp tác cùng phát triển. Người Đức và châu Âu cũng thế.
Xóa bỏ hận thù để hướng tới tương lai là cách nghĩ của những người giầu trí tuệ.
Quốc gia thông minh đương nhiên
lãnh đạo không thể kém. Nếu cách lựa chọn lãnh đạo được làm một cách thông minh
thì sẽ tìm ra người thông minh biết dẫn dắt quốc gia.
Trong chuyến về quê mùa hè
(7-2010), tôi có dịp đi một số miền đất quanh Hà Nội, nơi xa nhất cách thủ đô
160km. Đập vào mắt là đâu đâu cũng là nhà xây cao, trên có chóp, motive giống
nhau đến kỳ lạ, dù miếng đất to hay nhỏ, dài hay ngắn, nhưng nhà xây trên miếng
đất đó nhất thiết phải hình ống.
Người thông minh không thể bắt chước
nhau một cách đơn điệu và cũng không thể lười suy nghĩ đến thế.
Người bạn bảo tôi, đó là tầm nhìn của
người Việt, không có khả năng khai phá những miền đất lạ. Họ rất sợ đi xa, tìm
nơi lạ như dân châu Âu. Dân ta tìm được miếng đất cắm dùi, xây được cái nhà yên
ổn, dù hình ống, mặt tiền 3 mét, chiều sâu 10m, là quá lý tưởng cho một tổ ấm của
4-5 con người sống trong đó.
Kiến trúc đã thế thì giao thông
cũng chả hơn gì. Dân tộc thông minh không thể là một dân tộc mà mạnh ai nấy chạy
trên đường, vô kỷ luật, thấy đèn đỏ vẫn vượt, bóp còi vô tội vạ. Tắc đường lập
tức leo lên vỉa hè, lấn cả sang làn trái, đi ngược chiều.
Dân tộc đầy trí tuệ không tràn lan
cảnh xả rác ra đường, nhổ bậy, đái bậy, chửi thề, nói tục. Đến lễ hội không bẻ
hoa, chà đạp lên cái đẹp. Họ phải là quốc gia giầu truyền thống văn hóa, biết
tôn trọng những giá trị văn hóa, tinh thần đến mức như tín ngưỡng.
Xây nhà nhỏ hình ống, chen chúc
nhau vì người Việt không thích đi xa, ít mở mang với thế giới bên ngoài. Nếu đi
xa cũng chỉ "vừa phải" trong khu vực, ít có tầm chiến lược và tầm
nhìn xa.
Trong lịch sử Việt Nam, có ông Nguyễn
Hoàng vì sợ anh rể Trịnh Kiểm giết, được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên
"Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân"; nghĩa là "Dải Hoành Sơn
có thể dung thân lâu dài". Nguyễn Hoàng nghe theo và lập được nghiệp lớn,
truyền cho con cháu từ đất Thuận Hoá, bắt đầu miền Nam của nước ta từ đó. Bản
thân Nguyễn Hoàng không nghĩ ra chuyện khai phá.
Đường tơ lụa mở mang ra thế giới
bên ngoài đã giúp cho Trung Hoa có nền văn minh rực rỡ. Những cuộc thập tự
chinh của La Mã, Ai Cập, Ba Tư đã làm nên những nền văn minh vì họ biết vượt ra
khỏi lũy tre làng.
Cách đây 500-600 năm, người Hà Lan,
người Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha đã giương buồm đi khắp thế giới để thám hiểm
những miền đất lạ, không sợ hiểm nguy. Mới hiểu tại sao lại có những đảo xa tít
tắp ở giữa Thái Bình Dương lại thuộc một quốc gia ở châu Âu. Và tại sao người
Âu lại đi trước người Á như hiện nay.
Dân tộc ta có trở thành thông minh?
Câu trả lời là có vì từng có nhiều
nhân tài xuất hiện. GS Ngô Bảo Châu vừa nhận giải Fields là một ví dụ rất sống
động.
Trong lịch sử Việt Nam, Trạng trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những người thông minh nhất. Ông có khả năng
tiên đoán được biến cố xảy ra 500 năm sau, được người Trung Hoa tặng "An
Nam lý số hữu Trình Tuyền" và là "nhà tiên tri" số một của Việt
Nam.
Ông đã cho ra đời hàng loạt những lời
tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là "Sấm Trạng Trình". Tương
truyền, ông là người đã đưa ra lời khuyên giúp các nhà Nguyễn, Mạc, Trịnh, Lê tồn
tại vài thế kỷ.
Ngoài chuyện khuyên Nguyễn Hoàng
như đã nói ở trên, nhà Mạc sắp mất cũng sai người đến hỏi ông, ông khuyên vua
tôi nhà Mạc "Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể" (tức Cao Bằng tuy
nhỏ, nhưng có thể giữ được). Nhà Mạc theo lời ông và giữ được đất Cao Bằng gần
80 năm nữa.
Họ Trịnh mượn tiếng thờ nhà Lê
nhưng nắm thực quyền điều hành chính sự, còn nhà Lê nhờ họ Trịnh lo đỡ cho mọi
chuyện chính sự, hai bên nương tựa lẫn nhau tồn tại tới hơn 200 năm. Vì Trạng
Trình đã nói : "Lê tồn Trịnh tại".
Đó là sự tiên tri vượt qua không
gian và thời gian mấy trăm năm.
Kể ra danh sách rất dài, nhưng đất
nước ta vẫn...nghèo. Thông minh mà để nghèo thì chưa phải thông minh.
Người ta cho rằng, người miền Bắc
(Việt Nam) uyên thâm, giỏi sách vở nhưng không thích thử thách. "Anh Bắc Kỳ"
đủ tiền mua 3 tivi. Trước khi mua hỏi bạn bè chán chê, xem giá cả, soi catalog,
mới quyết mua một chiếc. Sự uyên thâm rất cần cho hàng ngũ nghiên cứu, giảng dạy
và lãnh đạo. Nhưng cẩn thận quá mức cần thiết đôi khi trở thành bất cập.
Người miền Trung chịu thương chịu
khó vì miền đất khô cằn. Các cuộc cách mạng thường nổ ra ở đây vì ý chí vươn
lên, muốn thay đổi số phận. Nhưng nghèo quá, chí không thể vượt đi xa. Đưa con
thuyền ra biển lớn cần có cả tri thức, mạo hiểm. Duy ý chí thường làm hỏng mọi
chuyện.
Người miền Nam sống trong thiên
nhiên ưu đãi, thích mạo hiểm, ưa gì là làm luôn. Ra cửa hàng thấy có tivi đời mới,
nếu thích, bê luôn một chiếc, dù trong nhà đã có tới 3 cái. Người mạo hiểm rất
cần cho phát triển kinh tế, nhưng mạo hiểm và ăn chơi như công tử Bạc Liêu cũng
đáng sợ. Và hệ lụy là cũng khó phát triển, khó mà giầu một cách "bền vững".
Một người Việt khó mà có tất cả những
tố chất trên: Uyên thâm, cần cù, có ý chí vươn lên, ưa mạo hiểm. Ba
"Nam" của ba miền ngồi lại với nhau đã làm cho độ thông minh của quốc
gia này giảm đi...rất nhiều (?)
Không phải bỗng nhiên người xưa đã
đúc kết "tam nam bất đồng hành" rồi "tam nam bất phú".
Theo bạn, chúng ta làm thế nào để
Việt Nam "sánh vai với các cường quốc năm châu"?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét